Chuyện xử án của người được xem là 'Bao Công đất Việt'
Sử sách ghi rằng, Quận công Nguyễn Mại là người văn võ song toàn, vị quan thanh liêm, chính trực, được người dân nể trọng và gọi là Bao Công của đất Việt.
Điều ít biết về hoàng đế “chung thủy” nhất mọi thời đại / Khám phá các triều đại hùng mạnh sụp đổ chỉ vì... “phá gia chi tử”
Nguyễn Mại (1655 - 1720) là người làng Ninh Xá, huyện Chí Linh, Hải Dương. Năm 1691, ở tuổi 36, ông đỗ Hoàng Giáp (vị trí chỉ đứng sau Trạng Nguyên), và làm quan dưới triều vua Lê Hy Tông.
Lúc đầu, Nguyễn Mại làm quan ở bộ Lễ, sau được thăng chức Tả thị lang của bộ này. Ông được cử đi sứ nhà Minh, rồi làm Đốc trấn Cao Bằng, sau đổi về Đốc trấn Sơn Tây, cho đến cuối đời. Ông mất năm 1720, thọ 66 tuổi, được truy tặng chức Lễ bộ Thượng thư, tước Quận công (đời Lê Dụ Tông).
Sách Đại Nam nhất thống chí mô tả ông là người “có sức khỏe, có mưu lược, trộm cướp phải nín hơi, xét kiện sáng suốt, danh vọng rất cao”. Còn Khâm định Việt sử thông giám cương mục thì viết: “Mại là người khỏe mạnh, có mưu lược lại giỏi bắn cung và cưỡi ngựa”. Trong dân gian còn lưu truyền nhiều câu chuyện về việc xử án tài ba, xét đoán như thần của Nguyễn Mại.
Tài xử án như thần
Một hôm, quan Đốc trấn có việc đi qua làng Đông Ngạc (Từ Liêm, Hà Nội) chợt nghe thấy người đàn bà đang lớn tiếng chửi mất buồng chuối. Ông chợt nghĩ, lý dịch xưa nay không thấy ai để ý đến việc điều tra xét xử tội ăn cắp vặt nên tệ nạn này mới có cơ hoành hành. Nghĩ đoạn, ông tiến đến hỏi người đàn bà và phát hiện vết chặt trên cây chuối còn mới.
Đoán biết là kẻ trộm chỉ ở quanh đây, ông liền gọi lý trưởng đến, ra lệnh tất cả người làng ra vét ao đình. Trong khi mọi người đang hì hục làm, ông bảo lý trưởng đi mua trầu cau, phát cho mọi người ăn trong lúc nghỉ giải lao. Sau đó, ông sai mọi người rửa tay thật sạch, lên sân đình ngồi nghỉ.
Trong số các bàn tay đưa ra nhận trầu, Nguyễn Mại nhận thấy trên tay một người có vết bùn dù đã rửa, liền ra lệnh bắt ngay người đó. Quả nhiên đó là người ăn trộm chuối bởi nhựa chuối dính trên tay, ngâm xuống bùn thì dính bẩn và không thể rửa sạch ngay được. Chỉ qua vài câu xét hỏi, người này phải cúi đầu nhận tội, trả lại buồng chuối đã lấy và chịu nộp phạt trước dân làng.
Cảnh xử án thời xưa. Ảnh minh họa.
Lần khác, một lão nông ở huyện Tam Đái trình báo về việc con trâu bị kẻ gian cắt lưỡi sắp chết, xin được mổ.
Vào thời đó, để bảo đảm sản xuất, vua lệnh cho dân không được tự tiện giết trâu. Nếu nhà ai có trâu què, gầy yếu không cày bừa được thì phải trình báo lên huyện xin giết thịt, giết xong lại phải mang đầu trâu lên trình lần nữa để làm bằng. Ai vi phạm sẽ bị phạt nặng.
Cũng chính vì luật ấy mà nếu xảy ra những chuyện xích mích, người ta thường hại nhau bằng cách lén giết trâu rồi đi trình báo quan. Nếu quan xét xử không công minh thì sẽ để lại những vụ án "tình ngay lý gian", khiến người bị hại chịu oan uổng.
Qua một lúc trò chuyện, Nguyễn Mại nhận thấy đây là người nông dân thật thà chất phác, lại nghe kể về những va chạm trong làng, trong xóm, quan Đốc trấn cảm thấy có kẻ muốn hại lão nông. Nghĩ đoạn, ông bảo lão cứ về mổ trâu, lấy thịt đem bán, không cần báo lại quan huyện nữa.
Đúng như Nguyễn Mại lường đoán, ông lão vừa mổ xong thì huyện Tam Đái gửi ngay công văn kèm theo tờ đơn “Vừa ăn cướp vừa la làng” của tên đã hại ông lão về tội “tùy ý giết trâu mà không trình báo”. Ngay lập tức, Nguyễn Mại sai lính bắt người tố cáo giải lên công đường. Tên này sau một hồi chối quanh co đành khai nhận vì ghen ghét với ông lão nên lén giết trâu, sau đó thông đồng với tri huyện để "vừa ăn cướp vừa la làng", lại còn được lĩnh thưởng. Tri huyện Tam Đái cũng phải chịu phạt.
Sách Đăng khoa lục sưu giảng còn lưu lại câu chuyện Nguyễn Mại phân xử vụ tranh chấp màn giữa hai người đàn bà. Một lần Nguyễn Mại đi qua chợ Bảo Khám ở Gia Bình (Bắc Ninh), thấy người đàn bà mất màn (sách Hải Dương phong vật chí thì ghi là mất con gà) đang to tiếng chửi rủa. Có lẽ vì xót của mà bà ta lôi cả tam đời ngũ đại kẻ đánh cắp ra chửi. Nguyễn Mại nghe thấy bèn mắng người đàn bà này là ác khẩu, rồi sai tất cả người dân trong làng, cả già trẻ gái trai, đến vả vào má bà này.
Mọi người vì sợ lệnh quan mà miễn cưỡng chấp hành, nhưng vẫn thương hại bà mà giơ cao đánh khẽ. Thế nhưng, có một người lại ra sức tát mạnh. Nguyễn Mại lập tức cho bắt lại và tra hỏi. Quả nhiên đó chính là thủ phạm, vì bị chửi rủa mà căm phẫn bất bình.
Một lần khác khi đang vi hành qua chợ Sơn Tây, ông thấy hai người đàn bà đang giành nhau tấm lụa. Trước đám đông, cả hai đều lớn tiếng nhận là lụa của mình và đổ cho người kia ăn cắp. Ông bèn tiến vào giữa, xưng là quan đốc trấn và phân xử xé đôi tấm lụa cho mỗi người một nửa.
Sau đó, một người cầm mảnh lụa vui vẻ rời đi, còn người kia vẫn quỳ đó mà khóc lóc kêu than. Lúc ấy, Nguyễn Mại mới cho lính đuổi theo người đàn bà thứ nhất, bắt về trại giam, đồng thời lấy lại nửa tấm lụa trả cho người đàn bà đang ngồi khóc.
Ông nói: “Phàm chỉ có người làm ra tấm lụa mới biết trân trọng, tiếc công sức của mình. Còn kẻ chỉ biết hưởng công sức người khác thì mới hí hửng nhường ấy”.
Một lần khác, ở ngôi chùa lớn vùng Sơn Tây, các tăng ni về tụ hội rất đông, lại xảy ra vụ mất trộm. Nhà sư trụ trì liền phái người đến dinh quan Đốc trấn trình báo và xin phân xử giúp. Không chậm trễ, Nguyễn Mại đến tận nơi xem xét và thấy vật bị mất là vật chỉ những người trong giới tu hành mới cần dùng đến. Hơn nữa, vật cũng chỉ mất khi các tăng ni đến đây đông, nên không thể có kẻ gian là người ngoài giới tu hành lọt vào.
Nghĩ đoạn, ông liền cho tập hợp tất cả tăng ni lại, bảo họ trồng cây phướn lớn và đốt hương. Sau đó, ông phát cho mỗi người một viên tràng hạt, bảo rằng: “Đây là tràng hạt lấy từ đền Sòng lại đã được niệm chú, nên nếu ai để rơi mất, ắt sẽ bị liên lụy đến tính mạng”.
Ông bảo các tăng ni đi vòng quanh cây phướn và lò hương, vừa đi vừa tụng kinh và giữ lấy viên tràng hạt. Bản thân ông thì đứng ở thềm chùa, tay chắp miệng lẩm bẩm như thể đang tụng kinh, nhưng mắt lại chú ý quan sát tăng ni đang dạo quanh cây phướn.
Nguyễn Mại nhận thấy một ni cô cứ thỉnh thoảng lại giở viên tràng hạt ra xem, và cử chỉ có phần như giấu giếm. Lập tức, ông bảo mọi người dừng cả lại, rồi ra lệnh bắt ni cô kia. Sau khi ông trực tiếp xét hỏi, người ấy thú nhận là kẻ trộm.
Tài năng cảm hóa lòng người
Thành cổ Sơn Tây tháng 4/1884. Ảnh: Wikipedia
Thời còn làm Đốc trấn Cao Bằng, Nguyễn Mại thường xuyên phải đối phó với nạn trộm cướp từ giặc phỉ sang cướp phá. Nguyễn Mại suy xét kỹ thì thấy đám giặc phỉ này thực chất chỉ là nông dân nghèo, vì quá đói kém nên mới sinh trộm cướp.
Ông sai quan quân dàn trận bắt sống cả lũ nhưng không hề xét xử, cũng không hề báo cho quan lại. Việc duy nhất ông làm là thả chúng về. Ít lâu sau, giặc phỉ lại tràn sang. Ông bắt rồi lại thả về, thậm chí còn cấp lương cho ăn dần.
Nguyễn Mại bắt rồi thả đám giặc phỉ tổng cộng ba lần. Kể từ đó, trấn Cao Bằng không còn chịu nạn giặc phỉ sang cướp phá nữa.
Một lần khác, khi làm Đốc trấn Sơn Tây, nơi ông làm việc bất ngờ bị cháy. Đám cháy lớn lan nhanh sang cả nhà ngục bên cạnh, nơi đây nổi tiếng giam giữ những tên đầu trộm đuôi cướp, lưu manh của cả trấn.
Lúc này, Nguyễn Mại ra một quyết định đầy nguy hiểm là sai người mở khóa thả toàn bộ tù nhân ra. Ông sợ nếu cứ để họ trong đó, tất cả sẽ chết cháy. Khi đó những tên này hoàn toàn có thể chạy trốn, nhưng không ai bảo ai, mọi người ở lại chuyền tay nhau từng gáo nước dập lửa. Sau đó, tất cả trở về trại giam không sót một ai. Tài đức của Nguyễn Mại khiến cả trộm cướp cũng phải thán phục như thế.
Cuộc đời bi thảm và cái chết bí ẩn
Nguyễn Mại có hai con trai sinh đôi. Năm 16 tuổi, cả hai đều đỗ Hương cống nhưng chẳng may mắc phải nạn dịch nên đều chết. Ông rất đau buồn nhưng không vì thế mà bỏ bê công việc, giữ gìn gia phong và xét xử các vụ án công minh.
Dù là người thanh liêm chính trực, nhưng cuối đời Nguyễn Mại lại chịu nhiều oan khiên và chết trong bí ẩn. Có tài liệu nói là vì mạo phạm can gián chúa Trịnh mà ông bị ám sát khi còn đương chức. Người con trai thứ ba đưa linh cữu cha về an táng tại quê nhà. Tuy nhiên, ngay cả khi nằm xuống, vị quan thanh liêm này vẫn không tránh khỏi tai ương.
20 năm sau khi Nguyễn Mại mất, năm 1740, nông dân vùng Chí Linh nổi dậy, tập hợp nghĩa quân chống lại triều đình vì không chịu nổi áp bức. Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa là anh em Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển, hai cháu nội của Nguyễn Mại.
Chúa Trịnh sai quân đi đánh dẹp vùng Chí Linh. Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển bị bắt, quy kết tội làm phản nên chịu tội chém đầu, tru di tam tộc. Mồ mả họ hàng nhà hai ông bị xâm phạm, trong đó có cả mộ Nguyễn Mại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách
CLIP: Sóc nhỏ "chơi khăm" linh miêu và cái kết đầy bi thảm
Cột tin quảng cáo