Khám phá

Chuyện chưa biết về người em cùng cha khác mẹ của Tần Thủy Hoàng

Người ta thường nghe nhắc tới hai người em “cùng mẹ khác cha” đã bị chính Tần Thủy Hoàng giết chết trong câu chuyện dâm loạn của Triệu Cơ - mẹ đẻ của vị bạo chúa nổi tiếng này và tên giả hoạn quan Lao Ái...

Có công lớn giúp Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, tại sao thừa tướng Lý Tư cuối cùng lại phải đón nhận kết cục thảm khốc? / Thực hư 4 bí ẩn lớn trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Bằng chứng khoa học mới gây ngỡ ngàng!

Có lẽ ít người biết rằng, Tần Thủy Hoàng còn có một người em cùng cha khác mẹ rất thân thiết dù rằng câu chuyện về mối quan hệ giữa vị Hoàng đế đầu tiên với người em bí mật và đặc biệt này cũng chẳng lấy gì làm vui vẻ…

1. Sự việc liên quan tới người em cùng cha khác mẹ của Tần Thủy Hoàng chủ yếu diễn ra trong thời niên thiếu của ông vua nước Tần, nghĩa là từ khi sinh ra cho tới trước khi thực sự nắm chính quyền vào năm 22 tuổi. Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn mà sử sách gần như không ghi chép gì về vị bạo chúa nổi tiếng này. Chính vì thế, từ trước tới nay, người ta dường như chưa từng nghe nhắc tới người em trai cùng cha khác mẹ của Tần Thủy Hoàng và cuộc nổi loạn chống lại anh mình của vị hoàng tử này.

Theo những gì ít ỏi mà sử sách còn ghi chép lại thì người em trai cùng cha khác mẹ với Tần Thủy Hoàng chính là Trường An Quận – Thành. Mặc dù là em cùng cha khác mẹ nhưng tuổi Thành và Tần Doanh Chính (tên khi nhỏ của Tần Thủy Hoàng) gần như nhau. Dưới sự che chở và bao bọc của Trang Tương Vương Tử Sở, cả Thành và Doanh Chính đã trải qua những năm tháng tuổi thơ an bình và hạnh phúc tại Hàm Dương. Khi Doanh Chính tức vị, trở thành vua nước Tần, Thành cũng lớn lên và trở thành một nhân vật quan trọng trong nền chính trị triều Tần, có một năng lực và thế lực riêng của mình.

Tới năm thứ 8 sau khi Tần Doanh Chính lên nắm chính quyền, Thành dẫn quân tấn công nước Triệu. Tuy nhiên, mới giáp mặt quân địch chưa bao lâu thì Thành đã quay ngoắt lại làm phản, chống lại anh mình. Sau khi cuộc phản loạn được dẹp, rất nhiều người đã bị giết còn Thành thị bỏ chạy sang Triệu và được phong đất ở đây. Cũng từ đó về sau, Thành biến mất hoàn toàn khỏi sử sách, giống như một ngôi sao băng vụt qua bầu trời rồi biến mất mãi mãi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Sử sách gọi sự kiện này là “Cuộc làm loạn của Thành”. Tuy nhiên, tất cả những gì người ta còn biết đến về sự kiện này cũng chỉ có chừng ấy, còn nguyên nhân cho tới kết quả của cuộc nổi loạn cũng như thân thế của người em trai cùng cha khác mẹ của Tần Thủy Hoàng ra sao thì dường như không có bất cứ ghi chép nào.

Thành là em cùng cha với Tần Doanh Chính, tức đều là con trai ruột của Trang Tương Vương Tử Sở. Câu chuyện về sự ra đời của Thành khá rắc rối và liên quan tới những năm tháng tuổi thơ của Tần Vương Doanh Chính. Theo sử sách, Trang Tương Vương Tử Sở sinh vào năm Tần Chiêu Vương thứ 28, tức năm 281 trước Công nguyên. Năm 17 tuổi, Tử Sở bị đưa tới kinh thành Hàm Đan của nước Triệu làm con tin. Tới năm Tần Chiêu Vương thứ 45, Tử Sở 20 tuổi thì quen biết với Lã Bất Vi và bắt đầu cuộc vận động để trở thành thái tử nước Tần. Triệu Cơ - người sinh ra Tần Thủy Hoàng sau này - được Lã Bất Vi tặng cho Tử Sở là vào năm ông 22 tuổi.

Một năm sau đó, Triệu Cơ sinh ra một đứa con trai, chính là Tần Doanh Chính. Đây cũng là năm giữa nước Tần và nước Triệu diễn ra cuộc chiến Trường Bình đẫm máu.

Kết quả là quân Triệu đại bại, hơn 40 ngàn binh lính Triệu đầu hàng đều bị đại tướng của Tần là Bạch Khởi chôn sống. Trận chiến Trường Bình có một ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong lịch sử Trung Quốc, bởi nó quyết định nước Tần chứ không phải là nước Triệu sẽ thống nhất Trung Quốc.

 

Một năm sau đó, thừa thắng xông lên, nước Tần một lần nữa xua quân tấn công, quyết tiêu diệt bằng được nước Triệu. Năm Tần Chiêu Vương thứ 50, quân Tần kéo tới sát kinh thành Hàm Đan của Triệu, chiến sự ngày một khốc liệt. Bên trong thành Hàm Đan, binh lính ít, lương thực lại không đủ, tuy nhiên để thể hiện quyết tâm chống quân Tần tới cùng, nước Triệu đã quyết định hành quyết toàn bộ gia đình hoàng tử nước Tần là Tử Sở đang làm con tin ở nước này.

Trong tình huống ngàn cân treo sợi tóc đó, Lã Bất Vi đã bỏ ra không ít tiền mua chuộc quan lại canh giữ của nước Triệu rồi cùng với Tử Sở trốn khỏi thành Hàm Đan sang doanh trại quân Tần. Sau đó, cả Tử Sở lẫn Lã Bất Vi cùng nhau về Hàm Dương, kinh đô nước Tần.

Trong khi Tử Sở và Lã Bất Vi tìm đường trốn sang doanh trại quân Tần thì Triệu Cơ và Tần Doanh Chính vẫn lưu lại tại Hàm Đan. Khi Tử Sở đã bỏ trốn thì đương nhiên, bao nhiêu nguy hiểm đều dồn vào Triệu Cơ và cậu con trai khi đó mới 3 tuổi. Điều may mắn chính là, Triệu Cơ vốn sinh ra trong một gia đình thuộc loại danh gia vọng tộc ở nước Triệu. Do sự che chở của người nhà, Triệu Cơ và Doanh Chính đã thoát được sự truy sát của quan quân nước Triệu.

Trong khi đó, thoát thân về tới nước Tần, Tử Sở chính thức lên ngôi thái tử, trở thành người kế thừa ngai vàng của nước Tần trong tương lai. Do khi đó, chiến tranh giữa Tần và Triệu vẫn diễn ra ác liệt, sự sống chết của Triệu Cơ và Doanh Chính ra sao, Tử Sở hoàn toàn không biết. Tuy nhiên, theo chế độ của nước Tần khi đó, tuổi đã 25, lại là thái tử, Tử Sở buộc phải có thái tử phi. Chính vì vậy, chuyện thành thân của Tử Sở trở thành vấn đề cấp bách của nước Tần lúc bấy giờ.

Theo tập tục lúc đó thì chuyện hôn nhân của các hoàng tử đều do mẫu hậu quyết định. Do vậy, việc lựa chọn thái tử phi được giao cho mẹ đẻ của Tử Sở là Hạ Cơ toàn quyền quyết định. Hạ Cơ vốn là một người vợ của An Quốc Quân, tuy nhiên đã thất sủng từ lâu. Việc Tử Sở được làm thái tử là nhờ Lã Bất Vi dùng cả vàng bạc lẫn sự mưu mẹo của mình để lấy lòng Hoa Dương Phu nhân để bà ta nhận Tử Sở làm con nuôi rồi tìm mọi cách để đứa con nuôi của mình trở thành thái tử.

 

Việc trở thành thái tử của con trai, Hạ Cơ gần như là người đứng bên ngoài, đó là một điều uất ức đối với bất kỳ người mẹ nào. Chính vì vậy, trong việc lựa chọn vợ cho Tử Sở, Hạ Cơ quyết không chịu nhường bất cứ người nào. Thông thường, các bà mẹ khi lựa chọn vợ cho con thường tuyển lựa những người thân cận với mình hoặc có quan hệ gần gũi với “bên ngoại” của mình. Chẳng hạn như mẹ của Tần Chiêu Vương là Tuyên Thái hậu vốn là người nước Sở vì vậy khi chọn vợ cho Tần Chiêu Vương, bà đã chọn một người nước Sở, chính là Sở Phu nhân.

Trước đó, mẹ của Tần Vũ Vương là Huệ Văn Hậu xuất thân từ nước Ngụy, vì vậy khi lựa chọn vợ cho Tần Vũ Vương bà đã chọn một người phụ nữ xuất thân từ nước Ngụy, gọi là Ngụy Phu nhân. Hạ Cơ chính là người nước Hàn, vì vậy, người được bà chọn cho con trai của mình chắc chắn là một người nước Hàn. Và chính người vợ thứ hai này là người đã sinh ra Thành - người em trai của Tần Vương Doanh Chính.

Tử Sở quay về nước vào khoảng năm Tần Chiêu Vương thứ 50, giả định rằng nếu như ngay trong năm này Tử Sở kết hôn với người vợ thứ hai, và sang năm sau đó sinh ra Thành thì ít nhất, Thành nhỏ hơn Doanh Chính 3 tuổi. Hàn phu nhân là người do Hạ Cơ lựa chọn, do vậy, Thành đương nhiên rất được Hạ Cơ yêu mến.

Cũng nhờ vậy, trong suốt 6 năm sau đó, cho tới trước khi Triệu Cơ và Doanh Chính trở về nước Tần, trong hậu cung triều Tần đã hình thành một thế lực chính trị mới của những người xuất thân hoặc có liên hệ với nước Hàn.

Trong tình hình lúc bấy giờ, nếu như Triệu Cơ và Doanh Chính không thể từ nước Triệu về Tần thì chắc chắn Hàn phu nhân sẽ thay thế Triệu Cơ làm “đệ nhất phu nhân” và Thành sẽ thay thế Tần Doanh Chính trở thành người kế thừa ngai vàng nước Tần. Nếu như tình huống đó xảy ra, lịch sử có thể đã thay đổi. Tuy nhiên, không may là Triệu Cơ và Doanh Chính trong hoàn cảnh nguy hiểm luôn cận kề vẫn cố gắng sống sót và tìm về với nước Tần theo Tử Sở.

 

Tới năm Tần Chiêu Vương thứ 56, tức năm 251 trước công nguyên, Tần Chiêu Vương qua đời. Cha của Tử Sở là An Quốc Quân lên ngôi, tức Hiếu Văn Vương. Để chứng tỏ việc lên ngôi của An Quốc Quân là điềm lành, nước Tần quyết định giảng hòa với Triệu. Và để đáp lại tinh thần hòa hiếu này, nước Triệu đã quyết định đem Triệu Cơ và Doanh Chính - tức vợ con của thái tử Tử Sở - trả về cho nước Tần. Thời điểm này cách thời điểm Tử Sở trốn khỏi Hàm Đan về với nước Tần 6 năm, Doanh Chính đã 9 tuổi còn Thành thì đã lên 6 tuổi.

2. Khi lên ngôi, An Quốc Quân tuổi đã ngoài 50, cơ thể lại ốm yêu từ trước, vì vậy, mới lên ngôi được 3 ngày thì đã qua đời. Tử Sở lên ngôi, trở thành Trang Tương Vương. Sau khi Tử Sở lên ngôi, mẹ nuôi là Hoa Dương Phu nhân trở thành Hoang Dương Thái hậu, còn mẹ đẻ là Hạ Cơ cũng được phong làm Hạ thái hậu. Cũng từ đây, trong hậu cung nước Tần cũng hình thành hai thế lực không hẳn đối đầu nhưng đối lập nhau rất rõ rệt.

Hoa Dương Thái hậu là người mẹ chính trị của Tử Sở, xuất thân từ nước Sở, do vậy hình thành một thế lực những người có xuất thân từ nước Sở hoặc thân cận với nước Sở. Trong khi đó, Hạ Thái hậu lại là mẹ đẻ của Tử Sở, xuất thân từ nước Hàn, do vậy, tự nhiên hình thành một tập đoàn thế lực của những người xuất thân từ Hàn hoặc có mối liên hệ mật thiết với Hàn.

Mâu thuẫn giữa Hoa Dương Thái hậu và Hạ Thái hậu bắt đầu bộc lộ khi Triệu Cơ và Doanh Chính quay trở về Tần. Trong việc ủng hộ Tử Sở lên ngôi thái tử, hai vị thái hậu tương đối “đồng thuận”, tuy nhiên, thái độ với Triệu Cơ và Doanh Chính thì bắt đầu có sự chia rẽ. Hoa Dương Thái hậu ủng hộ Tử Sở là nhờ có Lã Bất Vi mua chuộc vì vậy bà ta tiếp nhận gia đình của Tử Sở ở Hàm Đan, vị trí vợ chính và con trưởng của Triệu Cơ và Doanh Chính có được là nhờ Hoa Dương Thái hậu ủng hộ sắp xếp. Cũng chính vì vậy, mối quan hệ giữa Hoa Dương Thái hậu với Triệu Cơ và Doanh Chính rất tốt.

Đối với Hạ Thái hậu thì ngược lại, Triệu Cơ và Doanh Chính đối với bà ta là những kẻ hoàn toàn xa lạ. Người được Hạ Thái hậu hậu thuẫn đương nhiên chính là Hàn phu nhân và công tử Thành. Bởi lẽ, Hàn phu nhân là người được chính bà ta lựa chọn, còn công tử Thành là do Hàn phu nhân sinh ra, lại lớn lên ngay trong hậu cung nước Tần nên với Hạ Thái hậu rất gần gũi và thân thiết. Do vậy, một khi Hàn phu nhân thay thế Triệu Cơ làm đệ nhất phu nhân và công tử Thành thay thế vị trí con trưởng của Doanh Chính thì sẽ có lợi hơn nhiều cho thế lực của Hạ thái hậu.

 

Ngược lại, Triệu Cơ và Doanh Chính dù không hề mang huyết thống nước Sở, song là người được phe nước Sở che chở, vì vậy họ buộc phải tiếp tục ủng hộ Triệu Cơ và Doanh Chính để ngăn không cho thế lực của Hạ Thái hậu phát triển lớn mạnh thêm nữa. Từ sự đối lập giữa hai bà thái hậu, mối quan hệ giữa Triệu Cơ và Hàn phu nhân cũng không lấy gì làm tốt đẹp. Và điều quan trọng chính là công tử Thành, ngay từ khi sinh ra, đã trở thành một kẻ thù chính trị tiềm ẩn của Tần Doanh Chính.

Có lẽ, vào thời điểm lúc bấy giờ, dưới sự ủng hộ quyết liệt của Hoa Dương Thái hậu cũng như sự hiệp trợ của Lã Bất Vi, Trang Tương Vương mới dám chống lại áp lực từ phía người mẹ đẻ của mình, kiên quyết chờ đợi Triệu Cơ và Doanh Chính trong 6 năm ròng rã. Và cuối cùng lập Triệu Cơ làm vương hậu, Doanh Chính làm thái tử. Sau khi mọi việc đã được định đoạt, hậu cung nhà Tần trở nên yên bình hơn.

Theo luật cũ của triều Tần thì các thái hậu và vương hậu không được tham dự vào việc triều chính, do vậy, trong hoàn cảnh chưa có bất cứ xung đột nào trực tiếp, mối quan hệ giữa Triệu Cơ và người vợ thứ Hàn phu nhân diễn ra tương đối dễ chịu và ít sóng gió. Doanh Chính và Thành cùng nhau lớn lên trong sự bao bọc của toàn bộ hoàng thất nước Tần. Có thể nói, đây là những năm tháng tuổi thơ hạnh phúc nhất trong cuộc đời của vị bạo chúa tương lai.

Tuy nhiên, chỉ mới ngồi trên ngai báu được vỏn vẹn 3 năm, tới năm 247 trước Công nguyên, Trang Tương Vương qua đời. Năm đó, Doanh Chính mới 13 tuổi kế vị trở thành Tần Vương. Những năm tháng yên bình và hạnh phúc của Doanh Chính chính thức kết thúc. Dưới sự che chở của hai vị thái hậu, Doanh Chính và Thành bước vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt.

Quan hệ thực sự giữa Tần Doanh Chính và công tử Thành được sử sách ghi lại cực kỳ ít, chỉ có hai sự kiện, một là cuộc nổi loạn đã nói ở trên và hai là cuộc đi sứ nước Hàn diễn ra vào năm Tần Vương Chính thứ 5. Theo ghi chép của sử sách thì vào năm đó, công tử Thành nhận lệnh đi sứ nước Hàn, không tốn một binh, một tốt nào đã buộc nước Hàn phải cắt hơn một trăm dặm đất dâng cho nước Tần.

 

Nếu như những ghi chép này là sự thực, thì vào năm đi sứ, công tử Thành mới chỉ 15 tuổi. Một công tử 15 tuổi, dù là của một cường quốc như Tần thì việc “không tốn một binh, một tốt” mà buộc nước Hàn phải cắt hơn 100 dặm đất thực sự là chuyện khó có thể tưởng tượng được.

Trên thực tế, dù sử sách không có ghi chép nhưng có thể đoán chắc rằng, công trạng này của công tử Thành chủ yếu là do sự sắp đặt của Hạ Thái hậu, Hàn phu nhân cùng phe cánh của mình. Căn cứ theo luật pháp nước Tần lúc bấy giờ, là một hoàng tử, nếu như công tử Thành không có bất cứ công trạng nào thì không thể được phong tước vị lẫn chức quan. Tiền đồ của công tử Thành đương nhiên trở thành mối quan tâm hàng đầu của cả Hạ Thái hậu lẫn Hàn phu nhân.

Chính vì thế, Hạ Thái hậu và Hàn phu nhân quyết định sử dụng mối quan hệ “bên ngoại” của mình, phái công tử Thành đi sứ nước Hàn rồi thông qua áp lực về quân sự lẫn ngoại giao buộc nước Hàn phải cống nạp hơn 100 dặm đất. Chính nhờ công trạng này mà khi trở về, công tử Thành được phong tước vị và đất đai. Cái tên Trường An Quân chính là tước hiệu mà công tử Thành có được sau chuyến công du nước Hàn này.

Sự kiện này cho thấy công tử Thành rất được Hạ Thái hậu yêu chiều và quan tâm, dùng mọi tâm sức lẫn mối quan hệ mà bà có được để giúp Thành lập được công trạng, được phong tước vị và đất đai. Tuy nhiên, Hạ Thái hậu có thể che chở cho Thành lúc còn sống, song khi đã chết thì khó lấy gì làm đảm bảo. Đó chính là lý do vì sao, cái chết của Hạ Thái hậu vào năm Tần Vương Chính thứ 7 trở thành sự kiện thay đổi toàn bộ cuộc đời của vị hoàng tử kém may mắn của nước Tần này. Kết quả của sự thay đổi này chính là cuộc phản loạn của công tử Thành diễn ra sau đó ít lâu.

Sách “Sử ký” của Tư Mã Thiên phần viết về Tần Thủy Hoàng có chép rằng, năm thứ 7 Hạ Thái hậu chết. Năm thứ 8, em trai là Trường An Quận Thành dẫn quân tấn công nước Triệu làm phản rồi chết ở Đôn Lưu. Hai sự việc bất hạnh đối với tập đoàn quyền lực của những người xuất thân từ nước Hàn liên tiếp xảy ra không phải là không có sự liên hệ với nhau. Sau khi Hạ Thái hậu chết, phe cánh thế lực của những người có xuất thân từ nước Hàn mất đi người lãnh đạo và bắt đầu bước vào giai đoạn thoái trào.

 

Vào thời điểm đó, phe cánh của những người có nguồn gốc từ nước Triệu, lấy Triệu Cơ và Lã Bất Vi làm trung tâm bắt đầu nổi lên và tìm mọi cách công kích Hàn phu nhân và công tử Thành. Trong công cuộc “tận diệt” phe cánh nước Hàn, cần phải nhắc tới một nhân vật rất quan trong khác trong lịch sử hậu cung nước Tần thời kỳ này, người đó chính là Lao Ái.

Lao Ái vốn là người nước Triệu, xuất thân nghèo hèn, làm thuê ở chợ. Tuy nhiên, Lao Ái lại là một người đàn ông khỏe mạnh, cường tráng. Sau khi tư thông với Triệu Cơ nhiều năm, đến khi Tần Doanh Chính bắt đầu trưởng thành, Lã Bất Vi tìm cách dứt khỏi mối quan hệ với Triệu Cơ, đã lấy Lao Ái làm người thế thân.

Lao Ái là người nước Triệu, cùng quê với Triệu Cơ, lại có sức khỏe hơn người vì vậy rất được Triệu Cơ yêu chiều. Lao Ái sau đó không chỉ trở thành một người tình núp dưới danh nghĩa thái giám của thái hậu Triệu Cơ mà nhờ sự che chở của bà thái hậu lăng loàn này, trở thành một nhân vật có máu mặt trong chính đàn nước Tần, được phong tới tước Trường Tín hầu.

Vì sao một hoạn quan như Lao Ái lại được phong tới tước hầu thì sử sách không ghi chép rõ, vì vậy, người ta đều chỉ nói chung chung rằng, nhờ tư thông với thái hậu Triệu Cơ mà Lao Ái được phong tước vị này. Trên thực tế, pháp luật triều Tần quy định rất rõ, không lập công thì không được phong tước vị lẫn chức vụ, Lao Ái không thể ngồi không mà được Tần Doanh Chính phong làm Trường Tín hầu được.

Không ghi rõ nguyên nhân Lao Ái được phong hầu, nhưng sử sách có ghi Lao Ái được phong hầu vào năm Tần Vương Chính thứ 8. Điều này có liên quan trực tiếp tới vụ nổi loạn của công tử Thành diễn ra trong năm này. Vào thời điểm Hạ Thái hậu qua đời, Lao Ái đã trở thành một cánh tay đắc lực cho Triệu Thái hậu và phe cánh nước Triệu trong hậu cung nhà Tần. Do vậy, Lao Ái chính là người đại diện cho Triệu Cơ thực hiện kế hoạch “tận diệt” phe cánh Hàn phu nhân và công tử Thành. Trong năm đó, công tử Thành lại được Tần Doanh Chính sai cầm quân đi đánh Triệu - quê hương của Triệu Cơ và Lao Ái.

 

Trong tình thế đó, đương nhiên Triệu Cơ và Lao Ái đều không mong muốn. Vì vậy, chính Triệu Cơ và Lao Ái đã dùng Hàn phu nhân khi đó đang nằm trong tay mình để gây sức ép cho công tử Thành, buộc Thành phải làm loạn rồi quay đầu đầu hàng nước Triệu. Kết quả, như đã nói, cuộc nổi loạn đã bị vị bạo chúa Tần Thủy Hoàng dìm trong bể máu, còn công tử Thành, vốn là một đối thủ về mặt chính trị của Tần Thủy Hoàng thì kể từ đó, biến mất khỏi lịch sử.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm