Bắc Môn - Dấu tích lịch sử bi hùng
Phát hiện hộp sọ có niên đại cổ xưa nhất ngoài châu Phi / Trái Đất nóng lên đã làm thay đổi quần thể thực vật tại Pháp
Trêncon phố Phan Đình Phùng ở Hà Nội rợp bóng cây xanh, có một công trình kiến trúc cổ uy nghiêm trầm mặc, mang đầy dấu tích thời gian. Đó là Bắc Môn - cửa bắc của thành cổ Hà Nội. Thủ đô giờ đã có nhiều đổi thay, tòa thành xưa chỉ còn trong ký ức, nhưng sự hiện diện của Bắc Môn - cửa thành duy nhất còn lại đã trở thành biểu trưng cho một phần lịch sử Thăng Long - Hà Nội, với những giá trị văn hóa - lịch sử trường tồn.
Thăng Long nghìn năm binh biến phù trầm
Năm 1010, Thái tổ Lý Công Uẩn ra chiếu dời đô, chuyển kinh đô Đại Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) về Đại La và đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long - cái tên đẹp thể hiện nhiều khát vọng. Thành Thăng Long được xây dựng trên cơ sở thành Đại La cũ, phía bắc và phía tây giáp Hồ Tây và sông Tô Lịch, phía đông mở về hướng sông Hồng. Tới thời Trần và thời hậu Lê, về cơ bản thành Thăng Long vẫn phát triển trên cơ sở thành cũ nhưng thay đổi nhiều hạng mục kiến trúc trong Hoàng thành. Tới thời Tây Sơn và thời Nguyễn, kinh đô chuyển vào Phú Xuân (Huế), thành Thăng Long bắt đầu thời kỳ không bình yên.
Cửa Bắc thành Hà Nội xưa giờ nằm bên hè phố Phan Đình Phùng. |
Từ xa xưa dân gian đã lưu truyền câu “Thăng Long phi chiến địa”, nghĩa là Thăng Long không phải đất của chiến sự. Nhưng thực tế Kinh thành Thăng Long đã trải qua bao binh biến thăng trầm, là chiến trường ác liệt của cả nội chiến và ngoại xâm. Suốt từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XIX, Thăng Long đã trải qua nhiều cuộc chiến, kinh thành bị phá hủy rất nhiều.
Năm 1805, do Thăng Long không còn là kinh đô, vua Gia Long đã hạ chiếu phá Hoàng thành Thăng Long, xây dựng thành mới theo kiến trúc thành Vauban - một kiểu thành lũy quân sự đương thời của phương Tây. Thành mới mang tên Bắc thành, có quy mô nhỏ hơn nhiều so với thành Thăng Long. Năm 1831, vua thứ hai của nhà Nguyễn là Minh Mạng cho đổi tên Thăng Long thành tỉnh Hà Nội. Bắc thành có tên là thành Hà Nội.
Hai vết đạn đại bác của quân Pháp bắn từ tàu chiến dưới sông Hồng vào cổng thành trong trận đánh chiếm thành Hà Nội ngày 25/4/1882. |
Bên cạnh cổng thành, nơi nối liền với tường thành. Hiện tất cả tường thành và lối lên đã bị phá hủy. Một cầu thang thép được dựng lên để có thể đi lên mặt cổng thành. |
Dù thành Hà Nội chỉ còn là lỵ sở trấn Bắc thành nhưng dân gian vẫn quen gọi là Thăng Long. Cũng vì sự giao thoa và chồng lấn của kiến trúc cùng các tầng văn hóa, sau này cái tên “Thành cổ Hà Nội” được hiểu là Kinh thành Thăng Long dưới các thời Lý - Trần - Lê và thành Hà Nội thời Nguyễn.
Dấu tích bi hùng
Năm 1873, quân Pháp đánh chiếm thành Hà Nội lần thứ nhất. Soái phủ Nam Kỳ phái đại úy Francis Garnier đem lực lượng tinh nhuệ ra Hà Nội. Garnier đưa ra nhiều yêu sách nhưng không được Tổng đốc Hà Nội Nguyễn Tri Phương đáp ứng. Đêm 19 rạng ngày 20-11-1873, quân Pháp bất ngờ đánh úp thành Hà Nội. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị bắt. Con trai ông - Phò mã Nguyễn Lâm trúng đạn pháo tử trận, thành Hà Nội thất thủ. Giữ vững khí tiết anh hùng và lòng trung với nước, Tổng đốc Nguyễn Tri Phương tuyệt thực và mất ngày 20 -12-1873.
“Vọng lâu” có dạng Phương đình được phục dựng lại trên mặt cổng thành. Nơi đây đặt bài vị và tượng thờ hai tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu - những người anh hùng đã hy sinh khi đánh giặc để giữ thành Hà Nội. |
Nội thất “Vọng lâu”, và là điện thờ. |
Năm 1882, quân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai. Sau khi đưa quân từ Sài Gòn theo đường thủy tiến về thành Hà Nội, quân Pháp đóng ở Đồn Thủy trên sông Hồng. Sáng sớm ngày 25-4-1882, Đại tá Hải quân Henri Rivière đưa tối hậu thư yêu cầu Tổng đốc Hoàng Diệu dâng thành và thực hiện các yêu sách, song Tổng đốc Hoàng Diệu và quan quân vẫn quyết tử giữ thành. Đúng 8h15 ngày 25-4-1882, quân Pháp bắt đầu tấn công, áp sát thành Hà Nội. Quân dân Hà Nội đã chiến đấu anh dũng khiến quân Pháp phải rút lui để củng cố lực lượng.Trong lúc chiến sự ác liệt, kho thuốc súng trong thành bỗng nổ tung. Quân Pháp thừa cơ tràn vào thành. Trong tình thế ác liệt đó, Tổng đốc Hoàng Diệu vẫn bình tĩnh chỉ huy chiến đấu. Khi biết không thể giữ được thành nữa, ông cho tướng sĩ giải tán để tránh thương vong, sau đó ông thảo tờ di biểu tạ tội gửi vua Tự Đức và triều đình rồi ra trước Võ Miếu tuẫn tiết.
Tượng đồng Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hoàng Diệu. |
Năm 1888, triều đình Nguyễn chính thức nhượng Hà Nội cho Pháp. Sau khi chiếm xong Đông Dương, người Pháp chọn Hà Nội là thủ phủ và bắt đầu công cuộc quy hoạch xây dựng thành phố theo kiểu châu Âu. Thành Hà Nội bị phá để lấy đất xây dựng các công sở, trại lính. Hầu hết các kiến trúc cũ đều bị phá hủy. Riêng Bắc Môn ngoài việc làm điểm quan sát về phía bắc, người Pháp đồng thời còn giữ lại như một chứng tích chiến tranh nhằm phô trương sức mạnh quân sự.Mặc dù vậy Bắc Môn cũng bị đập phá, biến dạng nhiều. Nơi đây trở thành một chứng tích lịch sử bi hùng, một phế tích mang đầy những dấu vết đau thương...
Sau giải phóng Thủ đô năm 1954, người Pháp rút khỏi Hà Nội. Khu thành cổ Hà Nội, trong đó có Bắc Môn, trở thành cơ quan đầu não của Quân đội Nhân dân Việt Nam và một số cơ quan quan trọng khác của Đảng, Nhà nước. Gần nửa thế kỷ sau, vào dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, sau rất nhiều nỗ lực của các cơ quan quản lý văn hóa và các nhà nghiên cứu lịch sử, các chuyên gia bảo tồn, khu vực Bắc Môn cùng các hạng mục ít ỏi còn lại trong thành cổ như thềm điện Kính Thiên, Đoan Môn, Hậu Lâu… mới được trùng tu, tôn tạo. Bắc Môn và các công trình kiến trúc cổ khác đã có một vị thế xứng đáng trong quần thể di tích cũng như lịch sửnghìnnăm Thăng Long - Hà Nội.
Cửa Bắc thành Hà Nội, cửa thành cuối cùng và duy nhất còn lại, chứng tích của những dấu ấn lịch sử bi hùng. |
Tưởng nhớ công ơn của Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hoàng Diệu - hai người anh hùng phương Nam đã hy sinh trên đất Bắc trong cuộc chiến giữ thành Hà Nội, năm 2003 UBND TP Hà Nội, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế (quê Tổng đốc Nguyễn Tri Phương), UBND tỉnh Quảng Nam (quê Tổng đốc Hoàng Diệu) cùng Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã cho đúc tượng hai ông và làm lễ an vị, thờ tại Vọng lâu trên Bắc Môn. Tượng đồng Tổng đốc Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc Hoàng Diệu được đặt quay về hướng Nam, trên có hoành phi đề 4 chữ: “Nghĩa liệt anh hùng”, hai bên có câu đối do nhà văn hóa - Giáo sư Vũ Khiêu soạn.
Bắc Môn - hình ảnh tiêu biểu của kinh thành Thăng Long và thành Hà Nội là di tích quý giá bậc nhất của Thủ đô. Đây không chỉ là di tích kiến trúc có bề dày thời gian mà còn là dấu gạch nối của những tầng lớp văn hóa qua những triều đại, là dấu ấn của những thăng trầm lịch sử. Đây không chỉ là một di sản kiến trúc vật thể mà còn chứa đựng những giá trị phi vật thể trường tồn qua năm tháng, là chứng tích của cuộc chiến bi hùng chống ngoại xâm của người Hà Nội, là tượng đài tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm, ý chí bất khuất của dân tộc Việt Nam./.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Sự thật cặp vợ chồng mang gỗ lăng mộ đế vương về làm tủ, khiến 4 đứa con dính lời nguyền chết thảm
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Lão nông đào được khúc gỗ kì dị, tưởng gỗ quý sắp phát tài nào ngờ con trai vừa thấy đã báo cảnh sát
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn