Trong thời đại ngày nay, chúng ta chẳng lạ lẫm trước chuyện các bạn trẻ tự nhận mình là “con sen” hay “quan hốt phân”, tôn xưng mèo là “hoàng thượng” hay “boss”, và hết lòng nâng niu, chiều chuộng những người bạn bốn chân lông lá.
Ai Cập cổ đại
Dân tộc sùng bái mèo nhất hẳn phải kể tới người Ai Cập xưa. Trong thời cổ đại, mèo được coi là á thần. Loài vật này không chỉ bảo vệ mùa màng và ngăn ngừa bệnh dịch nhờ săn bắt chuột, chúng còn được coi là hóa thân của nữ thần Bastet. Đây là nữ thần của sự bảo vệ, lạc thú, khả năng sinh sản, sinh nở, xua đuổi tà ma khỏi ngôi nhà và ngăn chặn bệnh tật, đặc biệt là bệnh liên quan tới phụ nữ và trẻ em.
Bastet (hay còn gọi là Bast) là nữ thần mèo nổi tiếng từ Ai Cập, đây hẳn là vị thần lừng danh nhất trong các thần mèo. Tương truyền, Bastet là con gái của Ra, thần mặt trời. Nữ thần sẽ du hành qua bầu trời cùng cha mình để bảo vệ ông khi bay từ vùng trời này sang vùng trời khác. Vào ban đêm, khi thần mặt trời đi ngủ, Bastet sẽ hóa thành mèo để bảo vệ ông khỏi kẻ thù là ác thần Apep với hiện thân là con rắn.
Do trách nhiệm này, nữ thần còn có biệt danh là Tiểu thư phương Đông, Nữ thần Mặt trời mọc, Con mắt của thần Ra .
Bastet vốn là thần bảo hộ của thành phố cổ Bubastis nằm ở vùng đồng bằng sông Nile, sau này lan tỏa thành một tín ngưỡng quan trọng ở thủ đô Memphis. Trong thời kỳ Giai đoạn cuối và Ptolemaic, tại hai địa điểm này mọc lên các nghĩa trang xác ướp mèo lớn, và hàng ngàn bức tượng nhỏ bằng đồng của nữ thần được dâng lên làm đồ cúng tạ ơn.
Nữ thần thường xuất hiện dưới dạng đầu mèo, thân phụ nữ, mặc một chiếc váy được trang trí tinh xảo; tay phải cầm một nhạc cụ gõ cổ tên sistrum, còn tay trái cầm tấm giáp hộ tâm. Tinh thần sùng bái nữ thần được người La Mã đưa tới Ý, ngày nay các dấu vết cho việc thờ cúng này được tìm thấy ở Rome, Ostia, Nemi, và Pompeii.
Đối lập với người chị em Bastet, Sekhmet là vị thần chiến tranh và bảo vệ các pharaoh Ai Cập khi dẫn họ ra chiến trận. Cũng như Bastet, nữ thần đồng hành cùng thần mặt trời qua bầu trời. Tuy nhiên, nhiệm vụ của bà là tạo ra ngọn lửa của mắt Ra (mặt trời) cũng như tiêu diệt toàn bộ kẻ thù của vị thần này.
Sekhmet thường được mô tả là một con sư tử cái, hoặc là một người phụ nữ đầu hổ. Điều thú vị là, bà cũng là vị thần bảo trợ cho chữa lành và y học. Vì lý do này, khi ốm đau bệnh tật, cư dân Ai Cập cổ sẽ mang lễ vật gồm đồ ăn thức uống dâng lên ban thờ ngài, tấu nhạc và đốt hương để cầu xin phù trợ.
Vị thần thứ ba là Mafdet, nữ thần phán xử, công lý và xử tử. Mang đầu báo đốm, thân mình phụ nữ, bím tóc là đuôi bọ cạp, nữ thần sẽ xé toạc trái tim của kẻ phạm tội và đặt nó xuống chân của pharaoh.
Tuy không được nhiều người biết tới như nữ thần Bastet, Mafdet được cho là được người dân Ai Cập tôn thờ trước khi Bastet bắt đầu được sùng bái, vì những câu chuyện về bà xuất hiện nhiều hơn trong thần thoại và lịch sử Ai Cập. Bà bảo vệ con người trước loài rắn, bọ cạp, cùng các loài động vật nguy hiểm khác.
Nhật Bản
Xứ sở hoa anh đào cũng nổi danh là nơi tập trung đông đảo “tín đồ” mèo, với các điểm đến hấp dẫn như chuyến tàu mèo, café mèo, đền thờ mèo, thị trấn mèo, đảo mèo…. Ấy vậy, trong những câu chuyện thần thoại của đất nước này, loài mèo lại chẳng hề dễ thương, đáng mến mà rất hung tàn, đáng sợ. Đa phần chúng là những yêu quái gieo rắc tai ương cho con người.
Bakeneko (hay Hóa miêu) là một yêu quái biến hình từ mèo nhà. Theo truyền thuyết, mèo sẽ biến đổi khi chúng già đi. Quá trình này bắt đầu với việc chúng đi lại bằng hai chân sau, càng già chúng càng có nhiều sức mạnh và trở nên to lớn hơn, dần dà chúng có thể biến đổi hình thái và nói được tiếng người.
Hình thái chuyển đổi yêu thích của chúng là người chủ của mình. Khi làm được vậy, chúng sẽ rất vui mừng, đội khăn lên đầu rồi nhảy múa tưng bừng.
Ngoài biến đổi hình dáng, các sức mạnh khác của Bakeneko bao gồm triệu hồi ra quả cầu lửa, tạo ngọn lửa ở đuôi, khống chế được người chết, và nguyền rủa (hay giết chết) người chủ trước.
Nekomata có điểm tương đồng với Bakeneko ở chỗ nó cũng là mèo thường và đứng bằng hai chân sau. Thế nhưng, Nekomata thường là những chú mèo bị vứt bỏ nên chúng có oán niệm sâu sắc với con người. Chúng là những con mèo sống lâu nhất, có hình thể lớn nhất và có đuôi dài hơn Bakeneko. Tương truyền sau khi biến đổi, nó sẽ mọc thêm một cái đuôi nữa giống hệt cái cũ, đây là nguồn gốc cho cái tên của nó (neko là mèo, mata là vật có hình dạng phân nhánh như chạc cây).
Người ta tin rằng Nekomata có thể nói được tiếng người giỏi hơn Bakeneko và dùng khả năng này để gây rắc rối cho con người. Loài yêu quái này rất hung ác và tìm thấy niềm vui trong việc gây hỗn loạn, hỏa hoạn, bắt cóc hay bắt con người làm nô lệ.
Theo truyện dân gian, Nekomata sống trên các ngọn núi thành bầy nhỏ dưới hình dạng những con mèo rừng lớn. Nếu con người lỡ bước vào lãnh thổ của chúng thì họ sẽ bị giết chết.
Kasha (Hóa xa hay Hỏa xa) là con yêu quái ăn xác chết. Theo truyện dân gian, Kasha vốn là mèo nhà, nhưng khi ngửi thấy mùi xác chết chúng sẽ biến thành yêu quái. Những con Kasha hung dữ sẽ tấn công đám tang để cướp thi hài, còn những con khác ăn cắp từ nghĩa trang. Vì lí do này, khi tang lễ tiến hành, người ta sẽ ngăn không cho mèo bén mảng lại gần.
Theo mô tả, Kasha là một con mèo hình người được bao bọc trong lửa, hay chỉ cái đuôi bốc lửa, chúng có thể điều khiển xác chết như những con rối và khiến họ đứng dậy nhảy múa.
Song, không phải yêu quái mèo nào cũng đáng sợ và mang tới tai ương cho con người.
Maneki-neko (Chiêu tài miêu) là một yêu quái mang vận may vô cùng lớn, tới nỗi những bức tượng mang hình chúng cũng mang lại may mắn và tiền bạc cho người sở hữu. Hình dạng của chúng thường là một con mèo đang ngồi và giơ một tay lên vẫy, ở một số nơi mèo ta giơ cả hai chi trước lên.
Ngoài ra còn có Neko-yujo (Miêu kỹ nữ) thời Edo, những vị khách làng chơi thức dậy vào ban đêm sẽ thấy nàng kỹ nữ bỗng có đầu hay bóng mèo và ăn xương cá. Gotoku-neko (Mèo đội kiềng ba chân) sẽ bí mật nhóm lửa vào ban đêm hay bật lò sưởi trong các căn nhà để sưởi ấm. Neko-musume (Miêu nương) là con gái của mèo, một yêu quái lai giữa mèo và người. Loài sinh vật này bắt nguồn từ lời nguyền của mèo đối với những người chế tạo Shamisen, một nhạc cụ truyền thống dùng da mèo làm đàn. Một người làm Shamisen đã giết hại nhiều con mèo nên chịu lời nguyền là sinh ra Neko-musume không biết nói tiếng người, thích săn bắt chuột. Bán yêu này thường xuất hiện dưới hình dạng một cô gái trẻ có tai hay đuôi mèo. Hình tượng này sau đó trở nên phổ biến trong các sáng tác manga và anime của Nhật Bản.
Babylon cổ đại
Người Babylon ngày xưa cũng thờ phụng thần mèo, đó là thần Nergal. Mang đầu sư tử và thân hình đàn ông, tay cầm chùy, đây là vị Chúa tể của thế giới bên kia, đồng thời là vị thần của chiến tranh, bệnh dịch và sâu bệnh. Theo thần thoại, Nergal là vị thần có tính tình thất thường, khi buồn chán ông sẽ giết người và phá hủy.
Ấn Độ
Dawon (hay Gdon) là con hổ thần được tặng cho nữ thần Parvati làm quà, thể hiện cho sức mạnh của bà. Dawon làm thú cưỡi cho nữ thần trong chiến trận, nó tấn công kẻ thù bằng móng vuốt và răng nanh. Trong thần thoại, nó được mô tả là con vật nửa hổ nửa sư tử.
Bắc Mỹ
Mishipeshu (có nghĩa là Linh miêu vĩ đại) là một sinh vật siêu nhiên trong truyền thuyết Ojibwa. Ngoại hình của nó trông giống một con báo sư tử có sừng, lưng và đuôi đầy vảy chứ không phải lông – đôi khi có cách nói là sừng và vảy của Mishipeshu tạo thành từ đồng nguyên chất. Sinh vật này được cho là sống dưới đáy các hồ lớn.
Mishipeshu là nguyên nhân gây ra sóng, xoáy nước, ghềnh thác, những vùng nước chảy xiết; đôi khi nó còn phá mặt băng khi con người đi bộ trên đó trong mùa đông. Tuy nhiên, Mishipeshu cũng là sinh vật bảo hộ và chữa bệnh. Trước khi bắt đầu cuộc tìm kiếm thức ăn, nếu cầu nguyện với Mishipeshu thì người dân đảm bảo sẽ có cuộc đi săn hay đánh bắt cá bội thu.
Scotland
Trong thần thoại Celtic, Cat Sìth là một con mèo đen mảnh khảnh nhưng to bằng con chó, có đốm trắng trên ngực. Khi có bóng dáng con người, nó sẽ đi bằng bốn chân, còn khi khuất bóng, nó sẽ đứng bằng hai chân sau. Tương tự như Kasha trong truyền thuyết Nhật Bản, hình tượng Cat Sìth cũng gắn với xác chết, nhưng không phải ăn xác mà để bắt lấy linh hồn người đã khuất.
Ngoài ra, trong lễ Samhain (một lễ hội cổ xưa của người Celtic, đánh dấu mùa thu hoạch kết thúc và bắt đầu mùa đông, có ảnh hưởng tới lễ Halloween), người ta tin rằng nếu ngôi nhà nào để đĩa sữa ngoài cửa cho Cat Sìth uống thì nó sẽ ban phước cho gia đình đó. Còn nhà nào không làm như vậy thì sẽ bị nó nguyền rủa. Lời nguyền của Cat Sìth là khiến lũ bò của gia đình đó không còn tiết ra sữa.
Một truyền thuyết nữa cho rằng Cat Sìth thực ra là một phù thủy có thể biến thành mèo chín lần. Nếu phù thủy biến thành mèo vào lần thứ chín thì sẽ sống hết đời ở dạng mèo. Đây có thể là nguồn gốc cho niềm tin rằng mèo có chín mạng.
Dù là các vị thần được tôn thờ hay là sự tồn tại đáng sợ khiến con người kinh hãi, mèo đã đồng hành cùng tổ tiên loài người từ thủa xa xưa. Và cho tới ngày nay, chúng vẫn tiếp tục là người bạn bốn chân đáng yêu, mang lại nhiều niềm vui cho cuộc sống của chúng ta.
Theo Khiển Hoài/Khoa học & Phát triển