Khám phá

Chiến tranh Việt Nam và sự hình thành tác chiến điện tử

Các cuộc đối đầu ác liệt giữa lực lượng Phòng không Việt Nam và Không quân Mỹ đã hình thành một chiến trường tác chiến điện tử.

Chìa khóa công nghệ radar

Theo History of Telecommunications, giữa thập niên 30, Robert Watson, nhà khoa học người Anh, đã phát triển và hoàn thiện một loại máy có khả năng phát hiện và định vị vật thể trong không gian. Công nghệ do Robert Watson phát minh được gọi là radar.

SRC-268 của Mỹ, một trong những radar cảnh báo sớm đầu tiên của thế giới. Ảnh: U.S Army.

Phát minh của Watson đã mở đường cho sự bùng nổ của công nghệ radar, đặc biệt ứng dụng trong quân sự, để nâng cao năng lực trinh sát, cảnh giới trong nhiệm vụ phòng không. Anh là nước tiên phong ứng dụng cho nhiệm vụ cảnh giới.

Nhờ hệ thống radar bố trí ở phía đông và phía nam, nước Anh đã chặn đứng ý đồ tấn công của Đức Quốc xã. Tháng 9/1940, Không quân Đức mở cuộc tập kích đường không quy mô lớn, dọn đường cho kế hoạch Sư tử biển.

Các cuộc tấn công đường không của Đức Quốc xã bị phát hiện khi cách eo biển Manche hơn 100 km. Những thông tin cảnh báo sớm từ hệ thống radar giúp chỉ huy quân đội Anh đưa ra chiến thuật đánh trả hiệu quả. Đức mất 100 máy bay trong tổng số hơn 1.000 chiếc tham chiến.

Hitler buộc phải từ bỏ kế hoạch Sư tử biển vì không chiếm được ưu thế trước Không quân Hoàng gia Anh. Sự thất bại của kế hoạch cho thấy hiệu quả của radar trong quân sự. Nó đã mở ra không gian chiến trường mới - không gian điện tử.

Giới quân sự thế giới nhận thấy, họ cần phát triển một công nghệ mới để giảm thiểu hiệu quả của radar trong chiến đấu. Công nghệ mới được gọi là “tác chiến điện tử”, dùng sóng vô tuyến và các biện pháp khác khiến radar không nhận dạng được mục tiêu.

Tác chiến điện tử ở Việt Nam

Sau Hiệp định Geneve 1954, Quân ủy Trung ương nhận định, Mỹ sẽ sớm mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc. Quân đội cần gấp rút xây dựng lực lượng phòng không đủ mạnh để chống lại Không quân Mỹ. Trong đó, lực lượng radar có vai trò quan trọng trong việc cảnh báo sớm hướng tấn công.

Các loại radar cảnh báo sớm như P-8, P-10, P-12 (ảnh) và P-15 mà Liên Xô viện trợ cho Việt Nam buộc Mỹ phải thay đổi chiến thuật không chiến nhằm chiếm ưu thế. Ảnh: Presscont.

Từ năm 1955 đến 1959, với sự giúp đỡ tận tình của Liên Xô, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã thành lập 6 đại đội radar gồm các loại P-8, P-10, P-12 và P-15 có phạm vi phát hiện mục tiêu từ 150- 250 km, đáp ứng nhiệm vụ cảnh giới.

Ngày 22/10/1963, trên cơ sở binh chủng Phòng không và Cục Không quân, Bộ Tổng tham mưu quyết định thành lập Quân chủng Phòng không - Không quân gồm 3 binh chủng không quân, radar và cao xạ.

Đến năm 1965, Quân chủng có thêm vũ khí rất lợi hại là hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina (SAM-2). Từ năm 1959, hệ thống radar cảnh giới được ví là “mắt thần” quan sát không phận. Đến năm 1965, lực lượng phòng không Việt Nam có thêm “rồng lửa”, đủ sức mạnh bảo vệ bầu trời tổ quốc.

Tháng 8/1964, Mỹ tạo ra sự kiện vịnh Bắc Bộ lấy cớ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Ngày 5/8/1964, các máy bay của Không quân Hải quân Mỹ mở màn chiến dịch Mũi tên xuyên đánh phá khu vực Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa và Quảng Ninh.

Trước sự kháng cự mạnh mẽ của lực lượng phòng không Việt Nam. Mỹ nhận thấy rằng, để chiến thắng trên bầu trời Việt Nam, họ cần phải “bịt mắt” hệ thống radar cảnh giới, còn gọi là tác chiến điện tử.

Theo Đức Hải/Zing
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo