“Người làm nên thần võ” nổi tiếng với chiến công “phá Tống, bình Chiêm” ghi dấu trong lịch sử Việt Nam đó chính là Lê Đại Hành. Có một điều ít ai hay, người Trung Quốc không chỉ nể sợ uy vũ của ông mà ngay cả đồng tiền do vua phát hành cũng khiến Bắc triều lo lắng.
Danh tiếng vị hoàng đế họ Lê
Lê Đại Hành (980-1005) tên thật là Lê Hoàn, sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941) xuất thân từ nhà thường dân nhưng nhờ sức khỏe, sự dũng lược, mưu trí mà ban đầu chỉ là thuộc hạ của hoàng tử Đinh Liễn, con vua Đinh Tiên Hoàng rồi trở thành võ tướng danh tiếng, dần thăng giữ chức Thập đạo tướng quân đứng đầu lực lượng quân đội của nước Đại Cồ Việt thời Đinh.
Tháng 7 năm Canh Thìn (980) ông được triều thần tôn lên ngôi thay cho vua nhà Đinh lúc bấy giờ là Đinh Toàn còn quá nhỏ tuổi, lập ra nhà Tiền Lê, quần thần dâng tôn hiệu cho vua là Minh Càn Ứng vận thần vũ thăng bình chí nhân quảng hiếu hoàng đế. Sách Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn viết về ông như sau:
Trường Yên đổi mặt sơn hà,
Đại Hành trí lược thực là cũng ghê.
|
Lê Đại Hành ở ngôi 25 năm (980 - 1005), mất tháng 3 năm Ất Tị (1005), thọ 64 tuổi. Thời gian trị vì của mình, ông để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ như: là vị vua đầu tiên thực hiện lễ cày tịch điền để khuyến nông; cho đào sông để thuận tiện thông thương…Tuy nhiên nổi tiếng nhất và được đánh giá cao là tài dẹp giặc yên dân, “trừ nội gian mà lấy được nước, đuổi giặc ngoài để yên dân, trong nước thanh bình, Bắc Nam vô sự… Lê Đại Hành Giết Đinh Điền, bằt Nguyễn Bặc, tóm Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai nô lệ, chưa đầy vài năm mà bờ cõi định yên, công đánh dẹp chiến thắng dẫu là nhà Hán, nhà Đường cũng không hơn được” (Đại Việt sử ký toàn thư). |
Một sử thần nhà Hậu Lê là Ngô Sĩ Liên thì ca ngợi: “Vua đánh đâu được đấy, chém vua Chiêm Thành để rửa cái nhục phiên di bắt giữ sứ thần, đánh lui quân Triệu Tống để bẻ cái mưu tất thắng của vua tôi bọn họ, có thể gọi là bật anh hùng nhất đời vậy”.
Sách Việt giám thông khảo tổng luận viết lời đánh giá về vua như sau: “Lê Đại Hành cầm quyền tướng quân 10 đạo, giữ chức nhiếp chính, vua bé nước nguy, nhân thời chịu mệnh; giết vua Chiêm Thành để rửa cái nhục sứ thần bị bắt, phá quân Triệu Tống, làm nhụt cái mưu xâm lăng. Dùng bọn Hồng Hiến, Cự Lạng, Từ Mục, Tử An để làm tả hữu. Cày ruộng tịch điền ở Long Đọi, mời người xử sĩ ở Tượng Sơn, kén dùng hiền tài, lập ra học hiệu, có đại lược của bậc đế vương”.
Trong Lịch triều hiến chương loại chí cũng có dòng bình luận về Lê Đại Hành: “Vua phá Tống, bình Chiêm, khiến cho cả Hoa Hạ và Man Di đều sợ hãi. Trung Quốc đã mấy lần sách phong khen ngợi vua, khiến cho tiếng tăm của vua trở nên lừng lẫy. Nói về việc trị nước thì nhà vua luôn chăm lo đến những điều cần của dân, dốc lòng lo cho chính sự, trọng nông nghiệp, cẩn trọng nơi biên cương, quy định pháp chế, tuyển dân làm lính, lại còn đổi chia các trấn, quả là rất cố gắng, chăm chỉ”.
Cuốn Việt Nam danh nhân sử vịnh có bài thơ rằng:
Đinh triều ấu chúa xâm lăng hoạn,
Thập đạo tướng quân thặng miếu đường.
Phạt Tống, bình Chiêm hoằng đế nghiệp,
Anh hùng cái thế chấn Nam phương.
Nghĩa là:
Triều Đinh chúa nhỏ giặc ngoài đến,
Thập đạo tướng quân khoác áo vàng.
Đánh Tống, bình Chiêm ngôi báu rạng,
Anh hùng lừng lẫy giữa trời Nam.
Chuyện lạ về đồng tiền thời Tiền Lê
Kể từ khi nước ta giành lại nền độc lập, tự chủ lâu dài, đời Đinh Tiên Hoàng cho đúc tiền Thái Bình hưng bảo, mặt sau có chữ Đinh; đây là đồng tiền đầu tiên trong thời tự chủ. Đến khi Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế, ông cũng cho đúc đồng tiền riêng cho triều đại của mình, sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Giáp Thân, Thiên Phúc năm thứ 5 [984], (Tống Ưng Hy năm thứ 1). Muà xuân, tháng 2, đúc tiền Thiên Phúc”. Trong Khâm định Việt sử thông giám cương mục cũng chép: “Giáp Thân, năm thứ 5 (984). (Tống, năm Ung Hi thứ 1). Tháng 2, mùa xuân. Đúc tiền Thiên Phúc”.
Tiền Thiên Phúc chính là đồng tiền có chữ Thiên Phúc trấn bảo ở mặt trước và chữ Lê ở mặt sau như giới khảo cổ học đã phát hiện được trong nhiều di tích, cũng như được giới sưu tập tiền cổ thu thập, khảo cứu.
Thiên Phúc là một trong ba niên hiệu của Lê Đại Hành, niên hiệu này cũng thấy trong đời Hậu Tấn Cao tổ (Thạch Kính Đường), vua một triều đại ở phương Bắc thời Ngũ Đại thập quốc (907-979), cũng vì vậy có đồng tiền mang niên hiệu ấy là đồng Thiên Phúc nguyên bảo. Đồng Thiên Phúc nguyên bảo mang đặc điểm của tiền Trung Quốc thời Đường với nét chữ cứng cáp, chữ được thiết kế đọc theo hình tròn, trong khi đó tiền Thiên Phúc trấn bảo của Lê Đại Hành nét chữ mộc, hiền hòa; chữ được thiết kế đọc chéo và đặc biệt lưng tiền có chữ mang quốc tính của triều đại.
Theo các nhà nghiên cứu, đồng Thiên Phúc trấn bảo còn có điểm độc đáo nữa, đó là chữ “trấn” trong hiệu tiền chưa từng có tiền lệ trên tiền Trung Quốc cũng như tiền Việt Nam trước đó. Nếu như tiền thời Đinh là “Thái Bình” mang ngụ ý đẹp sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước đã “hưng bảo”, tức là phục hưng thì tiền của vua Lê Đại Hành là “Thiên Phúc” hàm ý được phúc trời ban cho, vì thế phải ra sức mà “trấn bảo”, nghĩa là giữ gìn. Đây chính là sự kế thừa, tiếp nối sự nghiệp vẻ vang và quả thật Lê Đại Hành đã giữ nước và trị nước rất xuất sắc.
Trong mối quan hệ giao thương qua lại giữa nước ta và Trung Quốc, việc tiền tệ của hai bên được sự dụng song hành, đồng thời trên lãnh thổ của nhau là điều bình thường. Tuy nhiên, tiền Thiên Phúc trấn bảo của Lê Đại Hành được sử dụng rộng rãi, phổ biến đến nỗi gây rối loạn tiền tệ Trung Quốc là điều kỳ lạ, hiếm thấy.
Bảng nhãn Lê Qúy Đôn, nhà bác học danh tiếng thời Lê Trung Hưng ở nước ta, trong cuốn Vân đài loại ngữ có cho biết như sau: “Sách Tống Hội yếu nói: Quan Bí thư trung thừa là Chu Chính Thần nói: “Trước kia, ông làm Thông phán Quảng Châu, có thấy khách buôn, rợ Phiên hay đi qua Giao Châu buôn bán, đem tiền chữ Lê và tiền sa lạp đến châu, làm rối loạn cả phép dùng tiền của Trung Quốc”. Tiền ấy tức là tiền của đời Tiền Lê nước ta đúc ra, mặt ngửa đồng tiền có chữ Thiên Phúc trấn bảo, mặt sấp có chữ Lê. Tiền ấy nay cũng còn nhưng ít lắm”.
Sự than phiền, lo lắng của người Trung Quốc đối với đồng Thiên Phúc trấn bảo là do đâu? Trong cuốn Tiền cổ Việt Nam, các tác giả là Lục Đức Thuận và Võ Quốc Ky có viết như sau: “Xét về hợp kim thì tiền của nước Việt cũng dùng hợp kim đồng như tiền của nhà Tống; dù rằng nhà Tống có đúc tiền sắt nhưng đa số tiền đồng được dùng ở các tỉnh Đông Nam của Trung Quốc, tức lân cận với nước Việt. Xét về trọng lượng tiền Thiên Phúc trấn bảo của nhà Tiền Lê (980-1009) nặng từ 2,3 – 3,2 gram và tiền Thuần Hóa (990-994), Hoàng Tống (1039-1053), Nguyên Phong (1078-1085) của nhà Tống có nặng hơn đôi chút, trung bình 3,5 gram, thì lời than phiền chắc chắn không phải ở điểm này. Lịch sử Việt Nam không cung cấp đơn vị quan của tiền Việt ăn ngang bao nhiêu đồng vào thời này. Việc thiếu sót tài liệu khiến tác giả không dám kết luận chắc chắn về sự khác biệt của đơn vị 1 quan giữa hai nước mà đưa đến sự than phiền này. Trong khi đó, vào thời nhà Tống cũng áp dụng lối tỉnh bách để tính đơn vị của tiền tệ: 1 quan tiền tương đương 770 đồng ở Trung Quốc”.
Theo Lê Thái Dũng/Kiến thức