Khám phá

Chuyện chưa kể về một ngôi mộ ai đi qua cũng phải ném đá

Ngôi mộ đặc biệt này nằm ở lưng chừng núi Kéo Cụt (thôn Cầu Lốc, xã Nam Quan, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), ngay ven một con đường mòn người dân địa phương thường hay qua lại.

Ai viết bộ quốc sử đầu tiên của người Việt? / Điệp viên hai mang Gordievsky khai gì khi uống 'thuốc nói sự thật'?

Ngôi mộ có chiều dài khoảng 2,5m, chiều ngang hơn 1m. Ngôi mộ được những người dân thờ cúng rất cẩn thận. Đặc biệt, bất cứ ai trong thôn có việc đi qua ngôi mộ này đều phải ném đất đá, kẹo bánh hoặc tiền lẻ lên mộ.

Ném đất đá lên mộ để được bình an

Ở thôn Cầu Lốc, xã Nam Quan, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn có một ngôi mộ rất lạ, ngôi mộ có từ bao giờ, những người cao tuổi nhất trong thôn cũng không còn nhớ nữa. Họ chỉ biết rằng ngôi mộ đó được tổ tiên gọi là mộ “đá”, được thờ cúng rất cẩn thận. Đặc biệt, người dân trong thôn nếu ai có việc đi ngang qua đều phải ném đất đá, tiền lẻ…

Theo những người dân địa phương, ngôi mộ đặc biệt này được lập ra để thờ một người phụ nữ có công khai hoang vùng đất Cầu Lốc này. Khi người phụ nữ này chết đi, để tưởng nhớ công ơn nên dân làng đã đưa thi thể bà lên núi chôn và coi bà như vị thần có công khai hoang, lập ấp. Những người dân nơi đây cũng không quên dặn dò đời sau nhớ đến công ơn của bà và dặn dò nhang khói đầy đủ để tỏ lòng biết ơn.

Cận cảnh ngôi mộ ai đi qua cũng phải ném đá.

Ngôi mộ đá này nằm ở vị trí rất đắc địa, nơi được ví như điểm tận cùng của đất. Bởi lẽ, theo tiếng dân tộc Tày, “kéo cụt” cũng được hiểu theo nghĩa là điểm cuối cùng. Những người dân nơi đây còn tâm niệm, chỉ những vị thần khi chết mới được chôn ở những chỗ như vậy. Chính vì mộ được đặt ở vị trí rất đặc biệt, hơn nữa lại là người có công với nhân dân vùng này nên rất linh thiêng. Hằng tháng, cứ vào ngày mùng một hoặc ngày rằm, ngôi mộ đều được nhang khói, cúng tiến đầy đủ.

Để tìm hiểu thêm những thông tin xoay quanh ngôi mộ, PV báo CL&XH tìm để nhà ông Nông Văn Đài, một người dân sinh sống ngay dưới chân núi Kéo Cụt. Ông Đài cho biết: “Vào những ngày rằm, dân làng chúng tôi thường sắm sửa lễ, hương vàng, hoa quả, bánh kẹo rồi cùng nhau lên núi thắp hương, cầu khấn những tâm nguyện của mình trước mộ “đá””.

Cũng theo ông Đài, phong tục ném đá lên ngôi mộ này có từ rất lâu. Thậm chí những người già cả nhất trong bản cũng không ai biết phong tục này có tự khi nào. Người dân ở đây luôn tâm niệm rằng, muốn gặp được may mắn trong cuộc sống thì khi đi qua ngôi mộ phải nhớ ném đá hoặc nắm đất lên ngôi mộ. “Dân chúng tôi ở đây coi việc ném đất, đá lên mộ như một nghi lễ bắt buộc mỗi khi đi qua. Chúng tôi lo sợ nều không ném đá hoặc đất lên mộ thì sẽ gặp phải điềm ác nên ai đi qua cũng làm vậy”, ông Đài giải thích.

Theo lời một số lão niên trong vùng, trước đây, ngôi mộ này không đồ sộ như bây giờ mà chỉ như những tấm mộ bình thường. Tuy nhiên theo năm tháng, người qua đường đều ném đất vào mộ lên dần dần mộ có kích cỡ khổng lồ như bây giờ. “Trước đây, mộ còn cao lên cả chục mét. Tuy nhiên, vài năm trước có đợt lũ nên đất đá bị cuốn trôi thành ra bây giờ mộ mới thế này”, cụ Vàng A Tứ thông tin.

Cũng theo cụ Tứ, ngôi mộ đặc biệt này còn gắn liền với đời sống tâm linh của người dân trong vùng. Cụ Tứ kể, những ai hiếm muộn, gia đình bất hoà, làm ăn thất bát đều tìm đến đây để nguyện ước an lành. “Trước đây, có một người phụ nữ ở xã Nam Quan lấy chồng từ rất sớm nhưng quá 30 tuổi vẫn chưa có con. Thấy mộ linh thiêng nên cô này mua lễ đến mộ khấn vái và cầu xin. Người này sau đó mang bầu, sinh được một cậu con trai kháu khỉnh. Cậu chuyện nửa thực, nửa ngờ nhưng được người dân dồn đại khắp vùng nên ngôi mộ này lại càng nổi tiếng”, cụ Tứ kể.

 

Dưới ngôi mộ có kho báu?

Nhiều người dân ở thôn Cầu Lốc còn coi ngôi mộ như một vị thần cai quản vùng đất này nên những ngày trọng đại của gia đình như lễ tết, hội hè, ngày hiếu, hỷ… người dân thường dâng lên mộ mộ mâm cỗ vừa để thông báo, vừa như để tạ ơn và cầu may mắn. Đầu năm 1979, hàng loạt người dân địa phương kéo nhau vào Nam lập nghiệp. Thế nhưng, trước khi gồng gánh ra đi, mỗi người đều đến bên ngôi mộ, ném vào một viên đá nhỏ và thắp nén hương, chắp tay cầu nguyện trước khi lên tàu đi làm ăn.

Bên cạnh việc đóng vai trò to lớn trong đời sống tâm linh của người dân. Ngôi mộ đá đá ở thôn Cầu Lốc còn chứa đựng câu chuyện huyền bí liên quan đến kho báu bí mật ẩn sâu dưới đáy ngôi mộ. Theo đó, khoảng những năm 1965 – 1970, khu vực Cầu Lốc là nơi tập trung của nhiều người Hoa có nguồn gốc từ Trung Quốc đến sinh sống và lập nghiệp. Những người này sinh sống bằng nghề khai thác khoáng sản và đã tích trữ được một số lượng vàng bạc cũng như đá quý lớn. Đến năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, những người Hoa này lần lượt bỏ đi hết.

Ông Nông Văn Đài, một người dân sinh sống ngay dưới chân núi Kéo Cụt nói về ngôi mộ.

 

Trước khi ra đi, họ đem số vàng bạc chôn dưới khu vực ngôi mộ “đá”, vì biết rằng ngôi mộ này rất thiêng liêng, người dân trong vùng sẽ không ai dám đào bới lên. Để làm được điều này, những người Hoa đã đào hầm đến gần phía dưới mộ “đá”, chôn tài sản dưới đó rồi lấp lại đường hầm.

Câu chuyện khó tin này ngày càng có cơ sở khi những người dân địa phương kể lại, khoảng những năm 1996 – 1997, thôn Cầu Lốc bỗng nhiên xuất hiện nhiều nhóm người Trung Quốc lạ mặt đến chỉ chỏ và thực hiện đào bới trộm ở khu vực mộ “đá”. Sự việc được người dân địa phương phát hiện, báo lên chính quyền nhưng chỉ vài ngày sau, quanh mộ lại xuất hiện những vết đào bới khá sâu. Sau sự việc này, người dân thôn Cầu Lốc đã cử người thay phiên nhau canh ngôi mộ vì sợ mộ sẽ bị đào bới. Họ nghi những người này là con cháu của những người Hoa đã bỏ đi trước đó nay theo di chúc cha ông để lại tìm đường đến khai quật kho báu.

Thậm chí, nhiều người dân địa phương còn quả quyết rằng họ đã nhìn thấy những người tàu này moi lên một chiếc chum gần khu vực mộ đá. Tuy nhiên, khi người này phát hiện và hô hoán lên thì những người tàu này đã cùng chiếc chum bỏ đi biệt tích. Không biết thực hư câu chuyện này như nào nhưng kể từ sau vụ việc những người tàu đến đào bới, những người dân trong thôn cảnh giác hơn khi có người lạ tiếp cận ngôi mộ.

Trao đổi về ngôi mộ “đá” trên núi Kéo Cụt, ông Hoàng Văn Hưu, Trưởng thôn Cầu Lốc cho biết: “Mộ đá trên núi là có thật, người dân vẫn thường xuyên ném đá, đất hoặc để tiền lẻ vào đó. Việc có kim loại quý được chôn dưới đó hay không thì chưa thể khẳng định, vì đó là chuyện đã xảy ra lâu rồi, chỉ còn truyền lại trong nhân dân, không có cơ sở khẳng định”.

Cũng theo vị trưởng thôn, phong tục thờ mộ “đá” Kéo Cụt và ném đất đá vào mộ là nét đẹp văn hóa riêng của người dân thôn Cầu Lốc. Phong tục này có từ lâu đời, không ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt cũng như sản xuất của bà con. Nhân dân cũng không xây dựng mộ đá kiên cố vì việc đó có thể sẽ làm mất đi phong tục dân đã tốt đẹp. “Nếu người dân tổ chức các nghi lễ phi văn hóa, mang nặng tính mê tín dị đoan liên quan đến mộ đá thì chúng tôi sẽ có biện pháp tuyên truyền, ngăn chặn”, vị Trưởng thôn nói thêm.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm