Khám phá

Chân dung con gái danh tướng Quan Vũ: “Hổ nữ” thời Tam Quốc

Nếu là một fan của Tam Quốc diễn nghĩa, chúng ta không lạ gì những cái tên như Quan Bình, Quan Hưng hay Quan Sách – 3 con trai của danh tướng Quan Vũ. Nhưng Võ thánh vẫn còn một người con gái – cũng là con út.

Vì sao Quan Vũ dám 1 mình cầm đao sang Đông Ngô dự tiệc? / Bí ẩn Tam Quốc: Quan Vũ "nhờ trời" quét sạch 7 đạo quân?

Quan Vũ, tự Vân Trường, danh tướng cuối Đông Hán – thời Tam Quốc, có lẽ là một trong những nhân vật có thật trong lịch sử được thêu dệt và thần thành hóa nhiều nhất trong văn học, thơ ca, kịch nghệ và các câu chuyện dân gian.

Quan Vũ có bao nhiêu người con?

Ngay cả việc Quan Vũ có chính xác bao nhiêu người con cũng là chủ đề gây tranh cãi cả ngàn năm qua. Theo tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, thì Vũ có 4 người con: 3 con ruột (2 trai, 1 gái) và 1 con nuôi. Hai con trai ruột là Quan Hưng và Quan Sách còn con trai nuôi là Quan Bình.

chan dung con gai danh tuong quan vu: “ho nu” thoi tam quoc hinh anh 1

Võ thánh Quan Vũ và con gái út – “Hổ nữ” Quan Phụng.

Tuy nhiên, trong những ghi chép lịch sử đáng tin cậy nhất thì trưởng nam Quan Bình là con ruột của Vũ, không hề có chuyện nhận nuôi qua tích “năm ải chém sáu tướng” (cũng là thứ hư cấu nốt) của tác gia họ La. Quan Sách, con trai út của Vũ, cũng không hề tồn tại. Quan Hưng là con thứ của Vũ, theo nghiệp quan văn. Cuối cùng là cô con gái có tên Quan Phụng.

Quan Bình bị Đông Ngô hành quyết cùng cha – Quan Vũ sau khi hai người bị bắt sống tại Lâm Thư, trên đường rút chạy về Ích Châu vào tháng Chạp 219. Quan Hưng, theo ghi chép trong chính sử, cũng ốm bệnh mà mất không lâu sau cái chết của cha và anh. Riêng con gái duy nhất – cũng là con út của Quan Vũ thì không có quá nhiều tư liệu lịch sử.

Quan Phụng, còn được biết tới với cái tên Quan Ngân Bình, thậm chí không được mô tả một cách rõ ràng trong tiểu thuyết Tam Quốc diễn nghĩa cũng như pho sử số 1 về thời đại này – Tam Quốc Chí, ngoài chi tiết cha nàng – Quan Vũ từ chối lời cầu hôn từ Đông Ngô.

chan dung con gai danh tuong quan vu: “ho nu” thoi tam quoc hinh anh 2

Khác với Tam Quốc diễn nghĩa, Quan Vũ theo ghi chép lịch sử chỉ có 3 người con ruột, 2 trai và 1 gái.

 

Ái nữ họ Quan xuất hiện như thế nào?

Năm Kiến An thứ 24 (219), tháng Bảy, Lưu Huyền Đức xưng vương rồi, viết một đạo biểu, sai người mang đến Hứa Đô, dâng Hán Hiến đế. Trong biểu kể rõ tình hình Thục và tình nguyện hết sức đánh giặc Tào để giúp nhà Hán. Tào Tháo ở Nghiệp Quận, được tin ấy giận lắm, lập tức truyền lệnh khởi hết quân trong nước sang hai Xuyên để quyết sống mái với Hán Trung vương.

Khi đó Tư Mã Ý dâng kế rằng: “Tôn Quyền ở Giang Đông, gả em cho Lưu Bị, rồi lại thừa cơ bắt em về. Lưu Bị thì chiếm giữ Kinh Châu, không trả Đông Ngô. Bởi thế hai bên vẫn thù oán nhau. Nay ta nên sai người đến dụ Tôn Quyền, xui hắn cất quân sang đánh Kinh Châu. Lưu Bị tất phải mang quân ở hai Xuyên đến cứu. Bấy giờ ta sẽ dẫn quân đến lấy Hán Trung. Lưu Bị đầu đuôi không cứu được nhau, tất nhiên phải nguy khốn”.

Tháo ưng lắm, viết ngay thư, sai Mãn Sủng đi gấp sang Đông Ngô, ra mắt Tôn Quyền. Sủng dâng trình thư Tháo. Tôn Quyền xem xong, đặt tiệc khoản đãi Mãn Sủng tử tế, rồi hội các mưu sĩ lại bàn. Gia Cát Cẩn nói: “Tôi nghe Vân Trường có người con gái còn nhỏ chưa gả cho ai, tôi xin sang cầu hôn cho thế tử chúa công. Nếu Vân Trường chịu gả, thì nên hiệp lực với Vân Trường mà đánh Tào Tháo, nhược bằng không nghe, ta sẽ giúp Tào Tháo để đồ Kinh Châu”.

chan dung con gai danh tuong quan vu: “ho nu” thoi tam quoc hinh anh 3

Quan Phụng – Quan Ngân Bình xuất hiện thoáng qua trong tiểu thuyết “Tam Quốc diễn nghĩa” ở hồi thứ 73.

 

Quyền dùng kế ấy, cho Mãn Sủng về Hứa Đô, rồi sai Gia Cát Cẩn làm sứ sang Kinh Châu. Cẩn vào thành ra mắt Vân Trường, thưa chuyện: “Tôi đến đây, có ý muốn kết hiếu hai nhà. Chúa công tôi có một con trai thông minh lắm, nghe tướng quân có cô con gái, nên đến cầu hôn để hai nhà kết hiếu với nhau, hiệp lực lại đánh Tào Tháo. Đó là một việc rất hay, xin tướng quân xét cho”.

Vân Trường nổi giận lên mắng rằng: “Con gái ta, ví như loài hổ, lại thèm gả cho con loài chó à! Nếu ta không nể mặt Khổng Minh, thì đầu ngươi phải rơi tại nơi này rồi! Chớ có nói lôi thôi!”. Nói đoạn, sai tả hữu đuổi Cẩn ra. Cẩn ôm đầu lủi thủi về ra mắt Ngô hầu, không dám giấu giếm câu gì cứ thưa chuyện thật như thế. Tôn Quyền tức đầy ruột, liền hội các văn võ, bàn định kế sách đánh lấy Kinh Châu.

Trên đây là trích lược từ Hồi 73- Tam Quốc diễn nghĩa – với những chi tiết hiếm hoi nhắc đến cô con gái út của Quan Vũ. Trừ một vài ý thêu dệt (kế của Tư Mã Ý, người sang Kinh châu cầu hôn là Gia Cát Cẩn), về cơ bản La Quán Trung đã dựa trên sự kiện có thật bao gồm cả câu mắng của Quan Vũ với sứ giả Đông Ngô – thứ làm rạn nứt hoàn toàn mối quan hệ liên minh Tôn-Lưu, dẫn tới việc mất Kinh Châu và gặp họa diệt thân sau này.

chan dung con gai danh tuong quan vu: “ho nu” thoi tam quoc hinh anh 5

Tạo hình cách điệu của Quan Phụng.

 

“Hổ nữ” Quan Phụng

Con trưởng Quan Bình không có tài nghệ và dũng lược như cha. Con thứ Quan Hưng, vốn đau yếu từ nhỏ, lại theo nghiệp quan văn nên người con mà Quan Vũ yêu nhất chính là Quan Phụng. Cũng không hề ngẫu nhiên khi Quan Vũ gọi ái nữ của mình là “Hổ nữ” vì không chỉ có dung mạo xinh đẹp, Quan Phụng còn thừa hưởng phần lớn uy phong của cha mình, cưỡi ngựa, đánh võ, dùng thương – đao, món gì cũng giỏi cả.

Trong Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện có một đoạn chép đến Quan Phụng, rằng nàng được Thừa tướng Thục Hán vô cùng tin yêu, coi như con nuôi, hết lòng truyền dạy binh pháp, từng đem theo phò trợ trong cuộc thảo phạt Nam Man. Chiến dịch Nam Trung, hay còn gọi là Gia Cát Nam chinh, nổi tiếng với điển tích “Thất cầm Mạch Hoạch” là đỉnh cao trong binh nghiệp của Khổng Minh, dập tắt những mầm mống phản loạn gây hại đến nhà Thục Hán, là bước quan trọng cho các chiến dịch Bắc Phạt sau này.

Chiến dịch Nam Trung của Gia Cát Lượng khởi phát vào đầu năm 225 và kết thúc với thắng lợi toàn diện vào mùa thu năm đó. Trong Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện, khi Quan Phụng theo Khổng Minh thì nàng khoảng 18-19 tuổi. Suy ngược lại thời điểm Quan Vũ từ chối lời câu hôn và mắng đuổi sứ giả Đông Ngô tầm tháng 7 năm 219 thì Quan Phụng, lúc ấy khoảng 13 tuổi – độ tuổi theo lễ giáo thời phong kiến là hoàn toàn phù hợp cho việc ước định hôn sự.

chan dung con gai danh tuong quan vu: “ho nu” thoi tam quoc hinh anh 7

Quan Phụng được Gia Cát Lượng truyền dạy binh pháp từ nhỏ.

 

Trong thắng lợi đầu tiên của chiến dịch Nam Trung - đánh tan quân Cao Định ở Hán Nguyên - mở toang đường tiến tới Ích Châu, Quan Phụng chính là một trong những tướng tiên phong của đại quân Thục Hán, có những đóng góp giá trị.

Kết thúc chiến dịch Nam Trung, Gia Cát Lượng đã thay mặt gia tộc họ Quan, ước định hôn sự cho Quan Phụng với con trai trưởng của Lý Khôi. Lý Khôi cũng là một danh tướng hàng đầu của Thục Hán. Vào thời điểm nổ ra chiến dịch Nam Trung, Khôi là đô đốc – Thứ sử Giao Châu được Gia Cát Lượng giao trọng trách đánh dẹp mạn Đông (Lượng tiến đánh mạn Tây), thắng liên tiếp nhiều trận trước khi hợp quân với Gia Cát Lượng thẳng tiến Ích Châu, thu phục Mạnh Hoạch.

chan dung con gai danh tuong quan vu: “ho nu” thoi tam quoc hinh anh 8

Quan Phụng là tướng tiên phong của Gia cát Lượng trong chiến dịch Nam Trung, dẹp loại Mạnh Hoạch.

 

Con trai trưởng của Lý Khôi – tức Lý Dĩ theo cha lập nhiều chiến công trong việc dẹp yên nạn Man Di. Khôi từng được phong Hán Đình hầu, gia An Hán tướng quân. Năm 231, Khôi qua đời, Dĩ kế tự mọi tước hầu của cha. Sau khi Lý Dĩ và Quan Phụng thành thân, sử không chép thêm về cuộc đời của hai nhân vật này nữa.

Có thể bạn quan tâm:

Theo danviet.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm