Trong quy định an táng dành cho hoàng đế Trung Quốc thời cổ đại, tàn nhẫn, khốc liệt nhất phải kể đến tục tuẫn táng, tức chôn người sống theo người chết.
Thời Tần - Hán, tục lệ này còn tương đối thịnh hành, nhưng sau thời nhà Hán, tầng lớp thống trị nhận ra mức độ tàn nhẫn của quy định này, nên đã dần phế bỏ.
Nhưng thật lạ lùng, bên trong mộ của Chu Nguyên Chương – vị hoàng đế nổi tiếng thời nhà Minh sau này xuất hiện hài cốt của các mỹ nhân bí ẩn. Những di cốt này được giới khảo cổ Trung Quốc khai quật, phát hiện.
Thực tế ấy cho thấy, khi băng hà, Chu Nguyên Chương đã cho tiến hành hủ tục tuẫn táng như thời Tần - Hán trước đây. Tuy nhiên, những phi tần, cung nữ táng theo hoàng đế đã phải chấm dứt sinh mệnh ra sao, đó là một bí ẩn thách thức giới khảo cổ, sử học nước này.
Nhà Minh là một vương triều khá đặc biệt thời phong kiến Trung Quốc. Điểm đặc thù lớn nhất của triều đại này là khôi phục hủ tục tuẫn táng từng bị phế bỏ trước đây. Khi Chu Nguyên Chương còn tại vị, tục lệ này đã bắt đầu được lưu truyền trở lại trong triều đình. Năm 1395, sau khi con trai thứ của Chu Nguyên Chương là Chu Sảng (tức Tần Vương) qua đời, ông hoàng này bèn ra lệnh cho hai vương phi của Tần Vương phải táng theo chồng, cốt để con trai có bầu có bạn trên đường xuống suối vàng.
Vào năm 1398, Chu Nguyên Chương băng hà, hậu duệ là Chu Doãn Văn lên kế vị. Chiếu theo di chúc của tiên đế, Chu Doãn Văn đã lệnh cho toàn bộ cung phi chưa từng sinh nở phải chôn theo Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương. Mệnh lệnh vừa ban ra đã khiến triều đình hỗn loạn. Tiếng khóc than ai oán vang dậy khắp nơi.
Khi ấy triều chính rối ren hỗn loạn, nhiều cung nhân đã thừa cơ làm càn, nhận hối lộ và làm điều sai trái, thậm chí báo thù cá nhân. Dưới sự che giấu của quan viên trong triều, một vài cung nữ tuy chưa sinh nở nhưng vẫn sống sót. Ngược lại, có những phi tần bị quẫn bức bồi táng theo vua vì trót đắc tội với mệnh quan nào đó. Sử sách Trung Quốc gọi những phi tần xấu số ấy là “triều thiên nữ”.
Rốt cuộc, các mỹ nhân bất hạnh này đã bị tuẫn táng theo hình thức nào? Đó là vấn đề khiến giới sử học Trung Quốc không ngừng tranh luận.
Có sử gia cho rằng, các phi tần trên đã bị ép phải treo cổ tự sát. Họ lý giải: Sau khi ban lệnh tuẫn táng, Chu Doãn Văn liền sai người lập danh sách các phi tần, cung nữ phải chôn theo vua. Vào ngày tuẫn táng, những người này đều bị dồn vào một căn phòng.
Tại đây bày sẵn những “thái sư ỷ” (ghế thái sư) có số lượng tương ứng với số phi tần, cung nữ bị tuẫn táng. Được biết, loại ghế đặc biệt này do bọn thái giám chịu trách nhiệm bố trí. Trên mỗi chiếc ghế lại đặt sẵn một tấm lụa trắng dài 7 thước (mỗi thước tương đương 1/3 mét).
Những cung nữ bạo gan sẽ tự nghiến răng nghiến lợi chui đầu vào nút thắt của tấm lụa, sau đó dùng chân đạp đổ ghế thái sư, chỉ vài phút sau, họ đã tắt thở.
Riêng những cung nữ nhát gan thì hồn xiêu phách lạc, run lẩy bẩy, ngồi không vững trên nền đất. Chứng kiến cảnh nữ nhi yếu ớt, không chút sức lực phản kháng khi cái chết đến gần, bọn thái giám chẳng mảy may thương xót.
Vài tên nhấc bổng cung nữ lên ghế thái sư, sau đó luồn nút thắt của tấm lụa vào đầu họ và nhấc ghế ra. Những cung nữ tội nghiệp vốn đã chết ngất vì sợ, nay thêm vài cái giãy giụa rồi im lặng vĩnh viễn.
Nhưng cũng có sử gia cho rằng, các phi tần này được tuẫn táng bằng cách đổ thủy ngân vào trong cơ thể. Để giữ thi thể hoàng đế cùng đám mỹ nữ chôn theo không bị thối rữa, một số thị thần và thái giám đã thuận theo đề nghị dùng thủy ngân làm chất giết người.
Sau khi Chu Doãn Văn sai lập danh sách phi tần, mỹ nữ chôn cùng Minh Thái Tổ, tới ngày tuẫn táng, những cô gái xấu số phải tập trung ở một nơi, sau đó, mỗi người bị ép uống một cốc trà pha chất an thần gây ngủ. Đợi sau khi những người này ngấm thuốc ngủ say, bọn thái giám chờ sẵn bên cạnh sẽ rạch một nhát trên đầu họ. Kẻ thi hành cầm muỗng bằng đồng, rót thủy ngân vào chỗ vừa rạch, tới một lượng nhất định thì ngừng rồi dùng kim khâu lại. Khi mọi công đoạn đã xong xuôi, cũng đồng nghĩa với việc, các mỹ nhân không còn hơi thở.
Mỗi quan điểm đều có lý riêng nhất định. Nhưng so với quan điểm thứ hai, quan điểm thứ nhất có vẻ đáng tin hơn. Rót thủy ngân vào đầu là cách kết liễu sinh mệnh con người, lại khiến nạn nhân bảo toàn được dung nhan. Nhưng theo các phát hiện khảo cổ, những phi tần tuẫn táng trong mộ Chu Nguyên Chương đều chỉ còn là đống xương trắng. Nếu quả thực họ bị đổ thủy ngân vào đầu, thì trong điều kiện chôn cất hoàn toàn khép kín như vậy, đáng ra sẽ giữ được dung nhan của mình suốt mấy trăm năm.
Do đó, cái chết của những mỹ nhân tuẫn táng theo Chu Nguyên Chương, rất có thể đúng như nhận định của chuyên gia nghiên cứu lịch sử nhà Minh Mã Vị Nguyên, đó là “treo cổ tự sát”.