Chuyện tình dưới chân thác “Văng Táng Tinh”
Vết tích thành phố Atlantis dưới đáy biển / Đặt camera ở nơi không có ánh Mặt Trời, khoa học phát hiện 'quái thú đại dương'
Tại đây người ta vẫn thường kể cho nhau nghe chuyện tình giữa cô gái người Nùng cùng con trai thần rừng. Mối tình của họ gặp phải sự ngăn cản của dòng nước và lời nguyền của thần rừng. Để vượt qua ranh giới đó, cô gái đã hóa thân vào dòng nước, mái tóc của cô tạo thành Thác Tiên kỳ lạ.
Huyền thoại chuyện tình thác nước
Theo tiếng của người Nùng, “Văng Táng Tinh” có nghĩa là vực rồng, (Văng là vực, Táng Tinh là con vật giống con kỳ nhông, dạng con rồng). Nếu ai đã đến với Thác Tiên thì sẽ có cảm giác nhẹ nhõm, bởi thác nước tựa như mái tóc của một cô gái đang ở độ tuổi trăng tròn.
Đứng ở dưới chân thác nhìn lên, du khách sẽ thấy vẻ đẹp choáng ngợp, bởi một bức tranh sơn thủy hiện ra, vì vậy nên cái tên Thác Tiên – Đèo Gió vẫn được nhiều người gọi hơn. Thác Tiên đẹp quanh năm, kiêu hãnh, phe phẩy dưới làn gió, nó mang vẻ đẹp huyền bí bởi một câu chuyện tình.
Từ thị trấn Yên Bình huyện Quang Bình, rẽ theo quốc lộ 183, đi hơn 2 giờ đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng đến Thác Tiên. Đường lên Thác Tiên uốn lượn, ngoằn ngoèo, thỉnh thoảng chúng tôi lại bắt gặp những mái nhà sàn của đồng bào dân tộc cư trú.
Ở lưng chừng đồi, trên đỉnh Đèo Gió là quang cảnh thoáng đãng, và nhiệt độ cũng thay đổi theo độ cao nên có rất nhiều sương mù. Dù đường đi rất khó khăn, cùng với những khúc cua tay áo, nhưng cái thú vị mà chúng tôi ghi nhận được đó là vẻ đẹp hoang sơ, là mây núi gió ngàn, là nếp nếp những thửa ruộng bậc thang…
Đèo Gió nằm ở độ cao 1.480m so mới mực nước biển, nơi đây có núi non trùng điệp, cùng những cánh rừng hoang vu, rậm rạp. Những con suối róc rách, len lỏi qua từng kẽ đá, tạo thành một khúc nhạc rừng bất tận. Cùng với đó là đời sống bình dị của các dân tộc như Nùng, Mông, Dao… giàu bản sắc văn hóa.
Cách Thác Tiên – Đèo Gió không xa là một bản làng của đồng bào dân tộc Nùng.
Cổng vào Thác Tiên – Đèo Gió. |
Hiện người Nùng ở đây họ vẫn giữ nguyên lối sống cũ như ở nhà sàn, mặc váy truyền thống. Bằng cách tạo hình, cách bài trí hoa văn trong nhà, khiến cho bản làng nơi đây càng trở nên cuốn hút. Bên cạnh đó họ cũng biết nâng niu các giá trị văn hóa tinh thần như những khúc hát ru, các làn điệu múa hát, đặc biệt là kho tàng truyện cổ, nhất là chuyện tình giữa cô gái người Nùng và con trai thần rừng.
Chuyện xưa kể lại rằng, cũng từ lâu lắm rồi không ai còn nhớ, trong bản người Nùng này có một cô gái trắng trẻo tựa như mầm măng bóc, trai bản ai cũng phải thương thầm nhớ trộm. Bằng tiếng sáo vi vu nơi cánh rừng đại ngàn, trong những lần đi hái măng, cô gái người Nùng đã phải lòng con trai thần rừng.
Chính tiếng sáo của chàng trai đã khiến cô gái xiêu lòng. Cô gái tìm đến tiếng sáo, tìm gặp người con trai thần rừng, và dưới chân thác này họ đã thề non hẹn biển đợi đến ngày nên duyên vợ chồng. Họ quấn quýt với nhau như con hươu con nai ở trên rừng…
Tuy nhiên, mối tình giữa họ đã bị dòng suối nguyền rủa, thần rừng ngăn cấm. Nhưng vì quá đỗi nặng lòng với người yêu, nên cô gái Nùng đã bỏ nhà, bỏ bản tìm đến nơi bắt đầu mối tình của mình. Tại chân con thác này, cô gái đã trầm mình, hóa thân vào dòng suối.
Mái tóc của cô buông xuống tạo thành hai dòng thác chảy mềm mượt. Và từ đó, dòng thác ấy cứ réo rắt chảy suốt ngày đêm như đang vang mãi về một thiên tình sử. Thác Tiên là món quà vô giá từ thiên nhiên, là chốn bồng lai tiên cảnh để con người ta thả hồn, quên đi những ưu tư phiền muộn…
Sống bên sườn núi, ít chịu tác động của nhịp sống hiện đại, đồng bào người Nùng cùng các dân tộc nơi đây, họ luôn biết cách nâng niu, gìn giữ, làm giàu cho các giá trị văn hóa. Những con sông, con suối, thác nước, luôn gắn liền với cuộc sống của họ, nuôi lớn biết bao thế hệ trong các bản làng. Chính dòng thác này đã tô đẹp cho quê hương bản quán, trở thành địa chỉ đỏ cho những người yêu thích du lịch.
Vẻ đẹp huyền bí của thác nước
Quần tụ bên những sườn đồi, quanh những dòng suối, một bức tranh giữa con người và cảnh vật hiện ra. Suối Tả Ngán nơi bắt nguồn của dòng thác luôn có lưu lượng nước ổn định, cung cấp và điều hòa nước tưới tiêu cho người dân quanh vùng.
Suối Tả Ngán ôn hòa, ôm ấp lấy các bản làng trong huyện, tô điểm vào bức tranh sơn thủy hữu tình. Vẻ đẹp của con người, thác nước, cứ miên man trong dòng chảy của nhịp sống hiện đại, tạo nên những giá trị to lớn của nền văn hóa các dân tộc.
Thác Tiên đổ từ độ cao hơn 10 mét, tựa như một dải lụa mềm, thả mình giữa một không gian hoang sơ. Cũng có người gọi là thác Gió bởi ở dưới chân thác lúc nào cũng có gió thổi rất mạnh, khiến cho hơi nước bay lơ lửng khắp không gian xung quanh. Nguồn nước của Thác Tiên bắt nguồn từ xã Tả Củ Tỷ, Bắc Hà (Lao Cai), đến Đèo Gió thuộc địa phận thôn Ngàm Lâm xã Nấm Dẩn tạo thành thác nước.
Đường lên Thác Tiên là những ngôi nhà sàn và các thửa ruộng bậc thang. |
Với khung cảnh hoang sơ, thanh khiết, cùng cái tên đầy ý nghĩa, đã tạo nên cho đỉnh đèo này một ngọn thác hùng vĩ. Thác Tiên - Đèo Gió không chỉ là một trong những thắng cảnh đẹp mà nó còn gợi về một câu chuyện tình từ thuở xa xưa.
Trước đây do không có đường đi, rừng cây rậm rạp nên Thác Tiên rất ít người biết đến. Từ ngày có bậc thang xi măng nên du khách rất dễ bước xuống để thăm quan thác nước. Thác Tiên luôn chứa đựng trong nó vẻ đẹp hoang sơ bởi chưa có sự tác động của con người.
Khi chúng tôi đặt chân đến bậc thang cuối cùng, vẻ mát lạnh của con thác liền ùa về, hơi sương bốc bay mù mịt. Những hôm trời nắng đẹp, có ánh mặt trời chiếu vào, dòng thác lại tạo thành bảy sắc cầu vồng. Những tia nắng xuyên qua kẽ lá như đang tô điểm cho bức tranh thác nước.
Thác Tiên không ồn ào, hung dữ mà nó đẹp mềm mại. Dòng thác đổ xuống trắng xóa, khiến cho con người cũng trở nên nhỏ bé. Nước ở dưới chân thác mát trong, có thể nhìn thấu đến tận đáy. Nếu du khách đi picnic vào những ngày nắng ấm, có thể trầm mình xuống dòng nước để cảm nhận sự mát lạnh.
Do suối nông nên du khách cũng có thể thoải mái chụp ảnh dưới bãi cát mịn, phe phẩy hơi sương. Người dân trong vùng họ vẫn tìm đến thác nên cũng chẳng ai phân biệt là mùa đông hay mùa hè. Họ tìm đến đây để được tận hưởng sự mát lạnh và cảnh hoang sơ nơi núi rừng đại ngàn. Đến với Thác Tiên – Đèo Gió tâm hồn của lữ khách cũng trở nên thanh thoát, quên hết mọi lo âu của cuộc sống hối hả chốn đô thị.
Vào những dịp cuối tuần hay những ngày lễ tết, người dân trong vùng thường rủ người thân, bạn bè đi picnic, vui chơi… Các nhóm gia đình thường chuẩn bị sẵn gà đồi, cá sông, lợn rừng, gạo nếp để chế biến các món ăn, nhất là món nướng nên vô cùng hấp dẫn. Nước ở dưới suối có thể dùng để ướp bia nước giải khát, mà không cần phải dùng đến tủ lạnh. Du khách cũng có thể tận dụng lá chuối rừng để đựng thức ăn, một khung cảnh hoang sơ nhưng cũng không kém phần hấp dẫn.
Vào cuối tuần, ngày lễ, tết, rất đông du khách đến tham quan. |
Với chúng tôi, khung cảnh nơi Thác Tiên này chỗ nào cũng lãng mạn. Tại đây du khách cũng có thể vòng qua cây cầu vắt ngang qua bờ suối, hay luồn lách bên dưới những tán cây vầu để chụp ảnh. Gần khu vực dòng thác đổ xuống còn có một tảng đá lớn nổi lên, tựa như một ốc đảo. Tại đây du khác có thể ngồi thư giãn, ngắm dòng Thác Tiên, hoặc ghi lại những bức ảnh để làm kỷ niệm.
Phía cuối dòng suối là những ụ đá tròn, du khách cũng có thể tháo giày, ngâm chân mát lạnh, một cảm giác miên man, lan tỏa ở trong lòng. Khu rừng nguyên sinh ở Thác Tiên có hệ động thực vật phong phú với hơn 3.000 cá thể và chủng loại. Trong đó vẫn còn tồn tại rất nhiều động vật quý hiếm như hổ, báo, hươu, nai, hoẵng, cắt, én đỏ, xanh, vàng…
Trong rừng cũng có nhiều loại gỗ quý như đinh, lim, sến, táu, giổi, kháo, sồi, dẻ, mỡ… Ngay tại mé đường gần Thác Tiên cũng có một cây Sến khoảng 500 tuổi, đường kính trên 2m.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, Thác Tiên vẫn tuôn chảy tươi mát, nuôi sống đồng bào dân tộc. Những tiếng thắt thỏm của dòng thác vọng về, như nhắc đến câu chuyện tình huyền thoại. Câu chuyện tình trong những bếp lửa hồng sẽ không bao giờ tắt, và sẽ mãi là những ấn tượng không thể phai mờ. Và đối với những người yêu thích khám phá, những con thác sẽ luôn là nguồn cảm hứng bất tận. Và chuyện tình thác nước sẽ luôn len lỏi vào từng ngõ ngách, hơi thở của cuộc sống.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
200 năm sau khi bị chôn nhầm vì ngất xỉu lúc sinh con, cảnh tượng bên trong quan tài của người phụ nữ khiến hậu thế bàng hoàng
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Sự thật cặp vợ chồng mang gỗ lăng mộ đế vương về làm tủ, khiến 4 đứa con dính lời nguyền chết thảm
Lão nông đào được khúc gỗ kì dị, tưởng gỗ quý sắp phát tài nào ngờ con trai vừa thấy đã báo cảnh sát
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?