Chân dung người Ninja cuối cùng
Những bằng chứng khẳng định rằng người khổng lồ đã từng tồn tại phần 2 / Giải mã cách thử thai đặc biệt của người Ai Cập cổ đại
Tưởng nhầm học làm trộm
Jinichi Kawakami, sinh năm 1949, đang là trưởng tộc thứ 21 của dòng họ Ban thuộc phái Koga, một trong hai môn phái Ninja nổi tiếng nhất lịch sử bên cạnh phái Iga. Theo Daily Mail, dòng họ Ban có lịch sử tồn tại khoảng 500 năm nay, và ông Kawakami là Ninja cuối cùng còn tồn tại của dòng họ và thậm chí là cả thế giới.
Khi chỉ mới lên 6, ông Kawakami đã được tiếp xúc với Ninjutsu. Tuy nhiên ông lại không hề hay biết gì về điều này. Được huấn luyện với sư phụ của mình nhưng ông Kawakami lại nghĩ mình được dạy để đi… ăn trộm. “Tôi tưởng chúng tôi chỉ đang chơi đùa mà không nghĩ mình đang học Ninjutsu. Tôi còn tự hỏi liệu sư phụ có đang dạy tôi làm một tên trộm hay không vì ông dạy tôi cách di chuyển trong im lặng và đột nhập nhà cửa”, Ông Kawakami chia sẻ.
Ngay từ bé, quá trình tập luyện của ông Kawakami đã vô cùng gian khổ. Để phát triển khả năng tập trung, ông phải dành nhiều giờ nhìn vào ngọn lửa từ một cây nến cho đến khi cảm nhận được bản thân thật sự hòa vào nó.
Bài tập về thính giác cũng chẳng hề đơn giản. Ông bị buộc phải lắng nghe âm thanh của một cây kim được thả xuống sàn gỗ từ một căn phòng mà ông không ở trong đó. Nhưng đó chỉ mới là những trải nghiệm “nhẹ nhàng” trong quá trình khổ luyện của ông Kawakami.
Ngoài việc hoàn thiện kỹ năng ẩn mình, ông còn phải luyện tập các bài tập leo tường hoặc tiếp đất từ trên cao. Khó khăn nhất có lẽ là việc phải chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Không chỉ vậy, ông còn phải tìm cách sống sót qua nhiều ngày không có lương thực và nước.
Việc khổ luyện phải trải qua quá trình lâu dài, nhưng không phải bài tập cũng đòi hỏi một thể lực cường tráng. Bên cạnh những lúc phải gồng mình với các buổi tập, ông còn được dạy chế tạo thuốc nổ và pha chế hóa chất. Ông Kawakami chia sẻ: “Tôi có thể pha trộn một số thảo dược để chế ra chất độc. Chúng không nhất thiết gây chết người nhưng chỉ đơn giản để lây lan một số loại bệnh tật”.
Sau nhiều năm vất vả tập luyện, sau cùng ông Kawakami cũng được thừa hưởng những cuộn giấy da chứa đựng bí kíp của môn phái từ sư phụ mình ở tuổi 18. Còn hiện nay khi đã ngoài 60, ông đang điều hành bảo tàng Ninja tại thành phố Iga, thuộc tỉnh Mie, Nhật Bản.
Rõ ràng, việc huấn luyện này không thể dành cho những “tên trộm” như ban đầu ông nhầm tưởng. Thế nhưng với ông, đây là một phần của cuộc sống. “Việc huấn luyện rất khó khăn và đau đớn. Nó không vui vẻ gì nhưng tôi không nghi ngờ về nó. Nó đã được định sẵn là một phần cuộc sống của tôi”, trích lời ông Kawakami từ Daily Mail.
Để huyền thoại trôi vào dĩ vãng
Không phải lúc nào Ninja cũng phải đi làm nhiệm vụ. Vì vậy họ luôn cần một công việc để kiếm sống. Sống trong thời hiện đại, ông Jinichi Kawakami là một kỹ sư được đào tạo bài bản. Hiện nay, ngoài việc điều hành bảo tàng Ninja ở Iga thì ông còn đang nghiên cứu về lịch sử của Ninja tại đại học Mie.
Tuy nhiên ở Nhật, danh xưng “Ninja cuối cùng” mới là thứ khiến nhiều người biết đến ông hơn. Chia sẻ về danh xưng này, ông Kawakami cho hay ông được gọi như vậy vì bây giờ không còn ai được truyền chức từ các bậc thầy Ninja như ông từng được.
Điều đó có nghĩa rằng ngoài ông thì vẫn còn những chuyên gia nắm rõ các kỹ năng, nhưng lại không đủ tư cách làm Ninja vì không được các tiền bối thừa nhận. Một ví dụ điển hình là võ sư nay đã ngoài 80 tuổi Masaaki Hatsumi. Ông Hatsumi khẳng định mình là hậu duệ của môn phái Togakure. Nhưng ở Nhật ông không được công nhận là Ninja.
Không chỉ nổi tiếng trong nước, ông Hatsumi còn được biết đến bởi nhiều người nước ngoài muốn theo học Ninjutsu. Trong số đó có cả những chuyên viên quân đội hoặc cảnh sát nước ngoài muốn tìm đến ông để được chỉ giáo. Theo BBC, lớp học của ông Hatsumi dù có sử dụng một số vũ khí nhưng chủ yếu được huấn luyện bằng tay không.
Không được xem là một Ninja chính thức nhưng với vốn hiểu biết uyên thâm của mình, ông Hatsumi vẫn đang nỗ lực truyền đạt lại tinh hoa của Ninjutsu từng một thời là bí kíp giúp các điệp viên thời phong kiến sống sót.
Có thể cách làm của ông Kawakami và Hatsumi không giống nhau, song cả hai lại đồng nhất trong một quan điểm. Sẽ không ai trong số họ chấp nhận truyền chức Ninja cho thế hệ tiếp theo. Điều đó có nghĩa rằng nếu ông Kawakami qua đời thì các Ninja sẽ vĩnh viễn biến mất.
Nói về việc để cho các huyền thoại thời xưa trôi vào dĩ vãng, ông Kawakami cho biết các Ninja cũng như nghệ thuật Ninjutsu không còn phù hợp trong cuộc sống ngày nay. “Trong thời nội chiến hoặc thời kỳ Edo, kỹ năng do thám, giết người, hay hạ độc của Ninja là hữu ích. Thế nhưng ngày nay, chúng ta có súng ống, internet và dược phẩm thì tiến bộ hơn, vì vậy Ninjutsu sẽ chẳng còn chỗ đứng trong thời hiện đại”, BBC trích lời ông Kawakami.
Như đã nêu trong kỳ 1, nhóm biểu diễn võ nghệ Ashura tại bảo tàng Ninja ở Iga chuyên thực hiện những mánh khóe của Ninja với sự ồn ào trái với thuật ẩn mình. Điều này là minh chứng rõ ràng cho sự ra đi chậm rãi của những điệp viên lừng danh một thời là nỗi khiếp sợ của nhiều người.
Có lẽ câu kết này trong bài viết của BBC thể hiện rõ nhất một thực tế mà nhiều người không muốn nhắc đến: Những bí ẩn (về Ninja) thậm chí biến mất trước khi người Ninja cuối cùng qua đời.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách