Khám phá

Ai là 'cha đẻ' của tên lửa đạn đạo trên thế giới?

Ý tưởng táo bạo của nhà khoa học trẻ nguời Đức đã mở đường cho sự bùng nổ của công nghệ tên lửa đạn đạo.

Cha đẻ công nghệ tên lửa

Theo Day in History, đầu những năm 1930, nhà khoa học trẻ người Đức, Wernher von Braun được cấp bằng tiến sĩ với công trình nghiên cứu “Xây dựng giải pháp lý thuyết và thực nghiệm các vấn đề của tên lửa nhiên liệu lỏng”.

Wernher von Braun, tác giả của dự án nghiên cứu công nghệ tên lửa đạn đạo. Ảnh: Freenet.

Giới lãnh đạo Đức Quốc xã nhìn thấy tiềm năng phát triển vũ khí từ dự án này nên thành lập một phòng nghiên cứu bí mật. Đến cuối năm 1934, nhóm của ông đã phóng thành công 2 tên lửa đạt độ cao 2,2 và 3,5 km.

Braun kết hợp công trình nghiên cứu của Goddard (một nhà vật lý người Mỹ) cùng các tài liệu kỹ thuật khác để phát triển dự án Aggregat A-4 (V-2). Nhưng lúc đó, Adolf Hitler không thật sự ấn tượng với tên lửa. Trùm phát xít cho rằng, nó đơn thuần chỉ là một đạn pháo với tầm bắn xa và tốn kém.

Sự phát triển của tên lửa V-2 gặp khá nhiều khó khăn về kỹ thuật, ở thời điểm đó, dự án được coi là điên rồ. Sau nhiều lần thất bại, ngày 3/10/1942, V-2 phóng thử thành công từ Trung tâm nghiên cứu Peenemunde.

Sự nhiệt tình của các nhà khoa học cuối cùng đã thuyết phục được Adolf Hitler chi tiền cho dự án. Mặt khác, quốc trưởng Đức Quốc xã cần một “vũ khí kỳ diệu” để duy trì tinh thần quân đội. Khoảng 5.000 tên lửa V-2 được sản xuất và đưa vào sử dụng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Tính năng vượt thời gian

V-2 là tên lửa đạn đạo nhiên liệu lỏng một giai đoạn, sử dụng hỗn hợp ethanol và oxy lỏng. Hai thành phần nhiên liệu được bơm vào buồng đốt chính thông qua 1.224 vòi phun. Động cơ chính có thời gian cháy liên tục khoảng 65 giây. Nó sẽ đưa tên lửa lên độ cao 80 km cách mặt đất.

V-2 đã mở đường cho sự bùng nổ của công nghệ tên lửa đạn đạo. Ảnh: Wikipedia.

Tên lửa hoạt động theo nguyên lý phương trình chuyển động tự do trong trường trọng lực. Quỹ đạo của tên lửa càng cao, tầm bắn càng xa. Đây cũng là nguyên tắc hoạt động của các loại tên lửa đạn đạo trên thế giới hiện nay.

V-2 có 4 vây lái ở đuôi cùng 4 vây khác ở miệng xả của động cơ. Tên lửa được dẫn hướng bằng con quay hồi chuyển. Tên lửa có tầm bắn khoảng 320 km mang theo đầu đạn nặng khoảng một tấn.

Từ tháng 9/1944 đến khi Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc, khoảng 3.000 tên lửa V-2 đã được phóng vào các mục tiêu ở Anh, Pháp khiến 3.800 thường dân thiệt mạng. Hiệu quả tác chiến không cao do kém chính xác, nhưng sự tham chiến của nó khiến phe Đồng minh hoang mang.

Mở màn cuộc đua công nghệ tên lửa

Khi Đức Quốc xã bị đánh bại, Mỹ và Liên Xô đều tìm cách thu thập tài liệu kỹ thuật của V-2 nhằm phục vụ quá trình phát triển vũ khí của họ.

RS-24 Yars (ảnh) là tên lửa đạn đạo liên lục địa đáng sợ nhất thế giới của Nga. Ảnh: Wallpaperup.

Khi tiến vào Berlin, Liên Xô thu được 30 tên lửa V-2 cùng một số nhà khoa học làm việc cho dự án. Tháng 10/1946, những kỹ sư của Đức được đưa vào làm việc tại một trung tâm nghiên cứu đặc biệt gần Moscow.

Tháng 4/1947, Liên Xô phát triển thành công tên lửa đạn đạo R-1 dựa trên bản thiết kế của V-2. Từ bản thiết kế V-2 của Đức kết hợp với sự sáng tạo của các nhà khoa học, Liên Xô đã phát triển công nghệ tên lửa đạt mức độ hàng đầu thế giới.

Ngày nay, RS-24 Yars của Nga được giới quân sự thế giới đánh giá là tên lửa đạn đạo liên lục địa đáng sợ nhất thế giới.

Với Mỹ, trước khi chiến tranh kết thúc, họ đã thực hiện một chiến dịch tuyển dụng các nhà khoa học Đức Quốc xã vào làm việc cho các dự án nghiên cứu vũ khí, trong đó có Wernher von Braun (năm 1960, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Trung tâm nghiên cứu bay không gian Marshall, thuộc NASA).

Năm 1952, tên lửa đạn đạo PGM-11 Redstone, bản sao trực tiếp của V-2 do các nhà khoa học Đức chế tạo thành công tại Mỹ.

Bản thiết kế và công nghệ của V-2 và các nhà khoa học xuất sắc được tuyển chọn trên khắp thế giới đã đưa công nghệ tên lửa của Mỹ đạt đỉnh cao của thế giới. V-2 cũng tạo ra cuộc chạy đua công nghệ tên lửa khốc liệt trong những năm Chiến tranh Lạnh và đến ngày nay.

Theo Đức Hải/Zing
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo