Dựa trên những mẫu răng mà các nhà khảo cổ thu thập được, các nhà cổ sinh vật học đã xác định rằng, một số nhóm cá sấu không phải loài ăn thịt như hậu duệ của mình. Khi phân tích chi tiết về răng cá sấu cổ đại, các nhà khoa học kết luận thói quen ăn chay đã tiến hóa ở ba sinh vật họ hàng xa của cá sấu hiện đại, vào ít nhất ba thời điểm khác nhau. Cá sấu ăn cỏ xuất hiện sớm trong quá trình tiến hóa của động vật bò sát và có mặt trong nhóm cá sấu từ cuối Kỷ Tam Điệp đến cuối Kỷ Phấn Trắng.
Nghiên cứu mới này vừa được đăng tải trên tạp chí khoa học Current Biology.
Một số loài cá sấu cổ đại ăn thực vật.
Keegan Melstrom, một nghiên cứu sinh tại Đại học Utah, Mỹ, cho biết:“Điều thú vị nhất chúng tôi phát hiện được là các loài cá sấu tuyệt chủng có vẻ ăn thực vật rất thường xuyên. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng những chiếc răng có hình dạng phức tạp, mà chúng tôi suy đoán ám chỉ động vật ăn cỏ, xuất hiện ở những họ hàng đã tuyệt chủng của cá sấu ít nhất ba lần và có lẽ có tới sáu loài”.
Cá sấu hiện đại có chung hình dáng cơ thể và những chiếc răng hình nón đơn giản, sinh lý học cần thiết đối với cuộc sống như một loài ăn thịt toàn diện, vừa sống dưới nước vừa sống trên bờ.
Một mô hình răng 3D của loài cá sấu cổ đại Chimaerasuchus. Cấu trúc răng cho thấy, Chimaerasuchus ăn thực vật.
Nhưng khi các nhà cổ sinh vật học bắt đầu nghiên cứu răng của những loài tuyệt chủng, họ hàng xa của cá sấu ngày nay, họ đã phát hiện ra sự đa dạng về hình dáng của răng cá sấu. Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng về những chiếc răng có hình dạng khác hình nón, cùng các phần hàm khác nhau trong số cá sấu cổ đại.
Một số loài cá sấu cổ đại được các nhà nghiên cứu chỉ ra là thuộc nhóm động vật ăn thực vật.
Melstrom cho biết thêm:“Động vật ăn thịt sở hữu bộ răng đơn giản trong khi răng của động vật ăn cỏ phức tạp hơn. Động vật ăn tạp, các sinh vật ăn cả thực vật và động vật, thì thuộc loại ở giữa, răng chúng vừa đơn giản vừa phức tạp”.
Hình ảnh mô phỏng Armadillosuchus, 1 loài cá sấu cổ đại sống cách đây khoảng 83 triệu năm, có thể ăn cả thịt lẫn thực vật.
Cũng theo Melstrom:“Một phần nghiên cứu trước của tôi chỉ ra rằng, đặc trưng này thuộc về những loài bò sát còn sống có răng, như cá sấu và thằn lằn. Nên những kết quả này cho thấy đặc trưng cơ bản giữa chế độ ăn và răng, có ở cả động vật có vú và động vật bò sát, dù hình dạng răng của chúng rất khác nhau và có thể áp dụng với cả những loài bò sát tuyệt chủng”.
Keegan Melstrom và Randall Irmis - 2 nghiên cứu sinh tại Đại học Utah, Mỹ - với các mẫu hóa thạch cá sấu cổ đại.
Để xây dựng lại chế độ ăn của cá sấu cổ đại, các nhà khoa học đã sử dụng một phương pháp phân tích, được thiết kế để dự đoán thói quen ăn uống của động vật có vú hiện đại, dựa trên hình thái răng của chúng. Các nhà nghiên cứu đã đo đạc và phân tích 146 chiếc răng của 16 loài cá sấu tuyệt chủng.
Các nhà nghiên cứu đã đo đạc và phân tích 146 chiếc răng của 16 loài cá sấu tuyệt chủng.
Phân tích so sánh cho thấy, cá sấu ăn cỏ xuất hiện sớm trong quá trình tiến hóa của động vật bò sát và có mặt trong nhóm cá sấu từ cuối Kỷ Tam Điệp cho đến cuối Kỷ Phấn Trắng. Trong thời kì này, cá sấu đã tiếp nhận thói quen ăn chay vào ít nhất ba thời điểm khác nhau và có thể lên tới sáu lần.
Theo Melstrom:“Nghiên cứu của chúng tôi chứng minh rằng, những loài cá sấu tuyệt chủng có chế độ ăn cực kỳ đa dạng. Một số tương tự như cá sấu hiện đại và chủ yếu là ăn thịt, những loài khác là động vật ăn tạp và vẫn có những loài chuyên ăn thực vật. Động vật ăn cỏ sống ở các lục địa khác nhau vào những thời điểm khác nhau, một số loài sống cùng động vật có vú và họ hàng của động vật có vú, trong khi những loài khác thì không. Điều này cho thấy, cá sấu ăn cỏ phát triển mạnh trong rất nhiều môi trường”.
Tuy nhiên, cá sấu ăn cỏ đã biến mất khỏi hành tinh, sau vụ đại tuyệt chủng khủng long. Melstrom hy vọng, những nghiên cứu sau sẽ giúp lí giải tại sao chế độ ăn của cá sấu lại đa dạng đến vậy, sau sự kiện đại tuyệt chủng cuối Kỷ Tam Điệp, mà không phải sau vụ đại tuyệt chủng cuối Kỷ Phấn Trắng.
Theo Thương Huyền/Khám phá