Khám phá

Bí ẩn cuộc vượt biển đến Madagascar của loài vượn cáo

Nằm cách lục địa châu Phi khoảng 400km về phía Đông Nam, quốc đảo Madagascar mang một hệ sinh thái độc nhất với loài vượn cáo đặc hữu. Tại sao vượn cáo chỉ tồn tại ở Madagascar và không xuất hiện ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới? Chúng vốn xuất hiện ở đây ngay từ đầu, hay đã di cư theo cách không ai nghĩ tới.

Cáo tai dơi rượt đuổi báo trên thảo nguyên / Những chú cáo hiền lành và hồn nhiên nhất Trái Đất

Sự xuất hiện lạ thường

Những du khách từng đến Madagascar hẳn vô cùng ấn tượng trước khí hậu đặc biệt tại đây. Những bờ biển dài với cát trắng, đồng cỏ xanh ngút tầm mắt, cùng rừng mưa nhiệt đới hội tụ trong cùng một nơi. Tuy nhiên hình ảnh khiến không một ai có thể quên khi đến Madagascar là sự xuất hiện của vô số loài vượn cáo phân bố khắp quốc đảo này. Trước mặt du khách, những sinh vật có họ hàng xa với thủy tổ loài người hồn nhiên chơi đùa, tái hiện phần nào khung cảnh của thời tiền sử.

Cho đến nay, các nhà khoa học thống kê có hơn 100 loài vượn cáo còn sinh sống, và tất cả chúng đều là sinh vật đặc hữu chỉ tìm thấy ở Madagascar. So với những loài linh trưởng khác như khỉ, tinh tinh và khỉ đột, vượn cáo nhỏ và hiền lành hơn. Những hóa thạch còn lại của tổ tiên vượn cáo cho thấy chúng bắt đầu xuất hiện khoảng 55 triệu năm về trước. Theo thời gian, một số loài tiến hóa thành linh trưởng bậc cao; số khác dần tuyệt chủng.

Lý thuyết nói trên được mặc định là chính xác khi hóa thạch của vượn cáo cổ đại được tìm thấy khắp nơi trên thế giới như châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á và châu Phi. Nguyên nhân khiến vượn cáo tuyệt chủng ở các đại lục được cho là do chúng không cạnh tranh nổi với các loài linh trưởng bậc cao thông minh hơn, cũng như môi trường sống thay đổi khiến vượn cáo dễ dàng trở thành con mồi của thú ăn thịt. Tuy nhiên lý thuyết đó lại không đúng với Madagascar.

Bề ngoài của vượn cáo aye-aye khiến chúng bị hiểu nhầm là quỷ dữ.

Bất chấp thời gian thay đổi sau hàng chục triệu năm, vượn cáo ở Madagascar vẫn không ngừng sinh sôi, phát triển. Chúng phân bố khắp nơi trên quốc đảo này với muôn vàn hình thái. Vậy tại sao vượn cáo chỉ còn tồn tại ở Madagascar và tuyệt chủng ở mọi nơi khác? Đi sâu vào lịch sử bằng cách nghiên cứu xương và hóa thạch còn sót lại của loài linh trưởng bậc thấp này, các nhà khoa học khám phá ra một sự thật bất ngờ khác.

Các chỉ dấu địa chất cho thấy hòn đảo Madagascar bắt đầu tách ra khỏi lục địa châu Phi từ 160 triệu năm trước, thời điểm loài vượn cáo vẫn chưa xuất hiện. Chúng cũng mới chỉ có mặt ở quốc đảo này khoảng 40 triệu năm, muộn hơn những người họ hàng ở đại lục 15 triệu năm. Những khoảng hở về mặt thời gian đó cho thấy vượn cáo không phải sinh vật có ở Madagascar ngay từ đầu. Vậy tại sao chúng lại có mặt ở Madagascar và tiếp tục phát triển?

Cuộc di cư khó lý giải

Không ai có thể tìm bằng chứng cụ thể cho thấy một cuộc hành hương của loài vượn cáo từ đất liền ra đảo Madagascar, thế nên họ chỉ có thể đặt ra những giả thiết. Trong số đó, giả thiết hợp lý nhất là khoảng 40 triệu năm về trước, một cơn bão đã đánh dạt một bầy vượn cáo ven vùng duyên hải phía Đông Nam châu Phi ra biển. Chúng lênh đênh nhiều ngày, cố gắng sống sót nhờ bấu víu vào những cành cây vụn rồi dạt vào Madagascar.

Ở thời điểm đó Madagascar không hề có sự xuất hiện của các loài chim hay thú, thế nên bầy vượn cáo lưu lạc trở thành chủ nhân của vương quốc mới chưa từng có loài vật nào khai phá. Trong khi những người anh em của chúng trong đất liền dần tụt lại và diệt vong trong cuộc đấu tranh sinh tồn với những loài thú thông minh hơn, thích nghi dễ dàng hơn, vượn cáo Madagascar thoải mái tung hoành giữa hòn đảo không có bất kỳ kẻ thù nào.

 

Archaeoindris là loài vượn cáo lớn nhất từng tồn tại.

"Hành trình vượt biển đầy bí ẩn của vượn cáo Madagascar mang đến sự tồn tại của những sinh vật được ví như hóa thạch sống từ thời tiền sử", tạp chí National Geographic bình luận. Trong đất liền, cá thể vượn cáo cuối cùng đã chết vào khoảng 30 triệu năm trước, vỏn vẹn 5-10 triệu năm sau khi loài khỉ xuất hiện. Hóa thạch của nó được tìm thấy ở miền trung Pakistan. Nhưng đáng chú ý hơn là vượn cáo không chỉ tình cờ trôi dạt đến Madagascar một lần trong suốt chiều dài lịch sử.

Ban đầu, vài nhà khoa học tỏ ra không đồng ý với giả thiết về cuộc vượt biển của vượn cáo Madagascar, thế nên họ liên tục đưa ra bằng chứng phủ nhận điều đó. Năm 1967, một nhóm nghiên cứu cổ sinh vật học người Mỹ tìm thấy hóa thạch có niên đại 30 triệu năm. Họ quả quyết đây là vượn cáo, nhưng sinh vật này có đôi tai giống như loài dơi. Một hóa thạch tương tự được tìm thấy tại Ai Cập, có niên đại vào khoảng 34 triệu năm trước cho thấy nó rất giống với vượn cáo aye-aye.

Nghiên cứu thêm về vượn cáo aye-aye, một sinh vật khác thường của Madagascar với đôi tai giống dơi và những ngón tay dài dị thường, các nhà sinh vật học kết luận chúng đến từ châu Phi lục địa. Tuy nhiên cũng giống như vượn cáo cổ đại, bằng một cách nào đó, vượn cáo aye-aye đã vượt biển đến Madagascar trong cuộc di cư thứ hai diễn ra vào khoảng 35 triệu năm về trước. Tương tự chuyến đi đầu tiên, không có loài thú ngoại lai nào ngoài vượn cáo đặt chân lên đảo Madagascar.

Không phải chịu mối đe dọa từ bất cứ loài thú săn mồi nào, một số loài vượn cáo ở Madagascar tiến hóa thành những sinh vật to lớn và chậm chạp. Hóa thạch và xương của Archaeoindris, loài vượn cáo lớn nhất từng xuất hiện trên hành tinh, cho thấy chúng nặng khoảng 150-200kg, tương đương một con khỉ đột trưởng thành. Trong số các loài linh trưởng từng xuất hiện trên Trái Đất, chỉ có vượn người cổ đại Gigantopithecus sở hữu kích thước to lớn hơn chúng.

Kẻ thù không ngờ đến

 

Chuỗi ngày yên bình của vượn cáo Madagascar bắt đầu khép lại vào 2000 năm trước, thời điểm những thổ dân đầu tiên đặt chân đến hòn đảo này. Nạn nhân đầu tiên chính là những gã khổng lồ Archaeoindris. Sở hữu vẻ ngoài to lớn, đáng sợ nhưng lại hiền lành, chậm chạp, Archaeoindris tuyệt chủng chỉ trong vòng chưa đầy 100 năm sau khi chúng được con người nhìn thấy. Không lâu sau, một loài vượn cáo cỡ lớn khác là Babakotia cũng chịu chung số phận.

Vượn cáo Madagascar có hơn 100 loài khác nhau, muôn hình muôn vẻ.

Archaeoindris và Babakotia là 2 trong số 15 loài vượn cáo lớn ở Madagascar sớm tuyệt chủng vì bị con người săn bắt. Chúng trở thành thức ăn cho thổ dân bản địa. Chỉ còn những loài vượn cáo nhỏ sống sót vì nhanh nhẹn, dễ thoát khỏi phạm vi tìm kiếm của thợ săn. Loài vượn cáo lớn nhất còn tồn tại đến ngày nay là vượn cáo Indri, nặng trung bình 7-9kg khi sống trong điều kiện tự nhiên. Chúng chỉ là sinh vật tí hon nếu so sánh với Archaeoindris.

Vẻ ngoài có phần đáng sợ cũng là nguyên nhân khiến một số loài vượn cáo bị con người săn đuổi, đặc biệt là vượn cáo aye-aye. Khi lần đầu đặt chân đến Madagascar vào thế kỷ 16, các nhà thám hiểm Bồ Đào Nha tỏ ra vô cùng sợ hãi trước những sinh vật có hình dáng giống khỉ nhưng họ chưa từng nhìn thấy trước kia. Họ tìm cách giết mọi con vượn cáo họ bắt gặp. Từ "vượn cáo" (lemur) trong tiếng Anh bắt nguồn từ tiếng Latinh, cũng có nghĩa là "hồn ma" và "linh hồn".

Cho đến nay, các thổ dân tại Madagascar vẫn tin vượn cáo aye-aye là sứ giả của quỷ dữ với những ngón tay dài, đôi tai giống dơi và tập tính chỉ kiếm ăn vào ban đêm. "Phải giết vượn cáo ngay khi bắt gặp, nếu không chúng sẽ giết ta chỉ bằng một cái liếc nhìn" là câu nói được nhiều thế hệ thổ dân truyền miệng cho nhau suốt nhiều thế kỷ qua. Quan niệm đó khiến loài vượn cáo nhỏ bé này liên tục bị săn đuổi trong nhiều năm, và chúng chỉ được bảo vệ khi có nguy cơ tuyệt chủng.

Nạn phá rừng ở Madagascar là một nguyên nhân khác khiến hơn 100 loài vượn cáo đặc hữu tại quốc đảo này nằm trong danh sách bị đe dọa. Là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới với thu nhập bình quân đầu người không đến 500USD/người/năm, sinh kế của phần lớn trong số 26 triệu người dân Madagascar là làm nông nghiệp. Chặt cây lấy gỗ, đốt nương làm rẫy là cách duy nhất để họ tồn tại mỗi ngày, nhưng nơi sinh sống của vượn cáo từ đó cũng dần mất đi.

 

Trước viễn cảnh có thể mất vĩnh viễn loài vượn cáo trong tương lai gần, chính phủ Madagascar đã chính thức vào cuộc. Những khu bảo tồn cho vượn cáo dần được thành lập, bảo vệ loài vật nhỏ bé này trước những mối đe dọa từ bên ngoài. Tất cả được lập ra để vượn cáo không phải thực hiện một chuyến hành hương vượt biển nào nữa trên con đường tiến hóa.

1
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm