Khám phá

Bí ẩn 'Bàn chân tiên' ở vùng Thất Sơn

Tại Thoại Sơn, 'Bàn chân tiên' trên núi Bà gắn liền với những câu chuyện ly kỳ, màu nhiệm thu hút đông đảo du khách thập phương với niềm tin mãnh liệt vào sự che chở của đấng siêu nhiên….

Sự xuất hiện “Bàn chân tiên”

Từ TP. Long Xuyên chạy theo tỉnh lộ 943 khoảng 30km là đến Thoại Sơn. Để lên được “Bàn chân tiên” chúng tôi phải chạy xe lên núi, rồi cuốc bộ lên những bậc thang cao. Đứng từ “Bàn chân tiên” trên núi Bà (thuộc thị trấn Núi Sập) nhìn xuống, cảm nhận đầu tiên là 1 phong cảnh hùng vĩ, những cánh đồng xanh mướt, những ngôi chùa, mái nhà lấp ló sau rừng cây trông như 1 bức tranh thủy mặc.

“Bàn chân tiên” hiện rõ 5 ngón.

Phóng tầm mắt ra xa ngọn núi Ba Thê ẩn hiện sau những tản mây càng tôn thêm vẻ huyền bí về vùng đất này. Anh H. (cán bộ Phòng Văn hóa huyện Thoại Sơn) vỗ vai chúng tôi, chỉ về 1 vùng lõm rất to nằm ngay giữa mỏm đá cheo leo. Anh cho biết đây là “Bàn chân tiên”.

Theo quan sát, nếu đứng từ hướng Đông (từ vị trí gót chân- PV) thì dấu bàn chân in trên đá sẽ thấy rất rõ. Bàn chân thể hiện rõ 5 ngón, cả bàn chân dài khoảng 2m, ngang 0,5m – tức chu vi tính từ đỉnh đầu các ngón chân thu hẹp dần ở nơi gót chân dài khoảng 5m. Cứ như 1 người khổng lồ từng bước lên, để lại dấu chân này. Vùng trũng giữa lòng bàn chân là nơi vũng nước đọng lại khá to, chắc do cơn mưa buổi sáng tạo thành. Nhìn về phía gót chân, chúng tôi thấy có 1 lư hương với khá nhiều chân nhang, kế bên là những tán cây sộp cổ thụ được du khách thập phương cột những tờ tiền mệnh giá 1.000đ, 2.000đ, 5.000đ…

Rảo quanh khu vực “Bàn chân tiên” và các bậc thang, có nhiều vết khắc, dấu vẽ tên của rất nhiều người. Có lẽ, họ muốn lưu lại kỷ niệm khi đặt chân đến nơi mà dân gian cho rằng rất linh thiêng và huyền bí. Tuy nhiên, đây là điều không nên, bởi việc làm vô ý thức này sẽ phá hoại cảnh quan.

Những tờ tiền treo rải rác.

Khi chúng tôi lọ mọ đo độ dài bàn chân và rửa mặt tại vũng nước trũng thì gặp 1 sư thầy cầm chổi lên mỏm đá quét lá. Sẵn việc tìm hiểu thực hư về bàn chân, chúng tôi bắt chuyện với sư thầy có pháp danh Nhật Minh. Sư thầy cho biết: “Nơi này lúc trước toàn là rừng rậm, dấu chân hình thành từ lúc nào thì chưa ai xác định, chắc có lẽ không ai có câu trả lời! Nhưng truyền thuyết về sự xuất hiện của nó thì rất nhiều. Có người cho rằng, đó là dấu chân của 1 vị phật nào đó. Có người cho rằng đó là dấu chân của 1 vị tiên. Từ núi Ba Thê (Thoại Sơn), vị tiên này bước qua bằng 1 bước chân. Và đó là dấu chân trái. Còn dấu chân phải hiện vẫn còn hiện hữu tại núi Ba Thê nhưng nhỏ hơn nhiều lần”, sư thầy kể.

Thầy Nhật Minh thông tin thêm: “Nơi đây từ thuở xa xưa toàn là cây cối rậm rạp, thú dữ nhiều vô kể và cũng là nơi bà con Khơme sinh sống. Nơi đây không có nhà cửa nhiều, vắng vẻ lắm. Tôi nhớ không lầm thì theo lời kể, vào năm 1850, có 1 người đàn ông tên thường gọi là Cốc Sáu về cất chùa. Nghe kể ông Cốc Sáu là dân gốc ở Sài Gòn, cũng có chức quyền, khi làm việc bị đụng chạm, hãm hại nên ông buồn chán về ẩn cư tại đây. Sau đó ông Cốc Sáu cất ngôi nhà dưới chân chùa. Hàng đêm, ông Cốc Sáu thấy có lửa xẹt sáng trưng trên mỏm đá, ông cứ băn khoăn vì không biết báo hiệu điều gì”.

Rồi một đêm nọ, ông Cốc Sáu ngủ thì mơ thấy 1 vị Phật tổ, kêu ông phải dẹp dọn cây cối, xây dựng chùa để thờ cúng vì sẽ có 1 Bà Chúa xứ núi Sam về ngự ở đây để bảo vệ người dân xứ này. Tỉnh giấc ông Cốc Sáu lập tức đúc tượng, xây chùa thờ cúng. Trong lúc dọn dẹp quang cảnh xung quanh chùa, ông Cốc Sáu phát hiện bàn chân rất to lớn ngay tại mỏm đá kế chùa, nơi hay phát ra những tia lửa xẹt. Từ đó, ông Cốc Sáu đặt tên là “Chùa Bà chân tiên”.

Bàn chân tiên khi không đọng nước.

“Tôi sống ở chùa này từ năm 1979. Ngày còn trẻ, tôi thường leo lên xem “Bàn chân tiên”. Lúc đó, dấu chân rất rõ và hình như không to lớn như bây giờ (theo như nhiều người nói, cứ khoảng 6 tháng đá sẽ lớn 1 lần). Ngày thường có khách viếng chùa, tôi dẫn lên “Bàn chân tiên” rồi kể câu chuyện huyền thoại về “Bàn chân tiên” không biết bao nhiêu lần”, sư thầy nói.

“Ướm” thử bàn chân rồi có thai!

Theo thầy Nhật Minh, vào cuối thu năm 2015, có một cặp vợ chồng ở tận ngoài Bắc đến đây cúng viếng. Họ tâm sự với thầy rằng, họ không có con và đã đi biết bao nhiêu chùa để cúng vái xin con cho họ có đứa con ẵm bồng tuổi xế chiều. Họ làm nhiều việc thiện, đi không biết bao nhiêu bác sĩ điều trị nhưng vẫn chưa có tin vui. Tình cờ người bà con của họ sinh sống ở thị trấn Núi Sập rủ vào chơi và giới thiệu Chùa Bà chân tiên nên họ đặt chân tới đây cúng vái.

Hoàn tất nghi lễ cúng vái tại chùa, thầy dẫn họ lên tham quan “Bàn chân tiên” trên đỉnh mõm đá, người vợ thấy lạ bèn đặt bàn chân trái lên ươm thử, rồi ra về. Khoảng hơn 5 tháng sau đó, họ cùng người thân lên chùa, người vợ với cái bụng to cho thầy biết họ có con rồi nên họ xin tạ lễ.

“Bàn chân tiên” nơi cặp vợ chồng đến ươm thử và kết quả người vợ có bầu.

Hay gần đây nhất, có 1 chàng trai (ngụ tỉnh Đồng Tháp) dẫn người yêu lên “Bàn chân tiên” tham quan. Chàng trai vô tình gỡ những tờ tiền của du khách cột rải rác. Bỗng dưng anh ta như bị ai xô, té ngã xuống núi, nhưng nhờ những tán cây to nên anh ta nắm lại được, thân đu đưa trong gió, làm cho mọi người một phen hoảng vía. “Trước lúc lên, tôi cũng có căn dặn anh ta và người yêu rồi, đừng động tay động chân đến những tờ tiền trên cành cây vì đây là những tờ tiền cúng Sơn thần của du khách gặp chuyện xui rủi cúng vái để xua đuổi những điều xui xẻo. Nói rồi mà anh ta chẳng nghe”, sư thầy móm mém kể.

Anh H. (cán bộ Phòng Văn hóa huyện) bộc bạch: “Việc du khách tham quan nhiều cũng vui mừng vì du lịch huyện nhà phát triển. Nhưng cũng có bất cập, nhiều người thiếu ý thức khi đến “Bàn chân tiên” thì bày biện cúng vái, ăn uống. Ăn xong, họ xả rác khắp nơi khiến cho quang cảnh nơi đây mất vệ sinh và mất đi vẻ tâm linh huyền bí. Mỗi dịp lễ, Tết, ngày rằm… chúng tôi cùng các đoàn viên của huyện nhà túc trực lên đây tuyên truyền việc giữ vệ sinh chung cho du khách. Đồng thời nói cho họ hiểu đừng nhầm lẫn giữa giá trị tâm linh với mê tín. Cầu xin, cúng vái là một lẽ, nhưng được phước lành, may mắn là do tâm tính của con người tạo nên. Làm ác thì có đi chùa, miếu cầu xin cũng không được mong muốn theo ý nguyện của mình”.

Ở núi Cô Tô (huyện Tri Tôn) cũng có “Bàn chân tiên” như của người khổng lồ, nhưng có mang giày đinh! Dấu chân dài 1,03m, rộng 0,3m ở mũi bàn chân và nhỏ dần còn 0,23m ở gót chân. Dấu chân lún sâu trong đá chừng 3mm. Dấu chân có hình chiếc giày đinh của chân bên phải, giống như dấu giày để lại sau khi đi ngang qua lớp đất bùn. Còn dấu chân trái nằm ở đỉnh núi Cấm (huyện Tịnh Biên) gần đó, chiều dài khoảng 0,3m, ngang 0,18m, to gấp rưỡi bàn chân người bình thường… Mang nhiều huyền thoại kỳ bí, những “Bàn chân tiên” trên núi thu hút đông đảo du khách thập phương với niềm tin mãnh liệt vào sự che chở của đấng siêu nhiên trong cuộc sống.

Theo Vô Văn/Tuổi trẻ và Đời sống

loading...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo