Chế độ lương - thưởng gây 'sốc' của hậu phi nhà Thanh: Lý do chết cũng phải tranh sủng
Trong hình dung của hậu thế, Hoàng đế thường được xem như người "phú hữu tứ hải", ngồi trên núi vàng núi bạc của cả thiên hạ. Vì vậy nhiều người thường nghĩ rằng các phi tần, thê thiếp của nhà vua đều sẽ được hưởng thụ cuộc sống ăn sung mặc sướng, tiêu tiền như nước.
Tuy nhiên trái ngược với tưởng tượng của chúng ta, thực tế là các hậu phi trong lịch sử Trung Hoa vốn không có quyền tự do tiêu xài tiền bạc mà cũng chỉ được phát bổng lộc ở một mức nhất định.
Đặc biệt là vào thời nhà Thanh, khi chế độ quản lý hậu cung đã đạt tới mức hoàn thiện và chặt chẽ nhất, thì đời sống chi tiêu của những phi tử nơi cung cấm thậm chí cũng được quy định hết sức rạch ròi.
Vậy nếu quy đổi bổng lộc của họ ra đơn vị tiền hiện đại, thì "mức lương" dành cho các nương nương Thanh triều thời xưa là bao nhiêu?
Hậu cung Thanh triều - chốn quan trường thu nhỏ trong Tử Cấm Thành
Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, việc cấp phát bổng lộc định kỳ hàng năm cho các phi tần bắt đầu được tiến hành từ thời nhà Minh. Đến khi nhà Thanh nắm quyền thống trị, quy chế này tiếp tục được kế thừa và duy trì.
So với những triều đại phong kiến trước đó, cơ chế quản lý hậu cung của vương triều Mãn Thanh được xem là hoàn thiện và nghiêm khắc hơn cả. Ngay tới số lượng hậu phi và các cấp bậc tôn ti trong hậu cung đều được triều đại này quy định rất rõ ràng.
Chiếu theo quy chế của Thanh cung, hậu cung của các vị Hoàng đế chỉ được phép có 1 Hoàng hậu, 1 Hoàng Quý phi, 2 Quý phi, 4 Phi, 6 Tần. Các cấp bậc thấp hơn như Quý nhân, Thường tại, Đáp ứng tuy không giới hạn số lượng nhưng cũng không thể lựa chọn một cách tùy tiện.
Về chế độ cấp phát bổng lộc, mỗi hàm phi vị khác nhau sẽ được hưởng thụ những đại ngộ khác nhau. Đãi ngộ này sẽ bao gồm cả ngân lượng cấp theo năm và các nhu yếu phẩm phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của họ.
Cũng bởi quy chế phát "lương – thưởng" theo thứ bậc như trên, hậu cung Thanh triều từng được ví như một chốn quan trường thu nhỏ - nơi mà lợi ích kinh tế của mọi phi tử đều phụ thuộc vào phẩm hàm và sự sủng ái mà Hoàng đế dành cho họ.
Vén màn bí ẩn về chế độ "lương - thưởng" của hậu phi nhà Thanh
Theo QQNews, nếu quy đổi ngân lượng của Thanh triều sang đơn vị tiền Trung Quốc hiện đại, 1 lượng bạc sẽ tương đương với khoảng 250 nhân dân tệ. Lấy tỷ giá 1 NDT xấp xỉ bằng 3500 VNĐ, ta sẽ có được con số về "mức lương" thực tế của những phi tần nhà Thanh thông qua các số liệu dưới đây:
- Hoàng hậu
Theo lẽ thông thường, người được hưởng thụ đãi ngộ cao nhất trong hậu cung Thanh triều (chỉ tính riêng các thê thiếp của Hoàng đế) nghiễm nhiên sẽ là Hoàng hậu. Dựa vào ghi chép của Thanh cung, Hoàng hậu mỗi năm được hưởng 1000 lượng bạc.
Một lượng bạc của thời nhà Thanh sẽ ứng với khoảng 250 NDT. Như vậy, các Hoàng hậu của vương triều này mỗi năm sẽ nhận được 250.000 NDT/năm, tương đương mức lương 20.800 NDT một tháng, nghĩa là xấp xỉ với khoảng 73 triệu Việt Nam đồng cho mỗi tháng.
- Hoàng Quý phi
Hưởng mức đãi ngộ cao thứ hai là các vị Hoàng Quý phi. Những nhân vật được ví như "Phó Hoàng hậu" trong hậu cung này sẽ được hưởng 800 lượng bạc mỗi năm, tương đương khoảng 200.000 NDT/năm, ứng với mức lương 16.600 NDT/tháng, nghĩa là xấp xỉ với khoảng 58 triệu đồng tiền Việt cho mỗi tháng.
- Quý phi
Các vị Quý phi trong hậu cung Thanh triều mỗi năm được cấp phát 600 lượng bạc làm bổng lộc, tương đương với khoảng 150.000 NDT/năm, ứng với mức lương gần 12.500 NDT/tháng, nghĩa là xấp xỉ với khoảng 43 triệu 750 ngàn Việt Nam đồng cho mỗi tháng.
- Phi
Những người ở hàng Phi vị sẽ được hưởng bổng lộc 300 lượng bạc/năm, tương đương 75.000 NDT/năm, ứng với mức lương 6250 NDT/tháng, xấp xỉ với khoảng 21 triệu 900 ngàn tiền Việt cho mỗi tháng.
- Tần
Những phi tử mang Tần vị thường được cấp phát 200 lượng bạc mỗi năm, tương đương 50.000 NDT/năm, ứng với mức lương khoảng 4200 NDT/tháng, xấp xỉ với khoảng 14 triệu 700 ngàn Việt Nam đồng cho mỗi tháng.
- Quý nhân
Quý nhân trong hậu cung Thanh triều mỗi năm được cấp 100 lượng bạc làm bổng lộc, tương đương 25.000 NDT/năm, ứng với mức lương 2000 NDT/tháng, xấp xỉ với khoảng 7 triệu tiền Việt cho mỗi tháng.
- Thường tại
Xếp dưới Quý nhân là các Thường tại, nhóm người này được phát 50 lượng bạc làm bổng lộc hàng năm, tương đương 12.500 NDT/năm, ứng với mức lương hơn 1.000 NDT/tháng, xấp xỉ với khoảng 3 triệu 500 ngàn Việt Nam đồng cho mỗi tháng.
- Đáp ứng
Đứng cuối trong danh sách những phi tần có chức vị trong hậu cung là các Đáp ứng. Họ chỉ nhận được 30 lượng bạc để chi tiêu cho cả năm, tương đương với 7.500 NDT/năm, ứng với mức lương 625 NDT/tháng, xấp xỉ với khoảng 2 triệu 900 ngàn tiền Việt cho mỗi tháng.
Ngoài số bổng lộc được xem như tiền lương kể trên, mỗi phi tần ở các thứ bậc khác nhau sẽ được hưởng những đãi ngộ khác nhau về nhu yếu phẩm. Số vật dụng này sẽ bao gồm lăng la tơ lụa, đồ ăn hàng ngày, số cung nữ hầu hạ...
Ngoài ra, vào dịp sinh nhật của mỗi phi tử, nhà vua sẽ ban thưởng cho họ quà tặng là những lễ vật riêng. Trong các dịp lễ tết, những phi tần có con đều được Hoàng đế phát "hồng bao". Số ngân lượng hoặc lễ vật được phát trong các dịp này được gọi là "thứ bổng", tương đương với tiền thưởng trong thời hiện đại.
Mặc dù được quy định rõ ràng, thế nhưng thông qua các đãi ngộ kể trên, không khó để nhận thức mức độ chênh lệch giữa những người có thứ bậc khác nhau là rất lớn.
Thực tế là chỉ cần hơn kém một thứ bậc là đãi ngộ của người có phẩm hàm cao hơn gần như đã gấp đôi, gấp rưỡi người ở hàng thấp hơn. Đó là chưa kể tới việc Hoàng hậu thậm chí còn được hưởng đãi ngộ gấp tới hàng chục lần so với các phi tần cấp thấp.
Thực tế này cũng là minh chứng cho thấy, hậu cung Trung Hoa cũng chẳng khác nào một chiến trường đẫm máu dù không có đao thương hay gươm giáo.
Để có thể tồn tại được ở nơi đầy rẫy những mưu kế hiểm độc ấy, họ không còn cách nào khác ngoài việc phải nỗ lực cả đời để không ngừng cải thiện địa vị của mình.
Có lẽ, chính sự phân biệt đãi ngộ về cấp bậc như trên đã trở thành một trong những lý do khiến các phi tần nơi hậu cung sẵn sàng dùng cả tính mạng của mình để tranh giành sự sủng ái của Hoàng đế và diệt trừ đối thủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hủ tục lạnh người, 'chôn sống' cha mẹ già khi ngoài 60 tuổi: Con cái xây mộ sẵn, mỗi ngày đi đưa cơm mang một viên gạch để lấp
CLIP: Người đàn ông dùng võ thuật đối đầu với chó Ngao Tây Tạng và cái kết bất ngờ
CLIP: Cuộc "tử chiến" kịch tính giữa chó ngao và gấu đen, kết cục đầy bất ngờ
Cây gỗ quý 4.300 năm tuổi dài 11m từng bị sét đánh được gia chủ bán 2 căn nhà để lấy, thương gia trả hơn 870 tỷ cũng không bán
Con người bắt đầu biết nấu ăn từ khi nào?
Ngôi làng sở hữu 30 cây gỗ quý nhất Việt Nam: Rộng 1000m2, được bảo vệ bởi một hủ tục tâm linh