Khám phá

Cái kết bi thảm của công chúa Thái Bình - mỹ nhân mạnh nhất triều Đường, chấm dứt thời kỳ nữ quyền ở Trung Hoa

Cũng giống như người mẹ đầy tham vọng Võ Tắc Thiên, công chúa Thái Bình quyền lực nhất nhì trong triều nhà Đường, nhưng có cái kết vô cùng bi thảm.

Thái Bình công chúa là con gái thứ hai của Đường Cao Tông Lý Trị và Võ Tắc Thiên. Bà là em gái của Đường Trung Tông Lý Hiển và Đường Duệ Tông Lý Đán, cô ruột của Đường Huyền Tông Lý Long Cơ.

Sử sách chưa rõ năm sinh của bà, tuy nhiên các nhà sử học ước tính rằng bà sinh khoảng từ năm 660 đến 665, mất năm 713.

Ảnh minh họa.

Ngay từ những buổi đầu khi người mẹ ruột mới xưng ngôi vua, do sở hữu tính cách mạnh mẽ nên công chúa thường xuyên có ý định can thiệp vào vấn đề triều chính. Nhưng mọi sự cố gắng đều không thu được kết quả khả quan nào.

Sử sách ghi chép: “Võ Tắc Thiên không cho phép con gái can dự mọi việc một cách công khai. Mãi tới lúc về già, bà mới nhờ tới sự giúp đỡ của Thái Bình công chúa trong các vấn đề lớn”.

Thuyết phục Võ Tắc Thiên thoái vị

Thái Bình công chúa là con gái của Đường Cao Tông Lý Trị và Võ Tắc Thiên. Ảnh minh họa.

Thái Bình công chúa tham gia cuộc đấu tranh chính trị lần thứ nhất khi Trương Giản Chi khởi binh giết chết anh em Trương Dịch Chi và Trương Xương Tông. Người này cho rằng, anh em nhà họ Trương cậy được Võ hậu sủng ái nên ngày càng lộng quyền, dám bỏ tù tới chết Thiệu vương Lý Trọng Nhuận, em gái ông quận chính Vĩnh Thái cùng em rể là Võ Diên Cơ chỉ vì dám xen vào chuyện riêng tư của bọn họ.

Năm 705, Trương Giản Chi kết hợp với tướng quân Lý Đa Tộ liên kết khởi binh nhằm trừng trị kẻ ác, ép buộc Võ Tắc Thiên phải truyền ngôi cho thái tử Lý Hiển. Anh em Lý Trọng Nhuận đều là con của Đường Trung Tông Lý Hiển, sau này Lý Trọng Nhuận được truy phong làm Ý Đức thái tử, Vĩnh Thái quận chính được truy phong làm Vĩnh Thái công chúa.

Bà có công trong việc thuyết phục Võ Tắc Thiên thoát vị. Ảnh minh họa.

Dù mang tiếng tham gia cuộc chính biến trên, song thực tếcông chúa nhà Đường chỉ nhận trách nhiệm thuyết phục Võ Tắc Thiên thoái vị làm thái thượng hoàng, nhường ngôi cho Lý Hiển chứ chưa có động thái gì nổi bật.

Sau thắng lợi, bà được phong làm Trấn Quốc Thái Bình công chúa. Sở dĩ bà nhúng tay vào chuyện này vì bản thân là con nhà họ Lý, dâu nhà họ Võ nên không thể đứng nhìn anh em nhà họ Trương lộng hành. Đồng thời, Trương Xương Tông từng lừa nhốt người tình của bà là Cao Tiển vào ngục.

Tiêu diệt Vi hoàng hậu

Bà đã bước từ hậu cung ra chính trường, tìm cách tiêu diệt phe cánh của Vi hậu và An Lạc công chúa. Ảnh minh họa.

Sau khi Đường Trung Tông lên ngôi, do muốn làm Võ Tắc Thiên thứ hai nên Vi hoàng hậu đã không ngừng mở rộng thế lực. Thái Bình công chúa vì thế mà bước từ hậu cung ra chính trường, cùng Lý Long Cơ khởi binh hòng tiêu diệt Vi hậu.

Năm 706, bà bắt đầu gây dựng phe cánh riêng, thậm chí phối hợp thêm với anh trai là Tương vương Lý Đán và con trai ông là Lý Long Cơ để công khai chống lại thế lực thù địch.

Nhưng khi hạ độc chồng mình vào năm 710, lập ôn vương Lý Trọng Mậu lên làm vua, còn bản thân buông rèm nhiếp chính thì Vi hậu lại âm mưu giết luôn tiểu hoàng thượng nhằm tìm cách loại trừ Tương vương và Thái Bình công chúa.

Bà được phong làm Vạn hộ và trở thành công chúa quyền lực nhất triều đại nhà Đường. Ảnh minh họa.

Trước tình hình đó, Lý Long Cơ đã bắt tay với Thái Bình công chúa để trừ khử Vi hậu và An Lạc công chúa, lập Lý Đán lên làm Đường Duệ Tông. Lý Long Cơ được phong làm thái tử.

Theo sử sách: “Thái Bình công chúa phái con trai là Võ Tiết Sùng trực tiếp tham gia, chứ nào chỉ làm người cố vấn thông thường. Bà muốn vừa có thể cho nhà họ Lý nắm quyền, vừa cho nhà họ Võ được lợi mà không để nhà họ Vi độc chiếm thiên hạ”.

Bà góp phần quan trọng trong việc chặn đứng âm mưu của Vi hậu, đồng thời đưa thành công anh trai thứ tư của mình là Lý Đán lên ngôi. Bởi vậy, bà được phong làm Vạn hộ và trở thành công chúa quyền lực nhất triều đại nhà Đường.

Kết cục bi thảm

Thái Bình công chúa phải tự sát sau cuộc tranh giành quyền lực thất bại. Ảnh minh họa.

Cuộc tranh giành quyền lực cuối cùng mà Thái Bình công chúa tham gia chính là cuộc chiến ác liệt nhằm chống lại Lý Long Cơ - người muốn chiếm ngôi vua và cũng là đồng minh trước đó của bà.

Tuy nhiên, vị công chúa mưu lược lại muốn giúp anh trai giữ vững ngai vàng nên mới khuyên Lý Đán phế truất đối phương bằng cách rêu rằng: "Lý Long Cơ không phải con trưởng của Đường Duệ Tông nên không thích hợp làm thái tử".

Nhưng nào ai ngờ, người này lại được truyền ngôi báu vào năm 712, lấy hiệu là Đường Huyền Tông.

Cái chết của bà chính là dấu chấm hết cho thời đại “nữ quyền” trong triều đình nhà Đường. Ảnh minh họa.

Thái Bình công chúa quyết định khởi binh nhằm tiêu diệu Lý Long Cơ và tìm cách nắm giữ ngự lâm quân. Nhưng tướng chỉ huy ngự lâm quân đã bị Lý Long Cơ giết chết ngay sau khi kế hoạch trên bị bại lộ.

Do quá hoảng hốt nên bà phải chạy lên núi Nam Sơn lẩn trốn suốt ba ngày. Đồng thời, dù Thái thượng hoàng Duệ Tông xin Đường Huyền Tông Tông tha chết cho em gái nhưng yêu cầu đó không được chấp thuận.

Cuối cùng, Thái Bình công chúa phải tự tìm tới cái chết bằng cách tự sát. Và cũng chẳng có thêm người phụ nữ nào giống như vậy xuất hiện trong lịch sử Trung Hoa nữa, cái chết của bà chính là dấu chấm hết cho thời đại “nữ quyền” trong triều đình nhà Đường.

Theo Mộc/Vietnamnet
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo