Chiến dịch “nhồi” tin giả thành công nhất của tình báo Liên Xô
Giải mã trận đánh khai sinh danh hiệu cận vệ nổi tiếng của Liên Xô / Ảnh hiếm về cuộc sống Liên Xô trước tan rã
Điệp viên hai mang
Trong chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, các trận đánh không chỉ diễn ra trên chiến trường, trên mặt trận vô hình, rất nhiều chiến sĩ tình báo mạo hiểm mạng sống của họ, hoạt động trong lòng địch. Một trong những chiến dịch thành công nhất của tình báo Xô viết là chiến dịch “Tu viện” (“Монастырь”), do Tướng Pavel Sudoplatov - Cục trưởng Cục 4 Bộ Nội vụ - chỉ huy, với nhiệm vụ chính là “nhồi” thông tin rởm cho Bộ chỉ huy Đức Quốc xã. Chiến dịch “Tu viện” được hình thành như một trò chơi vô tuyến được tiến hành bởi các viên chức Bộ Nội vụ chống lại Abwehr (cơ quan tình báo và phản gián quân sự Đức), kéo dài từ 1941 đến 1944.
Nhân vật chính của chiến dịch là tình báo viên Alexander Petrovich Demyanov, xuất thân từ một gia đình quý tộc mang mật danh Heine. Demyanov có phẩm chất và tính cách tốt, có khả năng thâm nhập sâu vào tâm lý con người, có một trí nhớ tuyệt vời, phản ứng nhanh và khả năng đưa ra quyết định một cách độc lập. Heine - người bị chính những người Chekist ném một khẩu súng vào vali, rồi "vô tình" tìm thấy nó và giác ngộ, để rồi từ đó, trở thành nhân viên cơ quan an ninh nhà nước. Vào thời điểm 1929, anh được giao nhiệm vụ thiết lập quan hệ với người di cư. Vào đầu chiến tranh Vệ quốc, Heine đã có nhiều kinh nghiệm làm việc của một đặc vụ.
Tướng Sudoplatov - người trực tiếp chỉ huy chiến dịch “Tu viện”; Nguồn: wikimedia |
Demyanov làm việc tại Glavkinoprokat, làm quen với các diễn viên và là người đàn ông của một môi trường phóng túng. Ngay trước khi chiến tranh bùng nổ, Heine đã gặp một đại diện của phái đoàn thương mại Đức, và trong quá trình giao tiếp, đã đề cập đến một số tên của những người di cư Nga trước cách mạng gần gũi với gia đình Demyanov. Abwehr đã quan tâm đến Demyanov như một đối tượng để tuyển dụng.
Chiến dịch mang mật danh "Tu viện"
Bộ Nôi vụ Liên Xô quan tâm tuyển mộ những thành phần từ tầng lớp quý tộc Nga chưa từng được giáo dục ở Đức. Những cái tên nằm trong “tầm ngắm” của Abwehr gồm Glebov - lãnh đạo Hội đồng cao cấp Nizhny Novgorod; Sidorov - Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Liên Xô; nhà thơ chống Liên Xô Sadovsky, có vợ là cựu hầu gái của Hoàng hậu, là một nhà tâm linh và thầy bói, và luôn được phu nhân của các quan chức cấp cao đến thăm. Sách của Sadovsky bị chế độ Xô viết cấm xuất bản và có lẽ để trả thù, ông này đã viết một bài thơ ca ngợi quân đội Đức là người giải phóng Châu Âu. Mùa hè năm 1941, các nhân viên an ninh nhà nước đã hợp nhất nhóm đối tác này tạo ra tổ chức “Prestol” ủng hộ chế độ quân chủ, nhà thờ và chính trị Đức.
Thành viên của tổ chức này là các cựu sĩ quan và lính bạch vệ, quý tộc, sĩ quan Sa hoàng và đại diện của các giáo sĩ phản động - những người thực sự không hài lòng với chế độ Xô viết. Tất cả họ sẵn sàng phục vụ Đệ tam Quốc xã Đức để đảm bảo được bố trí vào các vị trí cao tại các vùng lãnh thổ bị Đức chiếm đóng. Các đối tượng này sống cạnh nhau trong khuôn viên của Tu viện Novodevichy. Vì tổ chức này được thành lập trên lãnh địa của Tu viện Novodevichy, hoạt động nhằm đánh lạc hướng Hitler nên được gọi là “Tu viện” (Монастырь), và Heine được cài cắm vào tổ chức này.
Giữa những người xa lạ
Ngày 17/2/1942, Heine với một lá cờ trắng, đãtrượt tuyết vượt chiến tuyến gần Mozhaisk, vượt qua bãi mìn, sống sót một cách kỳ diệu. Tiểu sử của Heine hoàn hảo từ góc độ đánh giá của Đệ tam Quốc xã - xuất thân từ một gia đình quý tộc; có ông cố là thủ lĩnh đầu tiên của quân đội Cossack Kuban; cha là một sĩ quan trong quân đội Sa hoàng (mất trong Thế chiến I); mẹ xuất thân từ dòng họ hoàng tộc - là một trong những người đẹp của Peterburg; bác trai là người đứng đầu lực lượng phản gián của Bạch quân ở Bắc Kavkaz.
Một trong những người ngưỡng mộ của mẹ anh là Đại tá Sergei Ulugay - người trong cuộc Nội chiến đã nổi tiếng bởi sự tàn ác dã man đối với những người lính Hồng quân bị bắt. Trong những năm di cư, ông này sống ở Pháp và hợp tác với Đức quốc xã. Bản thân Heine đã bị trục xuất khỏi Đại học Bách khoa vì che giấu nguồn gốc phi vô sản của mình. Năm 1929, Heine bị xử lý vì “sở hữu vũ khí bất hợp pháp và tuyên truyền chống Liên Xô”. Trong mắt người Đức, một người đàn ông như vậy có lý do để không hài lòng với chế độ Xô viết và mong muốn chuyển sự thù hận của mình vào thực tiễn.
Bị thẩm vấn trong một thời gian dài và mệt mỏi, nhưng Heine đã thuyết phục các sĩ quan Abwehr rằng, anh thực sự là một đặc phái viên từ lãnh đạo của một tổ chức bí mật lớn “Prestol” chống chế độ hoạt động tại nhiều thành phố của Liên Xô. Thay mặt lãnh đạo, Heine bày tỏ sẵn sàng hợp tác với Đệ tam Quốc xã và yêu cầu giúp đỡ. Người Đức đã dàn dựng một vụ hành quyết, hy vọng rằng Demyanov sẽ bộc lộ mình vì sợ chết, nhưng anh đã trụ vững. Các thử thách cũng diễn ra sau khi Demyanov bị chuyển đến trại tập trung ở Smolensk - nơi sau khi tiểu sử đã được phản gián phát xít xác minh, anh đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra, và đã có được sự tin tưởng vô điều kiện của Abwehr và mang mật danh Max (hoặc “Flamingo”).
Điệp viên hai mang Demyanov; Nguồn: eg.ru |
Đặc vụ Max đã phải trải qua huấn luyện nghiêm túc về mật mã, mã hóa và kiến thức vô tuyến. Điều khó khăn nhất, như Demyanov sau này nhớ lại, là che giấu sự thật rằng anh đã nắm rất chắc tất cả các kỹ thuật này. Khi chắc rằng đặc vụ đã được chuẩn bị tốt, chỉ huy Abwehr giao nhiệm vụ cho Max đến Moscow để thực hiện công việc lật đổ. Kế hoạch cụ thể: Max sẽ được đưa tới Minsk, từ đó, anh phải vượt qua chiến tuyến bằng máy bay, nhảy dù hạ cánh ở một nơi được chỉ định, và sau đó - tự đến Moscow; mối liên hệ với Abwehr được duy trì thông qua người cha vợ Demyanov - một giáo sư y khoa.
Quân ta giữa quân mình
Giữa tháng 3/1942, Heine được đưa một số tiền nhất định để hỗ trợ “Prestol” và lên máy bay. Khi hạ cánh bằng dù ở khu vực Arefino của vùng Yaroslavl, người của phía Liên Xô đã đợi sẵn và theo lệnh từ Moscow, anh được đưa bằng xe hơi đến Yaroslavl, và từ đây - đi cùng với các sĩ quan an ninh nhà nước về Moscow. Phiên liên lạc đầu tiên với người Đức diễn ra hai tuần sau đó - khi đặc vụ đã tới Moscow. Heine chuyển cho Abwehr thông tin giả đã được Bộ Tổng Tham mưu chuẩn bị, thông báo họ tên mới và báo cáo, đang làm việc tại bộ phận thông tin thuộc Bộ Tổng Tham mưu.
Thông tin giả do Heine chuyển đã được chuẩn bị ở cấp cao nhất, đôi khi, thậm chí còn được xin ý kiến của Stalin về các quyết định chiến lược quan trọng, về vận tải đường sắt quân sự; báo cáo từ các cuộc họp... Thông tin đến người Đức cùng một lúc thông qua hai kênh - từ Heine và “Prestol”. Ngoài ra, tất cả các hành động “phá hoại” của “Prestol” cũng được phản ánh trên báo chí để tăng thêm độ tin cậy cho các thông tin về sự thật, đôi khi, thậm chí người ta phải thực hiện một số hành vi phá hoại đường sắt. Để làm việc này, các đoàn tàu chở các thiết bị quân sự bằng gỗ được phủ bạt đã được giật nổ và loan báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong thời gian Heine hoạt động, các nhân viên an ninh đã bắt giữ và tuyển mộ nhiều người liên lạc của Abwehr đang tham gia thu thập thông tin tình báo và phá hoại ở hậu phương của Liên Xô. Khi số lượng liên lạc viên đến từ người Đức tăng lên, mảng hoạt động này được đổi tên thành “Chiến dịch chuyển phát”. Trong khi đó, nhờ các thông tin đã cung cấp, niềm tin của người Đức đối với Heine tăng lên mỗi ngày. Ngày 18/12/1942, Max đã được tặng thưởng huân chương Chữ thập sắt Đức vì lòng dũng cảm.
"Động tác giả"
Đã có lần, theo chỉ đạo của Bộ Tổng tham mưu, Demyanov đã chuyển cho người Đức thông tin thực sự về các hoạt động quân sự, nhưng các hoạt động này hoặc là một cuộc diễn tập giả hoặc là các hoạt động phụ trợ. Khi một cuộc phản công được lên kế hoạch gần Stalingrad và một kế hoạch hành động đang được phác thảo gần “cối xay thịt” Stalingrad, tại một cuộc họp với Stalin vào ngày 13/11/1942, các tướng Zhukov và Vasilevsky đã dự đoán Đức sẽ chuyển quân từ Vyazma đến Volga để chi viện cho Thống chế Paulus.
Để ngăn chặn điều này, phải tạo thôngtin sai cho Bộ Chỉ huy Đức về hướng tấn công của Hồng quân, lừa Bộ chỉ huy Đức rằng, cuộc tấn công được lên kế hoạch thực hiện tại khu vực mỏm Rzhev. Do đó, Zhukov được chỉ thị tổ chức tấn công trên mặt trận Kalinin và phía Tây, để người Đức tin rằng đây là nơi giáng đòn chính. Sự hiện diện của Zhukov trên Mặt trận phía Tây là bằng chứng hùng hồn nhất về tính chân thực của sự việc. Trên thực tế, Zhukov không có lực lượng cũng không có phương tiện để phản công ở Rzhev, ông chỉ phải gìm chân quân Đức tại vùng này của mặt trận.
Theo một số nhà sử học, chính Zhukov không biết về các “động tác giả” này cũng như vai trò ông được giao và ông đã giận Stalin. Sau khi nhận được thông tin giả từ Demyanov, Bộ Chỉ huy Đức bắt đầu tập trung quân đến Rzhev. Và tài năng quân sự của Zhukov đã được thể hiện ở đây, cuộc tấn công người Đức đã bị đẩy lùi bằng sinh mạng của hàng ngàn binh sĩ Liên Xô. Nhưng khi chiến dịch Stalingrad bắt đầu, quân Đức không còn có thể giúp Paulus nữa, kết quả là nước Đức đã mất khoảng 1,5 triệu quân gần Stalingrad.
Thông qua “Tu viện” Bộ Chỉ huy Đức đã bị đánh lừa bằng nhiều thông tin giả; Nguồn: moiarussia.ru |
Mùa hè năm 1943, Max mật báo cho phía Đức rằng, hầu hết quân đội Liên Xô đều tập trung ở phía đông Kursk, nhưng khả năng cơ động rất khó khăn. Ngoài ra, trong báo cáo cũng nói rằng Bộ Chỉ huy Liên Xô đã quyết định các chiến dịch tấn công ở phía bắc Kursk và trên mặt trận phía Nam. Người ta có thể tưởng tượng điều gây bất ngờ cho người Đức là sự phòng thủ chiến lược trên vòng cung Orlov-Kursk và cuộc tấn công sau đó của Hồng quân. Theo Stalin, đó là một thảm họa đối với quân đội Đức, và một lần nữa, không thể không có sự tham gia của Heine.
Trò chơi vẫn tiếp diễn
Năm 1942, tình báo Liên Xô đã nhận được một báo cáo từ một trong những người lãnh đạo bộ phận mã hóa củaAbwehr - Đại tá Schmidt - người đã hợp tác với tình báo Liên Xô một thời gian, chứa thông tin nhận được từ Moscow - tất cả đều là “thông tin” do Heine cung cấp. Không những vậy, Schmidt đã chuyển các thông tin đó cho tình báo Anh. Trong chiến dịch “Tu viện”, thông tin giả của Heine đã trở lại các cơ quan tình báo Liên Xô ba lần dưới dạng thông tin tình báo, nhưng từ các nguồn khác.Một lần, chính Churchill đã cảnh báo Stalin rằng có người tại Bộ Tham mưu của Hồng quân đang làm việc cho Abwehr.
Chiến dịch “Tu viện” kéo dài đến mùa hè năm 1944, nhưng các đặc vụ không bao giờ được giải mật. Một vai mới được cấp trên nghĩ ra, theo đó, Heine được thăng cấp và chuyển từ Bộ Tổng Tham mưu sang bộ đội đường sắt Belorussia. Anh yêu cầu gửi cho mình một thiết bị vô tuyến khác, để không làm gián đoạn liên lạc với tình báo Đức tại vị trí thực hiện nhiệm vụ mới. Trên thực tế, Heine đã tham gia vào một chiến dịch mới, có mật danh là "Berezino."
Sau chiến tranh, Alexander Petrovich Demyanov làm việc tại viện nghiên cứu chuyên về kỹ thuật điện. Ông qua đời năm 1978 vì một cơn đau tim ở tuổi 68. Khi Demyanov còn sống, không ai biết về vai trò của ông trong các hoạt động phụng sự đất nước. Mọi người biết về một đặc vụ tên là Heine trong cuốn sách “Tình báo và Điện Kremlin” của Sudoplatov mà người chỉ huy “chiến dịch Tu viện” đã viết trước khi mất không lâu.Ba tập thông tin giả mã hóa được Heine chuyển cho Abwehr phù hợp với ba tập bản gốc đồ sộ hiện đang được lưu trữ.
Ngoài tung tin giả nghi binh, kết quả của chiến dịch nổi tiếng "Tu viện" là 50 đặc vụ Abwehr, 7 người từng giúp đỡ họ đã bị bắt, và khoản tài trợ cho “Prestol” với số tiền vài triệu rúp đã được thu giữ. Các chỉ huy chiến dịch Pavel Sudoplatov và Naum Eitingon đã được trao Huân chương Suvorov hạng 2 mà trước và sau họ, không ai trong các cơ quan an ninh nhà nước Liên Xô được thưởng. Đặc vụ Demyanov đã được trao tặng Huân chương Sao Đỏ, vợ và bố vợ của anh được trao tặng huân chương “Vì thành tích chiến đấu”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách