Khám phá

Cửa giả của người Ai Cập: Cánh cổng sang thế giới bên kia

Cửa giả trong các đền thờ và lăng mộ của người Ai Cập cổ đại đóng vai trò như một lối đi tưởng tượng sang thế giới bên kia. Các vị thần hoặc linh hồn của người đã chết có thể đi qua cánh cửa này để nhận lễ vật hoặc đồ cúng.

Xác ướp Ai Cập và những điều bí ẩn không phải ai cũng biết / Cấu trúc kỳ bí nghi của người ngoài hành tinh trên sa mạc Ai Cập

Một cánh cửa giả có niên đại vào năm 2.400 trước Công nguyên. Ảnh: Sharron Mollerus.
Một cánh cửa giả có niên đại vào năm 2.400 trước Công nguyên. Ảnh: Sharron Mollerus.

Cửa giả là gì?
Cửa giả là một trong những đặc điểm kiến trúc phổ biến nhất trong các khu lăng mộ của người Ai Cập cổ đại, chủ yếu là các ngôi mộ hoàng gia, bắt đầu từ thời kỳ Cổ Vương quốc Ai Cập (Egypt’s Old Kingdom). Cửa giả xuất hiện lần đầu tiên trong những ngôi mộ Mastaba [loại mộ cổ hình chóp cụt] thuộc Vương triều thứ ba và được sử dụng rộng rãi trong các ngôi mộ thuộc Vương triều thứ tư đến thứ sáu.
Cửa giả thường được làm từ một tảng đá vôi nguyên khối, đôi khi được sơn màu đỏ với các đốm đen. Hình dạng của nó trông giống một cánh cửa thật có khung bên ngoài nhưng dài và hẹp hơn, ví dụ như cửa giả trong ngôi mộ của Sean Khui Ptah nằm ở khu nghĩa trang Teti tại Saqqara, Ai Cập. Tuy nhiên, trong lăng mộ của Hesire [bác sĩ của Pharaoh Djoser] và nhiều người khác, cửa giả có thể thể làm bằng gỗ. Cửa giả gần như lúc nào cũng nằm cố định một chỗ. Nhưng trong một số trường hợp hiếm hoi, chúng có thể dịch chuyển được.
Hình thức ban đầu của cửa giả chỉ là một hốc tường nhỏ hướng về phía Tây. Sau đó, người Ai Cập cổ đại đục đẽo thêm một hình vuông hoặc hình chữ nhật ở phía trên – nơi họ tin rằng các thần linh hoặc người thân đã chết sẽ hiện lên để nhận đồ cúng. Hai bên mép cửa đá và lanh tô [bộ phận nằm trên khung cửa có tác dụng đỡ mảng tường gạch phía trên] là nơi người Ai Cập viết chữ tượng hình.
Trong thời gian gần 150 năm cai trị của các pharaoh thuộc Vương triều thứ sáu bao gồm Pepi I, Merenre và Pepi II, cửa giả đã trải qua một loạt sự thay đổi thiết kế và bố cục. Dựa vào đó, các nhà sử học có thể xác định niên đại nhiều ngôi mộ dựa vào đặc điểm của những cánh cửa giả.
Sau Thời kỳ Trung gian Đầu tiên (First Intermediate Period), sự phổ biến của cánh cửa giả trong các lăng mộ giảm dần. Trong thời kỳ Tân Vương quốc Ai Cập (New Kingdom), cửa giả trở nên đơn giản hơn, chỉ là hình vẽ trên bề mặt phẳng của một bức tường hoặc tấm bia có khắc chữ tượng hình. Đôi khi, cửa giả được vẽ trên các mặt của quan tài đá.
Một ngôi mộ có thể bao gồm hai cánh cửa giả, một cho chủ sở hữu ngôi mộ và cái còn lại cho vợ hoặc chồng của người này. Ngoài ra, trong vài trường hợp mộ chung của đại gia đình, mỗi thành viên đều có cánh cửa giả của riêng họ.

Cổng kết nối với thế giới bên kia
Đối với người Ai Cập cổ đại, cửa giả được xem là cửa ngõ nối liền thế giới của người sống và thế giới của người chết. Họ tin rằng, linh hồn người thân đã mất có thể đi qua cánh cửa này để nhận lễ vật hoặc đồ cúng.
Cửa giả thường nằm trên bức tường phía tây của phòng chính trong nhà nguyện, hoặc phòng thờ. Nó được trang trí tỉ mỉ, ghi tên và chức tước của chủ sở hữu ngôi mộ. Nội dung chữ tượng hình trên cửa giả cũng đề cập đến các lễ vật dành cho người đã khuất. Đôi khi, đó là một lời nguyền nhằm bảo vệ xác ướp và hành trình tâm linh của họ sau khi qua đời. Bất kỳ ai dám bước vào hoặc làm xáo trộn ngôi mộ của xác ướp, sẽ gặp những điều xui xẻo và khó tránh khỏi cái chết. Tuy nhiên, những người có ý tốt đến dâng đồ cúng sẽ được ban phước lành.
Ví dụ, cánh cửa giả trong lăng mộ của Redi-ness tại Giza (Ai Cập) ghi chép những điều sau đây: “Tôi không bao giờ muốn làm hại bất kỳ ai. Nhưng người nào dám xâm phạm đến nơi yên nghỉ của tôi thì sẽ bị các vị thần trừng phạt.”
Bức tượng có kích thước như người thật đang bước qua cánh cửa giả. Ảnh: Wikmedia
Bức tượng có kích thước như người thật đang bước qua cánh cửa giả. Ảnh: Wikmedia

Trong vài ngôi mộ, người ta còn tạo ra những bức tượng có kích thước như người thật đang bước ra khỏi trung tâm của cánh cửa giả. Hai bên cánh cửa có vẽ hai người hầu đi cùng để thể hiện địa vị cao quý của họ.
Thông thường, trước cánh cửa giả sẽ có một chiếc bàn bằng đá – nơi đặt đồ cúng cho người đã chết. Đồ cúng có thể là thức ăn thật sự hoặc thực phẩm tượng trưng được khắc trực tiếp trên bàn như bánh mì, bia, thịt gà, bò…
Hiện nay, cửa giả là một trong những nét kiến trúc độc đáo của người Ai Cập cổ đại được quan tâm và nghiên cứu. Mặc dù nhiều cánh cửa giả vẫn tồn tại nguyên vẹn trong các khu lăng mộ, nhưng có một số ít bị gỡ bỏ và trưng bày trong các bảo tàng khác nhau trên thế giới.
Cửa giả bên ngoài Ai Cập
Ai Cập không phải là nơi duy nhất có thể tìm thấy những cánh cửa giả kỳ lạ. Năm 1996, hướng dẫn viên du lịch Jose Luis Delgado Mamani tình cờ phát hiện một cổng đá cao 7m, rộng 2m ở vùng núi Hayu Marca, cách thành phố Puno của Peru khoảng 35 km. Nó được đặt tên là “Cổng thần”, hoặc “Cánh cổng của các vị thần”. Theo truyền thuyết, nếu ai bước qua cánh Cổng thần sẽ trở nên bất tử. Người da đỏ bản địa cho rằng, những anh hùng vĩ đại trong quá khứ đã vượt qua cánh cổng này để vào vùng đất của các vị thần và hưởng cuộc sống sung túc vĩnh viễn.
Cổng thần ở Peru. Ảnh: Alamy
Cổng thần ở Peru. Ảnh: Alamy

Ngoài Cổng thần ở Peru, còn rất nhiều công trình cổ xưa được cho là cánh cổng dẫn tới những thế giới khác. Ví dụ: vòng tròn đá Stonehenge ở Anh; Cổng Mặt trời ở Tiahuanaco, Bolivia; Cổng Ngôi sao ở Sri Lanka, ...
Vào tháng 1 năm 2018, các nhà khảo cổ phát hiện một cánh cửa giả trong ngôi mộ của người Hy Lạp tại di chỉ khảo cổ Al-Abd ở Alexandria. Tiến sĩ Ayman Ashmawy, chuyên gia nghiên cứu cổ vật của người Ai Cập, nói rằng cánh cửa giả trong trường hợp này có vai trò đánh lừa những tên trộm, khiến họ không thể tìm thấy cánh cửa thực sự của ngôi mộ.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm