Bí ẩn sự ‘đột tử’ liên tục của 8 ‘cụ’ muỗm ngàn tuổi ở một ngôi đền tại Hà Nội
Lãnh địa mộ cổ khổng lồ ở Hải Phòng và bí ẩn sấm truyền kho báu / Clip: Bí ẩn về ngôi nhà ác quỷ không được hiển thị trên Google Maps
Những cái chết bí ẩn
Ở Hà Nội có 2 ngôi đền, đều tên Voi Phục. Một ngôi đền ở công viên Thủ Lệ, một đền ở phố Thụy Khuê. Ngôi đền cổ và chính, thờ Linh Lang Đại Vương nhưng lại ít người biết đến nằm ở phố Thụy Khuê.
Ngôi đền này, chỉ được người dân thủ đô biết đến nhiều hơn kể từ khi 9 cây muỗm khổng lồ gần 1000 năm tuổi được vinh danh là Cây Di sản, cực kỳ quý hiếm nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Thế nhưng, điều hết sức kỳ bí là sau lễ vinh danh ấy thì tất cả các cụ cây trong khuôn viên đền đều lăn ra chết sạch. Điều kỳ lạ này đã thôi thúc tôi đến tận nơi để tìm hiểu.
Tôi tìm đến đền Voi Phục vào một sáng Hà Nội nắng trong. Ngôi đền cổ mới trùng tu khang trang sáng sủa, các cụ già ra vào tấp nập, sửa soạn đồ chuẩn bị lễ dâng Thánh Linh Lang vào ngày 12 (âm lịch) hàng tháng.
Đúng như lời đồn, trong khuôn viên ngôi đền cổ kính không còn bóng dáng những cây muỗm cổ thụ vài người ôm, thay vào đó là những cây muỗm nhỏ chưa đủ người ôm.
Đang dạo ở khuôn viên đền thì thấy cụ bà tóc bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu đang lúi húi sắp lễ, tôi liền hỏi bà về những cây muỗm cổ thụ từng ngự ngàn năm ở ngôi đền này.
Bà cụ giới thiệu tên Lam, nhà ở phố Thụy Khuê đã có 25 năm hương khói, gắn bó với ngôi đền, kể chuyện với vẻ đượm buồn: “Cả tuổi thơ của tôi gắn bó và đầy kỉ niệm với các ‘cụ’ muỗm nên khi các ‘cụ’ chết đi bản thân tôi cũng như những người gắn bó với ngôi đền này đều rất đau buồn, chẳng khác gì mất đi người thân.
Có nhiều lời đồn quanh việc 8 ‘cụ’ muỗm chết nhưng đây là nơi đất Thánh ngự, người trần mắt thịt như chúng ta không thể biết hết được. Cũng có thể có những sai sót mang tính tâm linh nên mới gây ra những hậu quả đáng tiếc như thế”.
Bà Lam chỉ nói vậy rồi thôi. Có lẽ đằng sau cái chết của các “cụ” cây có những nguyên do tế nhị mang tính chất tâm linh mà bà không muốn kể ra, hoặc không dám kể.
Tìm hiểu thêm từ một số cụ già hay đi lại hương khói ở ngôi đền cũng như cư dân ở xung quanh thì tôi thấy họ hay nhắc tới cái giếng Ngọc. Xưa kia, đối diện đền Voi Phục là giếng Ngọc nước trong leo lẻo, các cụ gọi giếng Ngọc là mắt phượng hoàng.
Những người trông nom hương khói đền và người dân xung quanh đều rất trân trọng và giữ gìn, giếng Ngọc như linh hồn tạo ra sự phong thủy linh thiêng cho ngôi đền.
Những ngày tế lễ, các cụ thường lấy nước ở giếng này, gọi là “nước Thánh” để cúng tiến Thánh Linh Lang. Nước giếng này càng sạch sẽ thì đền càng quang đãng, sáng sủa.
Thế nhưng, một ngày người dân lấn chiếm, xây dựng nhà cửa, giếng Ngọc biến mất. Theo lời đồn, sự biến mất của giếng Ngọc linh thiêng là nguyên nhân khiến các “cụ” cây liên tiếp “đột tử”.
Theo ông Bùi Hiểu, sống cạnh nơi từng có giếng Ngọc, khi giếng Ngọc biến mất, nguồn nước trong mát và tinh khiết không còn nên 8 cụ cây trong khuôn viên đền đều lần lượt “đột tử”.
Duy nhất một “cụ” cây hiện ở ngoài khuôn viên đền, nhưng ở nơi từng có giếng Ngọc, vẫn còn sống, là bởi rễ nó đâm sâu xuống mạch nguồn giếng đã bị lấp để hút thứ nước tinh khiết.
Ông Hiểu tâm tư: “Giếng Ngọc là thứ vô cùng quan trọng với người dân Thụy Khuê. Ngày trước, cuộc sống sinh hoạt của chúng tôi gắn liền với cái giếng này.
Lấp giếng đồng nghĩa là che mắt phượng hoàng thì làm sao loài chim quý ấy có thể tự do bay múa, ban phước cho dân, cây cối tốt lành được”.
Tuy nhiên, lại có những lời đồn khác giải mã cho sự ra đi của các “cụ” cây ngàn tuổi ở ngôi đền cổ này.
Theo đó, ngay sau khi được phong là cây di sản vào năm 2010 thì năm 2011 đền Voi Phục được trùng tu với kinh phí 17 tỷ đồng.
Dự án gồm 6 hạng mục: quy hoạch lại tổng thể toàn bộ di tích; tu bổ các hạng mục đền chính, hậu cung và nghi môn; xây mới nhà tạo soạn (tả - hữu), hàng rào bao quanh di tích; cải tạo sân vườn cùng hệ thống thoát nước...
Điều trùng hợp là khi dự án trung tu đền bắt đầu thì các “cụ” cây lăn đùng ra chết mà không có cách nào cứu vãn nổi. Chính vì thế đã bùng lên lời đồn việc trùng tu đền đã “phạm” vào vấn đề tâm linh nào đó.
Theo một số tài liệu về phong thủy Thăng Long thì Hồ Tây là rốn rồng, nơi hội tụ vượng khí của thủ đô. Đền Voi Phục nằm trên trục long mạch chính của Thăng Long.
Chính vì thế xuất hiện một số lời đồn việc đào bới, khai quật trong khuôn viên đền trong quá trình trùng tu, xây dựng mới một số hạng mục, đã phạm phong thủy dẫn đến nhưng cái chết bất đắc kì tử cho các cụ cây đã từng trường tồn cùng với kinh thành Thăng Long và giờ là thủ đô Hà Nội.
Một số người dân sống cạnh đền cho rằng, chính quá trình khai quật với quy mô lớn này không may đã động phải long mạch nơi đất thiêng, nên hậu quả đã ứng vào những cây đại thụ nơi cửa đền.
Giữa năm 2012, nhóm các nhà khảo cổ do PGS.TS Nguyễn Lân Cường (Viện Khảo cổ học - trưởng nhóm khảo sát) đã đào bới, khai quật trên một diện tích rộng 15m2, sau đó đến cuối năm 2012 lại mở rộng khai quật thêm 20m2 nữa.
Trong cuộc khai quật này, PGS. Cường đã có những phát hiện kỳ lạ chưa giải thích nổi, đó là những lon sành nằm ở độ sâu gần 1m, được đặt song song thành 2 hàng.
Các nhà khảo cổ học đã vào cuộc nhưng không giải mã được khiến trúc lạ này, họ chỉ kết luận đây là những cấu trúc là chưa từng xuất hiện ở Việt Nam.
Chính vì cuộc khai quật, và sự phát hiện những cổ vật và kiến trúc lạ lùng đã dấy lên những lời đồn kì bí liên quan đến cái chết ngay sau đó của các “cụ” cây.
Có người nói rằng, những cổ vật và kiến trúc đó là những tấm bùa trấn yểm bảo vệ cho sự bình yên và linh thiêng của ngôi đền.
Vậy có hay không sự liên quan giữa cuộc khảo cổ với cái chết liên tiếp của 8 “cụ” cây ngay sau đó? Mặc dù có sự trùng hợp, nhưng cũng chỉ là lời đồn mà thôi vì chẳng có gì chứng minh được cuộc khai quật đã ảnh hưởng đến phong thủy, gây ra cái chết của 8 “cụ” muỗm khổng lồ.
Có rất nhiều lời đồn mang tính chất tâm linh của các “cụ” muỗm ngàn tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Tùng, thủ nhang đền Voi Phục, người gắn bó với ngôi đền mấy chục năm qua chỉ coi đó là những lời đồn mang tính chất mê tín dị đoan.
Lý giải cho sự ra đi của các cụ muỗm, ông Tùng cho biết: “Sở dĩ những lời đồn mang tính dị đoan bùng phát liên quan đến cái chết của các ‘cụ’ cây là bởi cái chết của các ‘cụ’ cây rơi vào thời điểm có các sự kiện quan trọng của thủ đô cũng như của đền.
Là người gắn bó cả đời với ngôi đền này cũng như 8 cây muỗm nên tôi khẳng định rằng nguyên nhân dẫn đến cái chết liên tiếp của các ‘cụ’ cây là bởi các ‘cụ’ đã quá già, lại bị sâu ăn đến rỗng ruột.
Khi được cấp phép cưa cây, chúng tôi mới phát hiện các thân cây đều bị sâu đục thân ăn hết phần lõi. Có những cây thân bị sâu ăn rỗng , 2-3 người chui vào vẫn lọt.
Các ‘cụ’ cũng đã gần 1000 tuổi, thân cây đã lão hóa, lại bị hàng ngàn những con sâu to bằng ngón tay đục thân quanh năm suốt tháng, chúng tôi không có chuyên môn chăm sóc, nên mới dẫn đến những cái chết đáng tiếc như vậy”.
Ngôi đền cổ và những cây muỗm ngàn năm
Đền Voi Phục là một ngôi đền trong Thăng Long tứ trấn của thành Thăng Long xưa, trấn giữ phía tây thành.
Đền được lập nên để thờ hoàng tử Linh Lang, sinh tại làng Thụy Chương (thuộc phường Thụy Khuê hiện tại), người đã có công đánh lui giặc trong cuộc chiến chống quân Tống (1076-1077).
Sau khi Hoàng tử Linh Lang qua đời, vua truyền cho 269 làng, xã, tất cả những nơi mà ông từng ở, đóng quân, đi qua… phải lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của ngài.
Thụy Chương là nơi sinh ra đức thánh Linh Lang, nên nhân dân đã xây dựng đền thờ để tưởng nhớ. Sau đó, làng Thủ Lệ, nơi Linh Lang từng ở, cũng xây dựng một ngôi đền và cũng đặt tên là Voi Phục.
Theo quy ước ngày xưa, ngôi đền nào cùng tên, cùng thờ một người, thì ngôi đền xây sau sẽ phải nhỏ hơn ngôi xây trước. Chính vì vậy, quy mô ngôi đền Voi Phục ở Thủ Lệ nhỏ hơn so với đền Voi Phục ở Thụy Khuê.
9 cây muỗm được dân làng trồng ngay sau khi đền xây dựng xong. Quá trình dân cư lấn chiếm, thì một cây cạnh giếng Ngọc đã “di cư” ra khỏi khuôn viên đền, nằm trong khu dân cư.
Nhìn từ trên cao, tán rộng lớn của 9 cây muỗm cổ thụ này như thể “cửu long tranh châu” (chín con rồng tranh ngọc).
Viên ngọc chính là ngôi đền thờ Linh Lang đại vương, còn khi điểm 9 gốc cây này lại với nhau thì tạo nên chữ Thần.Kết quả điều tra xác định tuổi của cả 9 cây muỗm khoảng hơn 700 năm.
Cây thấp nhất cao 17m, cây cao nhất tới 29m. Ngày 5/10, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Ban quản lý Đền Voi Phục (Hà Nội) tổ chức lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam cho 9 cây muỗm đại thụ thuộc sự quản lý của đền.
Đây là 9 cây đại thụ đầu tiên được công nhận là Cây Di sản Việt Nam.
Nhưng sang năm 2011, cây bắt đầu có dấu hiệu bị bệnh, đến tháng 8/2012 thì 2 cây muỗm đã chết khô.
Năm 2013, tiếp tục có 3 cây muỗm mang dấu hiệu khô héo. Lo ngại cho sức khỏe của các “cụ” muỗm, ông Nguyễn Văn Tùng đã liên lạc với VACNE yêu cầu sự giúp đỡ từ các chuyên gia.
Sau lời kêu cứu, VACNE đã mời các chuyên gia đến từ Australia cứu chữa nhưng không khả thi. Đến năm 2014, tổng 8 trên 9 cây muỗm đã ra đi, còn một cây duy nhất nằm ngoài khuôn viên đền sống sót.
Sự “ra đi” đột ngột của các “cụ” muỗm trong 3 năm liên tiếp đã gây nuối tiếc rất lớn cho người dân cư ngụ quanh ngôi đền.
Ban Quản lý đền Voi Phục đã trồng thay thế cây muỗm đem về từ Hòa Bình, có độ tuổi khoảng 40 năm, đường kính thân 30-40cm và cao khoảng 5-6m để giữ gìn con số 9 “trùng cửu”.
Ông Tùng giãi bày: “Chúng tôi là nông dân cày đường nhựa, không có chuyên môn chăm sóc cây nên đã không giữ được các ‘cụ’ muỗm.
Vô cùng xót xa trước sự việc không mong muốn này, nhưng nơi Ngài ở được khang trang thì phải chấp nhận mất một số thứ. Hiện tại các cây muỗm mới phát triển rất tốt, năm nào cũng sai trĩu quả. Tôi nghĩ đó là điềm lành”.
Những đoạn gỗ tốt từ các cây muỗm cũ đã chết, Ban Quản lý đền đã giữ lại và tạc thành đôi voi thờ trước cửa điện.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ngư dân bất ngờ vớt được khối gỗ ước tính hơn 3.455 tỷ đồng
Nhặt bừa viên đá chặn cửa nhiều thập kỷ, cụ bà đến khi mất cũng không biết mình từng sở hữu báu vật
Chỉ 4 cao thủ có thể đánh bại Cưu Ma Trí trong Thiên Long Bát Bộ: Ba trong đó là sư huynh đệ
Cận cảnh khu mộ 50 tỷ đồng của vợ cũ vị đại gia nổi tiếng nhất Bình Dương
CLIP: Quạ đen phản đòn xuất sắc, hạ gục chim ưng để thoát hiểm
Cao thủ có con mắt tinh tường nhất của Kim Dung: Cả đời nhận 4 đồ đệ, hai trong đó là đệ nhất thiên hạ