Chiến dịch dùng nước hoa vây bắt con hổ ăn thịt 13 người ở Ấn Độ
Bí ẩn về cây cầu trấn yểm thủy quái ở Hội An / Luyện rắn hổ mang "nghe răm rắp" bằng tay không: Tưởng đùa hóa thật
Thợ săn Ấn Độ dùng hết mọi phương thức tìm bắt con hổ đang “say” máu người. Hàng trăm quân nhân được điều động lùng sục trong các cánh rừng. Xạ thủ mai phục nhiều nơi.
Xe ủi đất được trưng dụng để phát quang bụi rậm. Xe vượt địa hình hỗ trợ các chuyến săn. Máy bay không người lái trang bị camera tầm nhiệt quần thảo trên bầu trời.
“Bẫy ảnh” được đặt khắp nơi với hy vọng tìm ra thói quen di chuyển của T-1. Kiểm lâm còn dùng đến 5 con voi và quản tượng được huấn luyện sẵn sàng tham gia bao vây và bắn phi tiêu gây mê con hổ dữ.
Mọi chiến dịch đến nay đều thất bại.
Suốt nhiều tháng qua, lực lượng kiểm lâm và thợ săn vùng Maharashtra săn lùng con hổ đã vồ chết 13 người nhưng không thu được kết quả. Ảnh: New York Times. |
Nước hoa cho T-1
Khi tất cả biện pháp thông thường đều “bó tay”, những nhân viên kiểm lâm vùng Maharashtra buộc phải nghĩ đến biện pháp “phi truyền thống”: Nước hoa dành cho nam giới.
Chính xác hơn, đó là một lọ Calvin Klein Obsession.
“Tôi hiểu việc này nghe có vẻ buồn cười, nhưng chúng tôi biết làm gì khác nữa bây giờ”, Sunil Limaye, một trong những quan chức kiểm lâm lãnh đạo chiến dịch săn con hổ T-1, cho biết.
Loại nước hoa này có chất civetone, một hợp chất thường được tìm thấy trong tuyến mùi của loài cầy hương nhưng giờ đây có thể sản xuất nhân tạo. Hợp chất này đặc biệt quyến rũ không chỉ với phụ nữ mà còn với cả … động vật họ mèo.
Kiểm lâm Ấn Độ bên cũi sắt được dùng để vận chuyển những cá thể hổ hoang dã được gây mê, đưa đến những khu bảo tồn xa nơi con người sinh sống. Ảnh: New York Times. |
“Dù trong nước hoa này có gì thì rõ ràng là lũ mèo rất thích nó. Ngửi thấy mùi ấy thì chúng như lên thiên đường vậy”, Jason Goldman, chuyên gia người Australia về động vật họ mèo, trả lời tạp chí Scientific American vào năm 2014.
Dù đây là suy nghĩ đột phá hay là biện pháp giữa lúc cùng đường, lực lượng kiểm lâm Ấn Độ vẫn cần những ý tưởng mới tương tự để đối phó với tình trạng “dân số” hổ gia tăng hiện nay.
Sống chung với chúa tể sơn lâmTrong khoảng 10 năm qua, số cá thể hổ tại Ấn Độ đã tăng lên khoảng 2.500 con, biến quốc gia Nam Á thành nơi có nhiều hổ nhất toàn cầu. Trong khi đó, Ấn Độ cũng là nước có dân số đông thứ 2 thế giới với 1,3 tỷ dân. Nhiều nơi bỗng chốc trở thành vùng đất chật mà người và hổ đều đông.
Nhiều trường hợp hổ được phát hiện bên ngoài khu vực bảo tồn, lang thang ở những cánh rừng thưa, vào cả những cánh đồng của người dân. Hổ bị bủa vây bởi làng mạc, cao tốc, khu công nghiệp và thị trấn, ngày càng có nhiều vụ chạm trán giữa người và hổ.
Đó cũng là câu chuyện của T-1. Con hổ sống trong một vùng rừng gần thị trấn Pandharkawada, miền Trung Ấn Độ.
Người dân thị trấn Pandharkawada sống trong sợ hãi suốt 2 năm qua vì hổ ăn thịt người hoành hành. Ảnh: New York Times. |
Trong 2 năm qua, con hổ 5 tuổi được cho là đã vồ chết 13 người. Mỗi đêm, trai tráng tại thị trấn Pandharkawada lại phải đốt đuốc, mang theo gậy gộc để tuần tra.
Nhà nào cũng đóng chặt cửa khi mặt trời lặn và hạn chế ra đồng. Người dân phẫn nộ vì suốt thời gian qua kiểm lâm không thể bảo vệ được họ khỏi nanh vuốt của hổ dữ.
Các chuyên gia động vật hoang dã tại Ấn Độ cho biết đây là vụ việc nghiêm trọng nhất liên quan đến hổ trong một thời gian dài trở lại đây. Nhiều người cho rằng T-1 đã “say máu” và xem người là con mồi cho nó cùng 2 hổ con.
Tháng 9, các chánh án Tòa án Tối cao Ấn Độ quyết định rằng lực lượng kiểm lâm cần cố gắng hết sức để bắt giữ T-1, đưa nó đến một khu bảo tồn khác hoặc một sở thú.
Tuy nhiên, nếu các nỗ lực này bất thành thì kiểm lâm vẫn có quyền triệt hạ mối nguy hiểm đối với cộng đồng.
Chiến dịch săn hổTrong gần 6 tháng qua, cứ mỗi khi mặt trời mọc, hàng chục nhân viên kiểm lâm và cảnh sát bang Maharashtra lại vác súng AK47, súng gây mê, máy định vị GPS và lương thực vào rừng săn hổ.
Xuyên qua những cánh rừng dày đặc, các thợ săn kiểm tra gần 100 bẫy ảnh, tìm lông hổ hay bất kỳ dấu vết nào mà T-1 để lại. Tuy nhiên, phần lớn các chuyến đi thợ săn đều trở về tay trắng.
Trong những tháng qua, các thợ săn dùng ngựa là mồi nhử con mãnh thú. T-1 có một vài lần bị phát hiện nhưng cũng chỉ trong tích tắc, giết và ăn nhanh con mồi rồi lại biến mất vào rừng rậm.
Thợ săn hổ Nawab Shafat Ali Khan. Ảnh:New York Times. |
Hồi đầu năm, các nhân viên kiểm lâm có một lần bắn phi tiêu gây mê trúng T-1 nhưng kim tiêm không dính và con hổ vẫn chạy thoát. Việc gây mê một con vật ranh mãnh như hổ là vô cùng khó khăn. Súng gây mê thường chỉ hiệu quả ở cự ly gần với khoảng cách dưới 25 m.
“Gây mê con hổ này là nhiệm vụ bất khả thi. Sau mỗi chuyến săn thất bại, con hổ lại khôn hơn. Chúng ta đã khiến nó trở nên vô cùng ranh mãnh”, Nawab Shafat Ali Khan, một trong những thợ săn nổi tiếng nhất Ấn Độ, cho biết.
Ông cho biết hiếm khi nào hổ trở thành con vật ăn thịt người như T-1. Tuy nhiên, vùng Pandharkawada lại có quá ít con mồi mà hổ thường săn như hươu, nai.
Một khi hổ đã giết người, con vật này sẽ dần thích ăn thịt người vì chế độ ăn của con người hơn các loại động vật khác. Shafat Ali Khan nói T-1 giờ đây đã học thuần thục cách giết người và đã “phát điên”.
Cuộc săn đã quá dàiNhững rủi ro tăng dần theo thời gian, khi chiến dịch săn hổ ăn thịt người ở miền Trung Ấn Độ kéo dài mà chưa thu được kết quả.
Đầu tháng 10, một trong những con voi được sử dụng cho chiến dịch đã giật đứt xích, chạy khỏi trại kiểm lâm đến một ngôi làng gần đó và quật chết một người.
Đoạn xích vòng quanh chân khiến con vật không ngừng hoảng loạn và tấn công thêm một ngôi làng khác trước khi được nài tượng bắt lại.
Nài tượng và voi tham gia chiến dịch săn hổ ở miền Trung Ấn Độ. Ảnh: New York Times. |
A.K. Mishra, lãnh đạo cơ quan phụ trách các vấn đề động vật hoang dã của vùng, khẳng định cuộc săn T-1 đã đến lúc cần kết thúc.
“Quá nhiều người đã chết. Chiến dịch không thể kéo dài mãi được", ông cho biết.
Giờ đây, bên cạnh nhiệm vụ xác định vị trí và tìm cách gây mê T-1, các xạ thủ được quyền dùng đạn thật để triệt hạ con hổ nếu khoảng cách quá xa. Biện pháp gây mê vẫn sẽ được sử dụng cho 2 con hổ con.
Các đội kiểm lâm dùng chiến thuật phun nước hoa gần những bẫy ảnh nhằm nhử T-1 ra khu vực họ có thể phục kích và bao vây nó.
“Đây là một cuộc chơi rình rập. Vào thời điểm này, chúng ta là kẻ đi rình mồi”, ông Limaye cho biết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: Sư tử đực nổi điên, lao tới cắn xé xe ô tô khiến du khách hoảng hồn
Những 'dị thú' từng xuất hiện ở Việt Nam, con vật cuối cùng ai nhìn cũng ám ảnh
CLIP: Bị cầy mangut 'đánh úp' từ phía sau, rắn hổ mang chưa kịp phản ứng đã bị kẻ đi săn lôi đi xềnh xệch
CLIP: 'Nghẹt thở' trước màn truy sát báo săn để giải cứu con nhỏ của linh dương đầu bò
CLIP: Trâu rừng dũng cảm húc tung sư tử để giải cứu đồng loại và cái kết ít ai đoán được
CLIP: Đi săn trâu rừng, sư tử bị con mồi hành cho nhừ tử