An Giang: Ly kỳ chuyện dinh Đá Nổi
Vì Sao không làm đường thẳng tắp lên đỉnh núi? / 1001 thắc mắc: Vì sao cua lại nhả bọt, loại cua nào khủng nhất thế giới?
Lịch sử dinh Đá Nổi
Qua trao đổi với các thành viên Ban Quản lý (BQL) dinh Đá Nổi, tôi mới hiểu được lịch sử hình thành khá đặc biệt của nơi này. Trước đây, vùng này là chốn lâm địa với cây hoang, cỏ dại tràn lan. Tại vị trí dinh hiện nay có một gò đất lạng nên người dân hay đến đây “cầm” trâu bò để nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, họ thấy trâu bò rất sợ sệt, không dám ở lại gò đất nên nghĩ là chốn linh thiêng liền dựng một cái lều tạm để thờ cúng. Về sau, người dân quyết định dựng dinh hẳn hoi để việc thờ cúng được trang trọng hơn. Với ý định cất dinh ở vị trí cao ráo, họ đã đào đất đắp gò.
Trong quá trình đào, mọi người phát hiện nhiều cây gỗ có đục lỗ sẵn, giống như phục vụ cho việc xây dựng công trình và rất nhiều chén dĩa chôn vùi dưới lòng đất. Nghĩ chốn này xưa kia là nơi ở của “quan đàng cựu” nên người dân vẫn tiếp tục dựng dinh thờ cúng dù, không khẳng định được ai là chủ của khu đất này. Số gỗ tìm được trong quá trình đào đất họ chất lên gò cạnh dinh thờ.
Dinh Đá Nổi được trùng tu khang trang từ năm 2015
Câu chuyện đó diễn ra cách đây trên 70 năm mà người chứng kiến đến nay chẳng còn mấy ai. Những thành viên trong BQL dinh Đá Nổi tuy tóc đã ngã màu cũng chỉ nghe kể lại. Theo lời kể, học giả Nguyễn Văn Hầu trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương đã có lần về dinh Đá Nổi.
Qua nghiên cứu bản đồ khu vực chiến đấu của Quản cơ Trần Văn Thành và nghĩa binh Gia Nghị, học giả này cho biết, vị trí dinh trùng khớp với nơi đặt kho lương thảo của cuộc kháng chiến. Từ đó, người dân địa phương đã lập bàn thờ Quản cơ Trần Văn Thành để hương khói cho đến ngày nay.
Năm 2015, BQL dinh Đá Nổi đã xin phép chính quyền địa phương để trùng tu di tích này và được chấp thuận. Các thành viên trong BQL đã góp kinh phí khoảng 480 triệu đồng khởi công xây dựng dinh. Về sau, du khách đến cúng viếng đã đóng góp thêm để nối dài các hạng mục trùng tu, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng.
Ly kỳ tên gọi dinh Đá Nổi
Dù chưa được công nhận là di tích lịch sử, nhưng dinh Đá Nổi vẫn thu hút sự quan tâm của du khách. Về tên gọi, dinh Đá Nổi luôn gợi sự tò mò cho những ai từng nghe qua. Nguyên nhân là cách vị trí dinh chừng 200m có một mảnh ruộng.
Trên mảnh ruộng ấy có một tảng đá to hình cầu nổi lên mặt đất. Người dân địa phương nhiều thế hệ vẫn không thể lý giải vì sao giữa vùng đất đồng bằng lại có hòn đá nổi lên như thế. Trải qua biến động của thời gian, hòn đá vẫn không dịch chuyển đi đâu.
Theo lời truyền miệng của người dân thì hòn đá khi được phát hiện còn khá nhỏ và nó dần lớn lên theo thời gian hệt như đá “sống” trên các ngọn núi. Về việc này, ông Nguyễn Văn Tuấn (Phó Trưởng BQL dinh Đá Nổi) khẳng định, không thấy hòn đá lớn lên từ khi ông biết nó đến nay.
Người dân địa phương xem hòn đá là vật linh thiêng và lấy tên Đá Nổi đặt cho dinh. Họ lập bàn thờ cúng hòn đá như một dạng tín ngưỡng ông Tà trong văn hóa Khmer. Có người còn cầu nguyện những điều mong ước trong cuộc sống ...
Cận cảnh hòn đá nổi mang huyền thoại ly kỳ
Muốn thấy tận mắt, sờ tận tay “linh vật” tạo nên tên gọi dinh Đá Nổi, tôi đã đi đến nơi có hòn đá huyền thoại này. Từ dinh đi đến chỗ hòn Đá Nổi phải qua một chiếc cầu treo bắc qua con rạch nhỏ rồi lội ruộng thêm vài trăm mét. Quả thật, có một hòn đá nổi trên mặt ruộng, tròn tựa quả cầu.
Người ta xây hẳn đoạn đường ra chỗ hòn đá để du khách dễ đi. Hòn đá nổi cũng được bao bọc trong một vòng thành bằng xi măng. Ánh nắng trưa hắt xuống mặt ruộng làm không khí trở nên gay gắt hơn. Đi cùng tôi có vài người dân ở tận huyện Châu Thành lên để xem hòn đá.
Sau một hồi xem xét, tôi trao đổi với những du khách này và được biết họ từng đến đây nhiều lần. Mỗi lần đến, họ thấy hòn đá có “lớn lên” thật. Vì mới đến lần đầu nên tôi không khẳng định được việc này, chỉ thấy những người đi cùng khá trang trọng khi đến tham quan hòn đá vì họ nói có thờ ắt sẽ có thiêng!
Trở lại dinh Đá Nổi, tôi vào tham quan khu chánh điện. Trên bàn thờ nghi ngút khói hương là bức ảnh của Quản cơ Trần Văn Thành. Trên vách chánh điện có treo các bức tranh nói về lịch sử của Đức Cố Quản, từ những ngày làm quan triều Nguyễn cho đến khi thọ giáo với Phật Thầy Tây An rồi dấy binh chống Pháp. Tất cả đã nhắc nhở những ai đến đây về tinh thần yêu nước, giáo dục lòng tự hào dân tộc để xứng đáng với sự hy sinh của tiền nhân.
Dù chỉ là di tích dân gian nhuốm màu huyền thoại, nhưng dinh Đá Nổi thực sự là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm hiểu một phần lịch sử liên quan đến Quản cơ Trần Văn Thành. Qua đó, hiểu rõ hơn về cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa hào hùng và tận hưởng nét đẹp thanh bình, mộc mạc của đồng quê xung quanh dinh Đá Nổi.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tại sao rắn lại sợ lươn? Hé lộ khả năng đặc biệt của lươn
Vớ được khối bầy nhầy bẩn thỉu, người đàn ông không ngờ đây là báu vật 35 tỷ giúp mình đổi đời sau một đêm
Để giải quyết những vấn đề 'sinh lý', người xưa đã phát minh ra một căn phòng như vậy, địa vị phụ nữ thấp đến đáng thương
Long bào của Tần Thủy Hoàng là màu đen, vì sao sau này không có hoàng đế nào dám mặc? Lý do rất thực tế
CLIP: Chó nhà hăng máu khiêu chiến rắn hổ mang và cái kết gây 'sốc'
CLIP: Cuộc đối đầu nảy lửa giữa chó Pitbull và cá sấu, cái kết đầy bất ngờ