Những loại gia súc, gia cầmđều được thuần hóa trước khi được nuôi làm thực phẩm cho con người sử dụng. Vậy bạn có từng tự hỏi, thế còn rau củ và trái cây thì sao, hàng ngàn năm trước khi được lai giống, biến đổi gen, trông chúng thế nào, được trồng ở đâu và có mùi vị ra sao chưa?
Những hình ảnh dưới đây sẽ khiến bạn ngỡ ngàng hoàn toàn bởi “tổ tiên” những loại rau củ quả đã từng có “diện mạo” khác lạ thế này.
1. Dưa hấu
Mùa hè nóng mức, còn gì tuyệt vời hơn là được thưởng thức những miếng dưa hấu chín đỏ, ngọt mát. Thế nhưng bạn có biết rằng, trước khi có hình dạng như hiện nay, “tổ tiên” của dưa hấu lại không hề có nhiều “người hâm mộ” như hiện tại?
Chỉ cần nhìn bức tranh vẽ quả dưa hấu của họa sĩ Giovanni Stanchi vào thế kỷ thứ 17, có thể thấy dưa có ruột trắng, xốp. Được biết, dưa hấu thời đó được trồng chủ yếu ở sa mạc khô cằn, và có vị đắng chứ không ngọt, ngon như bây giờ. Sau nhiều quá trình chọn lọc và cải thiện, giống dưa hấu dại này đã chuyển dần thành màu đỏ và nhiều thịt hơn, thậm chí còn có dưa hấu ruột vàng, hay dưa không hạt,…
2. Chuối
Chuối là một trong số những loại trái cây được cho là có hình dáng và mùi vị thay đổi khá nhiều so với “tổ tiên” của chúng. Những trái chuối đầu tiên xuất hiện từ hơn 7000 năm trước, thậm chí là 10000 năm trước, được trồng chủ yếu ở Đông Nam Á. Chuối thường có hạt lớn, cứng, đường kính lên tới 6 mm và đa phần được sử dụng để chế biến món ăn khác nhau như chiên, luộc, nướng,…
Tuy nhiên, ngày nay chuối lại trở thành loại quả được khá nhiều người ưa thích bởi hình dáng nhỏ gọn, dễ cầm nắm, bóc vỏ, mùi vị ngọt, thơm ngon. Hạt chuối cũng bé hơn nhiều, dễ ăn và chứa nhiều chất dinh dưỡng.
3. Dâu tây
Dâu tây hoang dã là một loại quả mọng nhỏ xíu nhưng thơm ngon với mùi hương rất đặc biệt, sau nhiều năm thuần hóa, dâu vẫn thơm ngon, quả mập hơn và mọng nước hơn, tuy nhiên đã mất dần hương vị tinh tế đặc trưng của trước kia.
4. Quả đào
Quả đào trước đây có kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng 25mm, vị ngọt thanh, hơi chua. Đào được thuần hóa lần đầu tiên vào khoảng 4.000 năm trước Công nguyên bởi người Trung Quốc cổ đại và lúc này khi ăn nếu cảm nhận kỹ bạn có thể thấy cả vị hơi mặn của quả đào.
Sau hàng ngàn năm, những người nông dân trồng đào đã cho ra đời thành công giống đào lớn hơn quá khứ gấp 64 lần, có vị ngọt hơn nhiều, mọng nước, là thức quả giải khát tuyệt vời.
5. Cà tím
Ít ai biết rằng, cà tím trước đây chỉ là một loại cỏ dại mọc ven đường, có kích thước nhỏ, màu trắng, vàng, tím, xanh, và không được nhiều người sử dụng nhiều. Sau dần, cà tím được cải tiến giống và được trồng nhiều hơn tại Trung Quốc, lúc này quả cà tím đã to hơn nhiều, không còn gai góc, và có thể sử dụng chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng.
6. Cà rốt
Tổ tiên của càrốt được trồng ở thế kỷ thứ 10 ở Ba Tư và Tiểu Á, ban đầu có màu tím hoặc màu trắng với phần gốc rễ mỏng, nhìn không bắt mắt và hấp dẫn như hiện tại nên chủ yếu trồng để lấy hạt. Sau đó, chúng mất màu sắc tím và trở thành màu vàng cam.
Trải qua vài thế kỷ thuần hóa, người nông dân đã tạo ra được 1 giống cà rốt có rễ nhỏ, thân màu cam, mùi nồng và ăn cũng ngon hơn.
7. Bắp ngô
Có thể bạn không tin nhưng kích cỡ của 1 cây ngô 9000 năm trước chỉ dài bằng…1 bắp ngô hiện tại. Cây cũng chỉ cho ra 1 bắp duy nhất và chỉ có một tép hạt dài và cực kỳ cứng đến mức phải dùng đá đập hạt, chứ không phải bắp ngô với những hạt múp míp như chúng ta ăn ngày nay.
Ngày nay, ngô hiện đại lớn gấp 1.000 lần so với kích thước của tổ tiên nó 9000 năm trước. Bắp ngô ngày nay cũng dễ bóc hơn, nhiều dinh dưỡng hơn và dễ trồng hơn. Không chỉ có phần lõi to, hạt mập và mềm hơn, ngô ngày nay còn có nhiều loại màu sắc khác nhau.
8. Khoai tây
Loài khoai tây hoang dã mọc trên khắp châu Mỹ, người ta từng cho rằng khoai tây được thuần hóa độc lập tại nhiều địa điểm nhưng thử nghiệm di truyền học trên giống cây trồng và khoai tây hoang dã chứng tỏ có một nguồn gốc duy nhất của khoai tây ở khu vực miền nam Peru và cực Tây Bắc Bolivia ngày nay.
Tổ tiên của khoai tây có màu tím, vàng, củ nhỏ, không tròn đều mà xiên xẹo, lồi lõm, to nhỏ khác nhau. Sau khi được thuần hóa, khoai tây căng tròn đều, màu vàng nâu trông khá đẹp mắt, giá trị dinh dưỡng và công dụng cũng phổ biến hơn quá khứ.
9. Cà chua
Cà chua ngày nay đã thay đổi về kích thước, màu sắc và mùi vị khá nhiều, so với trước đây chỉ là một loại quả dại. Tuy nhiên, tổ tiên của cà chua đến nay vẫn được tìm thấy và sử dụng nhiều. Một số giống cà chua hoang dã vẫn đang được người dân bản xứ tiêu thụ vì chúng giàu kali và vitamin C, ngay tại Việt Nam cũng được sử dụng làm các món ăn khác nhau.