Khám phá

Bí ẩn con tàu cổ và 'kho báu' được phát hiện ở Hòn Cau

Thông tin từ một ngư dân đi câu mực phát hiện con tàu cổ, một cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước diễn ra suốt 2 năm và đem về 68.000 hiện vật giá trị gần 7 triệu USD.

Cày ruộng, vô tình mở kho báu đầy tiền vàng, bạc thời Trung Cổ / Huyền thoại về Mạc Mi Cô và lời sấm truyền kho báu

Chuyện về khai quật tàu cổ ở các vùng biển Việt Nam rất thú vị, trong đó có cuộc khai quật con tàu đắm ở vùng biển Hòn Cau, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cách nay gần 30 năm cũng là cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước đầu tiên tại Việt Nam

Ông Lê Văn Son, một ngư dân sống tại thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đi câu mực tại Hòn Cau thì bất ngờ câu được rất nhiều mực. Nghi ngờ bên dưới lòng đại dương có gì đó khác thường mới thu hút hải sản tập trung nhiều đến vậy. Ông cùng các ngư dân lặn xuống thì phát hiện xác một con tàu cổ vùi sâu dưới bùn cát, bên trên vương vãi nhiều món đồ sành sứ.

Trong vài lần lặn đầu tiên, nhóm ngư dân vớt lên được 2 giỏ cần xé đồ sành sứ, hầu hết là chén, dĩa, bình trà, bình bông... Họ đem về chia nhau và cho người thân, hàng xóm. Sau khi được giới đồ cổ săn lùng, ông Son mới biết đó là những cổ vật quý giá. Nhiều món như dĩa, chóe, bình trà... có giá trị lên đến vài lượng vàng.

Những món đồ cổ quá giá trị đã khiến ngư dân địa phương lao vào cuộc tìm kiếm, làm vùng biển Hòn Cau một phen dậy sóng. Tin tức về "kho báu" Hòn Cau ngày càng lan rộng. Sau đó, ông Son đã báo với Đồn Biên phòng 500 ở Long Hải về con tàu đắm.Từ đó, cơ quan chức năng mới biết được vị trí con tàu cổ đắm ở Hòn Cau để tiến hành thăm dò, trục vớt.

Cổ vật được khai quật tại tàu cổ Hòn Cau. Ảnh CA TP.HCM

Tháng 9.1990, Bộ Văn hóa - Thông tin lúc đó chính thức cho phép khai quật tàu cổ Hòn Cau. Sau hai năm khai quật đã thu được 68.000 hiện vật, hầu hết là đồ gốm sứ: bình trà, bình bông, chóe, chén, dĩa... Ngoài ra còn thu được nhiều hiện vật bằng đá, đồng và hai khẩu súng thần công.

Nếu tính đến thời điểm trục vớt, con tàu xấu số nằm dưới đáy biển ngót 300 năm. Mặc dù vậy, các món đồ gốm sứ vẫn giữ được màu men tuyệt đẹp, chủ yếu là sứ men trắng vẽ hoa lam mà kỹ thuật chế tác đạt tới trình độ nghệ thuật điêu luyện. Nếu đem so với những bộ sưu tập khác được trục vớt trong vùng biển Cù Lao Chàm, Cà Mau, Bình Thuận... cổ vật Hòn Cau vẫn luôn được đánh giá là bộ sưu tập đẹp nhất. Cái đẹp ở cổ vật Hòn Cau (hiện trưng bày ở Bảo tàng tổng hợp Bà Rịa - Vũng Tàu) được thể hiện qua từng họa tiết tinh tế của hoa văn, màu men... trên từng cổ vật.

Đặc biệt, các họa tiết trên chóe, bình hoa, bình trà... theo mô típ truyền thống như mai, tùng, cúc, trúc biểu tượng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông được phát huy cao nhất. Bên cạnh đó còn có những tích xưa như ngư ông đắc lợi, cưỡi ngựa bắn cung, lã vọng câu cá... Mỗi tích là một bài học vô giá, mang ý nghĩa giáo dục, khuyên răn sự đời được gửi gắm qua từng cổ vật Hòn Cau.

Năm 1992, 28.000 cổ vật được chọn ra từ 68.000 cổ vật khai quật, đưa sang Hà Lan đấu giá và thu về 6,7 triệu USD. Trong khi cuộc đấu giá tại Hà Lan chưa kết thúc, một số ngư dân Vũng Tàu tiếp tục ra Hòn Cau để mót cổ vật. Hàng trăm cổ vật trong vùng nước có bán kính một hải lý được ngư dân khai thác. Điều đáng nói, trong quá trình lặn mót cổ vật, có một ngư dân ở phường 10, thành phố Vũng Tàu bị liệt nửa người, ít lâu sau chết vì nhũn não.

Trước khi về nơi chín suối, anh ta gọi vợ lại và nói nhỏ rằng, ở khu vực Hòn Cau còn có ít nhất 6 con tàu chìm ở đó. Chừng nào con mình lớn nói nó ra đó vớt đồ cổ đem về. Thông tin này sau đó được người vợ thông báo cho em trai, đó cũng là thời điểm mà ngư dân Vũng Tàu lùng sục để tìm ra con tàu cổ bí ẩn này. Bão tố về con tàu bị đắm ở khu vực Hòn Bà trỗi dậy dữ dội hơn khi thỉnh thoảng một vài ngư dân đi biển mang từng giỏ cần xé cổ vật về đất liền. Đến giữa năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin cho phép Bảo tàng Vũng Tàu phối hợp với Visal tiếp tục khai quật con tàu ở Hòn Bà và vớt được 569 cổ vật, chủ yếu là đồ đất nung của Việt Nam ở thế kỷ XIX.

Sau khi tiến hành trục vớt, nhờ vào những đồng tiền cổ niên hiệu Khang Hy và các nghiên mực hình chữ nhật có chữ Hán "Canh Ngọ niên" thu được trong quá trình khai quật, các nhà khảo cổ đã xác định được niên đại cũng như xuất xứ các món đồ gốm sứ trên con tàu đắm. Cụ thể, chúng thuộc dòng sản phẩm của lò gốm sứ nổi tiếng Cảnh Đức Trấn ở Giang Tây - Trung Quốc, sản xuất năm 1690. Một số vật dụng có chữ Hán như các loại đồng tiền Vạn Lịch thông bảo (1573-1619), Thuận Trị thông bảo (1644-1671), Khang Hy thông bảo (1662-1722) cũng là những tiêu chí rất quý, giúp giới khoa học xác định niên đại cổ vật và chủ nhân chiếc tàu.

Theo TS Nguyễn Đình Chiến, tàu cổ chìm ở Hòn Cau xuất phát từ một thương cảng nào đó ở miền Nam Trung Quốc để hành trình đến một quốc gia châu Âu xa xôi. Nhiều hàng hóa kiểu dáng phương Tây như súng thần công, đồng hồ cát hiện diện trên tàu khiến người ta liên tưởng đến vị thuyền trưởng cùng thủy thủ đoàn là người châu Âu. Tuy nhiên, với phần lớn vật dụng sinh hoạt mang theo, dùng vào việc nấu nướng, bếp núc hoặc đồ dùng thiết thân của thủy thủ đoàn, các nhà nghiên cứu đi tới khẳng định: đây là tàu buôn Trung Hoa.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm