Khám phá

Choáng ngợp trước làng “đệ nhất đá” miền Bắc

Xã Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình) không chỉ được ví như công xưởng khổng lồ của nghề đá mỹ nghệ Việt Nam mà còn được mệnh danh là làng “đệ nhất đá” của miền Bắc, với những ngôi nhà đá độc nhất vô nhị.

Việt Nam lọt top 10 quốc gia đáng sống nhất cho người nước ngoài, có hai chỉ số được đánh giá top 1 thế giới / Những cây cầu “sống ảo” nổi tiếng ở Việt Nam

Những ngôi nhà đá cổ được coi là bảo vật, là “nhân chứng” cho nghề làm đá ở Ninh Vân.

Những ngôi nhà đá cổ được coi là bảo vật, là “nhân chứng” cho nghề làm đá ở Ninh Vân.

Làng đá cổ ở đất cố đô

Ninh Vân là một xã nằm ở phía Nam của tỉnh Ninh Bình, thuộc địa phận huyện Hoa Lư, nơi được bao quanh bởi rất nhiều những núi đá vôi hùng vĩ. Với lợi thế đó, người dân Ninh Vân đã phát triển nghề đá mỹ nghệ truyền thống do cha ông để lại.

Hàng năm làng đá Ninh Vân cung cấp cho thị trường trong và nước ngoài rất nhiều sản phẩm mỹ nghệ đa dạng, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Ninh Vân có khoảng 1.600 hộ chế tác đá. Hơn 80 doanh nghiệp, 600 tổ hợp sản xuất với hơn 3.000 lao động, chiếm 83% số lao động trong toàn xã. 10 làng trong xã được công nhận là làng nghề truyền thống, tổng doanh thu của làng nghề đá mỹ nghệ mỗi năm đạt gần 200 tỉ đồng.

 

Sản phẩm đá Ninh Vân xuất hiện ở khắp nơi, như cụm tượng đài Bà mẹ Tổ quốc ở TPHCM, cụm tượng đài Nghĩa trang Trường Sơn, tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước ở Quảng Trị, tượng Mẹ Suốt ở Quảng Bình, tượng Bác Hồ ở Nghệ An, tượng Trần Hưng Đạo ở Chí Linh (Hải Dương), tượng đài Hoàng Văn Thụ ở Lạng Sơn, cụm tượng đài Pắc Pó ở Cao Bằng…

Ngoài ra, khi đến đất cố đô du khách cũng thấy 500 pho tượng La Hán trong công viên tâm linh đặt tại chùa Bái Đính. Các pho tượng có kích cỡ lớn, được đúc một mẫu thạch cao riêng nên rất phong phú và sinh động, tinh xảo và cầu kỳ bởi những đôi tay lành nghề.

Nghệ nhân Phạm Viết Hoàn cho biết, đá để chạm 500 vị La Hán được lấy ở núi Thiện Dưỡng, mỗi khối đá nặng khoảng 5 - 6 tấn. Để hoàn thành được tuyệt tác này, các nghệ nhân đã phải mất khoảng 4 - 5 năm.

Riêng việc sáng tạo mẫu 500 vị La Hán của các nhà điêu khắc đã làm việc ngót một năm mới xong. Để có một tượng La Hán, một thợ chính và một thợ phụ phải làm trong 3 tháng mới hoàn chỉnh.


Cổng làng bằng đá ở Ninh Vân.

Đình – cổng có một không hai

 

Được mệnh danh là làng “đệ nhất đá” của miền Bắc, thế nên ở Ninh Vân ngoài việc sản xuất đá mỹ nghệ, các nghệ nhân cũng để lại những ấn tượng nơi đình làng. Đình Ninh Vân sau khi hoàn tất đã nổi danh là ngôi đình có một không hai ở Việt Nam.

Ngôi đình được làm 100% bằng đá khối nguyên chất của núi Hoa Lư. Ngôi đình quy tụ những tay thợ đá tinh xảo nhất, hì hục, kỳ công làm trong mấy năm ròng mới xong.

Chẳng thế mà những cột đá cao sừng sững chạm hình rồng phượng quấn quanh lồi lõm đến lạ. Không một vết xước, chẳng một điểm khuyết trên hệ thống kiến trúc đã đem lại cho đình làng một vẻ đẹp hoàn mĩ mà ấm cúng, uy nghi.

Tiền đường của đình gồm có 3 gian. Bên trong có 12 cột cái và 12 cột quân bằng đá được điêu khắc tinh xảo, kết nối với nhau rất chắc chắn và vững trãi. Các cột cái được trạm khắc rồng, các cột con được trạm khắc cỏ cây hoa lá, chim muông, đặc biệt là 4 cây đại diện cho 4 mùa: Xuân, hạ, thu, đông với Tùng, Trúc, Cúc, Mai.

Mỗi cây cột đá trong Tiền đình cao hơn 4m. Các cột, kèo, vì được gắn kết với nhau bằng các mộng. Ngôi đình không chỉ là nơi tổ chức các lễ hội lớn trong làng mà còn là nơi tổ chức lễ giỗ cụ tổ làng nghề đá Hoàng Sùng. Đây là lễ lớn nhất trong năm diễn ra vào ngày 16/8 âm lịch.

 

Không chỉ nổi tiếng với đình làng bằng đá, làng đá Ninh Vân hiện được nhiều người biết đến với cổng làng hoành tráng nhất Ninh Bình. Bức cổng được xây dựng hoàn toàn bằng đá xanh nguyên khối, với những họa tiết đục nổi tuyệt đỉnh.

Cổng làng cao hơn chục mét, rộng gần 20m làm bằng đá xanh với nhiều khối cỡ lớn. Cổng được thiết kế kiến trúc cổng tam quan với một cổng chính giữa rộng và cao lớn, hai bên là hai cổng nhỏ, bên cạnh đó là nhiều công trình phụ trợ khác.

Lối đi chính của cổng dành cho các phương tiện giao thông, lối đi hai bên dành cho người đi bộ và phương tiện thô sơ. Trên mái, đế và các cột, đá được chạm khắc tinh xảo với những hình thù mang đậm chất nghệ thuật.

Để làm ra cổng làng hoành tráng này, đơn vị thi công đã phải làm trong hai năm. Số tiền đầu tư lên đến gần 11 tỷ đồng, chủ yếu là bằng nguồn ngân sách. Để hoàn thành bức cổng làng đồ sộ, đơn vị thi công đã trạm khắc đá bên dưới, sau đó gắn các phiến đá lại với nhau. Mọi chi tiết trên cổng được thi công rất công phu và tỉ mỉ.


Ninh Vân hiện còn 3 căn nhà đá cổ.

Những báu vật nhà đá trăm năm

 

Từ bức cổng đá vào Ninh Vân, người lạ dễ choáng ngợp trước một công xưởng khổng lồ của làng. Tiếng máy khoan, đục, bào đá đến chói tai. Bụi đá bay trắng đất. Xe tải các loại rầm rập vận chuyển vào ra. Tiếng công nhân gọi nhau, tiếng xì xào bàn phương án thiết kế mới, tiếng đặt hàng của khách… khiến cho Ninh Vân trở nên năng động, nhộn nhịp.

Vượt qua những ồn ào sản xuất, ở Ninh Vân cũng có những thôn làng bình yên, và đó là sự bất ngờ đối với khách lạ lạc bước trong làng đá. Sự bất ngờ ấy chính là thấy những ngôi nhà đá trứ danh cuối con ngõ nhỏ ở thôn Thượng.

Ngôi nhà đá nhỏ bé, xinh xắn làm từ năm 1930 lọt thỏm giữa những hàng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Vẻ đẹp ấy càng tôn thêm nét cổ kính nhưng không kém phần kiêu kỳ giữa thời đại nhà cao tầng bê tông cốt thép.

Ngôi nhà cổ bằng đá mà lạ một điều từ cột kèo, xà, vách, sân, bậc đều bằng đá khối tảng cắt mỏng đục đẽo hoa văn, chữ Nho ẩn hiện chỗ nổi chỗ chìm. Hiềm nỗi, cánh cửa đỏ au và ngói mũi trên mái đã biến đó thành một ngôi… nhà. “Nếu không có cửa gỗ, ngói mũi nung lợp trên mái thì căn nhà đá sẽ đúng nghĩa là cái hang hình chữ nhật”, vị chủ nhà cho biết.

Ngôi nhà này là của cụ Dương Văn Lợi, một nghệ nhân đá nức tiếng thời xưa. Chính tay cụ Lợi đã kỳ công kiến tạo ngôi nhà để khi mất đi thì truyền lại “báu vật” cho con trai là Dương Văn Tắc. Ông Tắc ở ngôi nhà ấy rồi cũng theo tổ tiên. Bây giờ, “báu vật” đá đang là quyền sở hữu của vợ chồng anh Dương Văn Thu.

 


Mỗi chi tiết đều thể hiện cho sự tài tình của thợ điêu khắc đá ở Ninh Vân.

Ngôi nhà thứ hai cũng độc đáo chẳng kém là của cụ Đỗ Khắc Đức ở thôn Xuân Thành. Nghe chủ nhân nói ngôi nhà này đã được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đến thăm.

Ngôi nhà của cụ Đức vỏn vẹn 40m2 tuy không độc đáo cổ kính như nhà cụ Lợi nhưng có phần tự nhiên bởi cách bài trí ngẫu hứng. Nghe ông Hoàng – con trai cả cụ Đức “trình bày” thì ngôi nhà này làm trong vòng 4 năm mới hoàn thành. Mà làm hoàn toàn bằng thủ công mới đáng ngưỡng mộ. Từ xẻ đá, đục đẽo, bào chế… đều do một tay cụ Đức thực hiện.

Kiến trúc ngôi nhà cũng không theo bất kỳ một mẫu mã nào, tùy hứng, tùy ý và tùy quan niệm làm nghề của chủ nhân. Ông Đức bảo: “Cha tôi chịu đói chịu khát 4 năm ròng mới làm xong, chứ bây giờ có máy móc tôi chỉ thực hiện trong 4 tháng”.

Ở 4 cột lớn phía trong nhà là 4 hàng chữ Nho do tay cụ Đức đục đẽo: Cảnh vật vui chung với nước non/ Đến vạn ngàn năm cứ vẫn còn/ Làm cho rạng vẻ nhà tế thế/ Đem về truyền tử đến lưu tôn.

Các nghệ nhân làng đá Ninh Vân không chỉ giỏi đục đẽo mà còn giỏi thơ, yêu thơ, biết từ đá mà ra thơ và cũng biết gắn thơ vào đá, chứ không phải thường. Thế nên, đến Ninh Vân, khách lạ không chỉ ngắm đá mà còn thưởng lãm những câu thơ hay, những câu đối nôm tài tình thuở xưa do các nghệ nhân sáng tác.

 


Nhà đá của cụ Lương Văn Tiệp làm từ năm 1934.

Ngôi nhà đá thứ ba cũng là ngôi nhà trứ danh nhất, giống với một biệt thự thời xưa. Ngôi nhà ấy của cụ Lương Văn Tiệp, bây giờ truyền lại cho cháu Lương Văn Thiện. Ngôi nhà được xây vào năm 1934 với lối kiến trúc “trưởng giả”, có phần cổng uy nghi, có sân vườn núi đá, nhà một gian 2 tầng, tất cả cột kèo, đồ đạc đều bằng đá.

Theo gia đình, trước đây cụ Tiệp là một người giàu có nhất vùng. Chính vì giàu có nên mới có điều kiện xây dựng được ngôi nhà như vậy. Nhiều kiến trúc sư đã về đây tham quan và đánh giá vẻ đẹp số một của ngôi “biệt thự đá” độc đáo này.

Ông Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết, hiện có nhiều nghệ sĩ điêu khắc trẻ có tiếng xuất phát từ làng nghề đá Ninh Vân. Chính vì vậy, gần đây nhiều sự kiện điêu khắc liên tiếp được tổ chức tại đây, mở ra cho làng nghề hướng đi mới với phong cách sáng tạo mới. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm làng nghề và óc sáng tạo của nghệ sĩ điêu khắc sẽ tạo ra bước đột phá cho các sản phẩm đá ở Ninh Vân.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm