Khám phá

Chi tiết giống bò tót quý hiếm chết ở Đồng Nai

Bò tót quý hiếm chết ở Đồng Nai thuộc loài bò tót Đông Dương, được coi là phân loài bò tót có tầm vóc to lớn nhất thế giới.

Đồng Nai xảy ra những vụ bắn chết bò tót quý hiếm, phát hiện bò tót quý hiếm chết ở Đồng Nai khiến dư luận xôn xao, nghi ngại về việc bảo tồn giống bò tót này. Theo tìm hiểu, cả hai con bò tót chết ở Đồng Nai đều thuộc loài bò tót Đông Dương hay bò tót Đông Nam Á, tên khoa học là Bos gaurus laosiensis hay Bos gaurus readei.

Đây là một phân loài của loài bò tót được ghi nhận ở vùng Đông Nam Á, trong đó môi trường sống của chúng tập trung ở Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanma và Thái Lan. Tại Việt Nam, loài bò tót này được người dân tộc thiểu số sống dọc theo dãy Trường Sơn gọi là con min, nghĩa là trâu rừng, do chúng có hình dáng tương tự loài trâu.

Bò tót Đông Nam Á đã được các chuyên gia động vật học trên thế giới thừa nhận là loài bò rừng lớn nhất trong tự nhiên, to lớn hơn cả trâu rừng châu Á và bò rừng bizon Bắc Mỹ, một con bò tót Đông Nam Á trưởng thành có thể nặng đến cả tấn, cao hơn 2m.

Tuy được coi là loài bò tót khổng lồ quý hiếm, có tiếng hung dữ nhưng bò tót Đông Nam Á không thoát khỏi nạn săn bắn của con người. Đây là phân loài bò tót bị tàn sát nhiều nhất trên thế giới bởi giá trị của mình, một cái mật bò tót Đông Nam Á có giá lên tới 50-60 triệu đồng, sừng từ 5-7 triệu đồng, thịt cũng đắt gấp vài lần thịt bò thường.

Là phân loài bò tót lớn nhất, chúng có ngoại hình đồ sộ. Bò tót cao hơn, con trưởng thành đến 1,9m, nặng 800-1000kg. Trọng lượng trung bình từ 900-1000kg. Đầu to, trán dẹt hơi lõm, có đốm lông trắng trên trán, đỉnh trán giữa hai sừng dô cao.

Sừng to khỏe cân đối, uốn cong lên phía trên tạo vòng cung hình bán nguyệt. Gốc sừng màu vàng xám, mút sừng nhọn đen bóng. Lớp da ở cổ và trước ngực không tạo thành yếm. Bộ lông ngắn mềm mượt màu nâu thẫm hoặc đen xám hơi phớt xanh bóng ở lưng. Lông ở bụng dài màu nâu nhạt.

Đuôi chỉ dài ngang đến khuỷu chân sau. Ở cả 4 chân, từ khuỷu chân trở xuống có màu trắng, trông giống như đi tất trắng. Riêng bò tót đực còn có một sóng cơ chạy dọc sống lưng đến quá bả vai, và một cái yếm lớn trước ngực, tạo ra một dáng vẻ rất mạnh mẽ. Về mặt di truyền, trước đây người ta cho rằng chúng có quan hệ họ hàng gần với trâu, nhưng các phân tích gen gần đây cho thấy chúng gần với bò hơn, với bò chúng có thể sinh ra con lai có khả năng sinh sản.

Nơi sinh sống của bò tót là rừng già thường xanh, rừng khộp, rừng hỗn giao tre nứa, rừng thứ sinh có địa hình tương đối bằng ở độ cao 500 - 1500m so với mặt biển. Sống thành từng đàn nhỏ khoảng 5-10 con, có khi lên đến 20-30 con, tuy vậy đôi khi cũng gặp những cá thể sống đơn lẻ lẫn với đàn bò rừng. Thức ăn chủ yếu là cỏ, mầm lá non của lau sậy, chuối rừng, măng non tre nứa thuộc họ cỏ Poaceae. Sinh sản thường vào tháng 6, 7. Mỗi năm đẻ 1 lứa, mỗi lứa 1 con. Thời gian có chửa 270 - 280 ngày.

Bò tót Đông Nam Á rất hung dữ, chỉ đứng sau loài hổ. Theo nghiên cứu, chúng rất dữ tợn và hung hăng, khi nghe tiếng súng nổ, bò rừng hoảng loạn chạy trốn nhưng bò tót sẵn sàng tấn công nếu phát hiện nơi ẩn nấp của thợ săn, chúng luôn phản kháng đến cùng khi cảm thấy bị đe dọa. Là loài thú hung dữ, có tầm vóc khổng lồ nên bò tót hầu như không có thiên địch ngoại trừ hổ và được xem là biểu tượng của sức mạnh, sự cường tráng ở nhiều quốc gia. Tuy vậy cũng chỉ có những con hổ thành tinh, lão luyện kinh nghiệm mới dám săn bò tót trưởng thành.

Ở Việt Nam, chỉ có duy nhất phân loài bò tót Đông Nam Á sinh sống nên bò tót được coi là quý hiếm hơn bò rừng. Tuy vậy, nạn săn trộm thú quý và chặt phá rừng tràn lan làm chia cắt mạnh lãnh thổ và thu hẹp môi trường sống của bò tót khiến nhiều đàn bò tót bị xóa sổ, hiện tại chỉ còn khoảng t 300 cá thể bò tót Đông Nam Á ở Việt Nam, tập trung chủ yếu ở vùng Tây Nguyên và các tỉnh lân cận, được xếp vào nhóm động vật nguy cấp cần bảo tồn.

Theo Đinh Ngân/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo