Khám phá

Bí quyết trường thọ của người đàn ông Trung Quốc sống tới... 256 tuổi

Theo sách kỉ lục Guinness, người được xác nhận là có tuổi thọ cao nhất Thế giới là bà Jeanne Calment, người Pháp: 122 năm 164 ngày. Tuy nhiên, với người Trung Quốc thì bà Jeanne… 'không có tuổi' để so với huyền thoại trường thọ của họ: Lý Thanh Vân, người được cho là thọ tới… 256 tuổi.

Lý Thanh Vân sinh vào một ngày không xác định tại Kỳ Giang, Tứ Xuyên, Đại Thanh. Ông sống phần lớn cuộc đời ở những vùng núi, giỏi võ và có kỹ năng khí công. Ông làm nghề buôn bán các loại thảo dược như linh chi, kỷ tử, nhân sâm mọc hoang, hà thủ ô đỏ và rau má cùng với các loài thảo mộc khác của Trung Quốc.

Truyền thuyết khởi đi từ Tứ Xuyên kể rằng Lý Thanh Vân biết đọc - viết từ khi mới… lên ba. Năm 15 tuổi, ông đã quyết định ngao du sơn thủy, đi đến Cam Túc, Sơn Tây, Tây Tạng, tới cả Việt Nam, Thái Lan và Mãn Châu để thu thập thảo mộc. Ông được cho là làm công việc này trong một thế kỷ.

Lý Thanh Vân được cho là thọ hơn 250 tuổi.

Sau khi đến Khai huyện, giả thiết cho rằng Lý Thanh Vân đã 72 tuổi vào lúc đó (tức năm 1749), ông gia nhập quân đội của Tư lệnh cấp tỉnh đảm nhiệm vai trò võ sư và cố vấn chiến thuật. Khá nhiều ghi chép đến giờ vẫn được lưu trữ cho thấy, Thủ lĩnh quân phiệt Trung Quốc Ngô Bội Thu từng mời Lý Thanh Vân về tư dinh để xin bí quyết sống thọ hơn 200 năm tuổi của ông.

Lý Thanh Vân qua đời vào ngày 6 tháng 5 năm 1933 tại Khai huyện, Tứ Xuyên, Trung Hoa Dân Quốc và chết trước người vợ thứ… 24 lúc ấy 60 tuổi. Lý Thanh Vân được cho là có hơn 200 người con - cháu và sống lâu hơn 23 bà vợ trước của ông.

Trong khi Lý Thanh Vân tuyên bố ông sinh năm 1736 (tức “chỉ” 197 tuổi vào thời điểm ông qua đời), thì giáo sư đại học Thành Đô, Ngô Chung Kiệt, trong một nghiên cứu của mình đã khẳng định rằng Thanh Vân sinh năm 1677, tức thọ tới 256 tuổi.

Bài báo mừng thọ Lý Thanh Vân 200 tuổi.

Ngô Chung Kiệt đã dựa vào 1 bài báo New York Times năm 1930 và từ đó khám phá ra những tài liệu cho thấy: từ năm 1827 chính phủ Hoàng gia Trung Hoa đã chúc mừng Lý Thanh Vân nhân dịp sinh nhật thứ 150 của ông. Và cả những tài liệu chúc mừng sinh nhật lần thứ 200 của Lý gia vào năm 1877 sau đó cũng được tìm thấy.

Năm 1927, tổng tư lệnh của Quốc dân Cách mệnh Quân Dương Sâm đã mời ông về dinh thự của mình ở Vạn Châu, Tứ Xuyên. Khi Lý mất, Dương Sâm đã viết một báo cáo về ông, trong đó mô tả: "Lý lão gia có thị lực tốt và sải chân lanh lợi. Ông cao 7 feet, để móng tay dài và làn da hồng hào”.

Năm 1928, một phóng viên của New York Times viết rằng nhiều người cao niên được coi là hàng xóm của Lý Thanh Vân khẳng định rằng… ông nội của họ đã biết Lý lão gia từ khi còn là những cậu bé, lúc đó nhân vật mà chúng ta đang nói tới đã là một người trưởng thành.

Chăm chỉ tập khí công cùng chế độ ăn uống gồm nhiều thảo dược là bí quyết sống thọ của Lý lão gia.

Sinh thời, Lý Thanh Vân từng kể với các học trò của mình rằng: bí quyết sống lâu của ông là được truyền từ sư phụ có tuổi đời lên tới 500 năm. Nhiều ghi chép cho thấy: thường xuyên luyện tập khí công, sống hòa mình với thiên thiên cùng chế độc ăn uống chỉ bao gồm thảo dược và rượu gạo chính là bí quyết trường thọ của Lý Thanh Vân.

Câu nói nổi tiếng của Lý Thanh Vân để lại cho đời sau, những người vẫn luôn mơ ước về một cuộc sống trường sinh bất lão chính là: “Hãy giữ tâm luôn tĩnh lặng như nước, ngồi ngay ngắn mà vững chãi như rùa, đi lại nhẹ nhàng uyển chuyển như chim và ngủ như một chú chó”.

Cho dù bạn có tin vào huyền thoại trường thọ Lý Thanh Vân hay không thì quả thực những đúc kết của ông về bí quyết sống lâu qua câu nói trên bao hàm ý nghĩa minh triết vô cùng sâu sắc.

Theo Tầm Hoan/Dân Việt

loading...

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo