Cuộc đào thoát của điệp viên phản bội Stanislav Levchenko
Bi thảm số phận “điệp viên 007” của Liên Xô (kỳ 1) / Bi thảm số phận “điệp viên 007” của Liên Xô (kỳ 2)
Năm 1966, sau khi tốt nghiệp đại học, Levchenko được KGB tuyển dụng. Tuy nhiên để làm tốt công tác điệp báo ở nước ngoài, trước khi được huấn luyện nghiệp vụ tình báo, Levchenko được lệnh quay trở lại Đại học Moksva học tiếp ngành báo chí và ngoại ngữ. Mãi đến năm 1968, Levchenko mới chính thức làm việc cho KGB tại Ban Đông Á. Năm 1969, do yêu cầu công tác, Levchenko được điều chuyển làm việc cho Cơ quan Tình báo quân đội Liên Xô (GRU) và đến năm 1971 mới được trả trở lại cho KGB.
Năm 1972, Levchenko được điều động đến hoạt động tại Nhật dưới lốt phóng viên thường trú của tạp chí Nước Nga Thời mới (Novoye Vremya). Lúc đó tạp chí này vừa được phép thành lập văn phòng đại diện tại thủ đô Tokyo với mục đích quảng bá hình ảnh nước Nga ở Nhật. Nhiệm vụ của Levchenko là thông qua quan hệ công tác tìm cách thâm nhập sâu vào các tầng lớp xã hội của nước Nhật để thu thập thông tin, nhất là những thông tin nhạy bén liên quan đến an ninh, quốc phòng, tình báo của Nhật và Mỹ, tuyển dụng nhiều giới chức trong xã hội làm cộng tác viên và nội gián. Không những hoạt động trên địa bàn thủ đô Tokyo mà Levchenko còn mở rộng mạng lưới đến nhiều thành phố khác như Kobe, Osaka, Nagoya và nhất là tại các thành phố có hiện diện căn cứ quân sự của Mỹ như Sapporo, Yokohama, đảo Honshu và đảo Okinawa.
Nhờ hoạt động hiệu quả và rộng khắp nên mạng lưới điệp báo do Levchenko thiết lập đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng liên quan đến hoạt động của Hải quân và Không quân Mỹ phục vụ tại chiến trường Đông Dương, các hoạt động do thám trên không và trên biển phối hợp giữa quân đội Nhật và quân đội Mỹ tại Đông Á. Cho đến khi phản bội lại tổ chức vào tháng 10/1979, Levchenko đã sử dụng hiệu quả mạng lưới điệp báo của mình với sự cộng tác, hợp tác của hàng trăm người bao gồm đủ thành phần trong xã hội Nhật.
Tuy nhiên, Levchenko lại có thói xấu là nghiện rượu và đam mê cờ bạc. Để có tiền phung phí cho các tật này, Levchenko đã tìm cách bòn rút tiền bạc từ ngân sách của tổ chức thông qua việc cấp kinh phí hoạt động của văn phòng đại diện tạp chí Novoye Vremya ở thủ đô Tokyo. Levchenko đã lập danh sách ma những điệp viên nội gián được tuyển dụng và phải thanh toán tiền để mua thông tin và những khoản chi bất minh trong quan hệ công tác... Việc làm quá quắt này của Levchenko đã khiến KGB nghi ngờ và phái người bí mật giám sát. Và khi thu thập được chứng cứ về hành vi của Levchenko, KGB quyết định triệu hồi ông ta về lại Liên Xô để điều tra. Hình như đánh hơi được việc sẽ bị trừng phạt về việc làm sai trái của mình nên Levchenko quyết định đào thoát.
Sáng ngày 11/10/1979, Sứ quán Mỹ tại thủ đô Tokyo ngạc nhiên vì một người đàn ông tự xưng là điệp viên KGB muốn đầu thú với phía Mỹ. Sau khi kiểm tra và biết chắc đó là một điệp viên KGB thật sự đang hoạt động nằm vùng tại Nhật, Karl Kloser, phụ trách chi nhánh của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại Tokyo, đội lốt tùy viên quân sự của Sứ quán Mỹ, liền báo cáo với trụ sở CIA ở Langley, bang Virginia, Mỹ. Đến trưa cùng ngày, theo đề nghị của CIA, Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận cho Levchenko hưởng quy chế tị nạn đặc biệt. Vài ngày sau khi được đưa về Mỹ, Levchenko bắt đầu khai báo về hoạt động tình báo của mình và của KGB tại Nhật, trong đó quan trọng nhất là việc Levchenko đã cung khai danh tính của 200 điệp viên nội gián, cộng tác viên người Nhật được KGB tuyển dụng từ năm 1972 đến năm 1979, trong đó có những nhân vật tên tuổi như Hirohide Ishida, thành viên ban lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Lao động trong nội các chính phủ của Thủ tướng Takeo Miki. Ngoài ra còn có Seiichi Katsumata, Chủ tịch đảng Xã hội, Takuji Yamane, phụ trách biên tập của báo Sankei Shimbum...
Từ các thông tin được cung cấp bởi Levchenko, CIA đã phối hợp với tình báo và phản gián Nhật mở một chiến dịch sàng lọc, truy bắt quy mô nhằm phá mạng lưới hoạt động tình báo của KGB tại Nhật khiến tổ chức tình báo này không chỉ bị thiệt hại nặng mà còn khiến chính trường Nhật lâm vào khủng hoảng. Quan hệ ngoại giao giữa Nhật và Liên Xô trở nên xấu đi một cách nghiêm trọng vì những tố cáo qua lại lẫn nhau. Đây cũng chính là lý do khiến Levchenko bị một tòa án đặc biệt mở ra tại thủ đô Moksva tuyên án tử hình vắng mặt về tội phản bội Tổ quốc vào năm 1981. Và để thi hành bản án này, KGB đã ra lệnh cho hai vợ chồng điệp viên nằm vùng tại Mỹ là Svetlana và Nikolai Ogorodnikov bằng mọi giá phải bắt giữ Levchenko đưa về Liên Xô xét xử.
Vào thời kỳ đó, Svetlana và Nikolai dưới lốt hai vợ chồng người Ukraina đến Mỹ định cư vào năm 1973, mở một cửa hàng bán văn hóa phẩm, cho thuê phim tại thành phố Los Angeles, bang California, để làm địa điểm chuyển giao thông tin, mệnh lệnh của các điệp viên KGB nằm vùng. Tuy là vợ nhưng Svetlana lại là cấp trên của Nikolai và mang quân hàm thiếu tá KGB. Chấp hành mệnh lệnh của tổ chức, cặp vợ chồng điệp viên nằm vùng này tổ chức săn tìm Levchenko khắp nơi, kể cả việc tuyển dụng một đặc vụ trong Đơn vị Phản gián của Cục Điều tra liên bang (FBI) tên Richard Miller để truy bắt Levchenko.
Tuy nhiên biết rằng Levchenko sẽ bị săn tìm về tội phản bội Tổ quốc nên CIA đã giấu biệt gã điệp viên đào thoát này. Có thể Levchenko đã được giải phẫu gương mặt và sống dưới một cái tên giả cùng một lý lịch mới ở đâu đó trên lãnh thổ Mỹ. Đến năm 1986, cùng với việc phát hiện hành vi phản bội của Richard Miller, FBI đã bắt giữ cả hai vợ chồng điệp viên nằm vùng Svetlana và Nikolai Ogorodnikov.
Năm 1999, 9 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Levchenko mới bắt đầu lộ diện với việc cho xuất bản cuốn sách có tựa đề “On the Wrong Side: My Life in the KGB”. Đánh giá về quyển sách, các chuyên gia tình báo quốc tế cho rằng Levchenko đã thổi phồng quá mức những yếu kém của KGB, tổ chức tình báo mà ông ta và cha mình từng phục vụ, chỉ để đánh bóng tên tuổi của mình, một kẻ đào thoát đã phản bội lại tổ chức
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Chân dung Tổng thống trẻ tuổi nhất thế giới ghi tên vào Sách kỷ lục Guinness, đắc cử sau khi đảo chính thành công
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Lão nông nhặt được viên đá đen, sau đó tìm thấy 'kho báu' hơn 347.000 tỷ đồng