Chuyện ly kì về cuộc giải cứu 'quốc bảo' khỏi họa tuyệt chủng
Những loại nông sản ngoại từng có giá đắt "cắt cổ" được hạ giá như thế nào? / Phó Thủ tướng: Sẽ có giải pháp để hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp
Cây và rừng
“Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”, đầu óc tôi cứ miên man, váng vất hình ảnh câu thơ cũ suốt hành trình lên đỉnh Ngọc Linh. Chuyến đi do Cty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum tổ chức, chủ vườn sát cánh kề vai “trên từng cây số” nhưng không vì thế mà khách xa được miễn trừ chấp hành quy tắc. Đường vô vùng lõi có cả thảy 3 chốt chặn, thường trực nhân viên khoác đồng phục đính logo lá sâm 5 cánh, mặt mày căng thẳng, nghiêm trọng bên chòi canh, vọng gác, barie kiên cố.
Ông Trần Hoàn kiểm tra vườn ươm đến kỳ kết trái |
Ở mỗi điểm gác, xe Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Cty Trần Hoàn cũng phải dừng lại, chờ thủ tục kiểm tra. Qua chốt cuối cùng, ông Hoàn nhảy xuống, tất tả, khẩn trương: “A Sỹ đâu? A Sỹ…”. A Sỹ, Bí thư Đảng ủy xã Măng Ri, cánh tay nối dài cự phách của chủ đầu tư trên vùng dự án, vừa rời đi đâu đó. “Lên Ngọc Linh, ông Hoàn, ông Hảo (Phó Tổng Giám đốc Cty Trần Hảo) có lúc điều hành không xong nhưng A Sỹ nói thì người Xê Đăng răm rắp”, tiếng ai... chọc quê nhà đầu tư nghìn tỉ.
Đang mùa ngủ đông. Hàng nghìn luống sâm được che chắn, bảo vệ bằng khung lưới mắt nhỏ li ti dưới tán rừng nguyên sinh, chia thành hai mảng. Mảng xanh ngắt, rập rờn gió đại ngàn hun hút, không thấu điểm dừng là cụm vườn ươm.
Mảng xám bạc lá khô hoặc đen nâu bùn hoai, lá mục miên man, bất tận dọc triền suối, sườn đồi là những vườn sâm thiêm thiếp giấc nồng chờ xuân sau ngỡ ngàng tỉnh giấc. Một chu kỳ mang nặng đẻ đau để thân sâm nảy thêm đốt mới, gia tăng phẩm cấp, giá trị diễn ra như thế.
Trồng, chăm sóc sâm Ngọc Linh bằng phương thức thủ công, trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên là công việc kỳ khu, tỉ mẩn. Cây sâm danh bất hư truyền phân bố trên vùng sinh thái hẹp quanh “nóc nhà Tây Nguyên” thuộc hai tỉnh Kon Tum, Quảng Nam.
Theo các chuyên gia Viện Thổ nhưỡng nông hóa, ở Kon Tum, từ độ cao 1.500m trở lên, nơi độ che phủ rừng trên 80%, cây sâm sẽ sinh trưởng, phát triển tốt. Sâm Ngọc Linh chỉ mọc trên tầng thảm mục, không chịu... hạ mình chạm đất.Cấp mùn cho sâm, do thế là phần việc chẳng thể lơ là.
Mỗi ngày, thợ thầy ông Hoàn rồng rắn tản ra vòng ngoài, trèo lên đỉnh núi, khệ nệ mang về từng bao lá mục, giúp cải thiện độ phì nhiêu cho đất. Rồi vệ sinh, đánh luống, chống xói lở, phòng ngừa cành cao đổ gãy, xua đuổi chim muông, cảnh giác, dè chừng những ánh mắt khát thèm soi mói…
Cây sâm như trứng, như hoa, cần chăm chút, nâng niu hết mực. Luống sâm nào cũng mang số hiệu giám sát; mỗi quả, mỗi hạt đều được kiểm đếm, bao bọc ngăn côn trùng, chuột sóc. Mùa sâm kết trái (tháng 4 đến tháng 6 âm lịch), một phần Ngọc Linh rộn ràng không khí đặt bẫy, giăng dây, bảo vệ thành quả sản xuất. Cái nhịp điệu xem ra khá tưng bừng, quen mắt quen tai với tập quán Xê Đăng.
Người Xê Đăng xưa sở đắc công dụng sâm Ngọc Linh như một lợi thế trong lịch sử tranh chấp, cộng sinh cạnh những bộ tộc láng giềng. Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông Nghe Minh Hồng cho biết: “Người già gọi sâm là “thuốc giấu”, chữa trị bách bệnh, giúp tăng lực, làm tiêu biến mệt mỏi. Rất ít người biết nơi “thuốc giấu” tồn tại”.
Trần Hoàn quay ngược thời gian: “Những năm 90 thế kỷ trước, giá sâm rừng vài trăm nghìn đồng/kg, bị khai thác ồ ạt song chưa ai nhân trồng, bảo vệ. Sự tuyệt chủng của loài sâm quý là kết cục thấy trước. Năm 1997, tôi bắt đầu gom sâm quanh núi Ngọc Linh, dùng đầu mầm gieo xuống tán rừng như gieo từng niềm hy vọng”.
Năm ấy, doanh nhân gốc Hà Nam tròn 22 tuổi, còn em trai Trần Hảo mới 21. Hoàn Hảo là cặp… trời hành. Nghiệp kinh doanh thường đưa họ tới những ngả rẽ tưởng chừng đột ngột, chưa dấu chân ai.
Như về sau lọ mọ chuyển từng đàn dê Pháp, Thụy Sĩ, Úc về Việt Nam, kể cả bằng đường hàng không, gây dựng trang trại dê công nghệ cao quy mô 10.000 con ở Măng Đen trước khi bắt tay xây dựng nhà máy sản xuất sữa dê đầu tiên của cả nước, với cơ hội tiềm năng từ cuộc cứu nguy loài “thuốc giấu”, họ không ngại đặt mình vào vị trí tiên phong.
“Nhân giống sâm từ đầu mầm diễn ra suôn sẻ, cây ra hoa, cho hạt sau 2 năm. Chúng tôi có thêm lựa chọn để phát triển”, ông Hoàn kể tiếp. Thế nhưng, “di cư” sâm sang Lâm Đồng hay nghiên cứu nhân giống bằng nuôi cấy mô thì lại là cú trải nghiệm ít nhiều đắng đót.
Cuối cùng, định vị sâm Ngọc Linh với mảnh đất sản sinh ra nó; trồng, bảo vệ, chăm sóc sâm bằng phương pháp thủ công; từ chối can thiệp của tiến bộ khoa học kỹ thuật đã là quyết định đúng đắn.
Năm 2006, Cty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum ra đời; 4 năm sau, được chấp thuận chủ trương cho thuê 5.000ha rừng trồng dược liệu, sâm Ngọc Linh kết hợp bảo vệ, phát triển rừng. 470ha sâm cùng năng lực sản xuất hàng triệu cây giống/ năm là cột mốc đủ gây… choáng váng. Với suất đầu tư 8 - 10 tỉ đồng/ha, tôi kỳ cạch gõ máy tính một hồi mới tìm ra… đáp án.
Xin dẫn chiếu con số 15ha, kết quả dự án “Bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh có sự tham gia của cộng đồng” mà tỉnh Kon Tum đạt được giai đoạn 2004 - 2014 hay 65ha của Quảng Nam cho tới thời điểm hiện tại để dễ hình dung. Củ sâm tươi Ngọc Linh hiện được mua 60 - 130 triệu đồng/kg!
Cùng hưởng lợi
Hội trường Măng Ri chen chúc vòng trong, vòng ngoài buổi trao tặng, cấp phát sâm giống. Hưởng lợi, ngoài Măng Ri còn các xã Tê Xăng, Ngọc Lây, Đak Na (huyện Tu Mơ Rông), Mường Hoong, Ngọc Linh, Xốp (Đak Glei) và 410 cá nhân bình chọn lên từ tổ, đội sản xuất. Quà tặng là 46.500 cây sâm giống, giá 300.000 đồng/cây.
Không phải lần đầu, lợi ích từ sâm được doanh nghiệp hào hiệp chia sẻ. Từ 2011, mỗi năm, 50.000 cây sâm được cấp miễn phí xuống dân. Dân trồng, Cty tư vấn, giám sát, hỗ trợ vật tư, nguyên liệu. Khi thu hoạch, 100% sản phẩm thuộc về tài sản người dân. Hợp thành “vành đai liên kết” như thế có 300 hộ thuộc 20 thôn các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọc Lây. Tổ nhóm vận hành theo một cơ chế hồn nhiên nhưng hữu hiệu. Nhóm 7 người chẳng hạn, họ tự “ngó chừng” nhau. Ai táy máy xâm hại tài nguyên, bán sâm non, trộm cắp,... hình phạt là phần sâm tiêu chuẩn bị thu hồi, chia cho số thành viên còn lại. Ai ngon lành, cuối năm chắc cú được “thưởng” 100 cây giống. Bí thư Sỹ bình luận: “Đố ai dám ho he”.
A Chung làng Đak Giơn, xã Măng Ri 4 năm làm công nhân. Anh chàng bẽn lẽn: “Nhà gần 1.000 cây, trong đó, 300 cây do Cty cấp phát. Bán sâm nhiều tiền, nhưng không ai khai thác sâm non. Chẳng để làm gì. Gia đình đủ cơm ăn áo mặc, có xe máy, tivi, con cái được đến lớp đến trường”. Chung hưởng lương 4 triệu đồng/tháng, được nuôi ăn ở, cấp phát trang phục.
“Vô địch thiên hạ” nhóm sâm dân sinh không ai khác hơn ông trùm A Sỹ. Bỏ túi 10.000 cây, có lứa suýt soát 10 năm tuổi, Sỹ ra vẻ ta đây ông chủ lớn. Dãy nhà gỗ cạnh chốt gác thứ 3 khách khứa dập dìu, vào ra tấp nập. Làm chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy Tê Xăng rồi Măng Ri, Sỹ nhiều năm chia ngọt sẻ bùi với anh em, cộng sự ông Hoàn. Gần 270/490 hộ dân Măng Ri tham gia chuỗi trồng sâm liên kết, có phần công sức từ ông. Bữa cấp giống, A Sỹ xuất hiện oai vệ lắm: “Tổ nào chưa rành kỹ thuật cứ mạnh dạn liên hệ. Số điện thoại của tôi ai cũng biết hết rồi”.
Trao đổi với PV, Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Glei Trịnh Xuân Lộc nói: “Đak Glei quy hoạch 9.200ha trồng sâm. Cây sâm tản mát trong dân, không đáng kể, khó kiểm kê, quản lý. Trong khi chờ kết quả kêu gọi đầu tư, sự tiếp sức của Cty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum là một dẫn dụ vô giá”. Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông A Hơn thì canh cánh nỗi niềm vàng thau lẫn lộn: “Chính quyền có trách nhiệm bảo vệ sâm Ngọc Linh. Đi đâu tôi cũng dặn: Đừng tham vài trăm nghìn đồng mà làm chuyện tự... bóp cổ mình”.
Cty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum đang để ngỏ khả năng mở rộng liên kết bằng mô hình hợp tác mới. “Chúng tôi bán cây giống 1 năm tuổi, nhà đầu tư trồng sâm trên đất dự án. Họ có thể theo dõi quá trình chăm sóc, phát triển của sâm; thăm, kiểm tra vườn sâm bất cứ lúc nào và trực tiếp thu hoạch. Cty đảm bảo tỉ suất lợi nhuận thỏa đáng cũng như cam kết về số lượng, trọng lượng tăng trưởng của sâm từ khi trồng tới khi thu hoạch. Hướng khác, chúng tôi hợp tác nghiên cứu, sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng; trước mắt là với Viện Dược liệu, Bộ Y tế, chuẩn bị ra mắt dòng sản phẩm mang thương hiệu “K5 sâm Ngọc Linh Kon Tum”, ông Trần Hoàn thông báo.
“Quốc bảo” sâm Ngọc Linh “Tôi tặng sâm Ngọc Linh chữ: Quốc bảo của Việt Nam. Quốc bảo gắn liền quốc kế dân sinh. Sâm Ngọc Linh phải thành nguồn thu ngân sách, công ăn việc làm, ấm no thịnh vượng”, ngày 5/9, tại Cty CP sâm Ngọc Linh Kon Tum, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng định vị một sản phẩm đặc hữu mà ông gọi là “quà tặng linh thiêng của núi rừng”. “Điều này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, là thách thức, đồng thời cũng là cảm hứng kiến tạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, vị Thủ tướng từng giữ cương vị lãnh đạo Quảng Nam, vốn không xa lạ với sâm Khu 5, bày tỏ quyết tâm thúc đẩy nỗ lực đưa sâm Việt ra năm châu bốn biển. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách
CLIP: Sóc nhỏ "chơi khăm" linh miêu và cái kết đầy bi thảm