Khám phá

Bhutan được bầu chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Nhiều người tin rằng tổ tiên của loài người đi ra từ rừng. Cho nên, khát vọng gắn bó với thiên nhiên có tự tiền kiếp trong mỗi chúng ta. Được hòa nhập với thiên nhiên là một tín chỉ cốt yếu của khái niệm hạnh phúc. Nếu đúng vậy, thì Bhutan sẽ cho bạn một thứ hạnh phúc thật nhiệm màu.

Kho ảnh khổng lồ về Việt Nam 1991-1993: Tiên cảnh ở Ninh Bình / Những vị thần sở hữu sức mạnh vượt trội trong thần thoại

Cách đây vài năm, tôi đã đi Bhutan lần đầu tiên bằng máy bay dân dụng. Chúng tôi phải quá cảnh ở Thái Lan nhiều giờ rồi lại dừng ở Ấn Độ cho tàu bay đón thêm khách, rồi mới sang được “Đất nước Hạnh phúc”. Sân bay quốc tế Paro của Bhutan nhỏ, lại nằm kẹp giữa hai dãy núi rất cao, nên chỉ có dưới chục phi công trên thế giới có thể “vào cua” cất và hạ cánh nổi. Bây giờ công nghệ phát triển, các hãng du lịch lớn như Vietravel thuê hẳn chuyên cơ đưa khách đi thăm quan Bhutan bằng dịch vụ thuê máy bay nguyên chiếc (charter flight) bay thẳng từ Hà Nội. Thế nên, chúng tôi đã quyết định trở lại miền đất huyền thoại một lần nữa.

Người dân Bhutan thích ném lao, bắn cung.

Người Bhutan tự hào nhiều về bản sắc văn hóa sặc sỡ, cũng như cuộc sống lãng mạn trên núi cao vòi vọi, có lẽ vì thế mà trong các tờ tạp chí đặt ở mỗi lưng ghế máy bay, họ đều có vẽ sơ đồ các đỉnh núi cao nổi tiếng nhất của nóc nhà thế giới. Khi bay qua khu vực có dãy núi cao thứ nhì trái đất, tiếp viên gọi loa mời hành khách nhìn qua cửa kính, chiêm ngưỡng các đỉnh tuyết sơn tuyệt mỹ.

Đến Bhutan, bạn sẽ hiểu thế nào là khái niệm giữ gìn bản sắc văn hóa, khi vào dự lễ thượng cờ ở Hoàng cung, thấy lãnh đạo Chính phủ mặc trang phục Gho (một dạng váy truyền thống) đi làm. Khắp phố xá hay các vùng thôn dã mơ màng như tiên cảnh, trang phục truyền thống vẫn giữ nguyên ở 100% người dân, chứ không phải chỉ ăn vận trong lễ lạt hay tái hiện cho du khách ngắm. Lãnh đạo cấp cao của Bhutan nhiều người rất trẻ, thích chụp ảnh, có người xuất bản cả sách ảnh và đi tham dự các hội nghị quốc tế cũng mặc “váy” gho y như tổ tiên họ nhiều thế kỷ trước.

Chiều đến, nam giới nườm nượp xách cung ra sân vận động thi bắn.

Ngoài những tu viện, cung điện cổ kính, điều làm người ta mê mẩn nhất ở Bhutan, có lẽ vẫn là thiên nhiên hoang sơ và lộng lẫy. Rừng già với các cây cổ thụ trùm xòa rêu mốc và các loài ký sinh, cờ phướn xanh đỏ rợp trời, các hình vẽ phồn thực hồn nhiên như một tín ngưỡng lạ lùng. Rừng nguyên sinh trải dài như vô tận, được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt, đi qua điệp trùng hoa thơm cỏ lạ, khách mới đến được đỉnh trời tiên cảnh lồng trong mây. Ở đó có những đền chùa, tu viện cổ. Những thung lũng tuyệt đẹp ở Paro, suối trong vắt, đá trắng muốt, rêu vàng rêu xanh phủ kín đáy nước và đôi bờ; sông suối in hình các hàng cây lá óng vàng rực rỡ như hoa. Chúng tôi lên thăm những tu viện có gần trăm nữ tu sinh sống và tu tập, một năm có sáu tháng tuyết phủ kín rừng già, họ bị cô lập gần như hoàn toàn với cuộc sống bên dưới “trần gian”.

Tu viện Taktsang - Tiger’s Nest nằm ở lưng chừng núi.

 

Nếu chưa lên tu viện Taktsang - Tiger’s Nest (tạm dịch là Hang hổ) thì coi như chưa đến Bhutan. Vừa cưỡi ngựa, vừa đi bộ, bạn phải mất 3 tiếng đồng hồ vượt núi rồi leo 850 bậc thang trên đá để đến được tu viện Tiger’s Nest. Từ xa nhòm lại, núi lớn Taktsang gồ lên như gương mặt một con hổ oai dũng vểnh tai phóng tầm mắt giữa mây mù. Cưỡi ngựa vượt rừng, đắm chìm trong chim muông, hoang thú và các tán rừng muôn sắc cũng xứng đáng là một trải nghiệm nhớ đời.

Qua mỗi đỉnh núi, thiên nhiên lại phô thêm vẻ đẹp, khiến người ta phải ngạc nhiên. Lúc lên, trời đất mây mù dàn một cảnh đẹp khác, lúc xuống lại càng mê mẩn hơn. Bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên, là tại sao họ lại có thể tìm được một vách đá cheo leo nhường kia để nghĩ ra “phương án mạo hiểm” là dựng một tu viện tối cổ ở kỳ quan vách đá dựng đúng cao tới 900m đó? Tôn giáo và tình yêu, sự tri ân với thiên nhiên hoang sơ đã hòa làm một, đã như một triết lý sống của người Bhutan. Người nơi đây tin rằng, xưa, ngài Liên Hoa Sinh (vị Đại sư được các quốc gia vùng Hymalaya coi như “Đức Phật thứ hai”) đã cưỡi hổ đi qua đây rồi ngồi ở vị trí Tiger’s Nest để thiền định. Vì thế, bất cứ người Bhutan nào cũng ước ao được đến với Thánh địa Hang hổ ít nhất một lần trong đời, như cách mà người Tây Tạng láng giềng bằng mọi giá phải diện kiến non thiêng Ngân Sơn để được giác ngộ.

Người Bhutan sống hòa mình giữa núi rừng thiên nhiên.

Dù đến thăm khu bảo tồn Takin, loài thú đầu dê mình, động vật quý hiếm nổi tiếng trên dãy Hymalaya; dù thăm các đô thị cổ kiêm pháo đài phòng thủ ven các con sông óng ánh soi bóng rừng già; dù dừng chân ở đèo Dochula trong cuồn cuộn mây mù và gió lạnh trên độ cao hơn 3.100m so với mực nước biển, ngắm 108 ngọn tháp tượng trưng cho 108 lời cầu kinh bình an cho người và xe cộ qua đèo và tiễu trừ ma quỷ - thì thiên nhiên Bhutan vẫn luôn là cảm hứng chủ đạo, là thứ lay động lòng người nhất.

Quốc vương Bhutan là một trong những vị vua trẻ nhất thế giới. Trong ngày Vua và Hoàng hậu sinh hạ quý tử, người Bhutan đã trồng 108.000 cây xanh để chào mừng. Sự kiện này đã tạo nên một kỷ lục thế giới về tình yêu màu diệp lục của người Bhutan. Một lần thử đến Bhutan, bạn sẽ cảm nhận được thiên nhiên bao dung bảo bọc tất cả chúng ta và gột rửa tâm hồn bạn.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm