Thực hư 4 bí ẩn lớn trong lăng mộ Tần Thủy Hoàng: Bằng chứng khoa học mới gây ngỡ ngàng!
Bí mật về phi tần sống thọ nhất của Hoàng đế Ung Chính / Vị phi tần bị giáng chức vẫn ở hậu cung qua 4 đời Hoàng đế là ai?
Lăng mộ Tần Thủy Hoàng tọa lạc tại thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Lăng được xây dựng từ năm 247 TCN, khi Thủy Hoàng đế chỉ mới 12 tuổi, và mất tới 39 năm để hoàn thành.
Không thể phủ nhận được lăng mộ Tần Thủy Hoàng là một trong những công trình vĩ đại và bí ẩn nhất trong lịch sử nhân loại. Đã hơn 40 năm kể từ lần đầu phát hiện vào năm 1974, nhưng đội quân đất nung và những cổ vật bên trong lăng mộ hơn 2.000 năm tuổi vẫn còn là một bí ẩn thách thức giới khảo cổ.
Theo cuốn "Sử ký - Tần Thủy Hoàng bản ký", Lăng mộ Tần Vương đặc biệt tuân thủ quy luật "sự tử như sự sinh", cố gắng tái hiện một thế giới như dương thế bên dưới lòng đất.
"Sử ký" có đoạn: "Dùng thủy ngân làm trăm dòng, sông ngòi biển cả, trên lắp thiên văn, dưới bày địa lý, dùng mỡ nhân ngư (tức con báo biển) làm đuốc để cháy mãi không tắt".
Nguồn sử liệu này cho rằng địa cung của Tần Thủy Hoàng (phần cung điện dưới lòng đất, nơi đặt quan tài và đồ tùy táng) chứa hàng tấn thủy ngân, tượng trưng cho sông hồ và biển; đỉnh mộ khảm những viên dạ minh châu như biểu tượng của mặt trời, mặt trăng và các vì sao.
Dù không được trực tiếp khai quật bên trong nhưng những năm gần đây, nhiều bí ẩn về lăng mộ vĩ đại này đã được hé lộ thông qua những công trình nghiên cứu và công nghệ dò quét tân tiến bậc nhất.
Bí ẩn thứ nhất: Địa cung của Tần Thủy Hoàng sâu bao nhiêu?
Khi nói về độ sâu của địa cung lăng Tần, Tư Mã Thiên đã sử dụng cụm từ "xuyên qua 3 con suối", có tư liệu sử lại nói "sâu đến cực sâu", tức sâu đến mức không thể đào thêm được nữa. Vậy cụ thể độ sâu này là bao nhiêu?
Nhà vật lý nổi tiếng Đinh Triệu Trung đã cùng các đồng sự của mình thực hiện khảo sát, dự đoán độ sâu của địa cung là từ 500 m đến 1.500 m. Tuy nhiên, giả thuyết này có vẻ không mấy thuyết phục bởi nếu địa cung đào sâu hơn 1.000 m thì nó đã vượt quá mức chênh lệch với dòng sông Vị ở phía Bắc, như vậy sông Vị sẽ đảo dòng đổ vào địa cung.
Theo Kknews, thực tế độ sâu của địa cung không ấn tượng tới vậy! Căn cứ vào số liệu khoan sâu mới nhất, độ sâu của địa cung mộ Tần Thủy Hoàng tính từ miệng hầm mộ đến đáy chỉ khoảng 26 m, đoạn sâu nhất khoảng 37 m.
Tuy nhiên, tổng diện tích 41.600 m vuông, quy mô tương đương 5 sân bóng quốc tế, của riêng phần địa cung lăng Tần lại khiến các nhà khoa học vô cùng ấn tượng.
Bí ẩn thứ hai: Có bao nhiêu cổng ra vào địa cung?
"Sử ký" từng chép rằng sau khi quan tài Tần Thủy Hoàng được hạ thổ, các cửa của địa cung đều bị lấp lại, niêm phong để không ai có thể ra vào. Những người thợ thủ công cũng bị nhốt lại bên trong, chấp nhận tuẫn táng cùng vị Hoàng đế.
Các chuyên gia cũng đồng tình rằng địa cung vốn có 3 cánh cổng: Cổng ngoài, cổng trong và cổng giữa, cùng nằm trên một đường thẳng.
Khi viết về các cổng này, Tư Mã Thiên dùng từ "đóng" với cổng giữa, nhưng với cổng ngoài lại dùng từ "hạ". Chứng tỏ cổng giữa là chiếc cổng có thể linh động đóng mở trong khi cổng ngoài vốn là cổng đá cố định, "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Bí ẩn thứ ba: Có thủy ngân bên trong lăng mộ?
Có hay không hàng tấn thủy ngân trong lăng mộ vua Tần? Các nhà khoa học hiện chưa thể khẳng định được lượng thủy ngân chính xác trong lăng nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thủy ngân thực sự tồn tại ở đây.
Trong những năm 1980, các chuyên gia người Đức đã sử dụng công nghệ cộng hưởng từ (MRI) để quét khu vực Tần Lăng. Kết quả cho thấy nơi đây có hàm lượng thủy ngân cao gấp nhiều lần bình thường. Những nghiên cứu mới cũng cho thấy mẫu đất xung quanh lăng có hàm lượng thủy ngân "dị thường".
Thủy ngân là kim loại dễ bay hơi, dễ dàng tách thành những giọt nhỏ và phân tán rộng. Mặc dù bản thân thủy ngân ít độc, nhưng khi bay hơi, các hợp chất và muối của nó rất độc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người tiếp xúc.
Câu hỏi được đặt ra là một khu vực lớn chứa đầy thủy ngân như lăng Tần Thủy Hoàng khi khai quật sẽ gây ra hậu quả gì cho những khu vực xung quanh? Đây chính là một trong những lý do khiến Cục Di sản văn hóa quốc gia Trung Quốc ngần ngại không dám khai quật lăng mộ này.
Bí ẩn thứ tư: Quan tài của Tần Thủy Hoàng làm bằng gì?
Cả "Sử ký" và "Hán thư" đều không ghi chép rõ ràng về chất liệu quan tài. Tư Mã Thiên chỉ để lại một ghi chép mơ hồ về "quan tài làm bằng đồng".
Tuy nhiên, các ghi chép ngoài "Sử ký" và "Hán thư" đều ghi rõ ràng: "Dùng đồng hàn bên trong quan tài và quét sơn ở bên ngoài, lại dùng ngọc trai và phỉ thúy để trang trí nên cả quan tài và quách đều lung linh đẹp đẽ phi thường". Nếu dùng sơn để quét bên ngoài và dùng ngọc phỉ thúy để trang trí thì chắc chắn chỉ có quan tài gỗ mới làm được.
Theo phân tích của các chuyên gia lịch sử, loại hình chôn cất thượng hạng bậc nhất thời điểm đó phải kể đến phòng chôn hoàng đàn. Phòng chôn hoàng đàn được hiểu đơn giản là một căn buồng bao bọc quan tài gỗ của nhà vua, bốn bức tường và mái che đều được làm từ lõi cây hoàng đàn nguyên thanh, xếp chồng lên nhau kín kẽ.
Cây gỗ hoàng đàn được sử dụng cũng không phải thứ gỗ thông thường, đây là loài cây cực kỳ quý hiếm tại Trung Quốc, nổi tiếng bền bỉ có thể tồn tại hàng thiên niên kỷ với khả năng chống trộm.
Lõi gỗ hoàng đàn có nhiều dầu, giúp chống mối và ngăn gỗ biến dạng cong vênh. Hoàng đàn còn được tôn sùng là gỗ của thánh thần nhờ hương thơm đặc biệt nên rất có giá trị về mặt tâm linh.
Với những đặc điểm nổi trội này, cũng không loại trừ khả năng quan tài của Tần Thủy Hoàng là một phòng chôn hoàng đàn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bằng chứng hiếm có về tục lệ ăn thịt người thời cổ đại
5 loại gỗ đắt nhất thế giới: Việt Nam có 1 loại nổi tiếng khắp thế giới, giá 2,3 tỷ/kg
Rùng mình tục lệ ăn thịt người chết ở rừng Amazon
Khai quật lăng mộ lãnh chúa 1.200 tuổi chứa đầy vàng ở Panama
Loài chó ‘biết hát’ cực kì quý hiếm hồi sinh sau 50 năm tưởng đã tuyệt chủng
CLIP: Cảnh tượng đáng kinh ngạc, bọ ngựa tóm gọn chim ruồi trong chớp mắt