Chùa Bổ Đà - Danh lam cổ tự nổi tiếng vùng Kinh Bắc, "cánh cổng" đến với những giá trị xưa cũ quý giá, ai cũng nên đến thăm một lần
Khám phá Địa Tạng Phi Lai Tự - Ngôi chùa đẹp quên lối về ở Hà Nam / Bí ẩn 'bể xương người' tại ngôi chùa nghìn năm tuổi xứ Đoài
Dãy núi Bổ Đà trải dài khoảng 2km ôm trọn hai thôn Tiên Lát Thượng và Tiên Lát Hạ thuộc xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang. Ngàn thông tụ họp chốn uy linh bao bọc lấy một quần thể di tích cổ kính: Chùa Bổ Đà.
Dưới tán xanh của núi non, hơn một nghìn năm qua, quần thể di tích chùa Bổ Đà gồm chùa Tứ Ân, vườn tháp, am Tam Đức, chùa Cao và ao Miếu là nơi hành hương của du khách thập phương trong cả nước.
Câu "Bắc Bổ Đà, Nam Hương Tích" được lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế kỷ thể hiện chùa Bổ Đà là một trong hai đạo tràng lớn ở miền Bắc nước ta.
Ảnh: Trần Việt Đức
Chùa Bổ Đà đặc biệt. Không chỉ vì nơi đây mang nét đặc trưng của các ngôi chùa cổ vùng Kinh Bắc mà còn cất giấu những tích xưa đậm màu huyền sử.
Tích xưa truyền rằng, chùa Bổ Đà có từ thời Lý, khoảng thế kỷ thứ XI. Vào thời vua Lê Dụ Tông (1720-1729) đã được tu tạo lớn.So với các ngôi chùa truyền thống khác ở miền Bắc, chùa Bổ Đà có kiến trúc độc đáo và khác biệt.
Chùa được xây theo kiểu kiến trúc nội công ngoại quốc. Vì điều ấy mà vẻ thanh tĩnh, u linh càng trở nên rõ nét.
Ảnh: Trần Việt Đức
Chùa Tứ Ân - Bốn ơn lớn của đời người
Chùa Tứ Ân được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) do vị sư tổ Tính Ánh cùng người dân địa phương xây dựng thành nơi khai trường thuyết pháp.
Tên chùa Tứ Ân mang ý nghĩa về lời răn dạy phật tử phải biết đền đáp báo bốn ân lớn của đời người: Ân trời đất, Ân đất nước, Ân sư (thầy) và Ân mẹ cha.
Chùa Tứ Ân, còn được gọi với nhiều tên khác như Bổ Đà Sơn Quán Âm Sơn Tự (gọi tắt là chùa Bổ hoặc Tứ Ân Tự). Chùa Bổ được cho là nơi đắc địa phong thủy, tựa sơn hướng thuỷ, nằm hướng về phía Bắc dưới chân núi Phượng Hoàng thuộc dãy Bổ Đà, phía xa là dòng sông Cầu lặng lẽ chảy ngày đêm.
Chưa kể đến, kiến trúc chùa xây dựng tám cửa ra vào tượng trưng cho bát quái của vũ trụ. Lối đi thiết kế kiểu chữ Lục nên trời mưa hay nắng di chuyển sang các khu không bị ướt cũng chẳng nắng đến đầu.
Chùa của hiện tại gồm 16 toà nhà lớn nhỏ với 92 gian đầy đủ chức năng như nhà tạo soạn, nhà tổ, nhà pháp, nhà khách, toà tam bảo,... Vẫn được ứng dụng lối kiến trúc truyền thống, toà tam bảo xây lối chữ Đinh, hậu cung gồm 5 gian, tiền đường 7 gian. Bậc thềm lát đá xanh. Những dấu vết bạc màu thời gian cho thấy công trình khởi dựng thời Lê - Nguyễn đến nay vẫn nguyên vị trí ban đầu.
Trong khuôn viên chùa có cất giữ nhiều bia đá, chuông đồng, hoành phi và đến 39 pho tượng gỗ thời Lê Trung Hưng giàu giá trị lịch sử lẫn mỹ thuật xưa. Đây là nơi tu hành, cũng là trung tâm đào tạo các tăng ni thuộc thiền phái Lâm Tế của vùng Kinh Bắc xưa.
Ảnh: Trần Việt Đức
Am Tam Đức - Sự thông tuệ Trí - Đoạn - Ân
Mỗi một công trình tại khu quần thể di tích Bổ Đà Sơn đều mang ý nghĩa sâu sắc, am Tam Đức cũng vậy. Nơi này được xây dựng vào thời vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786). Tam Đức đại diện cho sự thông tuệ của ba đức tính: Trí đức - Đoạn đức - Ân đức.
Am Tam Đức thờ tổ Như Thị (thường gọi Phạm Kim Hưng), là người giàu đức hy sinh và công lao tu bổ, mở mang chùa Bổ Đà.
Chùa Cao - Sự tích người tiều phu thiện lương
Theo dân gian, chùa Cao được xây dựng từ thế kỷ XI gắn liền với sự tích người tiều phu hiền lành, chất phác. Thuở đầu, nơi đây là một gian chùa nhỏ lợp gianh vách đất toạ trên đỉnh non Bổ Đà. Người dân thường gọi đây là chùa ông Bổ hoặc chùa Bổ Đà bởi vị trụ trì Phạm Kim Hưng đã có nhiều công lao trong việc trùng tu toà chính điện, thiêu hương lẫn tiền đường và dựng cột đá lẫn cột gỗ.
Ảnh: Phatgiao
Ao Miếu - Nơi đá thiêng thờ Thạch Linh
Những câu chuyện dân gian màu nhiệm luôn làm đầy dòng lịch sử của Bổ Đà Sơn từ xưa. Tích xưa truyền rằng, tại khu Ao Miếu của thôn Hạ Lát nổi lên các khối đá lớn nằm xen kẽ lên nhau giữa một ao nhỏ gọi là Thạch Long. Người ta truyền rằng, mẹ đá nơi này sinh ra Thạch Linh Thần Tướng.
Khi ấy, giặc Man nổi dậy làm nhiễu biên thuỳ, Thạch Linh Tướng Quân xin vua đi đánh giặc. Sau khi thắng trận, Thạch Tướng trở về đỉnh Phượng Hoàng ở dãy Bổ Đà và hoá tại đây. Dân chúng nhớ ơn mà lập nơi thờ phụng, dâng hương.
Vườn tháp chùa Bổ - Vườn tháp cổ kính, rêu phong lớn nhất Việt Nam
Tại chùa Bổ Đà, du khách hành hương tìm đến thăm ấn tượng với vườn tháp đẹp và lớn nhất cả nước. Nơi đây có cả thảy 110 ngôi tháp và mộ to nhỏ khác nhau. Không chỉ vậy, trong vườn tháp này còn có 97 ngôi tháp cổ hàng trăm năm tuổi, là nơi lưu giữ tro cốt xá lỵ của 1214 tăng ni phật tử của thiền phái Lâm Tế trong cả nước.
Với diện tích gần 8.000m2, khu vườn tháp được bao bọc bởi một bức tường dài xây từ đá núi và gạch chỉ. Được hun đúc từ "xương cốt" núi Bổ Đà, dường như điều ấy mang đến cho khu vườn vẻ u tịch, trầm lắng của nơi thâm sơn.
Ảnh: Baobacgiang
Trong thư tịch cổ tại chùa có chép: "Chỉ những người trong phái Sơn Môn mới được an táng tại vườn tháp, tháp của tăng trên đỉnh có bình cam lộ đặt trên toà sen, tháp của ni trên đỉnh có búp sen".
Chính vì vậy, chiều cao của các tháp lớn nhỏ xen kẽ trong vườn tạo nên một khung cảnh rất linh thiêng. Các bảo tháp tại đây được xây dựng bằng đá núi, gạch chỉ và sử dụng kỹ thuật truyền thống của người Việt xưa là bít mạch bằng vôi vữa trộn mật mía cùng bột giấy bản.
Ảnh: Trần Việt Đức
Mỗi tháp an táng từ 4 đến 26 thi hài với hơn 1000 vị tăng ni qua nhiều thời kỳ lịch sử. Phần lớn tháp trong vườn cao 3-4 tầng khoảng 3-5m, ngôi bảo tháp của sư tổ còn to cao hơn. Tuy nhiên, sự xếp đặt đều phải theo quy tắc chặt chẽ của thiền môn.
Nơi lắng đọng những điều cổ xưa
Mộc bản cổ gỗ thị
Tại chùa Bổ Đà có lưu giữ gần 2000 mộc bản bằng gỗ thị niên đại từ thời vua Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng (1740 - 1786). Mộc bản dày lên theo năm tháng làm giàu thêm kho tàng pháp bảo.
Ảnh: Trần Việt Đức
Những bản kinh được khắc trên các tấm gỗ thị không hề mối mọt sau nhiều năm, ngược lại đều bền đẹp ánh lên màu thời gian. Các nét chữ khắc tinh xảo, sắc nét nổi lên rõ rệt. Những bộ kinh cô đọng nhiều triết lý giữa đạo và đời của Phật giáo.
Chính vì những nét đẹp ấy, đến mùa đông năm 2017, mộc bản chùa Bổ Đà được công nhận là bảo vật quốc gia.
Ảnh: Travellive
Lưu giữ kiến trúc truyền thống
Hiếm có ngôi chùa nào trên đất nước Việt Nam có thể đưa du khách về với những kiến trúc xưa cũ đủ đầy như chùa Bổ Đà. Những nét xưa không chỉ đọng lại qua những mộc bản gỗ thị mà tường đất, kiến trúc nhà ở đây cũng được xây bằng đất nện lối trình tường.
Nhà trình tường đã dần mai một và không còn nhiều nơi lưu giữ lối xây này. Về cơ bản, nhà trình tường mùa đông ấm, mùa hè mát. Áp dụng vào các bức tường hai bên lối vào, cổng, tường bao quanh khuôn viên chùa và một số khu vực khác đều được xây bằng đất nện nén lối trình tường.
Ảnh: Trần Việt Đức
Vẫn là chắt chiu từ huyết mạch núi Bổ Đà, tường chùa được chình bằng đất sỏi ở núi. Đầu tường có mõ được chít bằng các mảnh gốm chum vại của làng Thổ Hà. Thời gian đằng đẵng chỉ làm nét cổ kính, rêu phong phủ dày lên nơi này mỗi lúc một nhiều.
Ảnh: Trần Việt Đức
Lễ hội chùa Bổ Đà
Mùa xuân năm 2017, lễ hội Bổ Đà được Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Hội chùa được tổ chức vào những ngày xuân mới ấm áp từ 15 đến 18 tháng 2 âm lịch kỷ niệm ngày giỗ tổ khai sơn.
Những tiếng hát quan họ, những tốp người rực rỡ áo quần, cờ hoa khi mỗi mùa xuân về ấy, cả vùng núi Bổ Đà rộn ràng hoà trong tiếng trống.
***
Với những giá trị được tôn tạo từ quá khứ, năm 1992, chùa Bổ Đà được xếp hạng di tích quốc gia. Đến năm 2016, chùa Bổ Đà được xếp hạng di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt.
Bộ mộc bản tại chùa cũng được vinh danh là bộ mộc bản kinh Phật cổ nhất Việt Nam. Đến năm 2017, Liên minh Kỷ lục thế giới xác nhận Bộ mộc bản kinh Phật tại chùa Bổ Đà là Bộ mộc bản kinh Phật khắc trên gỗ thị của thiền phái Lâm Tế cổ nhất thế giới.
Ngoài ra, vườn tháp tại chùa Bổ Đà cũng được công bố là vườn tháp cổ kính và lớn nhất Việt Nam. Không chỉ vậy, cây vối và cây đa trong khuôn viên chùa cũng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Một ngôi chùa cất giữ nhiều điều quý giá như vậy thể hiện cho truyền thống giàu văn hoá, nghệ thuật và lịch sử của người Việt. Những di sản văn hoá này là điểm tựa cho tinh thần cho mỗi người, là một chốn thanh tịnh để du khách có thể tìm về nguồn cội của sự an yên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'