Khám phá

Ảnh quân giải phóng Việt Nam khiến phương Tây bừng tỉnh

Bức ảnh các chiến sĩ Việt Nam xuất hiện trên bìa Tạp chí Life , ngày 16/2/1968 là một sự kiện chấn động phương Tây.

'Đánh lộn tập thể', đàn sử tử bị trâu rừng lùa chạy 'tóe khói' / Tới nơi mà các loài rắn đi lại hàng đàn tại Việt Nam

Kèm theo đó là phóng sự ảnh: “Một ngày đặc biệt ở Huế: Đối phương cho tôi chụp ảnh”.

Phóng sự ảnh đó là của nhà báo phương Tây đầu tiên được chụp ảnh bộ đội chủ lực miền Bắc đóng bên kia chiến tuyến. Nữ nhiếp ảnh gia người Pháp Ka-thơ-rin Lơ-roi (Catherine Leroy), làm cho Hãng thông tấn Mỹ AP, kể chuyện cô cùng nhà báo Pháp Phrăng-xoa Ma-duya (Francois Mazure) của Hãng thông tấn Pháp AFP, đi vào thành phố Huế lúc đó do Quân giải phóng kiểm soát. Tại đây, họ đã có được cơ hội chụp những bức ảnh ấn tượng của cuộc chiến.

Bìa Tạp chí Life số ra giữa tháng 2-1968: Bộ đội Việt Nam tại một căn cứ kiên cố chiếm được (của phe Mỹ) tại Huế.

Từ trái sang: Vào vùng đối phương (phe cách mạng) kiểm soát tại Huế, Ka-thơ-rin gặp nhiều dân thường trú ẩn trong một nhà thờ; Một người lính thông tin Bắc Việt Nam dùng bộ đàm Mỹ; Bộ đội được vũ trang bằng súng trường do Liên Xô sản xuất, và súng phóng lựu của Mỹ.

Một khoảng nghỉ căng thẳng giữa hai trận đánh, ý nói trận chiếm và phòng thủ tại Huế. Ảnh của Tạp chí Life.

Những anh hùng vô danh

Đi vào trận địa Quân giải phóng ở Huế, các nhà báo Pháp thoạt đầu bị bắt giữ do ngôn ngữ bất đồng. Ka-thơ-rin nhận thấy bộ đội Việt Nam có vẻ rất bình tĩnh. Khi ấy, máy bay chỉ điểm và máy bay ném bom của Mỹ nhào lộn trên đầu, khiến các nhà báo Pháp phải tìm chỗ ẩn nấp, nhưng những người lính cách mạng vẫn có vẻ không hề lo lắng.

Rồi hai phóng viên phương Tây được đưa về sở chỉ huy của một đơn vị bộ đội đóng trong nhà của một người Pháp. Cuộc hội ngộ giữa những người đồng hương thật xúc động, Ka-thơ-rin kể tiếp trong phóng sự trên Tạp chí Life:

 

Trong khi chúng tôi ngồi nói chuyện, một người lính mới xuất hiện. Anh ta tự giới thiệu là một sĩ quan Bắc Việt Nam. Anh ta khoảng 25 tuổi, mang một khẩu súng ngắn và anh ta trông kiên quyết, giống như một số sinh viên đại học Việt Nam mà ta có thể gặp ở Pa-ri (những năm 1950-1960). Khi vợ của người Pháp kiều bảo anh ta chúng tôi là ai, anh ra lệnh cho những người lính của mình cởi trói cho chúng tôi. Sau đó, người sĩ quan Việt Nam yêu cầu chúng tôi kiểm lại hành trang, để tin tưởng chắc chắn rằng không có thứ gì bị thất lạc.

Nhờ vợ của người Pháp kiều dịch lại, viên sĩ quan trẻ thông báo với chúng tôi rằng, họ đã chiếm được Cố đô, một điều rõ ràng là sự thật, họ (phe cách mạng) đang thắng ở khắp nơi, họ đang giải phóng toàn miền Nam.

Khi chúng tôi hỏi, có thể chụp ảnh được không, người sĩ quan đồng ý ngay và đưa chúng tôi ra ngoài. Anh ta có vẻ vui, và trên thực tế, đã cư xử như một sĩ quan thông tấn mà chúng tôi gặp trong các đơn vị quân đội phương Tây. Còn bộ đội của anh ta cũng thấy hài lòng với ý tưởng là họ được chụp ảnh. Tại khu vườn của một ngôi nhà bên cạnh, tôi chụp một số người lính trẻ ngồi trên thành chiếc xe tăng Mỹ. Tôi nghĩ, không chắc họ đã biết cách lái chiếc xe tăng này, nhưng họ đều tươi cười với tư thế của một quân đội chiến thắng.

Chỉ có một người không muốn chúng tôi chụp ảnh anh ta. Đó là người lính được trang bị một máy điện đài của Mỹ. Khi thấy chúng tôi chụp ảnh mình, người lính thông tin này đã đòi chúng tôi đưa tấm phim vừa chụp cho mình…

Chiến sự trở nên ngày một dữ dội hơn. Tại bất cứ thời điểm nào, quân chính phủ (quân Việt Nam cộng hòa) hoặc quân Mỹ đều có thể tới, và chúng tôi có thể rơi vào giữa hai luồng đạn. Khi chúng tôi quay lại căn nhà của người Pháp kiều, Phrăng-xoa nhận định: “Vâng, chúng tôi cần phải quay về Pa-ri với phóng sự của mình, cần phải đi ngay”.

 

Người sĩ quan Việt Nam không phản đối. Người Pháp kiều rút thuốc lá mời Phrăng-xoa và người sĩ quan cùng hút. Sau đó, tất cả chúng tôi bắt tay nhau vui vẻ, nói lời tạm biệt và chúc may mắn với gia đình người Pháp kiều. Và cùng với một người dẫn đường người Việt còn trẻ, chúng tôi khởi hành. Quay đầu lại, chúng tôi thấy người Pháp kiều đứng bên vợ và hai con gái nhỏ, chầm chậm vẫy tay tiễn chúng tôi. Mắt người Pháp kiều đẫm lệ…".

Ka-thơ-rin Lơ-roi viết, có khoảng 2000 quân Việt Cộng cố thủ trong thành Huế và số dân thường kẹt trong vùng có chiến sự khoảng 4000 người, chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em. Ka-thơ-rin Lơ-roi cho biết, sau khi trở về chiến tuyến của phía Mỹ, đã phải chạy tới nài nỉ một viên sĩ quan Mỹ, để xe tăng Ontos, còn gọi là Kẻ hủy diệt của lính thủy đánh bộ Mỹ không tiếp tục bắn vào ngôi nhà thờ đạo Thiên chúa và các căn nhà nơi có nhiều dân thường đang trú ẩn, chính tại địa bàn ngày hôm trước, cô và người phóng viên AFP từng gặp bộ đội Việt Nam.

Hiệu ứng sau Tết Mậu Thân

Hôm nay nhìn lại, dù chỉ là vài “chấm phá” vội vã, nhưng những bức ảnh Ka-thơ-rin Lơ-roi chụp bộ đội Việt Nam tháng 2/1968 đã góp phần làm phương Tây bừng tỉnh. Đây không phải là một đội quân cuồng tín, duy ý chí, người máy... mà là một quân đội chiến đấu với niềm tin vào sự nghiệp chính nghĩa.

Giới phê bình quốc tế cho rằng, Ka-thơ-rin Lơ-roi có cơ hội chụp những bức ảnh "vô tiền khoáng hậu" về những ai “đứng bên kia chiến tuyến”, giúp nữ nhiếp ảnh gia trẻ này nhanh chóng trở thành một tên tuổi trong số phóng viên chiến trường phương Tây thời đại Việt Nam (Vietnam era 1955-1975). Trên thực tế, ước mơ của cô gái Pháp tuổi đôi mươi, khi sang Nam Việt Nam (1966) là “tạo cho cuộc chiến tranh một khuôn mặt con người” đã thành hiện thực vào giai đoạn Tết Mậu Thân 1968. Trước đó, nhiều bức ảnh Ka-thơ-rin chụp lính Mỹ trong tác chiến cũng có tác dụng mãnh liệt tố cáo chiến tranh phi nghĩa, như “Người cứu thương Mỹ trong đau đớn”.

 

Rời Việt Nam năm 1968 sang Mỹ, Ka-thơ-rin Lơ-roi đã quay và làm đạo diễn bộ phim Chiến dịch Tuần tra cuối cùng, nói về quá trình từ một lính Mỹ ở Việt Nam trở thành nhà hoạt động chống chiến tranh nổi tiếng, Rôn Cô-vích (Ron Kovic), phát hành năm 1972. Bộ phim thời sự này phản ánh đỉnh cao của phong trào phản chiến ở Mỹ thời kỳ Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc Việt Nam bằng không quân. Ka-thơ-rin quay lại Việt Nam năm 1975 để chụp hình sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn.

Cùng với những bức ảnh xuất sắc khác về đề tài chiến tranh, Ka-thơ-rin Lơ-roi đã giành được các giải thưởng lớn như Gioóc-giơ Poóc-cơ (George Pork, 1967) và trở thành người phụ nữ đầu tiên đoạt huy chương Rô-bớt Ca-pa Gôn-lơ (Robert Capa Gold, 1976) do “những phóng sự ảnh ở nước ngoài đòi hỏi sự dũng cảm vô song và táo bạo".

Năm 2005, Ka-thơ-rin Lơ-roi xuất bản cuốn sách nổi tiếng Dưới làn đạn: Các nhà nhiếp ảnh và nhà văn lớn ở Việt Nam, viết về các phóng viên ảnh, phóng viên chiến trường phương Tây tại miền Nam Việt Nam trong chiến tranh. Cuốn sách được độc giả phương Tây đánh giá cao...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm