Khám phá

Biến da người phụ nữ 53 thành 23 tuổi nhờ kỹ thuật nhân bản cừu Dolly

Các nhà khoa học Cambridge đã "đảo ngược thời gian" tới 30 năm các tế bào da của một người phụ nữ và cho biết họ có thể làm điều tương tự với các tế bào khác trên cơ thể nhờ ứng dụng một công nghệ liên quan tới cừu Dolly.

Giả sử Tào Tháo sống được tới 80 tuổi, liệu Tư Mã Ý có còn dám tạo phản? / Càn Long 88 tuổi vẫn nạp vị phi tần chỉ mới 16: Sống qua ba triều đại, kết cục đáng thương

Công nghệ này được xây dựng dựa trên các kỹ thuật được sử dụng để tạo ra cừu nhân bản Dolly hơn 25 năm trước.

Trao đổi với BBC News, giáo sư Wolf Reik từ Viện Babraham (thuộc Đại học Cambridge, Anh), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết ông hy vọng kỹ thuật này sẽ giúp mọi người khỏe mạnh lâu hơn khi già đi.

Biến da người phụ nữ 53 thành 23 tuổi nhờ kỹ thuật nhân bản cừu Dolly - Ảnh 1.

Hình ảnh phóng đại tế bào da của người phụ nữ 53 tuổi nhưng đã sở hữu cấu trúc và hoạt động như một người trẻ hơn 30 tuổi - Ảnh: Babraham

Nguồn gốc của kỹ thuật này bắt nguồn từ những năm 1990, khi các nhà nghiên cứu tại Viện Roslin (thuộc Đại học Edinburgh, Anh) phát triển một phương pháp biến một tế bào da trưởng thành lấy từ một con cừu thành tế bào gốc phôi thai. Nó dẫn đến việc tạo ra cừu Dolly nhân bản.

Mục đích của nhóm từ Viện Roslin không phải là tạo ra cừu hay người nhân bản vô tính, mà là sử dụng kỹ thuật để tạo ra cái gọi là tế bào gốc phôi người. Họ hy vọng rằng chúng có thể được phát triển thành các mô cụ thể, chẳng hạn như cơ, sụn và tế bào thần kinh để thay thế các bộ phận cơ thể bị thiệt hại do bệnh lý hay thời gian.

Biến da người phụ nữ 53 thành 23 tuổi nhờ kỹ thuật nhân bản cừu Dolly - Ảnh 2.

Cừu Dolly nổi tiếng 25 năm trước - Ảnh: Viện Roslin

Kỹ thuật Dolly đã được Giáo sư Shinya Yamanaka từ Đại học Kyoto (Nhật Bản) đơn giản hóa vào năm 2006. Phương pháp mới, được gọi là IPS, liên quan đến việc bổ sung hóa chất vào các tế bào trưởng thành trong khoảng 50 ngày. Điều này dẫn đến những thay đổi di truyền, biến các tế bào trưởng thành thành tế bào gốc.

Nhóm của Giáo sư Reik đã sử dụng kỹ thuật IPS trên các tế bào da 53 tuổi. Nhưng họ đã rút ngắn thời gian tắm hóa chất từ 50 ngày xuống còn khoảng 12. Vậy là các tế bào này không biến thành tế bào gốc mà đã trẻ hóa vừa đủ, thành tế bào da của một cô gái 23 tuổi.

 

Kỹ thuật này không thể tiến tới thử nghiệm lâm sàng ngay bởi các dữ liệu cho thấy IPS làm tăng nguy cơ ung thư. Nhưng giáo sư Reik tự tin rằng khi đã biết được cách làm tế bào trẻ lại, họ sẽ dễ dàng điều chỉnh để tìm ra con đường an toàn.

"Mục đích của phương pháp là kéo dài tuổi trẻ chứ không phải tuổi thọ, để mọi người có thể già đi khỏe mạnh hơn" - giáo sư Reik nhấn mạnh.

Công nghệ này này có thể giúp phát triển các loại thuốc làm trẻ hóa làn da ở người bị thương hay bỏng để tăng tốc chữa bệnh, hoặc ứng dụng với các mô khác trong cơ thể giúp phát triển phương pháp điều trị các bệnh liên quan đến lão hóa như tiểu đường, tim mạch, rối loạn thần kinh…

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm