Bí hiểm lâu đài gỗ khổng lồ ẩn trong những gò đất giữa cánh đồng Hải Dương (kỳ 5)
Kỳ 5: Những gò đất chứa gỗ quý bí hiểm giữa cánh đồng
Nhắc đến cụm từ "mộ gỗ hình cũi", còn gọi tắt là “mộ cũi”, ít người biết đến, bởi mộ cũi là thứ rất hiếm và dường như bị bỏ quên.
Những ngôi mộ gỗ hình cũi xuất hiện rải rác ở vùng Hải Phòng, Quảng Ninh, nhưng mộ cũi ở những khu vực này khá nhỏ. Khủng khiếp và bất ngờ nhất là những kỳ quan mộ cũi khổng lồ, dùng đến cả trăm tấn gỗ lim, xuất hiện hàng loạt ở vùng Gia Lương (Gia Lộc - Hải Dương), có niên đại đầu Công nguyên.
Một lần, vô tình lạc vào khu vực bị bỏ quên giữa công trường xây dựng bề bộn của Bảo tàng Hải Dương, tôi chứng kiến một đống những súc gỗ lớn, đen trũi như những cục than khổng lồ, xếp ngổn ngang dưới một mái nhà không tường vách.
Sau khi ngắm nghía, quan sát chán chê, tôi vẫn không thể mường tượng ra đó là thứ gì. Chẳng lẽ, bảo tàng tỉnh tha những súc gỗ cháy dở còn lại của một ngôi chùa, hoặc ngôi đình khổng lồ nào đó bị phóng hỏa?
Tất nhiên, khi gặp ông Tăng Bá Hoành, thì đã hiểu về những súc gỗ khổng lồ đó. Ông Hoành là người trực tiếp khai quật, rồi nghiên cứu ngôi mộ bằng gỗ khổng lồ, như tòa lâu đài trong lòng đất suốt bao nhiêu năm nay.
Nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành nhắc đến ngôi mộ gỗ khổng lồ mà ông từng khai quật đầy vẻ tự hào. Ông bảo rằng, đó là một ngôi mộ cũi vĩ đại, của hiếm không những của nước ta, mà không chừng thế giới cũng khó kiếm được cái thứ hai.
Mộ gỗ hình cũi là mộ của quan lại người Hán, xuất hiện ở nước ta từ đầu Công nguyên cho đến thời Trần. Tuy nhiên, mộ cũi thời Trần rất nhỏ, không đáng kể so với thời kỳ Bắc thuộc. Mộ cũi xuất hiện nối tiếp thời kỳ mộ thuyền và song song tồn tại với mộ Hán, hay còn gọi là mộ vòm.
Mộ cũi và mộ Hán là đặc trưng của người Hán, trong khi đó, nhà Hán đóng ở Thành Dền, vùng Ngọc Lặc, Kỳ Sơn (Tứ Kỳ, Hải Dương), do đó, Hải Dương được coi là lãnh địa của mộ cũi và mộ Hán.
1.000 năm Bắc thuộc, hình thức mai táng bằng mộ thuyền mai một, người Việt chỉ còn mai táng bằng bó chiếu, bó tre, do đó, gần như không để lại dấu tích gì.
1.000 năm đô hộ của người Hán, đã có hàng vạn quan lại người Hán đóng đô ở vùng này và cũng tại đây, hàng vạn quan lại, quý tộc chết đi, xác được cất giữ trong những ngôi mộ cũi, mộ Hán. Cứ theo cách suy diễn ấy, ông Hoành khẳng định, dưới lòng đất của vùng Hải Dương này, sẽ còn rất nhiều mộ cũi, mộ Hán.
Theo TS. Điền Tiểu Hoa (Phòng nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc), mộ cũi xuất hiện nhiều ở Trung Quốc vào thời Tây Hán (202TCN đến thế kỷ 9). Cùng với mộ gạch, mộ cũi là hình thức táng phổ biến của giới quan lại, nhà giàu.
Ngôi mộ cũi lớn nhất và nguyên vẹn nhất khai quật được ở Trùng Khánh vào năm 2008. Đây là ngôi mộ của một vị quan to. Ngôi mộ dài tới 8,9m, rộng 6,7m, độ cao của mộ thất tới 7m. Mặc dù ngôi mộ đã bị đào phá, cổ vật bị trộm nhiều, song người ta vẫn còn thu được tới 42 thùng chứa vật dụng gồm ngọc, đồng, gốm sứ. Điều kinh ngạc là có những phiến ngọc dài đến 6,7m được chôn trong mộ.
Một ngôi mộ gỗ dưới lòng đất khai quật ở Trung Quốc.
Ông Hoành lục tìm đống tài liệu cũ kỹ, thống kê những cuộc “khai mồ quật mả” từ xưa đến nay của Bảo tàng Hải Hưng trước kia và Hải Dương sau này.
Trong báo cáo đó, có vẻn vẹn vài câu: “Năm 1983, Bảo tàng tỉnh và Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành khai quật hai ngôi mộ thuộc thế kỷ 3 ở Gia Lương (Gia Lộc, Hải Dương). Gò mộ lớn, nhưng hầm mộ không xây gạch mà xếp gỗ như hình cũi. Mộ có chiều dài 7,2m, rộng 4,4m, cao 1,7m, dựng bằng những cây gỗ lim có thiết diện 50x40cm. Trong mộ còn di cốt và đồ tùy táng bằng đồng, sắt và đồ gốm. Đây là một trong những ngôi mộ cũi lớn, sử dụng trên 20m3 lim, cấu trúc còn khá tốt".
Thế là, tôi tìm về vùng đất Gia Lương, nơi đã từng diễn ra những cuộc “quật mồ cuốc mả” cực lớn và vô cùng bí ẩn, bí ẩn cho đến tận ngày nay.
Vùng đất Gia Lương rộng lớn, cánh đồng thẳng cánh cò bay. Thi thoảng, giữa cánh đồng lúa đang thì con gái, lại trồi lên một vài gò đất rất lớn, diện tích hàng ngàn mét vuông. Trên những gò đất ấy, thường là mồ mả xanh đỏ lòe loẹt. “Dưới những gò đất ấy, nhiều gỗ lắm chú ạ. Các nhà khảo cổ bảo toàn là mộ gỗ hình cũi, trông như cái cũi lợn ấy” – ông Nguyễn Văn Hoàn – Chủ tịch xã Gia Lương chỉ tay về những gò đất trồi lên giữa cánh đồng bảo với tôi như vậy.
Ông Hoàn bảo, vùng Gia Lương và các xã lân cận có khá nhiều gò đất lạ giữa cánh đồng. Nhìn gò đất ấy, ai cũng biết rằng, do xưa kia người ta đắp mà thành, chứ giữa vùng sông nước chiêm trũng này, làm gì có chuyện vận động tạo sơn thành ra những gò đất. Dưới những gò đất ấy, thường có mộ gỗ hình cũi. Tuy nhiên, chỉ những gò đất ở Gia Lương là có mộ cũi, còn những vùng khác không thấy có, hoặc có mà ông không biết.
Không có truyền thuyết nào, người già trong làng cũng có rất ít chuyện kể về những nấm đất có chứa mộ cũi giữa cánh đồng. Có hai câu thơ mà các cụ thường đọc cho con cháu nghe khi nhắc đến những gò đất ấy: “Chín con theo mẹ rồng rồng/ Còn một con út bỏ lòng không theo”.
Ý nghĩa của câu thơ này nói rằng, cả thôn Đồng Tâm của xã Gia Lương có 9 nấm đất khổng lồ nằm cạnh nhau, xếp hàng thẳng thớm, duy có một nấm lại nằm riêng biệt, cách vài trăm mét, thuộc làng khác.
Ngoài ra, chỉ có thêm câu chuyện hư hư thực thực rằng, xưa kia, cách nay chừng trăm năm, thi thoảng lại xuất hiện người Tàu, họ đóng vai những người bán thuốc, song lại cứ lơ vơ ở cánh đồng, rồi đào bới ở những gò đống. Không ai biết họ đào bới cái gì, nên cũng chả quan tâm. Khi họ kéo đi hết, thì mới xuất hiện lời đồn rằng, họ đào mộ kiếm được rất nhiều vàng bạc, châu báu. Một số tin đồn khác thì bảo họ đi tìm kho báu theo những tấm bản đồ cổ.
Câu chuyện về những kho gỗ kỳ lạ chỉ hé mở sau gần 2.000 năm nằm im dưới lòng đất, kể từ khi phong trào nung đất làm gạch của hợp tác xã (HTX) lên cao.
Ngày đó, giữa cánh đồng Gia Lương, có một gò đất, to nhất trong số 10 gò, như quả núi, gọi là Đống Bia. Sở dĩ gọi là Đống Bia, vì nó là nơi bộ đội, dân quân ta lập bia tập bắn trên cái gò ấy.
Không rõ cái đống đó rộng bao nhiêu ngàn mét vuông, nhưng ông Phạm Thanh Hải, hiện là cán bộ kế hoạch xã, khi đó còn trai tráng, là cán bộ giám sát của hợp tác xã Gia Lương bảo rằng, leo trèo đến đứt hơi mới lên được nóc Đống Bia. Thế là đủ biết, cái gò Đống Bia giữa cánh đồng Gia Lương lớn cỡ nào.
Để có gạch ngói phục vụ xây dựng, HTX Gia Lương đã phát động nhân dân cùng phá liền lúc 3 gò đất giữa cánh đồng, trong đó có cả gò Đống Bia, là gò lớn nhất. Ông Hải bảo, tổng cộng tới 15 năm đào đất, đóng gạch, mới dùng hết đất của 3 cái gò khổng lồ ấy.
Khi đó, không ai biết người xưa đắp đất thành những cái đống này làm gì, nhưng chắc chắn những gò đất này là do con người đắp, vì đất trên gò toàn là đất sét, rất dẻo. Để lấy được đất sét, người ta phải bóc đi lớp phù sa cổ dày chừng 0,7m trên mặt ruộng.
Sau vài năm đào đất, đóng gạch, đốt không biết bao nhiêu trăm vạn gạch, thì năm 1981, xuất lộ những thanh gỗ lớn trong lòng gò Đống Bia. Không hiểu người xưa chôn gỗ làm gì, nhưng nhìn những thanh gỗ đó, các thợ mộc trong làng biết ngay là gỗ lim, còn rất tốt. Dân công gồm cả trăm người được huy động để bới tung gò Đống Bia, làm lộ ra cả một kho gỗ khổng lồ xếp vuông vức dưới lòng đất.
Ông Hải nhớ lại: Những chiếc dây thừng được buộc chặt vào đầu súc gỗ, rồi cả trăm thanh niên trai tráng, có người hò hẳn hoi, cứ hết dô lại hò, thế nhưng, súc gỗ vẫn chẳng chịu nhúc nhích.
Ông chủ nhiệm HTX khi đó đã phải huy động những chiếc máy kéo cỡ lớn, có hai cái bánh khổng lồ bằng sắt, dùng để cày ruộng, cộng với sức lực của các trai tráng trong xã, mới lần lượt trục được những súc gỗ khổng lồ này lên khỏi mặt đất. Phải mất một tuần lễ, mới lôi được hết các thanh gỗ lên.
Riêng ngôi mộ trong lòng gò Đống Bia, thu được hơn 40 thanh gỗ. Ông Hải lấy thước đo, thấy những thanh gỗ này đều chằn chặn, vuông thành sắc cạnh, kích thước 60x60cm, dài tới 6m.
Theo tính toán, mỗi súc gỗ có khối lượng lên tới 2,16m3. Tính ra, cuộc khai quật ngôi mộ gỗ hình cũi của HTX Gia Lương đã thu được tới hơn 86m3 gỗ lim, một con số vô cùng khủng khiếp.
Ông Nguyễn Văn Hoàn, Chủ tịch xã Gia Lương bảo: “Ngôi mộ đem về Bảo tàng Hải Dương, hiện đang trưng bày cho người xem chỉ có 20m3 gỗ, là ngôi mộ bé nhất mà chúng tôi đào được. So với ngôi mộ đào được ở Đống Bia, thì nó không đáng kể gì”.
Theo ông Hoàn, khi đó, trụ sở ủy ban xã như một xưởng gỗ khổng lồ, người cưa xẻ, người đục đẽo, người bổ củi. Cả cái hội trường của UBND xã bấy giờ được làm bằng gỗ lim quật lên từ ngôi mộ trong lòng Đống Bia. Tuy nhiên, cái hội trường ấy chỉ hết một phần ngôi mộ.
Số gỗ còn lại, đem dùng vào nhiều việc khác như sửa sang trụ sở HTX, thay xà gồ, cột kèo, cầu phong các trụ sở, cơ quan, rồi làm cánh cửa, khung cửa, bàn ghế… Thậm chí, vài chục thanh gỗ đã xẻ vuông thành sắc cạnh chất đống ở trụ sở HTX đã bị bọn trộm khiêng đi mất.
Trong khi chưa sử dụng hết gỗ đào được ở Đống Bia, thì lại tiếp tục phát hiện ra “kho gỗ” trong lòng Đống Bưởi. Người phát hiện ra “kho gỗ” này là ông Toái. Ông Toái đã huy động mọi người xẻ gỗ lại chỗ, thành từng khúc nhỏ mới trục được lên. Ông Toái đã bán vài thanh cho ông Khánh, thợ mộc trong làng. Số gỗ còn lại, HTX tiếp tục kéo về cưa xẻ làm nhà cửa, trụ sở và đem bán.
Biết rằng, trong lòng những gò đất khổng lồ giữa đồng này đều chứa gỗ, HTX tiếp tục huy động dân đào tung Đống Hang, Đống Lách, Đống Gạo, Đống Ngái. Điều kỳ lạ là gò đống nào cũng chứa vài chục mét khối gỗ lim. Gỗ nhiều đến mức, HTX chẳng thèm lấy, mà cho dân đào gỗ thả phanh, đem về làm cửa, dựng nhà hoặc làm củi đun. Thứ củi chôn lâu năm trong lòng đất, khi đốt lên, lửa xanh lè như đốt ga.
Còn tiếp…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách