Khám phá

Cơ thể con người khi còn sống thật sự phát sáng và ánh sáng ấy biến mất khi chúng ta chết

DNVN - Một nghiên cứu mới gây sửng sốt từ Canada phát hiện: sinh vật sống – bao gồm cả con người – có thể phát ra ánh sáng nhìn thấy được, và ánh sáng ấy tắt ngấm khi sự sống chấm dứt.

CLIP: Rắn Vua tung đòn hiểm, hạ gục “ông trùm” nọc độc chỉ trong tích tắc / UFO bị cáo buộc xâm nhập không phận Mỹ và can thiệp vào khả năng tấn công hạt nhân

Theo một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí The Journal of Physical Chemistry Letters, các nhà khoa học tại Đại học Calgary và Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Canada đã ghi nhận hiện tượng phát sáng cực yếu – hay còn gọi là “biophoton” – từ cơ thể chuột và lá cây. Đặc biệt, ánh sáng này giảm rõ rệt sau khi sinh vật chết đi, hé lộ một bí ẩn sinh học mà khoa học hiện đại đang dần khám phá.

Hiện tượng phát sáng từ sinh vật sống từng bị coi là phần rìa của khoa học, gắn với những khái niệm gây tranh cãi như “hào quang” hay “năng lượng sinh học”. Tuy nhiên, bằng thiết bị ghi hình cực nhạy, nhóm nghiên cứu đã phát hiện những photon cực yếu – ánh sáng trong vùng khả kiến – phát ra từ tế bào sống, và gần như biến mất sau khi sự sống chấm dứt.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Để kiểm nghiệm điều này, họ đã đặt bốn con chuột trong hộp tối, ghi hình trong một giờ trước và sau khi chúng bị gây chết. Kết quả: số photon phát ra giảm rõ rệt sau khi chuột qua đời – bất chấp nhiệt độ cơ thể được giữ ổn định để loại trừ yếu tố nhiệt.

Các nhà nghiên cứu còn thử nghiệm với lá cây cải Arabidopsis và cây ngũ gia bì lùn. Khi làm tổn thương lá bằng cắt và hóa chất, họ phát hiện những vùng bị thương phát sáng mạnh hơn hẳn so với vùng lành – và hiện tượng này kéo dài suốt 16 giờ ghi hình.

Theo các nhà khoa học, thủ phạm đứng sau ánh sáng này có thể là các gốc oxy phản ứng (ROS) – những phân tử được sinh ra khi tế bào chịu stress từ nhiệt độ, hóa chất, hay thiếu dưỡng chất. Những ROS này có thể gây ra phản ứng khiến electron “nhảy vọt”, giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng yếu.

Nếu ánh sáng này thực sự phản ánh mức độ stress hay tổn thương của tế bào, thì việc đo UPE (Ultraweak Photon Emission) có thể trở thành một công cụ chẩn đoán mạnh mẽ, không cần xâm lấn – từ y học, nông nghiệp cho đến nghiên cứu vi sinh.

 

“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rõ sự khác biệt giữa cơ thể sống và đã chết thông qua tín hiệu ánh sáng,” nhóm nghiên cứu khẳng định.

Dù cần thêm nhiều nghiên cứu để hiểu rõ cơ chế và tiềm năng ứng dụng, kết quả này mở ra một khả năng hấp dẫn: cơ thể sống có thể "phát sáng" theo đúng nghĩa đen – một biểu hiện âm thầm nhưng trung thực của sức khỏe.

Và khi sự sống kết thúc, ánh sáng ấy cũng dần tắt đi – như một lời chia tay thầm lặng từ bên trong chính tế bào của chúng ta.

Như Ý (Science Alert)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm