7 hảo hán Thủy Hử ngoại hiệu 'ăn theo' danh tướng: Chỉ 1 người vượt bản gốc
Tiểu Bá Vương Chu Thông
Bá Vương hay Tây Sở Bá Vương là danh xưng của Hạng Vũ (232 TCN - 202 TCN), vốn là anh hùng cái thế trong lịch sử Trung Quốc. Trong Sử ký, Tư Mã Thiên không giấu sự thán phục đối với Hạng Vũ - người đối địch (và về sau thất bại) Lưu Bang – hoàng đế khai quốc nhà Hán. Khi chép Sử ký, Tư Mã Thiên đặt tên "Hạng Vũ bản kỷ", tức đặt Vũ ngang với các hoàng đế Tần Thủy Hoàng, Lưu Bang. Hạng Vũ là chủ đề của nhiều tác phẩm văn hóa tại Trung Quốc, như vở Kinh kịch nổi tiếng “Bá Vương biệt cơ”.
Cuối Đông hán – đầu Tam Quốc, lịch sử Trung Quốc cũng chứng kiến một Tôn Sách – anh hùng xuất thiếu niên. Tiểu Bá Vương Tôn Sách (175-200), đánh Lưu Do, chiếm Cối Kê, đoạt Đan Dương và làm chủ 6 quận Giang Đông khi chưa đầy 25 tuổi, chính là người đặt nền móng quan trọng cho việc hình thành nên “tập đoàn” Đông Ngô.
Thủy hử cũng có một “Tiểu Bá Vương”, ngoại hiệu của Chu Thông. Có điều Chu Thông, đầu lĩnh thứ 87 Lương Sơn Bạc, chẳng có gì để sánh với hai phiên bản siêu đỉnh có thật trong lịch sử, là Hạng Vũ và Tôn Sách cả. Chu Thông chỉ là tay sơn tặc, võ nghệ tầm thường (đấu vài hiệp với Đả hổ Tướng Lý Trung thua lấm lưng trắng bụng). Giữ chức “Bộ quân tướng hiệu”, nhiệm vụ chính của Chu Thông là đi do thám. Kết cục: “Bá vương nhỏ” chết thảm ở ải Độc Tùng bởi tướng Phương Lạp – Lê Thiên Nhuận.
Mỹ Nhiệm Công Chu Đồng
Mỹ Nhiệm Công là một trong những ngoại hiệu của Quan Vũ, danh tướng đệ nhất của Thục Hán. Vai trò lịch sử và tầm ảnh hưởng của Quan Vũ đối với văn hóa Trung Quốc cũng như khu vực Đông Á là vô cùng sâu rộng. Quan Vũ được người dân Trung Quốc tôn vinh là "Võ Thánh", Vũ là vị võ tướng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc có điện thờ riêng tại Đế vương miếu (xây dựng cuối đời Minh), là nhân vật được phong tặng nhiều danh hiệu nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Thủy Hử cũng có một “Mỹ Nhiệm Công”, ngoại hiệu của Chu Đồng. Họ Chu xuất thân phú hộ Sơn Đông, làm Đô đầu mã binh ở huyện vận thành, có vẻ ngoài khá giống Quan Vũ, võ nghệ giỏi, tài dùng trường đao. Chu Đồng là nhân vật khá toàn mỹ của Thủy Hử, tính tình hảo sảng, coi trọng Nhân nghĩa, luôn xả thân vì anh em. Đồng lần đầu xuất hiện ở hồi 13 Thủy hử, lần lượt ra tay cứu giúp bọn Tiều Cái, rồi thả Tống Giang (nhân vụ giết Diêm Bà Tích), sau đó lại thả Lôi Hoành (vụ giết Bạch Tú Anh).
Phân định ngôi thứ “Bến nước”, Chu Đồng ngồi ghế đầu lĩnh thứ 12, là 1 trong 8 đại tiên phong của Lương Sơn. Sau khi triều đình chiêu an, Đồng cùng nghĩa quân Lương Sơn chinh phạt Liêu, Vương Khánh, Điền Hổ và Phương Lạp. Sống sót trở về sau chiến dịch Phương Lạp, Đồng nhậm chức Đô thống chế phủ Bảo Định. Về sau, Đồng tham gia chống Kim dưới trướng Nguyên soái Lưu Quang Thế, được phong Tiết độ sứ quận Thái Bình.
Chu Đồng là nhân vật nhận được sự ưu ái của tác gia Thi Nại Am, có hậu vận thuộc loại tốt nhất trong nhóm 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Nhưng rõ ràng, đặt cạnh “Võ Thánh” Quan Vũ thì phiên bản “Ông râu đẹp” Chu Đồng sao có thể so bì.
Bệnh Uất Trì Tôn Lập - Tiểu Uất Trì Tôn Tân
Uất Trì Kính Đức, tên thật Uất Trì Cung (585-658) là danh tướng – khai quốc công thần nhà Đường. Trí dũng hơn người, Uất Trì Kính Đức góp công lớn giúp Lý Thế Dân củng cố và phát triển nhà Đường. Hình tượng của Uất Trì Cung được lưu truyền trong các câu truyện dân gian mang đậm màu sắc tín ngưỡng tôn giáo của Trung Quốc, được tôn làm Hữu Môn Thần (1 trong 2 vị thần giữ cửa). Trong danh tác Thủy Hử, xuất hiện tới 2 hảo hán có ngoại hiệu “ăn theo” Uất Trì Cung. Chính là cặp anh em ruột Tôn Lập (Bệnh Uất Trì) – Tôn Tân (Tiểu Uất Trì).
Tôn Lập thân cao tám thước, dáng người giống Uất Trì Kính Đức nhưng vì làn da nhợt nhạt nên thường được gọi là Bệnh Uất Trì. Tôn Lập là Đề hạt cai quản binh mã phủ Đăng Châu, thạo thập bát ban võ nghệ, thường cầm trường thương, lưng đeo đôi roi sắt. Tôn Lập chỉ xếp hạng 39 Lương Sơn nhưng bản lĩnh của “Bệnh Uất trì” không hề thua kém bất kì võ tướng hàng đầu Lương Sơn nào, từng đánh hơn 50 hiệp ngang ngửa Hô Diên Chước.
Tôn Tân, em Tôn Lập, học võ từ chính anh trai mình nhưng bản lĩnh thì kém xa. Trước khi cùng anh giải cứu Giải Trân-Giải Bảo rồi làm nội ứng giúp Lương Sơn đánh hạ Chúc Gia Trang, Tôn Tân (cùng vợ Cố Đại Tẩu) quản lý một tửu điếm ở ngoại thành Đăng Châu. Thứ hạng của Tôn Tân ở Lương Sơn cũng gần cuối, đầu lĩnh thứ 100, đảm nhiệm các công việc như dò la tin tức, tiếp tân, đón khách.
Sống sót sau chiến dịch bình Phương Lạp, Tôn Lập cùng vợ chồng Tôn Tân – Cố Đại Tẩu không về triều nhận phong chức mà trở lại quê nhà Đông Châu sống cuộc đời thường dân yên ổn.
Tiểu Ôn hầu Lã Phương
Lã Ôn hầu – Lã Bố (160-199), danh tướng thời Đông Hán, được coi là Chiến thần bậc nhất thời Tam Quốc. Người đời thường nói “Nhân trung Lã Bố, Mã trung Xích Thố” chính là để ca ngợi hai cực phẩm hiếm có nhân gian, là Lã Bố và ngựa Xích Thố. Trên chiến trường, Lã Bố chuyên sử dụng phương thiên họa kích và cưỡi ngựa Xích Thố, chẳng khác nào mãnh hổ tả xung hữu đột, vạn người khôn địch.
Lã Bố “xịn” thì bản lĩnh siêu quần, danh tiếng lẫy lừng, truyền thuyết dân gian nhiều vô kể. Vậy “phiên bản Lã Bố” Thủy Hử thì sao? Trong 108 vị anh hùng Lương Sơn Bạc, người ngồi ghế đầu lĩnh thứ 54, Lã Phương, ngoại hiệu “Tiểu Ôn hầu” chính là bản sao của Chiến thần Lã Bố. Có điều, đây là bản sao… lỗi.
Lã Phương quê Đàm Châu (Hồ Nam ngày nay), có tài múa kích giống Lã Bố khi xưa nên người ta gọi là "Tiểu Ôn Hầu”. Lã Phương vốn là tay buôn thuốc, một lần bị thua lỗ nặng nên ở lại núi Đối Ảnh làm cường đạo. Khi gia nhập Lương Sơn, Lã Phương giữ chức Kiêu tướng mã quân thủ hộ (cùng Quách Thịnh), chuyên bảo vệ Tống Giang.
Lã Phương võ nghệ khá nhưng vẫn kém nhiều so với nhóm Ngũ hổ tướng hay bát đại tiên phong của Lương Sơn, chứ nói gì đến việc so sánh với Chiến thần Lã Bố. Ở trận đánh đèo Ô Long, Lã Phương giao chiến với tướng định Bạch Khâm, rơi xuống núi thiệt mạng.
Trại Nhân Quý Quách Thịnh
Tiết Lễ (613-683) tự Nhân Quý, là danh tướng thời nhà Đường, phục vụ qua 2 triều vua Đường Thái Tông và Đường Cao Tông. Tiết Nhân Quý được lưu truyền trong nhiều giai thoại dân gian, được biết nhiều qua tạp kịch "Tiết Nhân Quý áo gấm về quê", hay tiểu thuyết “Tiết Nhân Quý chinh Đông”... Tiết Nhân Quý mặc bạch giáp tay cầm thiên phương họa kích và cưỡi ngựa trắng là hình tượng gắn liền với danh tướng này trong suốt cuộc đời viễn chinh giúp triều Đường đi đến thái bình hàng thập kỉ.
Thủy Hử của Thi Nại Am có Quách Thịch, quê ở Gia Lăng, vốn là tay buôn thủy ngân. Họ Quách giỏi sử dụng phương thiên họa kích, ra trận thường cưỡi ngựa trắng, mặc áo giáp bạc trông giống danh tướng Tiết Nhân Quý nên được người đời gọi là “Trại Nhân Quý”. Quách Thịnh ngồi ghế đầu lĩnh thứ 55 Lương Sơn Bạc, giữ chức Kiêu tướng Mã quân (cùng Lã Phương), nhiệm vụ bảo vệ Tống Giang.
Trong trận chiến với Phương Lạp, Quách Thịnh tử trận ở đèo Ô Long. Quách Thịnh cũng được cố nhà văn Kim Dung nhắc đến trong tiểu thuyết “Anh hùng Xạ điêu” với tư cách là cụ tổ của nhân vật Quách Tĩnh.
Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh
Lý Quảng (mất 119 TCN), một võ tướng dưới thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, người Lũng Tây, nổi tiếng là biệt tài cưỡi ngựa bắn cung. Sử Ký đánh giá cao tư cách và tài năng của Lý Quảng. Tư Mã Thiên mô tả ông là một người cao lớn, tay dài như tay vượn, tính tình dũng cảm, thanh liêm.
Tuy nhiên, do tính cách hòa đồng và khoan dung (thái quá) với cấp dưới, Lý Quảng trị quân không nghiêm. Thế nên,trong cuộc đời cầm quân Lý Quảng rất ít khi lập công trạng, mà thường thất bại, hao binh tổn tướng. Năm 119 TCN, trong một lần ra trận giao tranh với Hung Nô, Lý Quảng hội quân trễ với các cánh quân khác, nên ông bị đưa ra xét xử. Cho đó là một sự sỉ nhục, Lý Quảng đã tự sát.
Hoa Vinh, đầu lĩnh thứ 10 Lương Sơn Bạc, chính là phiên bản của Lý Quảng được Thi Nại Am nhắc tới trong Thủy Hử. Nhưng khác với đa số các đầu lĩnh sở hữu ngoại hiệu “ăn theo” danh tướng thời trước, “Tiểu lý Quảng” Hoa Vinh vượt xa phiên bản gốc. Lý Quảng danh chấn thời Hán nhờ tài cung nỏ thì Hoa Vinh cũng bắn xuyên mắt nhạn bay trên trời, bắn đứt đôi lá liễu ngoài 100 bước, giết hàng chục tướng địch nhờ “thần tiễn” của mình.
Lý Quảng dũng cảm, thì Hoa Vinh cũng kiêu hùng không kém. Lý Quảng thanh liêm, thương quân như anh em thì Hoa Vinh cương trực, thẳng thắn, hết lòng vì nghĩa. Nhưng trong khi Lý Quảng vẻ ngoài thô lậu thì Hoa Vinh hình dung tuấn tú, tài hoa hơn người. Nếu Lý Quảng đánh trận theo bản năng, phạm nhiều điều tối kị trong binh gia thì Hoa Vinh lại cẩn trọng, mưu trí, nắm rõ đại cục.
Lý Quảng thà tự sát chết chứ không chịu nhục trước sự trách cứ vô lối của triều đình, Hoa Vinh cũng vì tình nghĩa thâm sâu với Tống Giang mà treo cổ tự vẫn cạnh mộ huynh trưởng ở đầm Lục Nhi. Bản lĩnh cung nỏ có thể ngang ngửa, nhưng xét trên tất cả các phương diện khác, Hoa Vinh toàn diện hơn “phiên bản gốc” Lý Quảng bội phần.
Theo Thanh Xuân/Dân Việt
loading...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: 500 anh em trâu rừng quyết tử chiến với con 11 sư tử cướp lại con non và cái kết đầy bất ngờ
CLIP: Cuộc chiến ngoạn mục, bê con đơn độc lật ngược tình thế trước bầy sói
Tại sao Từ Hi được mệnh danh là 'mỹ nhân đẹp nhất nhà Thanh'? Sau khi xem những bức ảnh năm 18 tuổi của bà thì mới rõ
Cứ sau 150 năm, người chết có thể tái sinh? Các nhà khoa học tiết lộ sự thật
Dê trên cao nguyên Tây Tạng: Có thể nhảy và chạy trên vách đá dựng đứng, tại sao không bị rơi?
Một hành tinh rất gần Trái Đất có thể đầy cá đang bơi lội?