Khám phá

Danh tướng một mắt từng đánh bại Napoleon huyền thoại là ai?

Với chiến công đánh bại Napoleon huyền thoại, Mikhail Illarionovich Kutuzov trở thành một trong những huyền thoại quân sự của nhân loại.

Sai lầm chết người khiến Napoleon mất cả đế chế hùng mạnh / Sự thật bàng hoàng về lần tự sát hụt của Hoàng đế Napoleon

Năm 1768, Mikhail Kutuzov (1745 -1813) gia nhập đại đoàn do tướng Rumyantsev và Alexander Suvorov chỉ huy, đánh lại quân Thổ Nhĩ Kỳ. Trong trận chiến với quân Thổ tại Crimea diễn ra vào tháng 7/1774, Kutuzov bị một viên đạn bắn sượt qua thái dương, gần mắt phải. Dù vẫn giữ được mạng sống, mắt phải của ông bị hỏng vĩnh viễn.

Năm 1788, Kutuzov bị bắn vào đầu lần nữa. Ông may mắn thoát chết, nhưng sau đó bị chứng đau đầu hành hạ.

Ông là một trong những danh tướng kiệt xuất nhất trong lịch sử, khi lãnh đạo quân dân Nga tổ chức phản công đánh bại cuộc xâm lược của Napoleon vào năm 1812, tạo nên bước ngoặt của chiến tranh, mở ra thời kỳ suy thoái của hoàng đế nước Pháp.

Với chiến thắng này, ông được phong làm Vương công xứ Smolensk. Ở Nga ông được xem như anh hùng dân tộc, được lịch sử vinh danh là bậc thầy của nghệ thuật hành quân vượt núi.

danh tuong mot mat tung danh bai napoleon huyen thoai la ai? hinh anh 1

Tướng Mikhail Kutuzov chỉ huy trận đánh Borodino. Ảnh: Pinterest.com.

Mikhail Kutuzov và hai phát đạn chí tử

Theo sách Các nhân vật lịch sử cận đại tập II: Nga, Mikhail Kutuzov sinh ra trong gia đình quý tộc nổi tiếng tại Saint Petersburg (Nga). Dòng họ Kutuzov của ông chính là một trong những dòng họ nổi tiếng và có thế lực lớn bậc nhất ở nước Nga thời kỳ này.

Có cha là thiếu tướng Illarion Matveevich Kutuzov, một sĩ quan công binh nổi tiếng phục vụ trong quân đội Nga suốt 30 năm, mẹ cũng là người xuất thân từ dòng họ quyền quý Beklemishevyi.

Nhờ truyền thống gia đình, ngay từ khi còn nhỏ, Kutuzov đã được dạy dỗ cẩn thận. Đến năm 1759, ông được cha gửi vào học Viện Kỹ thuật Quân sự Hoàng gia. Nhờ có thành tích học tập xuất sắc nên khi tốt nghiệp năm 1762, ông được thăng quân hàm đại úy.

Mikail Kutuzov được phong chức toàn quyền St. Petersburg trong những năm 1801-1802, nhưng sau đó ông bị sa thải khi tân sa hoàng Alexander I lên ngôi. Phải đến năm 1804, nước Nga tham gia cuộc chiến liên minh thứ ba chống lại Pháp, Mikail Kutuzov mới được bổ nhiệm làm chỉ huy (năm 1805).

 

Những thăng trầm của danh tướng huyền thoại chưa dừng lại. Sau khi quân Nga thất bại trong 2 chiến dịch ở Ulm và Austerlitz, sa hoàng Alexander I đã quy cho Kutuzov phải chịu trách nhiệm về thất bại này và điều chuyển ông sang làm toàn quyền Kiev, sau đó là ở Lithuania.

danh tuong mot mat tung danh bai napoleon huyen thoai la ai? hinh anh 2

Chân dung tướng một mắt Mikhail Kutuzov - người lãnh đạo quân đội Nga chống lại cuộc xâm lược của Napoleon.

Chiến công đánh bại Napoleon huyền thoại

Do quan hệ căng thẳng giữa Nga và Pháp, tháng 6/1812, Napoleon Bonaparte huy động quân đội Pháp và chư hầu tiến đánh nước Nga.

 

Trong giai đoạn đầu, do sự hỗn loạn trong bộ tham mưu Nga và sai lầm của Nga hoàng Alexanrde I, quân Nga bị áp đảo, buộc phải rút lui toàn diện, tránh né chủ lực quân Pháp.

Lúc này, nước Nga đang cần một vị tổng chỉ huy tài năng và uy tín. Giới quân sự Nga nhớ ngay đến Mikhail Kutuzov. Ngày 29/8/1812, Kutuzov nhận cây gậy chỉ huy từ tay Michael Barclay de Tolly. Sự chuyển giao binh quyền này tạo nên sự kiện quyết định trong cuộc chiến của Nga chống lại Napoleon.

Mikhail Kutuzov đã quyết định mở trận đánh quan trọng tại Borodino vào ngày 7/9. Nó được mô tả là trận đánh khốc liệt và dữ dội nhất trong lịch sử loài người tính đến thời điểm đó.

Napoleon đã huy động khoảng 130.000 binh sĩ, 587 khẩu pháo. Bên phía Nga là hơn 150.000 bộ binh, 624 khẩu pháo. Trận Borodino diễn ra trong ngày 7/9/1812 .

Từ 5h, quân Pháp bắt đầu tiến công, Napoleon tổ chức 6 đợt công kích. Quân Nga kháng cự rất ngoan cường với khẩu hiệu “Phía sau chúng ta là Moskva!”. Kỵ binh của Kutuzov chọc thủng được đội hình của quân Pháp và đánh vào đoàn xe vận tải của địch, gây rối loạn đội hình phía sau của quân Pháp.

 

Sau các đợt công kích, quân Pháp bị tiêu hao lực lượng. Napoleon phải ra lệnh ngừng và rút quân về vị trí xuất phát. Trận Borodino kết thúc giữa chừng. Hai bên chưa thật sự đạt được mục tiêu mang tính quyết định của mình nhưng cả 2 đều tuyên bố chiến thắng.

Theo thống kê trong trận Borodino, Napoleon mất hơn 28.000 binh sĩ, trong đó có khoảng 48 sĩ quan các cấp. Kutuzov mất khoảng 45.000 binh sĩ, trong đó có 23 sĩ quan các cấp. Tổng mức thiệt hại quân sĩ của hai bên lên đến 1/4 tổng số quân đã được huy động vào trận chiến.

Trung bình, mỗi giờ giao chiến tại chiến trường, 8.500 binh sĩ của hai bên bị chết và bị thương. Điều này đã nói lên mức khốc liệt của trận chiến lịch sử này. Theo lời vị thống lĩnh Mikhail Kutuzov, ngày tháng này là “tượng đài vĩnh cửu của lòng can đảm và dũng cảm của những người lính Nga”.

Sau một cuộc hội đàm tại làng Fili, Kutuzov quyết định rời khỏi Moskva nhằm bảo toàn quân đội. Đó là quyết định sáng suốt để dẫn tới chiến thắng cho quân đội Nga.

Cũng trong trận Borodino, Kutuzov được thăng hàm thống soái. Trên đường rút khỏi Moskva, quân đội của Kutuzov đánh một vài trận với quân Pháp và giành chiến thắng. Ông đã buộc quân đội của Napoleon phải chạy tháo thân khỏi trận đánh ở Maloyaroslavets.

 

Sau trận Borodino, Napoleon xua quân tiến vào Moskva, nhưng đường phố Moskva không một bóng người. Thống soái Mikhail Kutuzov trước đó đã hạ lệnh di tản dân chúng. Không có lương thực, nước uống và nơi ở để chống chọi lại mùa đông nước Nga vô cùng khắc nghiệt, Napoleon buộc phải hạ lệnh rút quân.

danh tuong mot mat tung danh bai napoleon huyen thoai la ai? hinh anh 3

Sơ đồ của trận đánh Borodino lừng danh. Ảnh: Wikipedia .

Mikhail Kutuzov là danh tướng huyền thoại của nước Nga. Nhận xét về ông, đại nguyên soái Suvorov viết: “Lòng dũng cảm của trung tướng tài năng và kiên cường Kutuzov là tấm gương cho binh lính dưới quyền của ông”.

Ngày 16/4/1813, ông qua đời ở Bunzlau vì trọng bệnh, cả nước Nga vô cùng thương tiếc. Về sau, tên tuổi của ông được đưa vào chương XIV của tác phẩm văn học kinh điển Chiến tranh và hòa bình của đại văn hào Lev Tolstoy.

 

Theo Zing
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm