Khám phá

Cuộc Chiến tranh "trứng" đầy kịch tính ở California

Khi Cơn sốt Vàng đưa người định cư nườm nượp đổ tới San Francisco, một trận chiến khác đã nổ ra, cuộc chiến xung quanh thứ thực phẩm bổ dưỡng và tiện lợi bậc nhất: trứng.

Khoa học lật tẩy những mánh khóe được sử dụng trong ảo thuật mà người xem dễ bị qua mắt / Top 10 thung lũng đẹp kỳ ảo đến khó tin

Việc phát hiện ra vàng tại Sutter’Mill từ năm 1848 đã kích hoạt một trong những cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Từ năm 1848 đến 1855, khoảng 300.000 người săn tìm vận may đã đổ về bang California từ khắp nơi trên thế giới với hy vọng tìm thấy vàng.
Tranh vẽ một nhóm đãi vàng ở California giữa thế kỷ 19. Ảnh: Getty Images
Tranh vẽ một nhóm đãi vàng ở California giữa thế kỷ 19. Ảnh: Getty Images

Tàu bắt đầu kéo vào vịnh San Francisco, đẩy tới đây làn sóng vô tận những người tìm vàng, thương lái và cả những kẻ gây rối. Là cửa ngõ của các mỏ vàng, San Francisco trở thành thành phố phát triển nhanh nhất thế giới. Trong vòng 2 năm kể từ khi phát hiện vàng năm 1848, dân số của San Francisco đã tăng vọt từ khoảng 800 người đến hơn 20.000, với hàng trăm ngàn thợ mỏ đi qua thành phố mỗi năm trên đường đến các cánh đồng vàng.

Sự tăng trưởng dân số quá nhanh đã gây sức ép lớn lên ngành nông nghiệp quy mô khiêm tốn khi đó. Nông dân vật lộn để cung cấp thực phẩm cho những thợ mỏ đói khát, khiến giá lương thực tăng vọt. Trứng gà đặc biệt khan hiếm và có giá lên tới 1 USD/quả, tương đương với 30 USD ngày nay.

“Khi San Francisco lần đầu tiên trở thành một thành phố, tiếng kêu than không ngừng ở nơi đây là vì trứng”, một nhà báo nhớ lại vào năm 1881. Tình hình trở nên trầm trọng đến nỗi các cửa hàng tạp hóa bắt đầu đặt quảng cáo “săn lùng trứng”. Một quảng cáo năm 1857 trên tạp chí Hạt Sonoma có nội dung: “Cần nhất. Bơ và trứng, trả giá cao nhất”.

Cuộc săn lùng trứng đã thu hút các thương nhân chú ý tới một nơi bất thường: đó là quần đảo Farallons nằm cách cầu Cổng vàng khoảng 40km.

 

Quần đảo không có người ở này từ lâu đã trở thành chỗ trú ẩn của các loài chim biển và động vật có vú sống ở biển. Farallones có một đặc điểm thu hút những người San Francisco hung dữ vì đói. Đây là nơi những đàn chim biển lớn nhất làm tổ ở Mỹ. Mỗi mùa xuân, hàng trăm ngàn con chim đáp xuống những vách đá lởm chởm, đẻ ra những quả trứng đủ màu sắc và kích cỡ.

Chú thích ảnh
Người đi lượm trứng trên những vách đã lởm chởm ở quần đảo Farallones. Ảnh: Wikicommons

Vào năm 1849, một dược sĩ tên là Robinson đã ấp ủ một kế hoạch kiếm lợi từ tình cảnh thiếu trứng của dân săn vàng. Anh ta và người anh rể của mình đi thuyền đến quần đảo Farallones và tha hồ nhặt trứng từ khu vực làm tổ của đàn chim. Mặc dù mất một nửa số số trứng lấy được trong chuyến đi biển thô sơ trở lại San Francisco, hai anh em đã bỏ túi 3.000 USD với số trứng còn lại.

Sau chuyến đi hút chết, Robinson thề sẽ không bao giờ quay trở lại đảo. Nhưng ngón làm ăn của họ lan đi rất nhanh và gần như "chỉ sau một đêm", các hòn đảo đã lổm ngổm những kẻ lượm trứng.

Để tìm được những tổ chim đẻ trứng mới, những người săn trứng vừa phải tranh giành nhau những tảng đá nham nhở, những vách đá cheo leo, vừa chống đỡ những đám mây dày đặc mòng biển hung hãn. Ngay cả với sự trợ giúp của những loại dây thừng và móng tay giả, tai nạn xảy ra thường xuyên. Nhiều người chết thảm vì rơi từ những vách đá xuống.

Những quả trứng của loài chim biển murre được săn tìm nhiều nhất. Chúng có lớp vỏ hình quả lê dày, với những vết lốm đốm như dấu vân tay. Quan trọng nhất là trứng murre có thể ăn được như trứng gà, nhưng kích thước lớn gấp đôi. Đó là một sự thay thế hoàn hảo. Kết quả là khoảng 14 triệu quả trứng đã được đưa về San Francisco từ năm 1849 đến 1896.

 

Trứng là nguồn cung cấp protein quan trọng cho những người tìm vàng và họ sẵn sàng trả giá cao. Nó trở thành một “loại vàng” thứ hai trong Cơn sốt vàng ở miền Tây Mỹ. Với những quả trứng murre được bán với giá 1 USD/tá, ngành “công nghiệp” săn trứng trở nên quá béo bở và không còn chỗ cho cạnh tranh thân thiện. Mộc cuộc chiến tranh trứng nhanh chóng nổ ra.

Với tâm lý chiếm hữu đất đai ở thời đó, 6 người đàn ông đã đi đến quần đảo Farallone vào năm 1851 và tuyên bố sở hữu nơi này. Họ thành lập Công ty Trứng Thái Bình Dương và tuyên bố độc quyền đối với những khu vực chim làm tổ trên quần đảo. Tuyên bố độc quyền của họ đã lập tức bị thách thức kịch liệt bởi những kẻ săn trứng đối thủ, trong đó có một nhóm ngư dân Italy đã được cấp phép tiếp cận các hòn đảo.

Trong một động thái làm phức tạp vấn đề hơn nữa, vào năm 1859, Chính phủ liên bang tuyên bố kiểm soát hòn đảo để xây dựng một ngọn hải đăng. Tất cả những tuyên bố mâu thuẫn này liên quan đến một cuộc tranh giành quyền lực tàn khốc kéo dài hàng thập kỷ đối với quần đảo Farallones.

Chú thích ảnh
Những người thu gom trứng chim trên quần đảo. Ảnh: Wikicommons

Mùa chim đẻ trứng ngày càng trở nên dữ dội. 8 tuần từ giữa tháng Năm và tháng Bảy đã biến thành cuộc giao chiến thường niên với hải quân, còn được gọi là cuộc Chiến tranh Trứng. Cuộc chiến không chỉ giới hạn ở các đảo, hay việc thuyền vận chuyển trứng bị cướp thường xuyên, mà đã xảy ra nhiều cuộc chạm trán chết chóc bằng đại bác giữa các bên.

Căng thẳng tích lũy đã bùng nổ thành một cuộc hỗn chiến toàn diện vào năm 1863. Mùa xuân năm đó, một đội quân ngư dân Italy dưới sự chỉ huy của David Batchelder đã mở nhiều đợt tấn công để chiếm lấy Farallones. Vào tối ngày 3/6/1863, ngư dân Italy đi thuyền đến Farallones, và chạm trán một nhóm nhân viên vũ trang của Công ty Trứng Thái Bình Dương. Hai bên giao chiến dữ dội bằng súng và đại bác, kết quả là khi người Italy rút lui, một nhân viên của Công ty Trứng Thái Bình Dương thiệt mạng và ít nhất 5 người chèo thuyền bị thương; một trong số họ bị bắn xuyên họng và chết vài ngày sau đó.

 

Trận chiến khủng khiếp đã gây sốc cho chính phủ. Thay vì cấm hoàn toàn việc săn trứng, họ đã trao cho Công ty Trứng Thái Bình Dương độc quyền về thương mại. Do đó, cuộc tranh giành vẫn tiếp tục trong nhiều thập kỷ sau đó, tàn phá lãnh thổ của các loài chim biển.

Các thỏa thuận ngừng bắn chỉ diễn ra ngắn ngủi. Sự giận dữ lại bùng lên vào năm 1879, sau khi Công ty Trứng Thái Bình Dương bắt đầu chế biến mỡ hải cẩu và sư tử biển thành dầu, một quá trình khủng khiếp liên quan đến các thùng phi sôi sùng sục và núi xác động vật hôi thối. Phải đến năm 1881, quân đội Mỹ mới trục xuất Công ty Trứng Thái Bình Dương khỏi các đảo.

Ngày nay, quần đảo Farallones là một khu bảo tồn chim biển phong phú, mặc dù vẫn đang cần phục hồi quần thể cá mòi. Cuộc chiến Trứng có thể đã phai mờ trong ký ức cộng đồng, nhưng những hậu quả của nó thì tiếp tục định hình cuộc sống trên quần đảo này suốt hơn một thế kỷ sau đó.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm