Khám phá

Cafe, trà và đường định hình nền kinh tế toàn cầu

Thật thú vị khi biết rằng chính cafe, trà, đường, thuốc lá và các loại gia vị đã hoàn toàn làm thay đổi trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu, nhất là khi chúng trở nên dư thừa.
Sự kiện Boston Tea Party là một trong những ngòi nổ dẫn tới Cách mạng Mỹ. Ảnh: Wikimedia.
Sự kiện Boston Tea Party là một trong những ngòi nổ dẫn tới Cách mạng Mỹ. Ảnh: Wikimedia.

Quyền lực của đường

Ban đầu, đường là một mặt hàng xa xỉ độc quyền mà chỉ những người giàu có nhất mới mua nổi, ngay cả khi nó được sản xuất ở Tân Thế giới (châu Mỹ) với sản lượng lớn. Nhưng sang thế kỷ 17, tình hình đã thay đổi khi thế độc quyền của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha bị phá vỡ, Anh và Hà Lan tự sản xuất đường. Hơn nữa, người ta cũng phát triển một công nghệ mới thay thế cho máy ép truyền thống – đòi hỏi phải cắt nhỏ mía trước khi đưa vào máy và ép bằng đá hoặc vật nặng. Cỗ máy này có cấu tạo bao gồm ba trục cán thẳng đứng để nghiền nát những thanh mía và được cấp năng lượng nhờ một cối xay nước (hoặc cối xay gió), cho nên hoạt động hiệu quả và cho năng suất cao hơn nhiều. Bên cạnh đó là những thiết kế mới cho các hệ thống tinh luyện đường. Chính điều này đã dẫn đến sự phổ biến của đường ở châu Âu, ngay cả người tiêu dùng bình thường cũng có khả năng tiếp cận, kéo theo hàm lượng [đường] ngày càng tăng trong khẩu phần ăn hằng ngày. Họ bỏ nó vào cafe, trà hay làm bánh mứt kẹo … Nhu cầu lớn đã giúp ngành liên tục tăng trưởng, làm giàu cho một số chủ đồn điền và chủ sở hữu nhà máy sản xuất đường. Tuy nhiên, cũng do ăn quá nhiều đường tinh luyện, một số người bắt đầu bị sâu răng và suy dinh dưỡng.

Về mặt sinh lý, đường có thể không gây nghiện, nhưng xét trên khía cạnh tâm lý thì lại hoàn toàn có thể. Chính điều này đã biến nó trở thành mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và giữ giá khi người châu Âu (và tất nhiên là cả Bắc Mỹ) đều nghiện đường. Bạn có thể khuyến khích mọi người mua nhiều hơn nữa và sử dụng theo những cách mới.

Chocolate, cafe và trà cũng ảnh hưởng đến xã hội

 

Chocolate là thứ đặc sản được người Aztec uống một cách say sưa và giới quý tộc Tây Ban Nha nhiệt tình nhấm nháp khi họ có thể ngồi cả ngày chỉ để uống một ly chocolate. Có thể nói, đó chính là thức uống hoàn hảo cho các cận thần lười biếng, những người ôm lý tưởng sống hết sức đơn giản – chẳng cần phải trở thành doanh nhân thành đạt hay vĩ nhân, nhưng vẫn thoải mái tận hưởng sự giàu có (chủ yếu nhờ tiền thu tô thuế) và không cần phải nhấc tay. Chocolate có tác dụng làm tâm trạng thư giãn rất tốt, cho nên không quá ngạc nhiên khi nó trở thành đồ uống được yêu thích ở Tây Ban Nha hơn là một thứ khác chứa nhiều caffein.

Quy trình chế biến chocolate từ hạt cocoa. Ảnh: Wikimedia.
Quy trình chế biến chocolate từ hạt cocoa. Ảnh: Wikimedia.

Nhưng tại Bắc Âu, nơi chịu nhiều ảnh hưởng của nền đạo đức Tin lành (thuật ngữ do Max Webber đặt ra), kiếm tiền là một cuộc chơi được nhiều người theo đuổi, và họ thường phải luôn cảnh giác lẫn thao thức để dõi theo các khoản đầu tư, khiến cafe trở nên chiếm ưu thế. Vào thế kỷ 17, các tiệm cafe bắt đầu mọc lên khắp châu Âu, nhất là tại London. Mặc dù chưa mang không gian giống như Starbucks bây giờ, nhưng đó là nơi mà mọi người tìm đến để mở rộng quan hệ, thỏa thuận, giao dịch, và một số thậm chí còn phát triển để trở thành những doanh nghiệp. Ngân hàng Lloyds thuộc hàng lớn nhất thế giới và có trụ sở chính đặt tại London đã khởi nghiệp như một tiệm cafe.

Cafe được xem là thức uống lý tưởng cho những người Anh, Hà Lan, Đức và Mỹ vốn làm việc chăm chỉ, khắc kỷ và đạo đức (Max Webber gọi là tinh thần của Chủ nghĩa tư bản). Vào những năm 1730, nhà soạn nhạc vĩ đại Bach thậm chí còn viết một bản cantata ca tụng cafe: “Ah, cafe có hương vị thật ngọt ngào, đáng yêu hơn cả ngàn nụ hôn và ngon hơn nhiều so với rượu vang muscatel (nho xạ).” Tùy theo từng khu vực địa lý mà các tiệm cafe ở châu Âu cũng mang những phong cách rất khác nhau. Tại Paris, tiệm đầu tiên có lẽ là Le Procope (khai trương năm 1686) và cho đến nay vẫn buôn bán phát đạt – được nhiều người xem là nơi để họ nán lại khi muốn tìm kiếm các thể loại văn học, không quá cao siêu về mặt tri thức và mang phong cách Bohemia (tự do phóng túng, không theo khuôn phép, lề lối). Điều này cũng tương tự như ở Vienna, nơi phổ biến những tiệm café-konditorei phục vụ thêm cả bánh ngọt ăn kèm. Chuyện kể rằng dân Vienna biết đến cafe khi người Thổ Ottoman tấn công thành phố (năm 1683) nhưng phải rút quân trước sự kháng cự mạnh mẽ, bỏ lại những bao tải cafe mà người Vienna đã nhanh chóng lượm được rồi tìm cách pha chế. Chưa hết, họ còn phát minh ra bánh sừng bò (croissant) để ăn mừng chiến thắng (nếu để ý sẽ thấy lá cờ của cả Ottoman và Thổ Nhĩ Kỳ sau này cũng có một hình trăng lưỡi liềm nhỏ trên đó, khá giống hình dạng bánh croissant). Mặc dù không thể kiểm tra tính xác thực nhưng đó quả là một câu chuyện thú vị. Ngoài ra cũng có một giai thoại khác, rằng bánh mì tròn (bagel) được làm ra để bày tỏ lòng tôn kính với vị tướng Jan Sobieski (Ba Lan), mô phỏng bàn đạp ngựa (thõng từ yên ngựa xuống để đặt chân) của ông.

 

Một sản vật khác nữa là trà và tại sao nó lại có thể thay thế cafe ở Anh? Đây thực sự ra chỉ là vấn đề mang tính chính trị. Ban đầu người Anh mua trà từ Trung Quốc và muốn bảo hộ thương mại cho Công ty Đông Ấn (East India Company), vì thế họ đã giảm thuế đánh vào trà, đồng thời tăng thuế đối với cafe vốn được cung cấp chủ yếu bởi Tây Ban Nha và Hà Lan, trông tại đảo Java (Indonesia) và Nam Mỹ. Vì không sở hữu nhiều đồn điền cafe nên người Anh đã ra sức quảng bá trà. Chính sách này, một mặt đã biến nước Anh trở thành xứ sở của những người uống trà; mặt khác làm chính quyền bảo hộ cố gắng áp đặt lượng tiêu thụ [trà] lên người dân Bắc Mỹ (một trong những yếu tố khiến người Mỹ nổi dậy làm cách mạng năm 1765 – 1783). Sau này người Anh đã mang trà sang Ấn Độ trồng, biến nơi đây trở thành nguồn cung cấp chính cho toàn bộ đế chế, với các loại trà đen lên men như Assam và Darjeeling.

Sau cùng, những ví dụ trên không đơn giản chỉ là dẫn chứng cho xu hướng di chuyển của các loài động – thực vật từ lục địa này sang lục địa khác, mà hơn thế còn là của con người, giúp gắn kết các kền kinh tế, làm biến đổi hoàn toàn lối sống thông qua những thiết chế như chế độ nô lệ, báo hiệu không chỉ sự thống trị toàn cầu của Cựu lục địa (châu Âu) mà còn đóng vai trò quyết định đối với sự phổ biến đến mức thừa mứa của các mặt hàng thực phẩm thiết yếu (vốn từng một thời xa xỉ) trong thời đại công nghiệp.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo