Khám phá

Bí ẩn về rắn vàng ở ngôi đền thiêng xứ Nghệ

Trong quá trình tháo dỡ chiếc cổng để tu bổ lại, những người thợ rùng mình khi nhìn thấy một con rắn vàng bò ra từ bên trong khối bê tông.

Những vũ khí của Liên Xô khiến Phát xít Đức khiếp đảm trong Thế chiến II / Chuyện về người anh hùng bắt sống tên ác ôn ở Cố đô Huế

Đó là lời kể của ông Hà Huy Quang, người quản lý tận tụy, lâu năm của đền Canh, một ngôi đền linh thiêng thuộc địa phận xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Vượt quãng đường gần 70km từ thành phố Vinh (Nghệ An), đi qua nhiều vùng quê còn nghèo của xứ Nghệ. Đây cũng là thời điểm nhiều người dân xã Đức Thành và vùng lân cận đến ngôi đền linh thiêng này để công đức và xin lộc.

Tiếp chúng tôi là ông Hà Huy Quang, một người đàn ông tóc đã bạc, người đã trông coi ngôi đền từ nhiều năm nay. Khi biết chúng tôi về tìm hiểu lịch sử hình thành và những truyền thuyết về con rắn thần được thờ trong đền, ông vô cùng mừng rỡ. Cùng nhấm nháp chén rượu lộc đầu năm, ông nói: “Để nói về gốc tích ngôi đền thì phải bắt đầu từ một câu chuyện có phần kỳ bí, mang màu sắc cổ tích, được lưu truyền từ lâu nay tại địa phương”.

Rồi ông đọc một bài thơ tóm tắt cho câu chuyện đó:

"Khe Ganh phát tích tại Xuân Hòa
Vượng khí khai sinh nhị quả hoa
Quỳ Trạch ngụ thôn do phụng tự
Đại Trung nhất xã thủ linh xà”.

Ông Hà Huy Quang, quản lý khu di tích Đền Canh.

Truyền thuyết nhuốm màu cổ tích

Ông tiếp lời, ngày xưa ở xứ Khe Ganh thuộc làng Xuân Hòa, có cặp vợ chồng già là ông Hoàng Phúc Hữu và bà Vũ Thị Quyên. Họ sống với nhau hạnh phúc, lấy nhau đã lâu nhưng chưa có con. Vào một ngày hè nóng nực, bà Quyên ra Khe Ganh tắm mát, khi trở về nhà thì thấy trong người khác lạ. Một thời gian sau, biết mình đã mang thai nghén, bà đem tin vui chia sẻ với chồng khiến ông cũng vui mừng khôn xiết. Đến ngày bà sinh nở, một điều kỳ lạ đã xảy ra khiến hai vợ chồng vừa mừng vừa sợ, bà không sinh ra con người mà lại sinh ra hai quả trứng. Mặc dù lo lắng nhưng ông Hữu vội trấn an vợ, ông nói rằng bà đừng lo lắng, đây có thể là một điềm tốt lành mà trời đất ban cho. Nghĩ vậy, hai vợ chồng đã ra sức chăm bẵm cho cặp trứng. Ông Hữu vội đi làm một cái ổ chu đáo, sau đó đặt hai quả trứng vào bên trong, chờ ngày nở. Ngày qua tháng lại, khi đã đủ ngày đủ tháng, hai quả trứng nở ra hai con rắn. Ông đặt tên cho con rắn cả là Hoàng Tiến Sơn, còn con rắn thứ là Hoàng Tiến Kỳ.

Sự việc không lấy gì làm lạ bởi ông bà đã quen từ trước đó. Được ông bà nuôi dưỡng, chăm sóc hai con rắn lớn nhanh như thổi. Hàng ngày quấn quýt bên ông bà, kể cả lúc ông bà đi làm đồng. Một hôm, sau trận mưa to, nước dâng ngập ruộng, ông Hữu vác cuốc ra đồng để đào mương thoát lũ. Hai con rắn cũng đi theo và nô đùa, bơi lội tung tăng nơi vũng nước sâu. Trong lúc đào đất ngăn nước, ông Hữu không để ý nên đã chặt đứt đuôi con rắn cả. Đau đớn, con rắn cả thôi chơi đùa, đùng đùng nổi giận rồi bò về nhà. Khi ông trở về thì thấy hai con rắn đã ngồi đợi ở cổng. Vừa nhìn thấy ông, hai con rắn ngẩng cao đầu, toan lao ra cắn ông. Có lẽ đoán trước được sự việc, ông vội vứt cuốc, chắp tay vái lạy hai con rắn ba lần.

Khu vực đền thờ ông Hữu, bà Quyên được cây si hàng trăm tuổi che bóng mát.

Thấy vậy, hai con rắn hạ cơn giận rồi lặng lẽ bỏ đi theo hai hướng. Con rắn anh là Hoàng Tiến Sơn bò đi đến một vùng đất cao ráo, phong cảnh hữu tình, bốn bề non nước (là vùng đền Canh ngày nay) thì dừng lại và để lại đây một vũng máu. Sau đó con rắn tiếp tục bò đi lên vùng thượng nguồn. Do kiệt sức, ông nằm nghỉ tại đây rồi mất, thăng thiên.

Tại vũng máu ông để lại, người dân sau này lập đền thờ và gọi là đền Canh như ngày nay, đền Canh cũng gọi là đền Hạ. Còn nơi ông mất và thăng thiên nổi lên một mô đất cao, người dân lập làm đền thờ và gọi là đền Thượng. Khu vực đền Thượng ngày nay thuộc xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Về phần con rắn thứ là Hoàng Tiến Kỳ, sau khi bỏ đi, con rắn bò về hướng đồng bằng, đến khu vực rừng cây ven hồ Diệu Ốc thì kiệt sức và cũng mất tại đây. Khu vực này ngày nay là đền Đức Hoàng thuộc xã Phúc Thành, Yên Thành (Nghệ An).

Một trong hai cây cột có hàng chữ nho.

Bí ẩn hai con rắn quanh khu đền Canh

Khi đã kể xong câu chuyện, ông Quang dẫn chúng tôi ra khu đất bên cạnh đền. Nơi đó có một ngôi miếu nhỏ thờ ông bà Hoàng Phúc Hữu và Vũ Thị Quyên. Đó là một ngôi miếu nhỏ nằm dưới tán lá cây sum suê của một cây si đại thụ. Ông cho biết: “Cây si đó đã tồn tại ở đó hàng trăm năm nay, nó đã có hàng trăm tuổi đời, lâu đến nỗi tôi cũng không nhớ nổi. Nhưng theo như sử sách kể lại, có thể nó đã có ở đó từ năm 1865 - 1866”.

“Ở ngoài cổng đền cũng có hai cái cột, bờ tường cùng chiếc cổng lâu đời, có tuổi đời lâu bằng cây si cổ thụ này”, ông vừa nói thêm, vừa chỉ tay ra phía cổng đền. Nơi đó có hai chiếc cột cũ kỹ, mỗi cột ghi hai dọc chữ nho. Ở giữa là chiếc cổng đền được xây theo kiểu xưa, cổng cũng nằm bên dưới một cây cổ thụ. Hai bên cổng đền đứng sừng sững hai con voi đang trong tư thế phủ phục. Theo ông Quang, tất cả những công trình này đều là nguyên bản, chưa qua tu bổ.


Rồi ông kể thêm, vào khoảng những năm 90, trong một lần tháo dỡ cái ô bên cạnh cổng đền để tu bổ lại cho mới, tránh nó đổ sập xuống, vừa đập nó ra thì toán thợ ai cũng rùng mình khi thấy từ trong đó bò ra một con rắn màu vàng, thuộc loại rắn cạp nong rất lớn. “Lúc mọi người kịp hoàn hồn thì con rắn đã bò đi mất, sau đó nó đi đâu cũng không ai rõ và không ai thấy nó nữa”, ông chậm rãi nói.



Nhiều công trình quanh khu đền còn nguyên bản, in đậm nét hoài cổ.

“Một lần khác, vào lúc chập tối, có cụ già trong làng đi ra phía đền, đến trước ngôi miếu thờ ông bà ông Hữu, đang đi thì ông đứng khựng lại, giật mình vì thấy một con rắn màu xám, rất lớn nằm cuộn tròn ngay trước cửa miếu”.

Hai câu chuyện trên đều là những câu chuyện được truyền miệng thông qua các thế hệ. Ông Quang nói: “Có thể có nhiều người không tin nhưng chúng tôi đã được nghe rất nhiều cụ cao niên trong làng kể lại, ai cũng nói những chi tiết giống nhau”.

Trước khi ra về, chúng tôi được nghe ông tâm sự: “Bây giờ thì gia phả đã mất nên việc làm hồ sơ để xin công nhận ngôi đền được trở thành di tích đều rất khó. Cũng đã có một số người về đây tìm hiểu, viết về ngôi đền. Chúng tôi đều cung cấp cho họ những câu chuyện, sự tích”.

Thờ thần, thánh là một tập tục đã tồn tại từ rất lâu đời trong đời sống tâm linh của người Việt. Đó là một nét đáng quý, phổ biến. Dù những câu chuyện tâm linh là có thật hay chỉ là truyền thuyết, các thế hệ sau hãy lấy đó làm nền tảng cho các giá trị trong đời sống xã hội.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm