Tới nơi mà các loài rắn đi lại hàng đàn tại Việt Nam
Phát hiện khẩu thần công Minh Mạng bên bờ sông Hồng / Ngắm 'mùa muối Việt' tuyệt đẹp trên National Geographic
Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) ẩn mình trong những rặng núi đá vôi hùng vĩ. Nơi đây là đất sống của những loài rắn kỳ lạ. Có loài có sừng trên đầu, có loài cực độc và có loài sinh con xong mẹ chết liền, có loài sống trong hang động với bóng tối… Đây thực sự là vương quốc của các loài rắn.
Đến với vương quốc rắn
Theo một tài liệu chưa công bố chính thức của một nhà nghiên cứu bò sát lưỡng cư ở Phong Nha - Kẻ Bàng, ở đây có đến hơn 150 loài rắn, chiếm hơn 1/2 số lượng loài rắn của toàn Việt Nam. Phong Nha - Kẻ Bàng nhiều rắn đến nỗi nó được gọi là “đế chế” rắn dưới những rặng núi đá vôi. Dường như đi vào khu rừng nào cũng bắt gặp hàng chục cá thể rắn có mặt trên cây lẫn dưới mặt đất.
Tiến sĩ Thomas Ziegler, nhà khoa học hàng đầu của vườn thú Cologne (CHLB Đức), người tìm ra 150 loài bò sát lưỡng cư trong đó có nhiều loài rắn mới nhận xét: “Phong Nha - Kẻ Bàng là vương quốc của nhiều loài. Với rắn, đó là nơi lý tưởng để chúng sinh tồn, săn mồi và kết bạn”.
Một đôi rắn hổ mang chúa tại khu vực núi đất Phong Nha - Kẻ Bàng. Đây là loài rắn cực kỳ quý hiếm bởi chúng bị săn lùng ráo riết. |
Nhà nghiên cứu sinh học trẻ Đặng Ngọc Kiên đến từ Trung tâm khoa học Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: “Tiềm năng tìm kiếm các loài rắn đặc hữu hẹp ở đây là rất lớn bởi mật độ rắn xuất hiện rất nhiều, đặc biệt vào ban đêm”.
Nơi dày đặc nhất có lẽ là khu vực rừng núi U Bò. Nhiều người đi rừng ở khu vực đường Hồ Chí Minh (Tây Trường Sơn) từng lạnh người khi chứng kiến hàng ngàn con rắn vượt đường từ cánh rừng này sang cánh rừng khác. Theo các kiểm lâm, những lúc tuần rừng họ cũng từng bắt gặp cảnh tượng này.
Tại Phong Nha - Kẻ Bàng, giới nghiên cứu đã có nhiều phát hiện độc đáo về rắn. Nhà khoa học Thomas Ziegler đã phát hiện những loài rắn mới ở đây như rắn lục vảy lưng ba gờ (Triceratolepidophis sieversorum - năm 2000), rắn mai gầm Thành (Calamaria thanhi - năm 2005), rắn sãi an-đờ-ri (Amphiesma andreae), thằn lằn bóng (Lygosoma boehmei - năm 2006), rắn má Smithi (Fimbrios smithi)…
Loài rắn tự biến hình thành màu đất để ngụy trang khi đi săn mồi hoặc gặp nguy hiểm. |
Chiến binh oai hùng và loài rắn tuẫn tiết
Ở Phong Nha - Kẻ Bàng có loài rắn hổ mang chúa được gọi là vua của loài rắn. Người A Rem xem loài rắn này là chiến binh oai hùng của rừng xanh, gặp chúng tất cả các loài động vật khác dù có hùng mạnh mấy cũng phải tránh xa. Vũ khí của rắn hổ mang chúa chính là nọc độc có thể giết chết ngay cả một con voi to tướng, Đinh Nê - người từng bắt rắn ở Phong Nha - cho biết.
Theo Đinh Nê, rắn hổ mang chúa là loài ăn thịt tất cả những loài rắn chúng gặp được, thậm chí ăn thịt cả những con rắn hổ mang chúa khác. Những con trưởng thành thường dài đến 5m và có tuổi thọ hơn 30 năm.
Rắn hổ mang mẹ trên tổ của mình. |
Mùa làm tổ, loài rắn này biết cách tránh lũ rất thông minh. Chúng giao phối xong, con cái phải bỏ đi thật nhanh nếu không sẽ bị con đực quay ra ăn thịt. Khi tìm được rừng cây nhiều tre nứa, rắn hổ mang chúa cái dùng thân quấn từng đụn lá khô vào, tạo thành một cái tổ có đường kính chân rộng đến 2m, cao đến 1m, nó trườn vào giữa, tạo ra một ổ nhỏ và đẻ trứng. Đinh Nê cho biết, theo kinh nghiệm dân gian của người A Rem thì rắn hổ chúa thường đẻ từ 34 - 40 trứng, con mẹ ấp khoảng 3 tháng sau đó rời tổ và những rắn con ra đời.
Vì là loài rắn có bản năng ăn tất cả các loài rắn nên rắn hổ mẹ khi ấp đủ ngày, nó thường bỏ tổ ra đi bởi chúng sợ sẽ giết hại con của chúng. Lũ con của chiến binh hổ mang chúa khi nở ra tản mát khắp nơi và bắt đầu quá trình sinh sống khắc nghiệt. Muốn trở thành hùng mạnh như thế hệ bố mẹ, chúng phải sinh tử nhiều phen và những lứa con nở ra rất hiếm khi sống được đầy đủ mà thường chết khá nhiều bởi những loài săn rắn hoặc những con rắn hổ mang chúa to hơn.
Vẻ hùng dũng của hổ mang chúa lần đầu tiên ra khỏi vỏ trứng. Tuy còn nhỏ nhưng chúng đã có uy lực của một chiến binh rừng xanh. |
Cạnh loài rắn muốn ăn thịt cả con thì có loài rắn khác lại tuẫn tiết vì con. Ấy là rắn cổ cò. Đầu của loài rắn này như đầu cò nên nó được đặt tên như thế, tên khoa học là Ahaetullaprasina. Loài rắn này khi đẻ trứng xong liền chết ngay bên cạnh. Các nhà khoa học cho đến nay vẫn chưa giải thích được vì sao loài rắn này chết sau khi sinh.
Người A Rem cho rằng, hành vi ấy là vì con cái. Con mẹ chết đi để lúc con non nở ra chừng 20 ngày sau đó có thức ăn bữa đầu khi chưa quen với thế giới đầy hiểm nguy bên ngoài. Người Ma Coong ở xã Thượng Trạch lại có cách lý giải khác là do rắn mẹ hết sức, bao nhiêu sức lực của nó đã dồn vào những quả trứng và vượt cạn nên đẻ xong bị đuối sức mà chết.
Ở Phong Nha - Kẻ Bàng còn có những loài rắn biết đổi màu hình thể bên ngoài để thích nghi với màu của tự nhiên tránh hiểm nguy rình rập. Ở vương quốc rắn Phong Nha - Kẻ Bàng, các nhà khoa học khẳng định còn rất nhiều loài rắn mới chưa được phát hiện, khám phá bởi di sản này còn rất nhiều nơi chưa có dấu chân người tìm đến.
Rắn ở Phong Nha - Kẻ Bàng đã theo chân các nhà khoa học hiện diện ở các bảo tàng động vật học lừng danh thế giới như Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Geneva, Thụy Sĩ (MHNG); Bảo tàng Lịch sử tự nhiên quốc gia Paris, Pháp (MNHN); Bảo tàng Alexander Koenig (ZFMK), Bonn, Germany; Viện Khoa học Nga, Viện Động vật (ZISP), St. Petersburg, Nga...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Việt Nam xuất hiện thêm 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới, tỉnh nắm giữ trữ lượng lớn nhất có 1/3 diện tích nằm trên 'mỏ vàng' này
Bộ lạc nguyên thủy nhất thế giới, nơi phụ nữ cả đời không tắm bằng nước 1 lần nào
Trong Tây Du Ký, tại sao yêu quái dám ăn Đường Tăng để trường sinh bất tử mà không dám trộm quả nhân sâm của Chân Nguyên Đại Tiên?
Khách sạn làm bằng muối duy nhất trên thế giới không ngại nắng mưa nhưng không thể chấp nhận hành vi này của du khách
Bộ lạc nguyên thủy bậc nhất thế giới: Chuyên ăn thịt khỉ, ngón chân chỉ có 1 đốt
Dọn đồ đạc của ông nội và đào ra chiếc 'thớt cổ' hàng trăm năm tuổi, sau khi được chuyên gia thẩm định, chàng trai trở nên giàu có chỉ sau một đêm