Bí ẩn “vương quốc” cò, vạc nơi đảo nhỏ
Phát hiện ngôi sao xoắn bí ẩn giống như Dải Ngân hà thu nhỏ / ‘Nhà thờ Con Gà’ bí ẩn nằm giữa núi đồi bị bỏ hoang nhiều năm vẫn hút du khách
Kỳ lạ, cò, vạc ở đây dường như không sợ sự hiện diện của con người.
Hai đảo nhỏ với những câu chuyện huyền bí và là nơi "giữ chân" đàn chim trời.
Cò không sợ người
Đầu tháng 5, tới đảo Cò Chi Lăng Nam lúc ráng chiều buông, có thể thấy rợp trời cò bay, người dân ở đây nói có thời điểm lượng cò trên đảo lên tới gần 20 nghìn con.
Trên khắp các cành cây, cò đậu trắng xóa, trông xa xa như một rừng bông đang nở rộ. Cò đậu trên mái nhà, vườn cây, sà xuống sân, cò không sợ người, thậm chí thân thuộc như vật nuôi trong nhà.
“Người dân nơi đây coi cò, vạc như loài vật linh thiêng, linh hồn của đảo, họ sống chan hòa với chim trời, không bao giờ thấy họ đặt bẫy hay săn bắn chim, trẻ con cũng không bao giờ bắt chim về chơi.
Dân đảo nói “đất thơm” nên chim kéo về ngày càng nhiều”, anh Huyên, người đưa chúng tôi tới đảo Cò cho hay.
Ông Nguyễn Văn Nhương, Phó chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam, Phó trưởng Ban quản lý đảo Cò xác nhận câu chuyện người dân nơi đảo Cò chưa bao giờ làm hại đến chim trời, vì thế chim trời thản nhiên sống, sinh sôi nảy nở bình yên.
Theo ông Nhương, trên diện tích hơn 90.000m2 mặt hồ An Dương thuộc xã Chi Lăng Nam nổi lên 2 hòn đảo nhỏ nhiều cây xanh. Đảo phía tây rộng khoảng 4.500m2, đảo phía đông rộng hơn 7.100m2.
Những hòn đảo này là nơi trú ngụ của hơn chục nghìn loài cò, phổ biến nhất là cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò rượi, cò hương, cò ngang…
Ngoài ra, còn có hơn 8 nghìn con vạc, với 3 loài đáng chú ý như vạc xám, vạc lưng xanh và vạc sao có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar…
Đảo còn là nơi cư ngụ của nhiều loài khác như: Mòng két, le le, vịt trời, bồ nông, cốc đen…
Khác với các đảo cò khác, với đặc tính của loài chim di trú, mùa đông cò, vạc sẽ rời đảo bay đi tìm vùng ấm áp hơn để sinh sống.
Nhưng ở đảo Cò Nam Chi Lăng, bao mùa đông đã qua, cò không bỏ đảo mà còn đi “rủ” thêm nhiều loài chim khác về đây cùng trú ngụ.
Nhiều câu chuyện kỳ bí
Những ngày này, đảo Cò cũng rộn ràng không khí SEA Games để phục vụ khách du lịch.
Ngoài câu chuyện về những đàn cò, vạc gần gũi con người, không bao giờ rời khỏi đảo, đảo cò Chi Lăng Nam còn cất giữ nhiều câu chuyện kỳ bí khác.
Đó là chuyện truyền miệng của người dân trong làng về những chiếc hang sâu dưới lòng hồ là nơi trú ngụ của những con thuồng luồng. Rồi chuyện hòn đảo vốn có ngôi chùa cổ rất thiêng cất giấu nhiều châu báu.
Năm xưa trận đại hồng thủy nhấn chìm tất cả, giờ ngôi chùa cổ và châu báu vẫn ẩn sâu dưới lòng hồ…
Tuy nhiên, vì linh thiêng nên người dân trong làng không ai có ý định lặn xuống hồ để tìm sự thật cho những bí mật ấy.
“Nhiều người còn bảo đảo Cò Chi Lăng Nam giống như đôi mắt ngọc của hồ An Dương. Vì thế, để bảo vệ đôi mắt ấy, nước hồ không bao giờ cạn”, ông Nhương cho hay.
Đến với đảo Cò, khoảnh khắc đặc biệt nhất là cảnh “giao ca” giữa cò và vạc - một quy ước ngầm hết sức tự nhiên.
Đó là thời điểm buổi sớm, khi bình minh vừa ló rạng, là lúc từng đàn vạc trở về còn từng đàn cò bắt đầu bay đi kiếm ăn.
Còn khi ánh hoàng hôn buông xuống lại là thời điểm đàn cò trở về, từng đàn vạc lại tiếp tục hành trình đi kiếm ăn.
Lúc “giao ca”, cò, vạc… bay phủ trắng cả một bầu trời cùng tiếng kêu lúc trầm lúc bổng, tạo nên một bản giao hưởng tuyệt vời vang vọng mặt hồ.
“Đất thơm” chỉ là lời đồn…
Du khách đến Đảo Cò Chi Lăng ngày càng nhiều.
Khi được hỏi về bí quyết “giữ chân” đàn cò, vạc nơi này, ông Nhương cho biết, “đất thơm” chỉ là lời đồn. Để đảo Cò “giữ chân” được đàn chim trời, là cả một quá trình bảo tồn, gìn giữ và phát triển.
Có thời điểm đảo Cò có dấu hiệu bị sạt lở, thu hẹp, UBND tỉnh Hải Dươngđã đầu tư hơn 45 tỷ đồng để gìn giữ và bảo tồn.
Hiện nay, không gian sống của các loài chim đang được mở rộng, đường sá đi lại cho khách đến tham quan cũng thuận lợi hơn trước.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Ban quản lý đảo Cò cho biết, để bảo vệ cò, vạc… và bảo tồn sinh thái, Ban đã thành lập hội bảo vệ. Ngoài ra, còn có đội tự quản do chính những người dân đứng ra.
“Thành viên trong tổ bảo vệ gồm có công an, môi trường, lực lượng trong ban quản lý và tinh thần chủ động bảo vệ của người dân.
Các lực lượng này có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành động phá hoại và gây ảnh hưởng đến cò, vạc…”, đại diện Ban quản lý đảo Cò cho hay.
Theo Ban quản lý đảo Cò, hằng năm, các nhà khoa học trong và ngoài nước vẫn tới đây nghiên cứu đặc tính của từng loại cò, vạc để có những điều chỉnh phù hợp, tạo môi trường sống thích hợp “giữ chân” đàn chim trời này.
Đặc tính của cò là kiếm ăn ban ngày, vạc kiếm ăn ban đêm, do vậy những công trình xây dựng trên đảo cũng được tính toán, đảm bảo môi trường trong sạch, yên tĩnh cho cò, vạc sinh sống.
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh và sự đa dạng sinh học, ngày 8/7/2014, đảo Cò Chi Lăng Nam chính thức được Bộ Văn hóa, thể thaovà du lịch công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.
Theo Ban quản lý đảo Cò, hàng năm vào các dịp lễ, Tết, ngày nghỉ, tại đảo Cò đón khoảng 30.000 - 40.000 du khách.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ