Chuyện về người anh hùng bắt sống tên ác ôn ở Cố đô Huế
Vụ cướp bóc 'khét tiếng' và sự trỗi dậy của một đế chế / Những người lính Việt Nam trong hàng ngũ duyệt binh huyền thoại năm 1941
Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, người dân ở đây luôn nêu cao tinh thần cách mạng, nhiều trận đánh, tên đất, tên làng ở địa phương này đã đi vào lịch sử, đánh dấu những mốc son chói lọi trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Những trận Thanh Lam Bồ, Cồn Rang vang dội gây nỗi kinh hoàng cho quân địch.
Trong những chiến công ấy, có những đóng góp không nhỏ của những người con trong dòng họ Lê Văn (thôn Diên Trụ). Theo một bậc cao niên trong làng thì trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, dòng họ Lê Văn có 17 liệt sĩ, 1 anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Văn Trĩ và 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Trong không khí của những ngày tháng lịch sử, tôi tìm gặp Đại tá Lê Văn Vũ và được ông kể lại những câu chuyện bi tráng về người cha anh hùng của mình.
“Mở đường máu” đưa quân thoát vòng vây địch
Theo Đại tá Lê Văn Vũ, thời điểm cha ông hy sinh ông vẫn còn khá nhỏ. Tuy nhiên, sau này, khi nghe những bậc lão thành cách mạng kể về cha mình ông rất đỗi tự hào.
Đại tá Lê Văn Vũ kể: "Giai đoạn 1955-1962, ông là giáo viên dạy học tại Vinh Thái nhưng vẫn bí mật tham gia nhiều hoạt động cách mạng tại địa phương. Lịch sử Công an huyện Phú Vang (1945 – 1975) ghi lại rằng, dù bị chế độ VNCH bắt đi lính nhưng cha tôi vẫn một lòng hướng về cách mạng và được đào tạo thành nội tuyến của ta hoạt động trong lòng địch".
Theo lời kể của Đại tá Lê Văn Vũ, tháng 11/1963, Huyện ủy Phú Vang triển khai lực lượng về các xã cùng với các chi bộ và cơ sở bên trong tổ chức tiến công, xây dựng các cơ sở bên trong lòng địch.
Tại quận Phú Thứ, lực lượng Huyện đội (trong đó có các cán bộ an ninh) đột nhập vào một loạt ấp chiến lược ở các xã và xây dựng được nội tuyến ở quận lỵ Phú Thứ gồm 3 người do anh hùng Lê Văn Trĩ làm tổ trưởng.
"Đầu tháng 4/1964, với cương vị là "tổ trưởng nội tuyến”, cha tôi xây dựng mạng lưới nội tuyến của ta trong bộ máy của địch gồm 17 người, trong đó tiêu biểu có: Huỳnh Khái, Lê Lập, Võ Thức, Lê Quảng, Lê Chuyên, Võ Anh, Lê Phát, Hồ Ngọc Ba (tức Hồ Sỹ Ba),... chuẩn bị cho phong trào đồng khởi ở đồng bằng Phú Vang", Đại tá Lê Văn Vũ bồi hồi.
Vẫn theo lời của Đại tá Lê Văn Vũ, sau quá trình hoạt động nội tuyến và lập nhiều chiến công, cha ông được rút ra làm cán bộ nòng cốt cho đội du kích Vinh Thái. Trong giai đoạn này (tháng 1/1965), cha ông chỉ huy lực lượng trinh sát vũ trang tập kích và tiêu diệt một đại đội Bình định của địch ở xã Vĩnh Thái.
Nhấp một ngụm nước chè, Đại tá Lê Văn Vũ tìm cuốn Lịch sử Công an huyện Phú Vang (1945 - 1975), trong đó có ghi lại quá trình hoạt động cách mạng của cha ông nói riêng và ngành an ninh huyện Phú Vang nói chung.
"Lịch sử Công an huyện Phú Vang (1945 – 1975) ghi lại, ngày 5/6/1966, địch mở trận càn quy mô gồm 2 tiểu đoàn Thủy quân lục chiến Mỹ và liên đoàn Biệt động quân điều từ Sài Gòn ra tấn công vào Vinh Thái theo 2 hướng chính tạo thế gọng kìm quyết tiêu diệt Tiểu đoàn 10 (K10) của ta đang dừng chân tại Vinh Thái...
Cha tôi khi đó được giao nhiệm vụ chỉ huy một tổ trinh sát tổ chức đưa lực lượng thoát vòng vây địch để rút lên căn cứ trước khi trời sáng. Tổ trinh sát khéo léo dẫn lực lượng bộ đội gồm 550 chiến sĩ thoát khỏi vòng vây. Sáng đến, khi quân địch siết chặt vòng vây thì sửng sốt trước chiến thuật biến hóa của bộ đội ta”, Đại tá Lê Văn Vũ xúc động khi đọc lại những thông tin ghi chép trong cuốn Lịch sử Công an huyện Phú Vang (1945 - 1975).
Bắt sống tên đầu sỏ ác ôn
Theo Đại tá Lê Văn Vũ, trong những chiến công của cha mình mà lịch sử ghi chép lại thì ông đặc biệt ấn tượng với tài năng của cha mình khi được giao nhiệm vụ bắt sống tên đầu sỏ ác ôn tên Trần Mậu Chi.
"Tên Trần Mậu Chi khi ấy là đảng viên Đảng Đại Việt và bị lực lượng cách mạng của ta đánh giá là đầu sỏ ác ôn trong Trung đội Bảo an của địch ở Phú Vang, có nhiều nợ máu với nhân dân.
Nhiều cán bộ của ta bị tên ác ôn này giết hại và gây nhiều khó khăn trong việc phát triển cơ sở cách mạng ở các xã vùng ven thành phố. Cuối năm 1967, cha tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch diệt trừ tên này", Đại tá Lê Văn Vũ chia sẻ.
Đại tá Lê Văn Vũ tiếp tục kể với giọng rất đỗi tự hào: "Với quyết tâm tiêu diệt Trần Mậu Chi, sau một thời gian nghiên cứu, cha tôi nắm vững được quy luật, giờ giấc đi lại hoạt động và sinh hoạt của tên ác ôn.
Đêm 6/11/1967, cha tôi cùng ông Trương Khắc Thạnh – cán bộ an ninh huyện Phú Vang bố trí phục kích bắt sống Trần Mậu Chi khi hắn đang trên đường từ nơi đánh bạc về lại đơn vị tại thôn Triều Thủy (xã Phú An).
Với thành tích này, cha tôi cùng ông Thạnh được Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì".
Chưa dừng lại ở đó, theo Đại tá Lê Văn Vũ, đầu tháng 2/1967, cha ông còn cảm hóa và giao nhiệm vụ cụ thể cho Bạch Huề (một trung sĩ bảo an quân đội Sài Gòn trú tại quân Hương Thủy, quê ở thôn Dưỡng Mong C).
"Thông qua Bạch Huề, ta tiếp nhận được những thông tin mật về sơ đồ bố trí công tác phòng ban, nơi làm việc của bộ phận chỉ huy, của cố vấn Mỹ, nơi cất giữ hồ sơ lưu trữ,...
Đây cũng là cơ sở quan trọng để lực lượng của ta thực hiện kế hoạch san phẳng quận Phú Thứ, thế kìm kẹp của địch được nới lỏng, quần chúng nhân dân phấn khởi, vững tin vào cách mạng", Đại tá Lê Văn Vũ nói.
Đại tá Lê Văn Vũ cũng rất tự hào khi trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân (1968), cha ông khi ấy là Phó Ban An ninh huyện Phú Vang đã cùng với chiến sĩ, nhân dân Thừa Thiên – Huế lập nhiều chiến công.
"Thế nhưng, khi cuộc chiến đang ở giai đoạn cam go nhất thì đêm 29/6/1969, trong một lần sinh hoạt với các cơ sở ở điểm hẹn, trên đường trở về hầm bí mật, cha tôi bị địch phục kích. Lúc ấy ông chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, tiêu diệt 2 và làm bị thương 3 tên địch trước khi anh dũng hy sinh", Đại tá Lê Văn Vũ nước mắt rưng rưng khi kể lại quá trình hoạt động và hy sinh anh dũng của cha mình.
"Với tôi, cha luôn là hình mẫu để học tập, rèn luyện, phấn đấu", ông Vũ chia sẻ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'