Khám phá

Bí ẩn xoay quanh hòn đảo ma ở Nhật Bản

DNVN – Hòn đảo ma nổi tiếng ghê rợn ở Nhật Bản đã có một thời kỳ phồn thịnh đông đúc nhất thế giới.

Kinh dị hài cốt đứa trẻ “ma cà rồng” bí ẩn nhất thế giới / Bí mật động trời bia đá "ma quỷ" trước mộ Võ Tắc Thiên


Hòn đảo ma được Tập đoàn Mitsubishi ở Nhật Bản tạo ra.

Hòn đảo có hình một "chiến hạm" sừng sững nổi ở giữa biển khơi. Đây là một hòn đảo nhân tạo và là sản phẩm của tập đoàn Mitsubishi tạo ra từ năm 1887 với mục đích trở thành mỏ khai thác than đá dưới đáy biển.Thời kỳ đó, Gunkanjima là nguồn cung nhiên liệu chính cho nhà máy thép khổng lồ Yawa, do đó cần đến một nguồn nhân công rất lớn. Diện tích chỉ 6,3 ha, nhưng Gunkanjima có đến 71 tòa nhà, cao ốc, dây chuyền mỏ than.


Hòn đảo ma chính thức bị đóng cửa năm 1974.

Thời kỳ đỉnh điểm vào năm 1959, hòn đảo đã từng là nơi đông đúc nhất thế giới, chật chội đến mức hơn 5.000 con người phải chen chúc trong một tòa nhà có diện tích khoảng 0,16km vuông. Với mục đích trở thành nơi ăn chốn ở định cư của công nhân, đảo Gunkanjima không thiếu thứ gì, trừ... nghĩa địa. Trường học, sân chơi, phòng gym, rạp chiếu phim, quán bar, nhà hàng... thậm chí có cả những ngôi chùa, đền thờ thần linh nữa. Tuy nhiên vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ XX, nền kinh tế Nhật Bản bỗng nhảy vọt với sự xâm chiếm của dầu mỏ. Các mỏ than dần đi vào quên lãng, và đến đầu năm 1974, Mitsubishi tuyên bố đóng cửa hòn đảo Gunkanjima.

Hòn đảo ma chính thức được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới vào tháng 7 năm 2015.

Trước khi dầu mỏ trở thành trụ cột năng lượng của quốc gia thì than đá là nhiên liệu chủ yếu và Gunkanjima chính là một biểu tượng quan trọng của thời đại công nghiệp hóa thần kỳ ở Nhật Bản. Năm 2001, Mitsubishi đã hiến tặng đảo Hashima cho thị trấn Takashima, rồi đến năm 2005 chính thức thuộc về Nagasaki. Kể từ năm đó, thành phố bắt đầu thực hiện một chiến dịch quảng bá du lịch cho hòn đảo: cho phép nhà báo lên đảo, khôi phục cầu tàu phục vụ du lịch, cải tạo một số khu vực đã xuống cấp. Những tòa nhà quá cũ và không an toàn đều bị cấm vào. Và rồi công sức của họ cũng được đền đáp. Vào tháng 7/2015, UNESCO chính thức công nhận đảo "chiến hạm" là một di sản văn hóa thế giới. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho một địa điểm gắn với lịch sử thời đại công nghiệp và sản xuất.


Nhật Bản có 22 di sản thế giới.

Nhật Bản đã chấp nhận Công ước Di sản thế giới của UNESCO vào ngày 30 tháng 6 năm 1992. Tính đến hết năm 2016, Nhật Bản đã có 22 di sản thế giới. Trong đó có 4 di sản thiên nhiên còn lại là Di sản văn hóa. Ngoài ra, quốc gia này còn có 7 địa danh nằm trong danh sách di sản dự kiến được đệ trình xem xét công nhận trong tương lai.


Núi Phú Sĩ biểu tượng của Nhật Bản cao 3776m.

Núi Phú Sĩ (hay còn gọi là Fuji) là ngọn núi cao nhất của Nhật Bản với độ cao 3.776 mét, cao hơn “nóc nhà Đông Dương” Phan Xi Păng của Việt Nam (3.143m). Phú Sĩ là một danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng Nhật Bản đã được công nhận di sản văn hóa thế giới vào ngày 22 tháng 6 năm 2013. Núi Phú Sĩ trải dài trên địa phận tỉnh Shizuoka và tỉnh Yamanashi ở phía Tây Nam Tokyo được hình thành bởi trận động đất vào năm 286TCN. Trên đỉnh cao nhất của núi Phú Sĩ là miệng núi lửa có đường kính hơn 50 mét và sâu khoảng 250 mét. Xung quanh núi Phú sĩ có nhiều đỉnh núi khác như: Osahidake, Izudake, Jojudake, Komagatake, Mushimatake, Kengamme, Hukusandake và Kukushidake. Từ năm 781 đến 1707 núi lửa phun 18 lần và hiện vẫn còn hoạt động, đỉnh núi vẫn còn hiện tượng phụt hơi. - Sở dĩ Phú Sĩ còn gọi là Fuji vì đó là ngôn ngữ của dân tộc Hạ di, Fuji có nghĩa là núi lửa.Đối với người dân Nhật Bản, núi Phú Sĩ chính là ngọn núi thiêng tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành. Núi Phú sĩ đã phủ sóng wifi miễn phí vào tháng 7 năm 2015.


Quần thể đền chùa Nikko có 103 công trình kiến trúc.

Năm 1999, Đền chùa Nikko được công nhận là di sản thế giới, là nơi tập trung các thần xã và chùa của thành phố Nikko, tỉnh Tochigi. Quần thể đền, chùa ở Nikko, Nhật Bản có thể gọi là "Di Hoà Viên của Nhật Bản"! Đó là quần thể những đền và chùa cổ kính , hầu hết được xây dựng vào thế kỉ 17, tọa lạc trên những ngọn núi bao quanh vùng Nikko đã ghi dấu lại một thời kì phát triển rực rỡ của văn hóa Nhật 300 năm về trước. Cụm di tích Nikko bao gồm 103 tòa kiến trúc và thiên nhiên tọa lạc ở Nikko, tỉnh Tochigi. Các địa điểm này thuộc về 2 đền Thần đạo là Futarasan và Toshogu cùng với 1 chùa Phật giáo là Rinnoji. Trong số các công trình tại đây có 3 công trình nổi bật nhất là cầu gỗ cong Shinkyo ở Futarasan, tòa tháp 5 tầng Gojunoto ở Toshogu, và tòa Sanbutsudo (còn gọi là Sando) ở chùa Rinnoji với các tượng phật A Di Đà và Quan âm được đính lá bằng vàng nguyên chất.


Hiraizumi thị trấn tự trị nằm ở phía Tây Nam tỉnh Iwate với ngôi chùa nổi tiếng Chuson.

Quần thể kiến trúc Hiraizumi nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Iwate, là một thị trấn mở rộng lên đến đồi Hiraizumi về phía bờ tây của con sông Kitakami-gawa, phát triển thịnh vượng trong suốt 100 năm từ thế kỉ thứ 11 đến thế kỉ thứ 12 vì là trung tâm của vùng Tohoku (vùng Đông Bắc). Hơn 3000 bảo vật quốc gia và di tích lịch sử vẫn còn được gìn giữ. Khu vực này còn tồn tại rất nhiều chùa và di sản, trong đó, đặc biệt phải kể đến 5 địa điểm quan trọng mang tính khảo cổ học và kiến trúc, vườn thể hiện Hiraizumi - đất phật (thiên đường)", đã được công nhận là di sản thế giới vào năm 2011.Trong số chùa, di tích đã được công nhận thì ngôi chùa nổi tiếng nhất là chùa Chuson. Lịch sử chùa đã có từ xa xưa, được xây dựng từ năm 850. Sau đó, vào khoảng đầu thế kỷ 12, người ta đã tiến hành xây dựng Phật đường (tên gọi của tòa nhà trong chùa) với quy mô lớn. Trong số những phật đường của chùa Chuson thì phật đường có sức lôi cuốn nhất là Kinjiki-do. Toàn thể phật đường và các tượng phật đều được trang trí từ trong ra ngoài bằng sơn mài, khảm vàng lá và mạ vàng bạc tinh xảo, là một biểu tượng của văn hóa sản xuất vàng ở Hiraizumi.


Làng Shirakawa nổi tiếng với các ngôi nhà cổ có mái như bàn tay đang chắp.

Làng Shirakawa là một ngôi làng có kiến trúc Gassho-zukuri nằm ở tỉnh Gifu. Gassho-zukuri là một loại kiến trúc nhà cổ của Nhật Bản, có đặc trưng là mái nhà được lợp bằng tranh trên dàn kèo gỗ được xây dốc xuống theo dạng giống như bàn tay đang chắp lại cầu nguyện. Đây là kiến trúc cổ rất hiếm chỉ có thể nhìn thấy ở Shirakawa-go và địa phương Gokayama. Năm 1995, làng Shirakawa được đăng kí di sản văn hóa thế giới Unesco với tên gọi "Historic Villages of Shirakawa-gō and Gokayama". Trong 3 ngôi làng được đăng kí di sản văn hóa thế giới thì Shirakawa là làng lớn nhất với số lượng nhà Gassho-zukuri nhiều nhất, gồm 152 hộ. Những căn nhà Gassho-zukuri vẫn được sử dụng trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Ngoài nhà ở Gassho-zukuri, các công trình như chùa chiền, Koya (đây là các ngôi nhà nhỏ được sử dụng làm nơi ở tạm của những cô gái đến thời kỳ kinh nguyệt), nhà kho làm bằng gỗ, đền thờ, thủy lộ đều được chỉ định là những tài sản văn hóa cần được bảo tồn. Ngôi làng vẫn giữ được phong cảnh thiên nhiên trù phú, các khu phố, cuộc sống sinh hoạt như ngày xưa nên nó được xem là một nơi bí ẩn chưa bị khám phá.

Theo Châu Anh/Tiền phong
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm