Khám phá

Bí mật trận chiến bước ngoặt, hé lộ tài cầm quân xuất chúng của Napoleon Đại đế

Napoleon, nhà quân sự lỗi lạc của nước Pháp, đã bộc lộ khả năng cầm quân hơn người ngay từ những trận đánh đầu tiên. Hình minh họa.

Sự thật bàng hoàng về lần tự sát hụt của Hoàng đế Napoleon / 25 câu nói bất hủ của thiên tài quân sự Napoleon

(15/08/1769-05/05/1821) là một trong những vị tướng tài ba và kiệt xuất nhất trong lịch sử thế giới. Cuộc đời và tài năng lỗi lạc của Napoleon là nguồn cảm hứng bất tận cho hàng ngàn cuốn sách ra đời trong suốt hai thế kỷ qua.

Một trong những trận đánh đầu tiên thể hiện tài cầm quân xuất chúng của Napoleon là trận Lodi vào 10/5/1796. Đây được coi là trận chiến đẫm máu của quân pháp và quân Áo ở cầu Lodi bắc qua sông Adda.

Trận Lodi nằm trong chiến dịch Italy (1796-1797) nổi tiếng, là chiến dịch đầu tiên trong cuộc đời của Napoleon. Chỉ 2 ngày sau hôn lễ với Josephine, Napoleon nhận lệnh chỉ huy đơn vị của ông và trở thành một nhà tư lệnh xuất sắc của nước Pháp, dẫn dắt cuộc chinh phạt thắng lợi ở Italy.

Với chiến thuật độc đáo và sự nhạy bén hiếm có, Napoleon đã đánh bại quân đội Áo và đẩy họ ra khỏi Lombardia. Trận đánh này được coi là bước khởi đầu đánh dấu sự trỗi dậy của một tài năng quân sự sẽ làm rung chuyển châu Âu trong suốt 2 thập kỷ tiếp theo.

Để hiểu hơn về chiến thuật và tài năng quân sự lỗi lạc của Napoleon trong những ngày tháng cầm quân đầu tiên, hãy đọc bài viết chia sẻ về trận Lodi đầy cảm xúc của thiên tài quân sự kiệt xuất của nước Pháp.

Đến ngày 10 tháng Năm, quân Áo rút lui về phía Milan qua thị trấn Lodi, cách Milan hơn 35km về phía đông nam, bên bờ phải sông Adda. Chính tại đó, Napoleon quyết định chặn đánh đạo quân này.

Marmont chỉ huy một trung đoàn khinh kỵ và Lannes chỉ huy một tiểu đoàn lính thủ pháo truy đuổi hậu quân Áo qua thị trấn. Cả hai bị đột ngột chặn lại bởi đạn chùm bắn từ đầu bên kia một cây cầu gỗ dài 180m và rộng 9m.

Napoleon trưng dụng hai khẩu pháo đầu tiên ông tìm thấy, đưa chúng tới chỗ cây cầu và khai hỏa nhằm ngăn cản quân địch phá cầu, đồng thời điều thêm pháo tới và bố trí hỏa lực bắn tỉa từ bờ sông và những ngôi nhà gần đó. Tiếp theo, ông chỉ huy trận đánh từ tháp chuông nhà thờ nằm ngay sau cây cầu.

Bí mật trận chiến bước ngoặt, hé lộ tài cầm quân xuất chúng của Napoleon Đại đế - Ảnh 2.

Napoleon trực tiếp chỉ huy trận đánh trên cầu Lodi. Ảnh: Pinterest

Chỉ huy hậu quân Áo là Tướng Sebottendorf với ba tiểu đoàn và 14 khẩu pháo khống chế cây cầu, với tám tiểu đoàn và 14 phân đội kỵ binh dự bị, tổng cộng khoảng 9.500 quân.

Chiến thuật độc đáo, thắng lợi nằm trong tay người chỉ huy

Để đi vòng qua cứ điểm này có thể mất nhiều ngày, làm lỡ mọi cơ hội đuổi kịp đạo quân đang rút lui của Beaulieu. Napoleon đưa ra quyết định phải tấn công cây cầu ngay lập tức.

Đến 5 giờ chiều, ông có 30 khẩu pháo đã vào vị trí, và cử 2.000 kỵ binh về phía bắc và phía nam, cố gắng tìm một chỗ nông để vượt sông.

Sau đó, ông tập hợp cánh quân của Dallemagne gồm 3.500 người trong các con hẻm của Lodi và dành cho họ một bài động viên đầy phấn khích. (“Người ta cần nói bằng gan bằng ruột,” có lần ông từng nói về những bài diễn thuyết trên chiến trường của mình, “đó là cách duy nhất để tiếp lửa cho binh lính.”)

 

Ông lệnh cho Berthier tăng gấp đôi tần suất pháo kích, và đến 6 giờ chiều, ông phái các Bán lữ đoàn khinh binh 27và 29 xung phong lên cầu trước làn đạn chùm của quân Áo.

Các đại đội xạ thủ hỗn hợp của Đại tá Pierre-Louis Dupas trên thực tế đã tình nguyện dẫn đầu cuộc tấn công, một sứ mệnh gần như tự sát và thực sự xa lạ với bản năng tự nhiên về sinh tồn.

Song chính tinh thần hăng hái này – được biết đến như là “cơn cuồng nộ Pháp” – đã thường xuyên giúp Napoleon có lợi thế trong trận đánh, ngay khi những lời hô hào động viên của ông tác động tới lòng tự hào về trung đoàn và thổi bùng lên nhiệt huyết ái quốc.

Những người lính đầu tiên xông lên cầu bị bắn ngã và đẩy lùi lại, nhưng một số nhảy xuống dòng nước nông và tiếp tục bắn từ bên dưới và quanh cầu, trong khi Napoleon phái tiếp những đợt xung phong mới.

Với tinh thần quả cảm lớn, họ đã chiếm và giữ vững được cây cầu, bất chấp những đợt phản kích của kỵ binh và bộ binh Áo. Khi một trung đoàn khinh kỵ của Pháp xuất hiện ở bờ phải của dòng sông và tìm ra được một chỗ nông để qua sông, quân Áo đã rút lui có trật tự như họ vẫn thường làm.

 

Năm ngày sau, quân Áo buộc phải lui về sông Adige, và Napoleon đã có mặt ở Milan.

Cuộc đánh chiếm cây cầu ở Lodi nhanh chóng trở thành một câu chuyện tâm điểm trong huyền thoại về Napoleon, cho dù Napoleon chỉ chạm trán với hậu quân Áo và cả hai phía mất khoảng 900 người.

Phải cần đến sự dũng cảm ghê gớm để tiến vào một cây cầu dài, hẹp, đối mặt với những phát đạn chùm liên tiếp nã ra từ đại bác, và một số người trong các sĩ quan chỉ huy cuộc tấn công hôm đó – trong đó có Berthier, Lannes và Masséna – đã trở thành những chỉ huy xuất sắc nhất của Napoleon.

(Berthier hôm đó đóng vai trò am mưu trưởng, chỉ huy pháo binh và chỉ huy cánh quân, nhưng đó là lần cuối cùng ông được phép chỉ huy quân trong vai trò chiến thuật, vì vai trò của ông được nhìn nhận một cách đúng đắn là quá quý giá để mạo hiểm trong trận đánh.)

Huyền thoại bắt đầu

 

Bí mật trận chiến bước ngoặt, hé lộ tài cầm quân xuất chúng của Napoleon Đại đế - Ảnh 3.

Napoleon được đặt biệt danh là "Chú cai bé nhỏ" kể từ thắng lợi ở trận Lodi. Ảnh: The Times

Từ trận Lodi trở đi, thuộc cấp của Napoleon đặt cho ông biệt danh "Chú cai bé nhỏ", theo truyền thống lâu đời của những người lính trìu mến đùa cợt vị chỉ huy họ ngưỡng mộ.

“Chú cai bé nhỏ” là một biệt danh Napoleon ưa thích và cổ súy, bất chấp nó nhấn mạnh xuất thân cộng hòa bình thường mà thực ra ông đang rũ bỏ khỏi mình.

Sau Lodi, tất cả những lời xì xào về binh biến đều biến mất, và tinh thần đồng đội sinh tử đã thay thế chúng và không bao giờ mất đi trong suốt phần còn lại của chiến dịch.

Bí mật trận chiến bước ngoặt, hé lộ tài cầm quân xuất chúng của Napoleon Đại đế - Ảnh 4.

Vị hoàng đế kiệt xuất của nước Pháp đã có thay đổi lớn trong suy nghĩ và "bùng cháy" tham vọng chinh phục lớn lao. Ảnh: Sputniknews

 

Tôi không còn nhìn nhận bản thân như một vị tướng đơn thuần nữa,” Napoleon sau này nói về chiến thắng của mình, “mà như một người được kêu gọi quyết định vận mệnh của dân tộc.

Từ đây tôi thực sự trở thành một nhân vật quyết định trên sân khấu quốc gia của chúng ta. Những tia lửa đầu tiên của tham vọng lớn lao đã bùng cháy vào thời điểm đó.”

Thắng lợi của trận Lodi đã trở thành một bước chuyển lớn trong suy nghĩ và tham vọng quân sự lớn lao của Napoleon. Với bản lĩnh của một nhà cầm quân có nhãn quan hơn người, Napoleon đã minh chứng ông thực sự là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử với những trận chiến rung chuyển cả châu Âu lúc bấy giờ.

Bài viết trên được trích rút từ cuốn sách của tác giả Andrew Roberts. Cuốn sách này đứng đầu bảng xếp hạng bán chạy nhất của New York Times nhiều tuần liên tiếp.

The Telegraph (Anh) gọi cuốn sách là "số ít tác phẩm toát lên khí chất Napoleon".

 

Cuốn sách là một chuỗi các câu chuyện, tư liệu lịch sử quý giá được tác giả dày công nghiên cứu để bộc lộ những bí ẩn, bước ngoặt thay đổi trong nhận thức và hành động của Napoleon, một con người lỗi lạc đầy mê hoặc trong lịch sử thế giới.

Theo Trí thức trẻ
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm