Bộ hài cốt 1.300 năm tuổi của một phụ nữ với lỗ thủng ở hộp sọ và thai nhi nằm giữa hai chân đã được các nhà khảo cổ tìm thấy trong một ngôi mộ đá chật hẹp ở thị trấn trung cổ Imola,Italia.
Thai nhi là một nhúm xương nhỏ bé nằm rải rác ở xương chậu của người mẹ. Đây là hiện tượng đùn thai, em bé được sinh ra khi người mẹ đã nằm trong nấm mồ và qua đời. Ngôi mộ đá giúp xương cốt của mẹ con được giữ gìn tốt qua hàng chục thế kỷ.
Thai nhi nằm ở vị trí bất thường, đầu và thân mình nằm giữa đùi của người mẹ, trong khi chân vẫn còn nằm trong khung xương chậu. Điều này cho thấy em bé được đẩy ra khỏi cơ thể người mẹ một phần.
Hiện tượng đùn thai hay sinh con trong quan tài khiến thai nhi chưa chào đời bị đẩy ra khỏi tử cung của người mẹ, khí trong cơ thể tử thi rất nhiều sau khi người mẹ qua đời dẫn đến việc này. Hiện tượng này tương đối ít gặp nhưng còn hiếm gặp hơn rất nhiều trong khảo cổ học.
Nhưng không chỉ có vậy, lỗ thủng ở hộp sọ của người mẹ khiến các nhà khoa học băn khoăn. Các nhà khảo cổ từ Đại học Ferrara và Đại học Bologna xác định người phụ nữ có tuổi đời từ 25 đến 35 tuổi. Dựa theo chiều dài xương đùi họ xác định được thai nhi khoảng 38 tuần, nghĩa là còn 2 tuần nữa sẽ sinh con.
Lỗ thủng tại hộp sọ được cho là gây ra bởi “trepanation” hay “khoan xương”, một phương pháp y học nguyên thủy vào thời trung cổ, người thực hiện sẽ khoan một lỗ vào đầu của bệnh nhân để tiến hành chữa trị một số căn bệnh. Nhưng trong trường hợp này, quá trình điều trị đã thất bại.
“Chúng tôi đặt giả thuyết rằng, thai phụ mắc chứng sản giật gây rối loạn thai nghén do huyết áp cao. Người ta đã tiến hành phương pháp khoan xương sọ để giảm áp lực nội sọ. Mặc dù vậy, thai phụ không thể sống sót và chết đi cùng thai nhi trong bụng,” nhóm nghiên cứu cho biết.
Chứng sản giật hay tiền sản giật gây ra do cao huyết áp, khiến cơ thể thai phụ co giật và ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, thường xảy ra sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Đến tận ngày nay, nó vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở thai phụ.
Lỗ thủng ở đỉnh hộp sọ là một lỗ tròn nhỏ có đường kính chỉ 4,6 mm, gần bằng đường kính của một cây bút chì thông thường. Lỗ thủng tròn một cách chính xác, cho thấy đây là kỹ thuật khoan sọ trong y học nguyên thủy chứ không phải được gây ra do hành vi bạo lực hay hành hung.
Quanh hộp sọ người ta cũng thấy được dấu hiệu lành vết thương, điều này cho thấy lỗ thủng được khoan vào sọ một tuần trước khi thai phụ qua đời. Gần đó có một vết cắt không sâu, dài chưa đến 3 mm, có thể là vết dao cắt da đầu hoặc cạo đầu trước khi tiến hành khoan sọ.
Ngôi mộ được phát hiện vào năm 2010 trong cuộc khai quật khảo cổ tại thị trấn Imola, miền bắc nước Ý. Người phụ nữ nằm ngửa mặt và bao quanh bởi những tảng đá, nhóm nghiên cứu kết luận cô được chôn có chủ đích và từ đó đến nay chưa hề bị động vào hay xê dịch.
Trước đây giới khảo cổ học cũng phát hiện nhiều bộ hài cốt có vết thương của phương pháp khoan sọ từ thời Đồ đá mới, nhưng bộ hài cốt này tuy có niên đại từ thời Trung cổ cũng là một bí ẩn rất lớn khiến các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu sâu hơn để tìm ra câu trả lời.