Khám phá

Chuyện rùng mình về loài thủy quái nổi tiếng Nhật Bản

Trong nhiều truyền thuyết của Nhật Bản, thủy quái Kappa có diện mạo xấu xí, chôn sống cả những người phụ nữ đã sinh con cho chúng.

Kappa được cho là thủy quái không có thật, là sản phẩn của trí tưởng tượng của dân gian. Trong tiếng Nhật, Kappa là tên gọi tỉnh lược của Kawa wappa. Đôi khi, nó còn được gọi là Gataro, hay Suiko (Hổ nước). Nguồn gốc của loài thủy quái có khá nhiều giai thoại khác nhau. Một trong số đó là câu chuyện khá buồn có từ thời cổ đại. Theo đó, những gia đình nghèo có con thường ném những bảo bối mà mình dứt ruột sinh ra xuống sông khi họ không đủ khả năng để chăm sóc chúng. Đây cũng có thể là câu chuyện mà người lớn thường kể cho những đứa trẻ để chúng không chơi đùa, đi lại gần các bờ sông và nhìn thấy những thi hài trẻ sơ sinh.

Một nguồn gốc khác của Kappa được người dân nơi đây đồn thổi đó là nó có thể là một biến thể của Sha Wujing (hay còn gọi "Sandy", hoặc "Sangojo" trong tiếng Nhật) xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết cổ của người Trung Quốc "Tây Du Ký". Hai loài sinh vật có những điểm khá giống nhau.

Cũng có quan điểm cho rằng, nguồn gốc của loài thủy quái này bắt nguồn từ việc các tu sĩ Bồ Đào Nha đặt chân đến xứ sở hoa anh đào hồi thế kỷ XVI. Các nhà sư mặc những chiếc áo choàng trùm đầu dài khá giống mai rùa. Những đặc điểm này khá giống với thủy quái Kappa. Ngoài ra, từ “capa” là từ Bồ Đào Nha dùng để chỉ những thói quen của một nhà sư và từ này có thể được phiên âm sang tiếng Nhật là Kappa.

Bức tranh vẽ thủy quái Kappa xuất hiện ở bãi biển Nhật Bản năm 1836.

Cho đến nay, thủy quái Kappa dường như vẫn là một bí ẩn trong xã hội Nhật Bản. Trước hết, sinh vật đặc biệt này được coi là chuyên đi gây rắc rối. Nó được cho là đi nhìn trộm phụ nữ tắm ở các con sông hay tốc kimono của họ. Kappa cũng là những sinh vật đi nhặt rác ở những khu vườn gần đó. Do đó, đến ngày nay, mỗi khi đi tắm ở sông, ao, hồ, nhiều trẻ em có thói quen ném một quả dưa chuột xuống nước với mong muốn thủy quái Kappa sẽ không trêu chọc hay bắt cóc chúng. Ngoài ra, Kappa được miêu tả có diện mạo khá sặc sỡ và tính cách khá thô bạo.

Người Nhật vẫn thường mường tượng về Kappa là thủy quái có kích thước cơ thể 1m, nặng khoảng 20 kg. Một số con có thể nặng tới 45 kg. Diện mạo của nó khá giống tinh tinh, toàn thân có màu xanh xám và có khả năng thay đổi màu sắc theo môi trường. Mũi Kappa dài khoằm, mặt và mắt tròn, có 4 chi, mỗi chi gồm 5 ngón có màng. Bụng của Kappa có túi đựng các đồ vật lấy được và toàn thân bốc lên mùi tanh như của cá.

Bên cạnh đó, người ta mô tả Kappa là quái vật ẩn nấp trong các con sông và ao của Nhật Bản. Nó cuốn hút những người đến gần khu vực ao hồ, sông dẫn đến xảy chân chết đuối. Kappa được đồn là rất thích ăn thịt trẻ em. Thậm chí, người dân Nhật Bản còn lưu truyền những câu chuyện về thủy quái Kappa bắt cóc, nuốt chửng trẻ em hay giữ một đứa trẻ trong suốt nhiều thế kỷ. Kappa là thủy quái song lại có thể sống cả ở trên cạn. Chúng bơi cực giỏi, lặn rất sâu, thích ăn trứng, táo, dưa chuột và gan người…

Trong nhiều truyền thuyết, thủy quái Kappa giết chết nạn nhân chỉ với một mục đích duy nhất là ăn gan hoặc shirikodama - một quả bóng ma thuật mà người Nhật cổ đại tin rằng nó nằm ở hậu môn của con người. Kappa sẽ cố lấy shirikodama ra đầu tiên.

Bức tranh vẽ thủy quái Kappa của Katsushika Hokusai (1760-1849).

Tuy nhiên, trong nhiều truyền thuyết, thủy quái Kappa được miêu tả vô cùng độc ác. Nó đã bắt cóc và giết chết người phụ nữ đã sinh con cho mình.

Thậm chí, có quan điểm cho rằng, mặc dù là quái vật reo rắc nhiều nỗi kinh hoàng nhưng Kappa rất quan tâm đến cuộc sống của nhân loại. Loài vật này quan sát tỉ mỉ các hành vi của con người và đã học nói tiếng Nhật vô cùng trôi chảy. Nhiều người đã trở thành bạn bè với thủy quái Kappa. Không những vậy, sinh vật này còn có kiến thức uyên thâm về y học và nông nghiệp. Chúng sử dụng những kiến thức đó để giúp con người sản xuất nông nghiệp, điều trị gãy xương…

Thủy quái Kappa được mô tả vô cùng đáng sợ nhưng nó lại rất sợ lửa và tiếng ồn lớn. Vì vậy, cho đến nay, rất nhiều ngôi làng tại Nhật Bản thường tổ chức lễ hội pháo hoa, thắp sáng đèn khắp nơi để xua đuổi các loài thú có vảy để chúng không trêu trọc, phá hoại cuộc sống của người dân.

Theo Tâm Anh/Kiến thức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo