Bí ẩn địa lăng Tần Thủy Hoàng: Có dấu tích của người phương Tây
Cực sốc: Tần Thủy Hoàng không phải bạo chúa tàn độc? / Tần Thủy Hoàng cả đời không dám lập ai làm hoàng hậu, tại sao?
Chỉ khi các nhà khảo cổ tìm đến nơi này, thì hàng ngàn pho tượng binh lính bằng đất nung mới được khai quật. Những bí ẩn và quy mô khảo cổ đã khiến cho địa lăng Tần Thủy Hoàng được coi là phát hiện khảo cổ vĩ đại nhất thế kỷ XX. Đã có rất nhiều giả thiết được đưa ra cho những bí ẩn trong địa lăng, đặc biệt là về đội quân đất nung được phát hiện.
Mới đây các nhà khảo cổ Trung Quốc cho rằng đã phát hiện DNA của người phương Tây ở khu vực địa lăng vào khoảng 259-210 trước Công nguyên. Điều này đã làm dấy lên nhiều tranh cãi và cho đến nay vẫn là điều bí ẩn bởi khu lăng mộ chính của Tần Thủy Hoàng vẫn còn bị niêm phong kín, chưa được khám phá.
Tần Thủy Hoàng và ngôi mộ được xây dựng từ khi còn sống
Tần Thủy Hoàng tên thật là Doanh Chính, trở thành vị vua thứ 36 của nước Tần trong thời kỳ Chiến Quốc. Sau khi thống nhất Trung Quốc vào năm 221 trước Công nguyên, lập ra nhà Tần. Ông mất năm 210 vào tuổi 49 cùng vô số bí mật về cái chết của mình.
Đã có rất nhiều bộ phim mô tả về Tần Thủy Hoàng, từ vị danh tướng lỗi lạc cho đến vị vua tàn bạo, đốt sách và chôn sống các học giả. Thế nhưng có một sự thật không thể chối cãi là vào thời kỳ Tần Thủy Hoàng cai trị, đã có nhiều công trình vĩ đại được khởi công xây dựng như Vạn Lý Trường Thành, kênh đào Linh Cừ… và điển hình là khu địa lăng.
Địa lăng là một trong những dự án đầu tiên mà Tần Thủy Hoàng thực hiện khi lên ngôi. Theo các nhà nghiên cứu, địa lăng được khởi công năm 215 trước Công nguyên có tới hơn 700 nghìn người tham gia dưới sự chỉ huy của một vị tướng thân cận của Tần Thủy Hoàng là Mông Điềm.
Theo những ghi chép còn lại của nhà sử học Tư Mã Thiên, địa lăng chứa đầy châu báu; với bản đồ của một trăm con sông; sông Hoàng Hà, Dương Tử và biển Đông được lấp đầy bằng thủy ngân. Hệ thống máy móc điều khiển chúng sẽ khiến cho các dòng thủy ngân chảy suốt đêm ngày cùng với bầu trời là trần địa cung gắn vô số ngọc quý tạo nên cảnh tượng vô cùng kỳ vĩ.
Mỗi pho tượng là một biểu cảm gương mặt khác nhau. |
Địa lăng được thắp sáng bởi những ngọn đuốc cháy bằng dầu nhân ngư, một loại cá có hình dạng giống người. Sau khi hoàn thành, những người thợ thủ công nấu chảy đồng để hàn kín các khu mộ, cùng với đó là rất nhiều cạm bẫy để ngăn ngừa những kẻ đào trộm.
Cũng theo sử sách ghi lại, sau khi xây dựng xong khu địa lăng, những người thợ thủ công và thợ xây dựng đều bị chôn sống trong các huyệt đạo và đường hầm để đảm bảo những bí mật không lộ ra ngoài. Phần đất phía trên địa lăng được trồng cây, cỏ để ngụy trang thành một ngọn đồi. Những điều được viết lại tỏ ra có cơ sở khi ở những khu vực đã được khai quật ngày nay, các nhà nghiên cứu đo thấy nồng độ thủy ngân cao hơn gấp nhiều lần thông thường.
Với quy mô ước tính là 18.000m2, địa cung như một kim tự tháp bằng đất có ba tầng, bên trên là nền đất đắp nổi cao 76m, xung quanh được bao bọc hai lớp tường thành với khu vực bên ngoài rộng 2km2. Hai lớp thành này quây lấy một khu vực các cung tẩm, lâu các, chùa chiền v.v… Ở dưới mặt đất là khu địa cung hình chữ nhật có tường cao 27m, dày 4m, có cửa vào bốn phía bao bọc.
Bên trong lăng mộ được mô phỏng theo kiến trúc kinh đô Hàm Dương nhà Tần. Theo thiết kế, ba tầng của địa cung bao gồm trên cùng là ngoại cung, rồi tới nội cung và dưới cùng là tẩm cung. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành nhiều cuộc khảo cổ và phát hiện 300 đường hầm bồi táng và hàng vạn cổ vật quan trọng phía trên lớp đất bao bọc bên trên địa cung.
Tới năm 1974, phần hầm mộ được khai quật đầu tiên là đường hầm được đặt tên Binh mã dũng số 1. Ước tính có tới 8 nghìn pho tượng đất nung được tìm thấy. Những nhà nghiên cứu cho rằng đây là những quan văn, quan võ, binh lính, ngựa của những người thân cận và trung thành với Tần Thủy Hoàng. Năm 1984, cuộc khai quật tiếp theo đã tìm thấy đường hầm Binh mã dũng số 2. Đường hầm này chứa đựng các trận thế kỵ binh và các cung thủ trong tư thế bắn được tạo hình phong phú và mang tính nghệ thuật cao.
Một chiếc nỏ gần như nguyên vẹn và... |
Đã có rất nhiều khó khăn mà các nhà khảo cổ gặp phải như việc phải di chuyển một lượng đất đá khổng lồ, với tình trạng mực nước ngầm rất cao. Chưa kể đến lớp thủy ngân bao bọc lăng mộ có nồng độ rất cao, thì việc bảo quản các hiện vật được tìm thấy cũng là vấn đề phải được tính toán. Các bức tượng binh mã được tìm thấy thời gian đầu đều có lớp sơn phủ với màu sắc riêng biệt, nhưng sau một thời gian đều bị phai và xỉn đi.
Hiện nay các nhà nghiên cứu đang áp dụng phương pháp "đông khô", tức là đưa những hiện vật vào hầm lạnh tới -40oC để tạo thành một lớp băng mỏng bảo vệ chúng khỏi hiện tượng phong hóa, hoặc vi khuẩn phá hoại trước khi đưa vào bảo quản lâu dài. Toàn bộ khu khảo cổ phải được bao bọc bởi khu nhà bảo quản khổng lồ khiến cho cuộc khám phá những bí ẩn địa cung trở nên tốn kém và khó khăn.
Đội quân đất nung được người phương Tây giúp đỡ chế tác?
Đội quân đất nung, hay còn gọi là tượng binh mã dũng Tần Thủy Hoàng được coi là một trong những bí mật lớn nhất của địa lăng. Những pho tượng binh mã dũng được nặn từ đất sét, sau đó nung với nhiệt độ thấp. Các pho tượng được phết một lớp sơn bên ngoài để bảo quản và tăng độ bền.
Điều đặc biệt là tất cả các pho tượng đều khác nhau ở biểu cảm khuôn mặt, kích cỡ và màu sơn… tất cả đều sống động như đội quân thật. Họ được chôn theo đội hình trong các chiến hào bao bằng gạch, những lớp sơn màu đỏ tươi, xanh lam, hồng và vàng được sơn lên các pho tượng đã bị bạc màu theo thời gian.
Những pho tượng binh mã dũng được đặt trong 3 hầm mộ riêng biệt. Đã có hơn 8 nghìn pho tượng được tìm thấy, chủ yếu là lính bộ binh, cung thủ, các tướng lĩnh trong các tư thế, họ đều cầm vũ khí như cung, kích, giáo, gươm… là những vũ khí ở thời đó. Ngoài ra còn có những bức tượng xe ngựa được chạm khắc tinh xảo và kích cỡ như thật.
....con thiên nga bằng đồng tìm thấy ở lăng mộ Tần Thủy Hoàng. |
Các nhà nghiên cứu cho rằng, hầm mộ thứ nhất chứa hơn 6 nghìn bức tượng binh mã dũng nằm ở phía tây của địa lăng là đội quân chủ lực của Tần Thủy Hoàng. Hầm mộ thứ hai có khoảng 1.400 tượng kỵ binh và bộ binh đi kèm. Hầm mộ thứ ba là đội chỉ huy các cấp và xe tứ mã.
Một nghiên cứu mới đây được công bố của các nhà khảo cổ Tân Cương, Trung Quốc cho rằng những bức tượng đất nung được tìm thấy tại địa cung có thể được người phương Tây giúp chế tạo.
Theo nghiên cứu này, những vết tích DNA của người phương Tây đã được tìm thấy tại khu vực khảo cổ gần địa lăng của Tần Thủy Hoàng có niên đại khoảng 259-210 trước Công nguyên. Những bức tượng đất nung có phong cách Hy Lạp cổ đại và vào thời kỳ này, ở Trung Quốc chưa có truyền thống chế tác tượng có kích thước bằng người thật như vậy.
Tiến sĩ Li Xiuzhen, nhà khảo cổ học tại khu khảo cổ địa lăng cho rằng đã tìm thấy những bằng chứng ban đầu về mối quan hệ giữa người Trung Hoa và phương Tây ở thời kỳ trước cả khi Con đường tơ lụa được hình thành.
Chủ tịch Bảo tàng Mỹ thuật châu Á, Đại học Vienna, Giáo sư Lukas Nickel cho rằng những bức tượng ở khu vực địa lăng chịu sự ảnh hưởng từ phong cách tượng Hy Lạp ở Trung Á sau thời kỳ Alexander Đại đế. Đã hơn 40 năm kể từ khi phát hiện, lý do vì sao Tần Thủy Hoàng chôn kèm trong lăng mộ của mình cả một đội quân đất nung đông đảo như vậy vẫn còn là bí ẩn…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Bí ẩn địa lăng Tần Thủy Hoàng