Khám phá

Chỉ vì không cứu kịp Bao Công, danh y này đã đập đầu đến chết ngay trước phủ Khai Phong khiến người đời thương tiếc

Một trong những giai thoại nổi tiếng về Bao Công – Bao Thanh Thiên chính là về cái chết đột ngột và bí ẩn của ông. Đặc biệt hơn nữa lại liên quan đến cái chết của một vị danh y nổi tiếng.

Lý do Bao Công - Bao Thanh Thiên da đen, có vầng trăng trên trán / Bí ẩn cái chết nhiều uẩn khúc của Bao Thanh Thiên

Đối với thế hệ game thủ 8x, 9x Việt Nam, có lẽ Bao Công là một trong những nhân vật gắn liền với tuổi thơ của không ít người. Cùng với Triển Chiêu, Công Tôn Sách, Trương Long, Triệu Hổ, Vương Triều, Mã Hán, những cái tên ấy dần đi vào tiềm thức thông qua các bộ phim mà có lẽ nổi tiếng nhất là Bao Thanh Thiên do Kim Siêu Quần thủ vai chính.

Chỉ vì không cứu kịp Bao Công, danh y này đã đập đầu đến chết ngay trước phủ Khai Phong khiến người đời thương tiếc - Ảnh 1.

Kim Siêu Quần đã đóng vai Bao Chửng tới 700 tập và trở thành triệu phú nhờ vai diễn này

Mùa hè năm 1062, Bao Thanh Thiên đột ngột mắc phải bạo bệnh. Bấy giờ, văn võ bá quan trong triều đều vô cùng lo lắng. Hoàng đế Tống Nhân Tông còn đích thân ban cho thuốc quý và sai thái y tới chẩn bệnh riêng cho Bao Chửng, vậy mà ngay tới các ngự y hoàng cung cũng không thể tìm ra phương pháp cứu chữa. Thậm chí, vua Tống bấy giờ gần như đã điều động toàn bộ thái y trong cung tới chữa bệnh, số lượng xấp xỉ lên tới hơn 30 người. Chỉ tiếc rằng, tất cả họ đều chỉ đành lắc đầu bất lực trước chứng bệnh "lạ" của Bao Thanh Thiên.

Chỉ vì không cứu kịp Bao Công, danh y này đã đập đầu đến chết ngay trước phủ Khai Phong khiến người đời thương tiếc - Ảnh 4.

Bao Công không còn lên công đường xử án nữa mà nằm trên giường bệnh khiến bách tính nhà Tống lo lắng

Trải qua nhiều ngày chữa trị, bệnh tình của Bao Chửng vẫn chưa hề có chuyển biến tốt. Điều này khiến vua Tống cùng văn võ bá quan vô cùng sốt ruột và lo lắng. Sau cùng, Hoàng đế đã quyết định nghe theo đề nghị của Âu Dương Tu, ban chiếu thư hiệu triệu danh y khắp thiên hạ tới phủ Khai Phong chữa bệnh. Ngay sau khi chiếu thư được công bố, bách tính khắp nơi lại càng thêm thấp thỏm mỗi khi nghe tin về bệnh tình của Bao Chửng.

Đương lúc đó, ở vùng Trần Châu cách phủ Khai Phong ngoài 300 dặm, có một ông lão vừa hay tin đã vội vã khăn gói lên đường. Ông lão này chính là Tôn Tất - người may mắn được Bao Thanh Thiên rửa oan trong vụ án quốc cữu tham ô năm xưa. Xuất thân là hậu duệ của Dược vương Tôn Mạc Tư, tài y thuật của Tôn Tất từ lâu đã nổi danh khắp vùng. Thậm chí, năng lực chẩn bệnh và chữa trị của ông chẳng những vượt xa những đại phu bình thường mà còn cao tay hơn cả các thái y hoàng cung.

Chỉ vì không cứu kịp Bao Công, danh y này đã đập đầu đến chết ngay trước phủ Khai Phong khiến người đời thương tiếc - Ảnh 5.

Tôn Tất là danh y nức tiếng trong vùng, từng được Bao Công rửa oan lấy lại công bằng nên vô cùng biết ơn

 

Vừa hay tin Bao Công bệnh nặng chưa khỏi, Tôn Tất dù đã ở cái tuổi "thất thập cổ lai hy" cũng không ngại chống gậy vượt qua đường sá xa xôi để tới Khai Phong. Ba cha con nhà họ Tôn đã dùng chiếc xe lừa cũ kỹ của gia đình để lặn lội suốt quãng đường hơn 300 dặm, thậm chí còn đi cả ngày lẫn đêm, tranh thủ tới từng giây từng phút.

Thế nhưng khoảng thời gian ấy không may rơi vào đúng mùa hè, vì khí trời nóng bực lại thêm lao lực quá độ, con lừa kéo xe của họ đã chết vì mệt mỏi. Chính sự việc ngoài dự kiến này đã khiến cha con họ Tôn phải tạm dừng chân một đêm và tới sáng hôm sau mới tìm được xe ngựa. Thời điểm mà cha con Tôn Tất đến được trước phủ Khai Phong cũng là khi mặt trời đã ngả về Tây. Lúc này, khắp phủ đã treo đầy khăn trắng.

Chỉ vì không cứu kịp Bao Công, danh y này đã đập đầu đến chết ngay trước phủ Khai Phong khiến người đời thương tiếc - Ảnh 6.

Bao Chửng đã tạ thế ngay trước khi Tôn Tất tới chỉ vài canh giờ

Tôn Tất trong lòng thầm cảm thấy bất an, liền vội vã chạy đi hỏi quan sai. Tới lúc ấy, ông mới biết được Bao Công đã qua đời vào trưa ngày hôm đó, đồng nghĩa với việc cha con ông đã tới muộn chỉ vài canh giờ. Tin dữ như sét đánh ngang tai ấy khiến cha con họ Tôn đau buồn không dứt. Quá đau lòng vì sự trễ nải của mình, Tôn Tất đã cất lên một tiếng than thảm thiết:

"Là do ta! Do ta không tới kịp, hại Bao Công phải bỏ mạng vì bạo bệnh…"

 

Ngay sau khoảnh khắc vừa nói xong câu ấy, Tôn Tất đã đập đầu vào bức tượng sư tử đá trước cửa phủ Khai Phong đến chết tại chỗ. Vì không thể báo đáp ân tình năm xưa, vị danh y họ Tôn ấy đã lựa chọn kết thúc sinh mạng của mình trong nỗi hối tiếc và ân hận khôn nguôi.

Chỉ vì không cứu kịp Bao Công, danh y này đã đập đầu đến chết ngay trước phủ Khai Phong khiến người đời thương tiếc - Ảnh 7.

Phủ Khai Phong nay là địa điểm du lịch ưa thích của khách thập phương tới tham quan tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc)

Tương truyền rằng, sự kiện xảy ra ở cửa phủ Khai Phong năm ấy từng gây chấn động cả kinh thành. Tống Nhân Tông sau khi biết được chân tướng đã không khỏi cảm động và ví Tôn Tất như một bậc "nghĩa sĩ", lệnh cho người hậu táng ông cẩn thận. Giờ đây mỗi khi nhắc tới giai thoại về sự kiện này, người đời vẫn thường coi sự hy sinh tình nguyện của Tôn Tất chính là minh chứng rõ nhất cho thấy lòng kính trọng mà muôn dân bách tính dành cho Bao Thanh Thiên.

Theo Ác Niệm/helino.ttvn.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm